Đi lễ chùa đầu năm cầu khấn như thế nào để được như ý?

Đầu xuân năm mới, người dân Việt thường đi lễ chùa với mong cầu năm tới được bình an, may mắn, tài lộc dồi dào. Tuy nhiên, không phải ai đến chùa đầu năm cầu khấn cũng sẽ được như ý.
Theo Cô Phạm Thị Yến – Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng – Tập Tu Lục Hòa chùa Ba Vàng, việc đến chùa để cầu mong những điều tốt đẹp là có thể được. Nhưng đến chùa cầu khấn thế nào để được toại ý nguyện? Mời quý đạo hữu cùng theo dõi bài viết dưới đây qua chia sẻ của Cô Chủ nhiệm.

Quan niệm về việc cầu tài lộc ở chùa

Có quan niệm cho rằng, đến chùa để cầu của cải vật chất, tài lộc là không đúng. Có thể do họ cho rằng, cầu như vậy là có tâm tham lam. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu, chúng ta đi chùa đều cầu mong những điều tốt đẹp đến với mình, kể cả cầu vật chất.

Lại có quan niệm cho rằng, chùa là nơi đệ tử Phật tu hành xả bỏ trần gian tức xả bỏ tham, sân, si. Vậy nên cầu khấn ở chùa sẽ không mang lại tài lộc. Đúng là người đệ tử Phật sẽ tu tập xả bỏ tham, sân, si nhưng tùy theo cấp độ tại gia hay xuất gia mà xả tham, sân, si khác nhau. Người đệ tử Phật tại gia làm giàu khác với tham, tham là lấy thứ không phải của mình.

Trong kinh, Đức Phật dạy: Các chúng chư Thiên, chư Thần hộ trì Tam Bảo, hộ trì cho giáo Pháp của Phật rất đông và có oai lực rất lớn. Những người Phật tử tại gia có tâm cung kính Phật – Pháp – Tăng đều được các vị chư Thiên, Thiện Thần hộ trì, khiến công việc làm ăn được tốt đẹp, kết duyên được với những người thiện để được lợi ích. Cho nên, đi chùa cầu tài, cầu lộc là điều có thể được.

Như vậy, việc đến chùa để mong cầu những điều tốt đẹp cho mình và gia đình là đúng. Tuy nhiên, không phải mong cầu nào cũng thành hiện thực. Vậy cầu khấn như nào để được linh ứng? Mời quý đạo hữu cùng tìm hiểu cách cầu khấn và những lưu ý khi đến chùa sau đây.

Cầu khấn khi đi lễ chùa đầu năm thế nào để được như ý?

Cách hướng tâm

Việc đến chùa cầu tài lộc có thể được thành tựu, tuy nhiên chúng ta cần có tâm cung kính đến Tam Bảo thì mới có phước báo để hồi hướng cho mong nguyện của mình.

Chúng ta có thể cầu khấn khi đi chùa và hướng tâm như sau: “Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Đệ tử con tên là:… ở tại… Hôm nay, con đến chùa với tâm cung kính Phật, cung kính Pháp, cung kính chư Tăng bổn tự (tức chư Tăng tại chùa), con có nén hương dâng cúng Phật, hoa quả cúng dường Tăng (tùy từng người). Đây là tâm chân thật của con. Con xin nhờ phước báo cung kính, cúng dường Tam Bảo, cúng dường Tăng này mà con được… (nói ra mong cầu của mình). Con xin các vị chư Thiên, Thiện Thần, Hộ Pháp ủng hộ cho con, khiến các việc con mong cầu sớm được thành tựu”.
Việc đi chùa để cầu phúc là việc nên làm và rất dễ thành tựu nếu chúng ta có đầy đủ tâm cung kính như vậy.

Phật tử đi lễ chùa đầu năm
Phật tử đi lễ chùa đầu năm

02 yếu tố giúp cầu khấn được thành tựu

Những điều cầu nguyện của chúng ta có thể thành tựu nhưng phải phụ thuộc vào 2 yếu tố: Thứ nhất, đó là nghiệp cũ của mình có nặng hay không; thứ 2, tâm của mình có tha thiết hay không, có cung kính Phật Pháp, cung kính Tăng hay không. Mình có chí thiết chí thành cúng dường, bạch lễ tha thiết thì nghiệp cũ của mình được tiêu trừ và phước của mình sẽ tăng lên. Cho nên, đã đến chùa là chúng ta có phúc lộc, miễn là chúng ta dùng tâm đúng để đến chùa.
Như vậy, nghiệp và tâm là 02 yếu tố giúp đạt được mong cầu. Khi đã cung kính cúng dường và hội đủ các yếu tố thì chúng ta có phước báo. Khi ấy chúng ta có thể hồi hướng phước báo đó đến cho các việc mong muốn.

Tuy nhiên, để Phật hay Thánh Thần phù hộ thì các việc chúng ta mong cầu cần chính đáng và hợp đạo lý. Cô cũng chia sẻ khi chúng ta có phước báo và hồi hướng cho những việc chúng ta mong cầu như: Mong cầu mình có tài sản để hiếu dưỡng cha mẹ, đối xử tốt với anh em, bạn bè; mong cầu mình được tăng trưởng tâm biết ơn; mong cầu mình có được những lời nói lành thiện;… thì chư Thiên sẽ ủng hộ khiến những mong cầu đó của chúng ta được thành tựu.

Để Phật hay Thánh Thần phù hộ thì các việc chúng ta mong cầu cần chính đáng và hợp đạo lý
Để Phật hay Thánh Thần phù hộ thì các việc chúng ta mong cầu cần chính đáng và hợp đạo lý

Lưu ý khi đến chùa đầu năm để không mất phước báu

#1 Không nên tự ý hạ lễ cúng mang về

Nhiều người đi chùa dâng lễ cúng và cầu khấn mà chưa biết cách thực hành tâm bố thí cúng dường cho nên không nhận được lợi ích. Đặc biệt, nhiều người mang lễ dâng cúng Tam Bảo rồi hạ lễ mang về tán lộc và thụ lộc. Đó là quan niệm sai lầm dẫn đến việc chúng ta không nhận được phước.

Chúng ta không nên đặt lễ lên cúng rồi mang lễ về. Nếu chúng ta chỉ mong muốn cúng 1 quả thì chúng ta đặt 1 quả lên, sau đó để lại chùa. Các Thầy không dùng thì sẽ bố thí cho mọi người đến chùa dùng; như vậy, chúng ta cúng Phật, sau đó chư Tăng mang đồ cúng đó bố thí lại cho chúng sinh thì chúng ta sẽ được phước báo. Còn nếu chúng ta đã cúng Phật rồi, nhưng lại mang về thì chúng ta sẽ không được phước, khiến cho chúng ta gặp phải duyên là ít người giúp đỡ; bởi vì cho đi rồi còn đòi lại thì sẽ không có bạn tốt, bạn giúp đỡ. Đó là nhân và quả của việc đến chùa lễ bái đầu năm và đặt lễ ở chùa.

Không nên tự ý hạ lễ cúng mang về
Không nên tự ý hạ lễ cúng mang về

#2 Không trộm cắp, nói xấu chùa, chê bai Tăng chúng

Khi lên chùa, chúng ta không nên trộm cắp tài sản của chùa cũng như tài sản của người khác. Bên cạnh đó, việc nói xấu chùa, chê bai chùa cũng cần tránh. Bởi những hành động, lời nói như vậy có thể sẽ gặp quả báo không tốt như gặp nhiều chuyện thất bại trong cuộc sống. 
Còn với những ai khi đến chùa kính tín Phật, Pháp, Tăng thì sẽ sinh được phúc báu.

Mong những chia sẻ trong bài viết trên sẽ giúp chúng ta hiểu rằng việc đến chùa đầu năm lễ Phật là rất nên làm, bởi chùa là nơi tạo lập phúc báo cho mình. Chúc cho quý đạo hữu đến chùa với tâm cung kính và được thành tựu mong cầu đầu năm.

Các bài nên xem: