Đi lễ cầu siêu cho gia tiên, con cháu không nên làm những điều này
Cầu siêu vào thời điểm nào?
Năm nào cũng vậy, từ đầu tháng 7 âm lịch tới cuối năm cứ chùa nào làm lễ cầu siêu lớn là mẹ chồng chị D. T. H (Long Biên, Hà Nội) cũng rủ bà thông gia đi các chùa làm lễ cầu siêu cho gia tiên. Vì các bà đi dự lễ, không gửi con được nên chị D.T.H hay càu nhàu với chồng về việc nhà bị ảnh hưởng vì các bà đi lễ nhiều quá.
Bữa ăn tối hôm đó, chồng chị ý tứ hỏi mẹ xem lễ cầu siêu tổ chức vào thời điểm nào, bao giờ hết lễ, vì sao mẹ phải đi cầu siêu nhiều thế.
Nghe con trai hỏi, mẹ chồng cởi mở giảng giải rằng, lễ cầu siêu được làm suốt tháng 7 âm lịch, kéo dài tới hết năm âm lịch ở nhiều nơi. Đó là nghi thức tâm linh quan trọng được cho là giúp cha mẹ đã khuất, gia tiên siêu thoát…
Rồi bà say sưa giảng giải, theo quan niệm dân gian người chết đi linh hồn tồn tại dưới dạng tâm thức (thần thức), có thể đọc được tâm ý của người sống, biết quyến thuộc làm gì, nghĩ gì. Và thần thức đau đớn khổ sở vô cùng khi thấy người thân không biết gì đến cảnh khổ của họ. Nếu thần thức thấy con cháu dự khoá lễ cầu siêu, nhất tâm tụng kinh, niệm phật và nguyện lòng hướng thiện, hành thiện để giúp vong linh siêu thoát thì họ sẽ rất hoan hỉ. Cha mẹ, gia tiên có thoát khỏi âm giới, tái sinh an lành thì con cháu mới có phúc ấm, an bình, làm ăn may mắn tốt lành…
Theo đạo Phật, tháng 7 âm lịch năng lực của chúng tăng sau 3 tháng an cư kiết hạ, trau dồi Giới – Định – Tuệ, thanh tịnh giới phẩm, tha thiết chú nguyện, nương năng lực của chư Phật mới có sức mạnh phá cửa địa ngục, giúp các tội nhân của địa ngục lên dự lễ trai đàn cầu siêu.
Dịp này tất cả các tăng ni đều có trọng trách giúp phật tử, người dân muốn làm lễ cầu siêu, giúp gia tiên cửu huyền thất tổ, vong linh lang thang không nơi nương tựa siêu độ. Đàn lễ cầu siêu quy tụ cả ngàn người cùng lúc tụng kinh niệm phật, cộng hưởng thành năng lượng tích cực an lành.
Con cháu dự lễ cầu siêu tập trung đọc kinh cầu nguyện. Ảnh: Đỗ Hương.
Cầu siêu rất cần con cháu tâm chí thành
Trong sách 100 câu hỏi Phật pháp (Ban Hoằng Pháp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam) có giảng giải, không có bài kinh, uy lực nào có thể siêu thoát cho vong linh, mà chỉ có ý nghĩa gia hộ, gia niệm, gia lực cho người đã mất.
Thần thông như ngài Mục Kiền Liên cũng phải nhờ đức Phật chỉ dẫn, chư tăng sau 3 tháng an cư kiết hạ (thân tâm, khẩu ý thanh tinh) trợ duyên chú nguyện mãnh liệt, và chính mẹ Ngài giác ngộ sám hối mới thoát khỏi cảnh giới ngạ quỷ (đói mà không ăn được do thức ăn biến thành lửa).
Nhưng quan trọng nhất là ngài Mục Kiền Liên là con chí hiếu, tha thiết cứu mẹ thoát khỏi địa ngục, tái sinh tốt đẹp – việc này phù hợp với tinh thần giác ngộ (tự giác) của đạo Phật.
Vì vậy lễ cầu siêu rất cần tâm chí thành của con cháu. Mỗi con cháu dự đàn lễ cầu siêu như một ngọn nến, nhiều ngọn kết lại sẽ cộng hưởng thành lửa thiêng, tạo ra năng lượng mạnh mẽ giúp gia tiên siêu độ.
Và sau các khóa lễ cầu siêu, con cháu cần hồi hướng công đức cho cha mẹ, gia tiên, bé đỏ… và các chúng sinh – bởi quan niệm của Phật giáo là bất cứ ai cũng có thể là quyến thuộc của mình.
Mâm sớ cầu siêu do con cháu tự tay viết tên cha mẹ, gia tiên. Ảnh: Đỗ Hương.
Lễ cầu siêu cần con cháu dự hết lễ
Để khóa lễ cầu siêu được trọn vẹn, với giới đức của người xuất gia không đặt điều kiện vật chất thế gian trong lễ trọng này.
Ngoài sự gia trì của chư Phật, năng lực của lòng từ bi tăng ni, còn rất cần sự kết nối huyết thống của con cháu, bởi thần thức hương linh chỉ còn biết bấu víu vào tâm thức của con cháu. Vì vậy để đàn cầu siêu viên mãn, con cháu cần có mặt để hương linh nương vào.
Cuối khóa lễ cầu siêu mỗi người nên tự mình khấn nguyện, gửi đến ông bà, cha mẹ những tâm sự, ước nguyện trước khi gia tiên nhẹ gót vãng sinh cõi Phật. Việc này rất quan trọng của đàn lễ cầu siêu, vì vậy người thân cần dự hết buổi lễ, không bỏ đi giữa chừng.
Với tâm từ bi vô điều kiện của chư tăng ni, với tâm thành cầu nguyện của người thân sẽ tạo nên các năng lượng tích cực chiêu cảm đến các hương linh buông xả mọi bám chấp, giải oan gỡ kết, vãng sinh cõi lành. Với hàng ngàn người quy tụ tại đàn tràng, cùng nhau tụng cả bộ kinh, vô số năng lượng tích cực được tạo ra giúp chư hương linh siêu thoát.
Cuối cùng công đức cầu siêu cần hồi hướng cho người thân quá vãng và các chúng sinh được siêu sinh Tịnh độ.
Ngoài ra con cháu có thể phát tâm ăn chay, niệm Phật, tụng kinh và phóng sinh, làm việc thiện nguyện rồi hồi hướng cho gia tiên.
Ngọc Hà