Đi học ở tuổi 40
Tôi vẫn còn nhớ cảm giác bước ra giữa trời tuyết giá buốt xứ Bắc Âu, những ngón tay tê cứng đến nỗi không thể điều khiển được điện thoại để tìm đường về khách sạn.
Tôi đã tự hỏi: “Mình đang làm gì thế này? Tại sao mình đang ở đây? Mình đã 37 tuổi rồi! Lẽ ra giờ này mình nên yên bề gia thất, củng cố sự nghiệp, mua nhà sắm xe… “.
Tôi muốn nhìn thấy mình của thì tương lai ở một khung cảnh sinh động, nói thêm những ngôn ngữ mới, tiếp nhận các giá trị văn hóa khác nhau, giao lưu và gắn kết với thế giới.
Tôi vốn là một người ưa xê dịch và hộ chiếu của tôi cũng đã dày đặc những con dấu đông tây từ nhiều năm trước. Nhưng chuyến đi lần này rõ ràng khác biệt, vì tôi đã không còn trẻ nữa.
Ở độ tuổi U40, tôi giật mình nhận ra tôi sẽ không còn nhiều thời gian, năng lượng và tiền bạc để sửa chữa cho những quyết định sai lầm (nếu có) của mình.
Những áp lực xã hội dành cho một cô gái độc thân nhiều tuổi hay những dùng dằng được – mất, đi- ở cũng khiến tôi hoang mang nhiều.
“Không đâu bà! Bà nên đi học đi!”. Đó là câu nói của cô bạn thân của tôi vào buổi chiều hai đứa ngồi quán cà phê cóc nói về những mộng ước tương lai.
Cái ý tưởng chuyển đến Đan Mạch – một vương quốc nhỏ bé xứ Bắc Âu – bỗng trở nên thật rõ ràng, sau khi cô bạn tôi nhắc đến một ngôi trường chuyên dạy về globalization (toàn cầu hóa).
Sau khi gửi bài luận, tôi may mắn nhận được học bổng từ trường và chính thức nhập học vào đầu năm 2019.
Đó là một trường nội trú đặc biệt, nơi tôi được sống và học tập cùng với hơn 100 sinh viên quốc tế đến từ hơn 30 quốc gia khác nhau. Ở đó, mỗi ngày chúng tôi lên lớp và cùng nhau nghiên cứu, thảo luận, tranh luận, làm đề tài về những vấn đề của toàn cầu hiện nay như biến đổi khí hậu, phân biệt chủng tộc, bình đẳng giới, quyền con người, các cuộc chiến, kiến trúc đô thị, tự do giới tính, tư duy logic, xây dựng và quản lý dự án…
Tôi là một trong ba sinh viên lớn tuổi nhất của khóa học năm đó, khi những bạn đồng môn của tôi hầu hết đều trong độ tuổi mười chín, hai mươi. Tôi ước gì tôi có thể trẻ lại một chút để có thêm thời gian làm điều mình muốn.
Các bạn thì nói rằng họ muốn sẽ… được như tôi, trông giống tôi khi họ 40 tuổi, rằng họ sẽ luôn có đủ động lực, sự tự tin và lòng dũng cảm để lựa chọn và đi hết con đường của mình.
Chuyển đến Đan Mạch, tôi chỉ đơn giản là muốn thử sống lại một đoạn đời sinh viên ngắn ngủi, thử dừng lại một nhịp để định hình lại chính mình.
Đan Mạch có mức sống đắt đỏ, tiếng khó, mùa đông khắc nghiệt, sự cô đơn là những điều khiến nhiều người nhập cư như tôi thấy nản lòng nhất. Tôi quyết tâm phải tìm được việc làm càng sớm càng tốt.
Nhưng không như Anh, Mỹ, Úc hay Singapore – những nơi ta chỉ cần nói khá tiếng Anh là có thể sớm hòa nhập và xin được việc – các nhà tuyển dụng ở Đan Mạch thường đòi hỏi ứng viên phải biết tiếng Đan.
Tôi vượt qua những kỳ thi tiếng Đan bắt buộc và tuần ba ngày vẫn lên lớp đều đặn. Tôi tìm được công việc phù hợp sau khi kiên nhẫn gửi vô số đơn xin việc và không ngại gọi điện trực tiếp cho nhà tuyển dụng để tự giới thiệu bản thân.
Ngoài công việc chính, tôi xin được chân giảng viên ẩm thực Việt tại hệ thống trường học buổi tối của chính phủ, nơi mỗi tuần tôi đứng lớp dạy người Đan nấu những món ăn Việt.
Tôi cũng tự lập một trang web và quảng bá lớp học của mình, từ đó được các công ty mời về để dạy sự kiện, teambuiding… Tôi thấy có chút tự hào vì mình đã không bỏ cuộc, vì mình đã kiên nhẫn học cách thích ứng, vì mình đã thu xếp được.
Bán nhà để đi du học ở tuổi 30