Đi chợ và đi siêu thị – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn
Đi chợ và đi siêu thị
Lê Minh Tiến
Một góc chợ quê ở miền Bắc. Ảnh: Lê Toàn.
(TBKTSG) – Khi đời sống của người dân được nâng lên, chất lượng thực phẩm tiêu dùng hàng ngày cũng tăng và thói quen đi siêu thị của người tiêu dùng cũng tăng theo. Sở dĩ như thế là vì có rất nhiều người quan niệm rằng thực phẩm trong siêu thị an toàn hơn, chất lượng cao hơn thực phẩm ở các chợ. Do vậy các chợ có thể sẽ dần dần biến mất và thay thế chúng là các siêu thị.
Nhưng xét về mặt xã hội, sự tồn tại của các chợ lại mang nhiều ý nghĩa văn hóa-xã hội hơn là các siêu thị to đùng; nên sự biến mất dần của các ngôi chợ sẽ để lại nhiều nuối tiếc hơn. Vì sao như vậy?
Trước hết là xét về mối quan hệ xã hội. Nếu so sánh với siêu thị thì mối quan hệ giữa người với người trong không gian chợ là chặt chẽ và sâu sắc hơn nhiều.
Khi đến chợ, người ta không chỉ tìm mua cho mình những thực phẩm cần thiết cho bữa ăn mà còn tìm gặp những người thân quen. Người bán và người mua ở chợ, sau một thời gian giao dịch sẽ trở nên thân thiết với nhau và do đó có thể trò chuyện với nhau về mọi việc, từ chuyện gia đình, chuyện làm ăn cho đến chuyện con cái, tức lúc đó họ không còn là những người mua-bán xa lạ mà có thể trở thành những người bạn tâm giao.
Do đó chúng ta không hề thấy lạ khi người ta thường mua hàng nơi người quen chứ không phải gặp ai bán cũng mua; và đôi khi không có nhu cầu sử dụng nhưng người bán năn nỉ là người mua vẫn có thể bỏ tiền ra mua như là một sự tương trợ cho người bán trong lúc khó khăn (ế ẩm).
Ở siêu thị thì người ta chọn hàng, đánh giá chất lượng sản phẩm thông qua bảng kê khai thành phần dinh dưỡng, nơi sản xuất, thời gian sản xuất và thời hạn sử dụng. Ở chợ thì ngược lại, chất lượng sản phẩm lại tùy thuộc vào lòng tin giữa người bán và người mua. Mua hàng nơi người quen thì đương nhiên là chất lượng được đảm bảo mặc dù trên thực tế có khi chất lượng hàng của người quen chưa chắc tốt bằng người không quen.
Chợ cũng thú vị ở chỗ giá cả không cố định và niêm yết “vô hồn” như trong siêu thị và chính đây là yếu tố tạo hứng thú cho người mua. Cùng một người bán, cùng một loại thực phẩm được bán nhưng giá bán có thể khác nhau tùy theo người mua, bởi giá bán sẽ tùy thuộc vào khả năng thương lượng (trả giá) của người mua hoặc mức độ thân quen giữa người bán và người mua.
Người mua luôn cảm thấy vui khi trả giá thành công, mặc dù sự giảm giá ấy có khi không bằng giá trị khuyến mãi của các siêu thị. Và thương lượng, trả giá cũng là một hoạt động thỏa mãn nhu cầu giao tiếp, nhu cầu truyền thông giữa người với người trong cuộc sống. Đây chính là điều mà siêu thị không hề đáp ứng được.
Chợ cũng là nơi mà người ta có thể tìm thấy được những loại thực phẩm thỏa mãn cho nhu cầu của mình, cho dù trong túi không có tiền để trả. Chỉ có ở chợ người mua mới có thể mua chịu (mua thiếu) và sẽ trả tiền sau. Tức là dù không có tiền trong túi, người mua vẫn có thể “đi chợ” như thường; nhưng nếu không có tiền thì không thể nào đi siêu thị được.
Vì siêu thị hoạt động theo cơ chế “tiền trao cháo múc”; còn ở chợ, khi người mua túng thiếu thì được mua chịu, khi người bán ế ẩm sẽ được người mua mua ủng hộ. Như vậy thì chỉ có ở chợ mới có mối quan hệ tương trợ qua lại giữa người bán và người mua. Âu đó cũng là một nét đáng quý trong đời sống đô thị vốn đang ngày càng thiếu lòng tin giữa người với người như hiện nay.
Chợ cũng còn là nơi người ta tìm được những mối giao lưu thâm tình và là nơi mọi người gặp gỡ để chuyện trò với nhau. Người ta có thể đi chợ chung với nhau, hẹn nhau cùng đi chợ nhưng ít khi có sự hẹn hò như thế khi đi siêu thị. Do đó, đi chợ trở thành một nhu cầu thường ngày vì đi chợ đôi khi không phải để mua bán, hoặc mua bán chỉ là thứ yếu mà cái quan trọng hơn là được gặp gỡ và chuyện trò.
Có nghĩa, chợ là nơi giúp cho con người làm tăng thêm các mối quan hệ xã hội của mình. Đồng thời chợ cũng còn là nơi người ta tìm được các thông tin cần thiết liên quan đến mọi mặt của đời sống, bởi người ta có thể không cần đọc báo, không cần lên mạng, không cần xem truyền hình nhưng vẫn nắm được các thông tin thời sự nhờ đi chợ.
Tóm lại, chợ không chỉ là nơi thỏa mãn các nhu cầu về tiêu dùng mà còn là nơi góp phần thỏa mãn nhu cầu về mặt xã hội nữa. Vậy nên siêu thị vẫn cứ đông mà chợ thì vẫn có khách của mình. Do đó duy trì chợ cũng là duy trì một không gian xã hội, một nét đẹp về sự đa dạng văn hóa vậy. Tất nhiên, để tồn tại, chợ cũng cần đổi mới mình bằng cách dẹp bỏ những nét tiêu cực như tệ nói thách…