Đi cầu ra máu, cô gái được truyền 1,5 lít máu

Đi cầu ra máu, cô gái được truyền 1,5 lít máu

4 ngày liên tiếp, chị Q. đi cầu ra máu đỏ tươi, máu bắn thành tia nhưng ngại đi khám. Đến khi ngất xỉu, chị được người thân phát hiện đưa đến BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

đi cầu ra máu cố gái được truyền 1,5 lít máu

Ngày 16/1, bác sĩ CKI Phan Tuấn Trọng, khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ H.N.Q. 20 tuổi, mất nhiều máu, suýt tử vong do chảy máu búi trĩ nhưng ngại đi khám. 

Chị Q. nhập viện trong tình trạng ngất, lạnh run, da tái xanh, huyết áp tụt 84/46 mmHg (bình thường 120/80mmHg). Nghi bệnh nhân mất nhiều máu, bác sĩ Trọng chỉ định xét nghiệm máu. Kết quả xét nghiệm ghi nhận người bệnh thuộc nhóm máu A, nồng độ hemoglobin 3.5 mg/dL; trong khi giá trị xét nghiệm bình thường ở phụ nữ phải từ 12 – 16 mg/dL trở lên. Đồng thời, chỉ số Hematocrit (chỉ số HCT – nồng độ hồng cầu) giảm còn 13.4% (bình thường từ 35% trở lên). Ngay lập tức, người bệnh được truyền 1,5 lít máu, chặn đứng tình trạng thiếu máu nặng gây sốc mất máu.

hồi sức tích cực do chảy máu búi trĩ

Sau khi truyền máu, chị Q. hồng hào trở lại. Bác sĩ Trọng phối hợp với Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa để tìm nguyên nhân. Kết quả ghi nhận nguyên nhân xuất phát từ búi trĩ chảy máu. Người bệnh được phẫu thuật cắt búi trĩ, giải quyết triệt để nguyên nhân đại tiện ra máu.

BVĐK Tâm Anh TP.HCM với lợi thế bệnh viện đa chuyên khoa, đặc biệt với Trung tâm Xét nghiệm đạt chuẩn ISO 15189:2012 luôn sẵn sàng nguồn máu dự trữ, truyền kịp thời, cứu những ca bệnh mất máu nguy kịch. 

Hậu phẫu, chị Q. đi cầu không còn ra máu. Ngày xuất viện, chị tươi tỉnh, tinh thần thoải mái. Thạc sĩ bác sĩ Võ Nhật Trường, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, dặn chị vận động nhẹ nhàng, ăn thức ăn mềm, sữa chua để tránh táo bón; cần uống thuốc theo đơn và tái khám để kiểm tra vết mổ. Đồng thời, trong sinh hoạt hàng ngày, người bệnh thường xuyên vận động, không nên ngồi lâu, uống đủ nước… để tránh tái phát bệnh trĩ.

Người nhà bệnh nhân cho biết trước nhập viện chị Q. đi cầu ra máu đỏ tươi 4 ngày liền, máu chảy thành tia nhưng không đau đớn. Chị ngất xỉu nhiều lần nhưng ngại đi khám hậu môn. Sau đó, chị ngã khụy xuống sàn khi đi mua đồ ăn sáng. Chị kịp bấm điện thoại, gọi người thân với giọng thều thào nhờ chị gái đưa đến bệnh viện.

Với bệnh trĩ, theo bác sĩ Phan Tuấn Trọng, tùy vào mức độ nặng hay nhẹ mà người bệnh ra máu nhiều hay ít, có đau đớn hay không. Máu có thể dính trong phân hoặc chảy giọt, có khi thành tia đỏ tươi. Chảy máu kéo dài khiến người bệnh thiếu máu, suy kiệt cơ thể… Trường hợp mất quá nhiều máu có thể dẫn đến sốc mất máu, gây tử vong nhanh chóng.

bác sĩ chăm sóc cô gái đi cầu ra máu

Nhiều trường hợp trĩ rỉ máu liên tục gây nhiễm khuẩn hậu môn với biểu hiện ngứa, nóng rát hậu môn, đi vệ sinh đau rát. Ngoài ra, người bệnh còn bị đau dữ dội ở hậu môn do phù nề niêm mạc vùng hậu môn và trực tràng. Nếu trĩ hoại tử, viêm loét không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, ung thư, đe dọa tính mạng.

Bác sĩ Trọng khuyên khi đi cầu ra máu dù ít hay nhiều, đau hay không, người dân nên đi khám để tìm ra nguyên nhân và xử trí. Trong chế độ ăn hàng ngày, người dân nên hạn chế ăn nhiều món cay, chiên xào nhiều dầu mỡ; thức uống có cồn, caffein, đường… vì dễ gây táo bón. Uống đủ nước (từ 1,5 – 2,5 lít tùy theo cân nặng và tình trạng sức khỏe); ăn thực phẩm giàu chất xơ (rau, củ, ngũ cốc, khoai lang… ), vitamin (nho, táo, thanh long…), sắt (thịt bò, các loại đậu…) để tốt cho hệ tiêu hóa và hạn chế tình trạng thiếu máu mạn tính do trĩ gây ra. Ngoài ra, người dân thường xuyên vận động, đi bộ hay luyện tập thể dục để tăng cường trao đổi chất và hoạt động của các cơ, giúp quá trình đi vệ sinh dễ dàng hơn.