Đền Tranh (Quan lớn Tuần Tranh) – Hội Nhất Tâm
Cách thành phố Hải Dương 30 km về phía Nam có một ngôi đền mà khi nhắc đến ai cũng biết bởi mối quan hệ đến tận vùng biên ải Lạng Sơn đó là đền Tranh, hay còn gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh. Đền nằm gần bến đò Tranh, Tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại thời Lê và Nguyễn, nay thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, thờ vị thần sông nước coi khúc sông.
Đền Tranh còn có tên gọi là đền Quan lớn Tuần Tranh. Có tích kể rằng: “Tương truyền, Quan lớn Tuần Tranh là viên quan phủ Ninh Giang. Ngày xưa, tại bến sông Tranh, có hai con rắn dữ thường nổi lên quấy phá. Một hôm, chúng bắt đi nàng hầu xin đẹp của quan. Vị quan này khởi kiện Diêm Vương. Rắn bị xử thua phải mang cả dòng họ dời đi nơi khác. Từ đó bến sông sóng yên nước lặng, nhân dân nhớ ơn vị quan phủ mà lập đền thờ, tôn là vị thần bảo vệ khúc sông”.
Lại có câu chuyện truyền thuyết chi tiết về: “ Truyện ông Dài, ông Cụt”. Ngày xưa, có hai vợ chồng già làm ruộng, một hôm đi ra ngoài đồng, thấy hai quả trứng lạ, nhặt đem về nhà. Được ít lâu, hai quả trứng nở ra hai con rắn rất khôn, hai vợ chồng đi đâu chúng nó thường bò theo. Hai người không con nên cứ nuôi chúng nó, xem như là con, thường ngày cho ăn uống tử tế. Một hôm, người chồng cuốc vườn, vô ý cuốc đứt một khúc đuổi của một con. Sau đó, vợ chồng mới gọi hai con rắn đặt tên cho là con Dài, con Cụt. Hai con rắn lớn lên, ăn rất tợn, nhà nghèo không đủ nuôi, chúng nó thường đi bắt gà, chó của hàng xóm mà ăn. Hai vợ chồng không nuôi nổi, mới đem thả xuống sông Tranh, bây giờ thuộc Hải Dương. Hai anh em rắn Dài và Cụt được Thủy Vương nhận làm bộ hạ và cho cai quản cả một vùng sông rộng. Rắn Cụt tính khí dữ tợn hơn rắn Dài, hoành hành khắp vùng, làm cho dân chúng phải kiêng sợ gọi tên là ông Dài và ông Cụt. Có khi chúng bắt cả người, còn cướp súc vật là chuyện thường xảy ra. Ghe thuyền qua lại trên khúc sông, thường bị ông Cụt nổi sóng dữ tợn làm cho đắm. Cha mẹ nuôi ông Dài, ông Cụt thỉnh thoảng lại phải ra bờ sông van xin con nuôi đừng làm hại người ta. Chúng cũng nghe theo được ít lâu, rồi lại đâu vẫn hoàn đấy. Có lần hai vợ chồng họ Trịnh đi thuyền qua đó, ông Cụt thấy người vợ là Dương Thị nhan sắc xinh đẹp, muốn bắt về làm vợ, cho hai người con gái bưng lễ vật đến hỏi. Hai vợ chồng hoảng sợ bỏ thuyền lên bờ trốn tránh. Nhưng rồi ông Cụt cho bộ hạ theo dõi, thừa một đêm mưa gió, bắt Dương Thị đem về dưới Thủy Phủ. Sáng ngày, người chồng theo dấu ra đến bờ sông chỉ còn thấy quần áo của vợ trút bỏ lại đó. Người chồng không biết làm thế nào, đành nuốt hận đi đây, đi đó tìm người phép tắc thần thôn để trừ ông Cụt. Một hôm, họ Trịnh gặp một ông già ngồi bói ở chợ, lân la hỏi mới biết là Bạch Long Hầu tức là Thần Mưa ở dưới Thủy Cung. Bạch Long Thần rẽ nước mời họ Trịnh về nhà mình ở dưới biển, giúp bàn việc kiện ông Cụt với Long Vương. Họ Trịnh đưa cái thoa của vợ nhờ người nhà Bạch Long hầu làm của tin để dò tìm Dương Thị ở dưới Thủy Phủ. Khi đã bắt liên lạc được với Dương Thị rồi, họ Trịnh bèn cậy Bạch Long Hầu đưa đến triều đình Long Vương để tố cáo tình địch đã cướp vợ mình. Long Vương cho đòi ông Cụt tới. Ban đầu ông Cụt còn chối cãi, toan làm dữ với họ Trịnh, nhưng đến khi Dương Thị ra kể lại sự tình bị ông Cụt bắt cóc, ép duyên, thì họ Trịnh liền được kiện. Long Vương xử cho Dương Thị trở về mặt đất với họ Trịnh, con của nàng sinh với ông Cụt thì giao lại cho ông Cụt. Ông Cụt bị đày đến ở sông Kỳ Cùng, thuộc về Lạng Sơn ngày nay. Ngày ông Cụt bị giáng chức đi đày, các loài thủy tộc đi theo tiễn chân đầy cả một khúc sông.
Cổng tam quan đền Tranh, Ninh Giang, Hải Dương (Ảnh: TL)
Những giai thoại, truyền thuyết về đền Tranh và vị Thần thờ tại đây là quan lớn Tuần Tranh có khác nhau, nhưng có điểm chung đây là nơi thờ thuỷ thần theo tín ngướng dân gian. Khi con người chưa làm chủ được thiên nhiên, ở các ngã ba sông đều có dòng chảy xoáy, làm cho việc đi lại khó khăn, thuyên bè hay bị lật đắm. Người ta cho có thần sông nổi giận nên lập đền, miếu thờ. Khi xã hội biến đổi, việc thờ cúng thủy thần được nhuận sắc với những huyền thoại mới, lớp lớp chồng lên nhau, hiện tượng này đã được thể hiện rõ tại di tích đền Tranh. Trong những năm cách mạng và kháng chiến ngôi đền là nơi hội họp và bắt liên lạc, nơi tập hợp nhân dân tham gia vào các phong trào cách mạng.
Cho đến nay chưa có tài liệu chính xác về thời gian xây dựng đền Tranh. Theo truyền ngôn cho biết, đền Tranh vốn được xây dựng trên nền một ngôi miếu cổ có từ thời Hùng Vương, miếu có tên là Tranh Giang Đại Vương cổ miếu, nằm ở bến sông Tranh, sát thị trấn Ninh Giang. Theo các bậc cao niên kể lại, đền được xây dựng trên khu đất cao, đẹp, có nhiều cây cổ thụ xum xuê và đặc biệt đền rất linh thiêng về cầu đảo khi đi sông nước. Thời Nguyễn (TK19) đền được xây dựng hoành tráng, chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo, có tượng Quan Lớn Tuần Tranh, năm 1887 Pháp chiếm Hải Dương và Ninh Giang, chúng đóng quân ở thành Đô Giang (thị trấn Ninh Giang), giặc Pháp đã sử dụng đền Tranh làm điểm đóng quân, tuy vậy không dám phá đền vì nghe danh đền rất thiêng, cũng vì vậy mà nhân dân cho xây một đền Tranh mới ở giữa phố của Thị trấn Ninh Giang, đền mới này được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, có tam quan do ông Đào Lạng ở xã Văn Hội cung tiến. Tổng số 127 gian trên khu đất rộng 4 mẫu bắc bộ, đến năm 1846 khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, đền bị phá chỉ còn 3 gian cung cấm. Đến năm 1966, thể theo nguyện vọng của nhân dân thôn Tranh Xuyên, đền được chuyển về vị trí hiện nay, ban đầu chỉ chuyển 3 gian cung cấm về. Tại đây đền từng bước được tu bổ, khôi phục lại các hạng mục. Với ý thức giữ gìn di sản văn hoá của dân tộc đền Tranh được trùng tu lớn, đền quay hướng Tây Nam nhìn lên đường lớn. Đền xây gồm 3 toà, tiền đường, trung từ và hậu cung, mỗi công trình 7 gian, tổng số là 21 gian. Kiến trúc phỏng theo thời Lê và thời Nguyễn, đặc biệt đền còn bảo lưu một số cổ vật có giá trị nghệ thuật như tượng Quan Lớn Tuần Tranh bằng đồng nặng 200Kg, 4 pho tượng Tứ Trụ bằng đá, bát hương, đỉnh đồng, hạc đồng, cuốn thư, choé sứ…
Du khách tham quan đền Tranh (Ảnh: TL)
Vào các năm 2005, 2006 và 2008, thực hiện dự án tu sửa lớn đền Tranh, các công trình lần lượt được phục hồi như tam quan, nhà giải vũ phía Đông, nhà bia… tạo cho di tích thêm khang trang, bề thế. Nét đặc biệt của đền Tranh là sự bố trí hệ thống thờ tự thoả mãn phần lớn nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Toà tiền tế được bố trí thờ chúa Sơn Lâm; gian thứ 2 thờ bà chúa Thượng ngàn; gian thứ 3 thờ vua Bát Hải và 5 vị quan đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ và đệ thất; gian thứ 4 thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, còn lại là hành lang. Toà trung từ thờ Tứ phủ: Chầu bà ở gian thứ nhất; gian thứ 2 và thứ 3 là hành lang; gian thứ 4 thờ 4 vị quan hầu Tuần phủ đó là quan đệ nhất, đệ nhị, đệ tam và đệ tứ; gian thứ 5 thờ tam toà thánh Mẫu và Chầu Quế, chầu Quỳnh. Khu nhà nối thờ Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu. Vào đến hậu cung thờ tượng quan lớn Tuần Tranh, tượng đồng kỹ thuật đúc tinh xảo.
Đền Tranh một năm có ba mùa lễ hội. Hội tháng 2, từ ngày 10-20 / 2, trọng hội vào 14 – ngày sinh của quan lớn Tuần Tranh, đây là hội chính hàng năm. Hội tháng 5, từ ngày 20-26 / 5, trọng hội vào 25 – ngày hoá của Đức thánh. Lễ hội đền Tranh có quy mô rộng lớn, thu hút khách nhiều tỉnh phía Bắc, một trong những hội lớn của Hải Dương, có sức hấp dẫn lạ thường, đặc biệt với các bà các cô ở các thành phố, bởi thế khách thập phương đến đây rất đông. Không chỉ trong những ngày hội (thường kéo dài tới 7 ngày) mà những ngày thường cũng không ít khách đến lễ và không thể thiếu tiết mục hát chầu văn.
Năm 2009, đền Tranh đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.
Nguồn: thegioidisan.vn