Đền Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Ninh
– Cẩm Phả từ lâu đã nổi tiếng với chuỗi các địa danh, đền thờ linh thiêng và hẳn ai có dịp đến đây cũng đều biết đến Đền Cửa Ông Quảng Ninh (Đền cửa Suốt). Đây là một trong những ngôi đền đẹp nhất, thiêng liêng nhất Việt Nam hiện nay. Nơi đây luôn mở cửa để đón tiếp khách thập phương từ khắp mọi miền tổ quốc về viếng thăm, lễ bái.
1. Lý do nên đến Đền Cửa Ông – địa danh du lịch tâm linh
– 700 năm tuổi ngự tại một ngọn đồi không quá cao lấp ló dưới những tán cây cổ thụ thuộc phía Đông Bắc thị trấn Cẩm Phả của Quảng Ninh, Đền Cửa Ông hội tụ đầy đủ là núi non biển hài hòa tuyệt đẹp. Trước cửa Đền hướng về vịnh Bái Tử Long, nơi các đảo trùng trùng muôn hình, muôn sắc, muôn vẻ nằm nổi bật trên nền xanh trong của nước biển. Bởi vậy mà bấy lâu nay ngôi đền luôn được ca tụng có vị trí thiên thời địa lợi, sơn thuỷ hữu tình.
– Là ngôi đền đẹp nhất Việt Nam với nhiều đường nét kiến trúc độc đáo: Dưới khung cảnh thiên nhiên đất trời hoa mỹ lại hùng vĩ, trang nghiêm ngôi đền không chỉ đẹp về tọa độ mà còn đẹp cả về kiến trúc mang lại giá trị về nghệ thuật, văn hoá đặc sắc cho dân tộc. Đền Cửa Ông Quảng Ninh có một lối kiến trúc vô cùng độc đáo, huyền bí và hội tụ đủ yếu tố phong thủy: Tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền chu tước, hậu huyền vũ.
– Các loại vật liệu chủ yếu dùng để xây dựng đền là: đá đúc, ngói mũi đất nung, gạch Bát Tràng, gạch lát nền bằng đất sét nung, vữa hồ pha mật,…Kiến trúc trang trí chủ yếu là theo các điển tích Long, Ly, Quy, Phượng.
– Và phần phía trong đền được sử dụng bằng các loại gỗ bền, chắc, đẹp tôn lên vẻ cổ kính là đinh, lim, trắc, gụ. Khung nhà được dựng theo lối: kèo, cầu, dường, trụ…trên đó được khắc họa bằng các bức phù điêu, bức trướng, câu đối…và các hoa văn được sơn son, thiếp vàng lộng lẫy.
– Là ngôi đền được người dân Quảng Ninh tin, đi lễ nhiều nhất: Ngôi đền được xây dựng để thờ vị thần chính là phụng công đồng thời nhà Trần và Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng – một vị tướng tài ba của nhà Trần, người con thứ 3 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và đã có công lớn trong đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII trấn ải vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Bởi vậy mà nét linh thiêng, hào hùng được lưu truyền đến muôn đời và ngày nay được người dân Quảng Ninh nói riêng và người dân tứ phương nói chung tin và đi lễ rất nhiều.
* Lễ hội đền Cửa Ông là một trong lễ hội lớn nhất Quảng Ninh
– Lễ hội đền Cửa Ông được tổ chức từ thế kỷ 14 gắn liền với giai thoại : “Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tảng ra Cửa Suốt được ba ngày thì trời nổi giông tố. Ông qua đời ở đó, và thi hài trôi theo tới Vườn Nhãn (ngày 11/9/1311). Tục truyền rằng, vào đêm hôm ấy mọi người trong vùng đều mơ thấy một người cân đai, áo mũ chỉnh tề đứng ở đình làng nói rằng: “Ta là tướng nhà Trần, nay số đã hết, lại trở về Đồn cũ giữ yên dân nước”.
– Vua Trần thấy Trần Quốc Tảng là người có công, lại linh ứng, nên truyền cho lập miếu thờ và phong là Thượng đẳng Phúc thần, cho 800 quan tiền công hàng năm để cúng tế hai mùa vào bậc Nhà nước”. Từ đó đến tận bây giờ, lễ hội đền Cửa Ông vẫn luôn được duy trì, tổ chức có quy mô lớn và trở thành một trong những lễ hội lớn nhất tại Quảng Ninh thu hút đông đảo sự lễ đền của dân khắp nơi.
2. Thời điểm tốt nhất để đến thắp hương, lễ phật đền Cửa Ông
– Đền Cửa Ông luôn luôn mở cửa để tiếp đón dân địa phương và cả khắp nơi đến lễ. Tuy nhiên theo nét văn hóa của dân tộc Việt Nam thì thời điểm lý tưởng nhất để đi lễ đền cầu may, cầu bình an là vào dịp đầu năm mới. Ngay cả đêm giao thừa Đền vẫn mở cửa để cho mọi người đến xin lộc, bái phật, cầu nguyện.
– Khoảng thời gian đầu năm là thích hợp nhất để cho người dân đi lễ phật. Vào đêm giao thừa chủ yếu là người dân địa phương quanh Đền đến lễ và nếu ở xa bạn muốn đến xin lộc có thể chuẩn bị chỗ ở lại từ trước. Còn từ mùng 1 thì lượng người khắp nơi có thể đến và sẽ đông hơn.
– Ngoài thời điểm đầu năm, du xuân bạn có thể ghé đến đền vào những dịp đền tổ chức lễ hội như:
– Lễ hội đền Cửa Ông chính: tổ chức ngày 2 tháng 1 âm lịch đến hết tháng 3 âm lịch. Hàng năm Đền mở hội gồm đầu tiên là Lễ xin mở hội tại Đền Thượng thu hút dân khắp nơi tế lễ từ ngay những ngày đầu năm mới. Lễ hội chính vào ngày mùng 2 tháng 3 âm lịch hằng năm.
– Lễ Cầu siêu, Lễ xin ở cửa Đền và dâng hương rước Đức Ông được tổ chức linh đình gồm phần tế lễ và rước kiệu bài vị Trần Quốc Tảng. Kiệu được rước từ đền ra miếu ở xã Trác Chân, tên tục là Vườn Nhãn (theo truyền thuyết là nơi Đức Ông hóa trôi dạt vào…) và quay trở về đền tượng trưng cho cuộc tuần du của Đức Ông.
– Hội rước Đức Ông hồi cung an vị cho đến hết tháng 3 âm lịch. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội đền gồm có nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc độc đáo, đặc trưng của địa phương như: bịt mắt đánh trống, tổ tôm điếm, đẩy gậy, kéo co, thi soạn dâng lễ vật, nấu cơm, têm trầu,… Đây cũng được xem là dịp để mọi người tham quan cảnh đền và ngắm 34 pho tượng là các bức phác danh tướng của Trần Hưng Đạo, cùng thăm các thắng cảnh lịch sử và thiên nhiên vùng biển Đông Bắc.
3. Di chuyển đến đền Cửa Ông bằng cách nào?
– Địa chỉ: Phường Cửa Ông, thị trấn Cẩm Phả, Quảng Ninh
* Nhận chỉ đường đến đền Cửa Ông
– Đền đặt tên theo tên phường nó tọa lạc, đó chính là phường Cửa Ông- tại nơi có vị trí trời đất giao nhau hài hoà. Nơi đây trở thành chốn linh thiêng và được người dân địa phương và khắp nơi tin để cầu bình an, may mắn. Có nhiều cách để có thể di chuyển đến đây.
– Với chuyến di chuyển từ Hà Nội tới Cẩm Phả bằng xe khách thì chi phí rơi vào khoảng từ 80.000đ đến 120.000đ với xe ghế ngồi hoặc giường nằm từ các bến xe hay xe dịch vụ từ Hà Nội. Và với xe limo hạng sang thì giá vé rơi vào khoảng 300.000đ/ vé/ khách.
– Xe khách sẽ đưa bạn từ Hà Nội lên đến Cẩm Phả và từ đó du khách có thể thuê taxi hoặc xe ôm để đến tận đền Cửa Ông
Di chuyển bằng xe riêng hoặc xe máy cũng là một lựa chọn thú vị dành cho du khách thích khám phá, tản ngoạn. Nếu di chuyển bằng xe máy, du khách từ trung tâm Hà Nội đi theo đường Nguyễn Khoái đến QL 1A tại Lĩnh Nam, tiếp tục di chuyển lên QL5B/ĐCT04, QL10 và QL18 đến Lý Thường Kiệt tại Cẩm Thịnh, tp. Cẩm Phả, đi thẳng sang đường Lý Thường Kiệt là tới đền Cửa Ông. Theo tuyến đường này, du khách đi quãng đường dài khoảng 200 km.
– Du khách cũng có thể tìm kiếm phương tiện đến thành phố Hạ Long nếu không tiện đường. Và sau đó từ thành phố Hạ Long đi theo đường quốc lộ 18 về phía đông bắc chừng 30km đến 40km rẽ phải vào khoảng hơn 100 mét là tới đền Cửa Ông.
4. Hướng dẫn tham quan đền Cửa Ông
– Đền Cửa Ông Quảng Ninh có thiết kế tương tự như những ngôi đền khác gồm có đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Tuy nhiên sau khi được xây dựng không lâu, bom Mỹ dội làm hai ngôi đền Hạ và đền Trung bị hỏng và ngày nay chỉ còn duy nhất đền Thượng.
– Du khách tham quan gồm có đằng trước đền Thượng là tam quan, phía hai bên đồi là hai ngọn Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ theo kiến trúc cổ tự. Tiếp đến đằng sau đền là dãy núi chạy qua Cẩm Phả, Mông Dương. Nhìn sang phía bên trái là ngôi nhà dành cho khách thập phương đến nghỉ ngơi và vào lễ đền. Bên phải là một ngôi chùa nằm ngay đằng sau là lăng Trần Quốc Tảng.
– Đền Thượng có kiến trúc hình chữ công. Khi đi vào du khách thắp hương tại ba gian tiền đường đến hai gian ống muống và sau cùng là ba gian hậu cung. Toàn bộ khu này thờ đầy đủ gia thất Trần Hưng Đạo và các cận thần của ông còn giữ lại được cho đến ngày nay.
– Tiếp đến bên trong ngôi đền Thượng còn đặt là tượng thờ nhân vật nổi tiếng của triều Trần mà du khách có thể tham quan và thắp hương với tổng cộng có hơn 30 tượng được phân bổ làm ba lớp: phía ngoài Tiền đường có Đỗ Khắc Chung, Lê Phụ Trần, Nguyễn Địa Lô; Bái Đường có Trần Quốc Tảng, Trần Thì Kiến, Hà Đặc, Phạm Ngộ, Trần Khánh Dư; Hậu Cung có Trần Quốc Tuấn, Yết Kiêu, Nguyễn Quyên, Nguyễn Tiễn, Huyền Du, Quyên Thánh Công Chúa, Đỗ Hành.
5. Đến đền Cửa Ông nên cầu gì? Văn khấn tại đền
– Khu di tích đền Cửa Ông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và xếp hạng là khu di tích lịch sử quốc gia và trở thành điểm du lịch tâm linh, hướng về cội nguồn không chỉ của người dân địa phương Quảng Ninh mà còn của đông đảo du khách trong và cả nước ngoài.
5.1 Sự tích đến Cửa Ông – đền thờ ai?
– Theo truyền thuyết, có lần tại biển Cửa Suốt, tự nhiên trời mưa to gió lớn sấm sét nổi lên ầm ầm. Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng đang đi tuần trên biển, thấy có một phiến đá to nổi lên, liền ngang nhiên ngồi lên trên đá. Sóng nổi cuồn cuộn, mực nước dâng lên cao nhưng phiến đá vẫn nổi trên mặt nước, chở che ông đi, đè đầu những ngọn sóng.
– Khi mưa gió yên, dân chúng không thấy ông đâu nữa, mà trên phiến đá chỉ có một cái mũ, liền rước về thờ, lập miếu và tâu lên triều đình. Đó là ngày 16 tháng 8 năm 1311, từ đó ngày này được xem là ngày hóa của ông.
– Nhà vua phong ông là Thượng Đẳng Phúc Thần Ông và được xem là vị chủ thần ở Đền Cửa Ông. Trong đền có tượng ông và đôi câu đối, hàm ý nghĩa trân trọng và thông cảm với ông giúp chiến thắng Bạch Đằng, tướng giỏi uy danh lừng Đất Bắc. Để dấu thiêng Đông Hải, anh hùng tâm sự gửi trời Nam. Được gia nhập vào điện thần Tứ phủ, vị thần Đệ Tam cửa Suốt cũng rất linh thiêng.
– Đền Cửa Ông Quảng Ninh không chỉ thờ Trần Quốc Tảng, mà gần như đủ hệ thống Trần Triều không nơi nào có. Bởi lẽ trong đền vẫn còn đủ 30 pho tượng bày thành mười hàng ngang, đều là những người trong gia thất và là tướng tá dưới trướng Trần Hưng Đạo.
5.2. Đến Đền Cửa Ông cầu gì?
– Đến Đền Cửa Ông cầu gì? Tại ngôi đền linh thiêng này thường du khách đến cầu tài, cầu lộc, cầu may mắn, cầu bình an. Cầu xin với các vị thần đã trấn giữ bình yên cho nơi đây những điều tốt đẹp. Đặc biệt, trước các khoá thi cử, các nhà sẽ thường đến đây để cầu các vị quan cho con em mình gặp may mắn đỗ đạt, thành tài.
– Đền Cửa Ông không chỉ là nơi thờ tự Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng mà còn là nơi thờ đầy đủ gia thất của tướng Trần Quốc Tuấn, bao gồm Trần Quốc Tuấn, tượng Thánh Mẫu (vợ ông) 2 cô công chúa (con ông), Trần Quốc Tảng, Trần Anh Tông, Trần Khánh Dư, Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Lê Phu Trần, Đỗ Khắc Trung,…
6. Đồ lễ và một số vận dụng cần chuẩn bị khi vào đền Cửa Ông
– Tại đền Cửa Ông gồm có cả khu đền và chùa vì vậy khi đi dâng hương để đi được đầy đủ các ban du khách cần sắm cả lễ chay, lễ mặn và lễ đồ sống:
– Đồ lễ cần chuẩn bị khi lễ Đền Cửa Ông có thể chọn trong các loại:
+ Lễ chay bao gồm hương, hoa, bánh kẹo, trái cây, tiền vàng mã và tất cả phải mua theo số lẻ
+ Lễ mặn dùng đặt ở ban Công Đồng, có thể sắm là gà, thịt lợn, giò, chả,… được nấu chín và bày biện cẩn thận
+ Lễ đồ sống gồm muối, gạo, trứng sống và kèm theo thêm vàng mã
– Khi đến lễ đền chủ yếu là thành tâm tế lễ bởi vì lượng khách đến đây là rất lớn mỗi ngày nên việc hạn chế đốt vàng hương mà mọi người phải hết sức chú ý. Chuẩn bị lễ dâng cũng không cần quá cầu kỳ, chỉ cần có chút hương hoa, bánh kẹo hay mâm quả mọn cũng xong bởi lễ vật chủ yếu là lòng thành tránh lãng phí làm mất đi tính linh thiêng vốn có của nó.
– Và điều đáng chú ý là việc đặt tiền lẻ khi đến dâng hương có thể gây ảnh hưởng không tốt đến mỹ quan nên du khách có thể bỏ vào trong hòm công đức.
7. Một số lưu ý cho du khách khi đến đền Cửa Ông
– Khi đến lễ đền cần ăn mặc đồ trang trọng, kín đáo, hợp với thuần phòng mỹ tục chốn linh thiêng cửa phật
– Đồ tế lễ không cần quá cầu kỳ chỉ cần thành tâm là được
– Khi đến đến lễ cần đi đứng nhẹ nhàng tránh nói chuyện quá lớn làm ảnh hưởng bầu không khí trang nghiêm
– Chú ý câu từ khi nói trong đền tránh làm ảnh hưởng đến văn hoá vốn có của đền chùa
– Khi đi thắp hương cần nhẹ nhàng, thành kính
* Với những thông tin tham khảo từ bài viết mang lại hy vọng du khách sẽ có chuyến đi du lịch tâm lịnh với những trải nghiệm thú vị tại đền Cửa Ông Quảng Ninh.
Cảm ơn bạn đã ghé thăm Vietgoing.com để tìm hiểu thông tin về Đền Cửa Ông, đừng quên tham khảo thêm các khách sạn tại Quảng Ninh và lịch trình các tour du lịch Quảng Ninh mới nhất 2023 bạn nhé!