Delta Group – nhà thầu trúng gói xây lắp hơn 600 tỷ đồng tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta – Delta Group vừa trúng gói xây lắp hơn 600 tỷ đồng tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta – Delta Group là cánh chim đầu đàn của tập đoàn, ra đời vào năm 1993. Người sáng lập Delta Group là ông Trần Nhật Thành, đương kim chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), sinh năm 1953.
Doanh nhân Trần Nhật Thành, nhà sáng lập Delta Group
Xuất sắc vượt qua 3 nhà thầu, trúng gói thầu hơn 600 tỷ đồng tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Trong những ngày cuối cùng của năm 2022, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, ông Trần Minh Điển đã ký ban hành Quyết định số 4371/QĐ-BVNTW phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu XL-TB01/2022: Thi công xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị gắn với công trình, thiết bị văn phòng, thiết bị hạ tầng kỹ thuật, thuộc dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi Trung ương cơ sở 2.
Thông tin này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới kinh doanh, bởi lẽ giá trúng thầu được công bố là 603.414.000.000 đồng (603,4 tỷ đồng), quá sát so với giá dự toán là 603.621.557.000 đồng (603,6 tỷ đồng), tương ứng tỷ lệ giảm giá gần 0%. Nhà thầu được xướng tên trong thương vụ này là Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta (viết tắt là Delta Group), một trong số “ông lớn” của làng thầu xây dựng Việt Nam.
Dù bỏ giá dự thầu rất cao khiến nguồn vốn ngân sách Trung ương không được tiết kiệm thông qua đấu thầu, song Delta Group vẫn “ngoạn mục” vượt qua 7 nhà thầu đối đầu trực tiếp khác để độc lập thực hiện gói thầu trị giá trên 600 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhóm đối thủ của Delta Group không phải hạng xoàng, vốn cũng là những cái tên “cộm cán” như: Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), Liên danh do Tổng công ty 36 – CTCP (G36) dẫn đầu, Công ty CP Xây dựng C BHI… Tuy nhiên các nhà thầu đều bị loại vì không đáp ứng yêu cầu về năng lực kinh nghiệm theo hồ sơ mời thầu (HSMT). Cá biệt có HBC bị loại vì không có đơn dự thầu theo HSMT, một lỗi quá sơ đẳng đối với một nhà thầu dạn dày thương trường.
Giữa bối cảnh thị trường xây dựng gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm do ảnh hưởng từ sự “đóng băng” của thị trường bất động sản và sự ách tắc của thị trường vốn, cú bắt tay với Bệnh viện Nhi Trung ương được đánh giá là hoạt động rất quan trọng đối với Delta Group trong khoảng thời gian này.
Nói thêm về đại gia ngành xây dựng, được biết pháp nhân Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta là cánh chim đầu đàn của tập đoàn, ra đời vào năm 1993. Người sáng lập Delta Group là ông Trần Nhật Thành, đương kim chủ tịch HĐTV, sinh năm 1953.
Theo hồ sơ, ông Trần Nhật Thành có bằng thạc sĩ chuyên ngành kĩ thuật xây dựng của Đại học Kharcop, Liên Xô. Từ năm 1975, ông về nước và trở thành giảng viên của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, rồi giữ chức Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng. Sau đó, ông và các cộng sự tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã cùng chung sức lập nên Delta Group.
Đến nay, khi Delta Group đã vững mạnh, khẳng định thương hiệu với vị trí trang trọng trên thị trường xây dựng, ông Trần Nhật Thành vẫn là người sở hữu lượng cổ phần chi phối tại Delta Group. Các cổ đông theo sau ông cũng là các thành viên ban lãnh đạo, như Tổng giám đốc Trần Thành Vinh, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Đăng Quang, Phó Tổng giám đốc Hoàng Ngọc Tú…
Delta Group làm ăn ra sao?
Không thể phủ nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng của Delta Group trong 30 năm qua. Xuất phát điểm là nhà thầu vô danh, Delta Group đã hiện diện trong hàng ngũ doanh nghiệp có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn thu từ hoạt động cốt lõi của Delta Group đã liên tục giảm sút mạnh. Cụ thể, doanh thu thuần giai đoạn 2017-2020 của Delta Group lần lượt giảm từ 3.724 tỷ đồng xuống còn 3.542 tỷ đồng, 2.888 tỷ đồng và 2.528 tỷ đồng.
Với biên lãi gộp thấp (bình quân khoảng 3,3%/năm), và các chi phí tài chính, vận hành tăng đều đặn, lợi nhuận trước thuế của Delta Group bị ăn mòn rất mạnh và cũng suy giảm liên tiếp, lần lượt là 20 tỷ đồng, 19 tỷ đồng, 15,6 tỷ đồng và 14,3 tỷ đồng. Nếu đặt cạnh các đối thủ cạnh tranh, không khó để thấy lợi nhuận của Delta Group đang khá eo hẹp.
Hệ số nợ trên vốn của Delta Group khá cao so với mặt bằng chung.
Năm 2021, dưới sự chèo lái của ông Trần Nhật Thành nhà thầu chính thức khép lại chuỗi ngày trầy trật, các chỉ tiêu kinh doanh bất ngờ tăng ngược trở lại. Trong đó, doanh thu thuần tăng trưởng gần 18% so với năm trước, lên 2.979 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 15%, đạt hơn 13,2 tỷ đồng.
Dù mức tăng trưởng không quá cao, nhưng là yếu tố tích cực cần thiết để thắp lên hy vọng tươi sáng hơn trong năm 2022.
Kết thúc năm 2021, tổng tài sản của Delta Group đạt 5.329 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với năm 2020. Doanh nghiệp dự trữ trên 168 tỷ đồng tiền mặt; còn lại phần lớn tài sản phân bổ ở các khoản phải thu ngắn hạn (2.001 tỷ đồng) và hàng tồn kho (1.948 tỷ đồng)…
Bên kia bảng cân đối kế toán, nguồn lực của Delta Group chủ yếu tài trợ bởi các khoản nợ với 4.563 tỷ đồng, tương đương trên 85% nguồn vốn. Việc lệ thuộc quá nhiều vào nợ nần là thực trạng doanh nghiệp cần nỗ lực cải thiện nếu không muốn lâm vào cảnh mất cân đối tài chính, bởi lẽ, hệ số nợ trên vốn đang gần chạm mức 6 lần, vượt xa mặt bằng chung của toàn ngành.
Chẳng hạn, tỷ số nợ trong trường hợp của HBC tại cùng thời điểm so sánh là 3,1 lần; Coteccons là 0,68 lần; Vinaconex là 3,06 lần… Trong đó, chỉ tính riêng các món nợ vay ngắn hạn của Delta Group đã là 1.161 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn điều lệ, cũng như vốn chủ sở hữu.
Sử dụng đòn bẩy mạnh tay cũng là chiến lược phát triển của Công ty CP Xây dựng và Ứng dụng công nghệ Delta-V (Công ty Delta-V) trong những năm qua. Nên biết, Công ty Delta-V cũng là trụ cột trong hệ sinh thái của ông Trần Nhật Thành và các cộng sự.
Thành lập năm 2014, không mất nhiều thời gian để Delta-V lượm hái những thành quả rực rỡ nhờ sở hữu và kế thừa nền tảng hoạt động vững chắc từ Delta Group. Ngoài lĩnh vực xây dựng, Delta-V còn phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tiêu biểu là hoạt động đầu tư góp vốn thực hiện Khu du lịch Laimian (tỉnh Bình Định), một dự án có vốn đầu tư lên tới 13.000 tỷ đồng.
Mặc dù đã nỗ lực cải thiện doanh thu, lợi nhuận sau thuế của Công ty Delta-V vẫn âm 3,2 tỷ đồng trong năm 2021.
Tương tự Delta Group, thời điểm 31/12/2021, nợ phải trả của Công ty Delta-V đạt 2.317 tỷ đồng, tăng hơn 330 tỷ đồng so với ngày đầu năm, và cao gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu (663 tỷ đồng). Trong đó, nợ vay chiếm 1.113 tỷ đồng, gấp 2,67 lần vốn tự có của doanh nghiệp.
Công ty Delta-V cũng là nhà thầu có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, không hề thua kém đơn vị chủ lực là Delta Group. Dẫu vậy, Delta-V cũng đang cho thấy sự kém vui trong hoạt động kinh doanh những năm trở lại đây.
Cụ thể, doanh thu của Delta-V đã biến động trồi sụt, lên bổng, xuống trầm trong giai đoạn 2018-2021, lần lượt đạt 2.680 tỷ đồng, 2.660 tỷ đồng, 1.995 tỷ đồng và 2.232 tỷ đồng.
Sau hai năm doanh thu liên tiếp giảm sút (2019-2020), doanh nghiệp đã có nhịp hồi phục vào năm 2021. Thế nhưng, Công ty Delta-V không thể cải thiện tình trạng trượt dốc trong lợi nhuận, năm 2021 bất ngờ là năm báo lỗ đầu tiên từ khi thành lập (lỗ 3,2 tỷ đồng).
Kinh tế Chứng khoán
Nguồn Báo Công Thương