Đề xuất cổ phần hóa loạt doanh nghiệp nhà nước

Cẩm Hà

  –  

Thứ năm, 29/12/2022 10:34 (GMT+7)

Từ thành công của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sau cổ phần hóa, Hiệp hội các Nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam đề xuất đẩy nhanh cổ phần hóa loạt DNNN.

Vietcombank, BIDV và Vietinbank là 3 ví dụ thành công về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Trọng ThànhVietcombank, BIDV và Vietinbank là 3 ví dụ thành công về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Trọng Thành 

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT), các DNNN đang chiếm khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường; chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh. Quy mô tài sản bình quân của một DNNN là 6.095 tỉ đồng, cao gấp 18 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 139 lần doanh nghiệp dân doanh. 

Đáng chú ý, tỉ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016 – 2020 của khối doanh nghiệp nhà nước là 10,46%; tỉ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản bình quân cả giai đoạn 2016 – 2020 là 4,87%, cao hơn khối doanh nghiệp ngoài nhà nước (1,26%).

Hơn nữa dù chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ (0,08%) nhưng DNNN đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Các DNNN của Việt Nam đang chiếm thị phần rất lớn trong một số lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, ngân hàng… đóng góp hơn 29% GDP của đất nước.

Mặc dù vậy, theo Bộ KHĐT hoạt động và đóng góp của khối DNNN trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là nguồn lực đang nắm giữ và thị trường đang chi phối.

Các tập đoàn, tổng công ty về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế và năng lực cạnh tranh. Ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo của các DNNN quy mô lớn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước. 

Chưa kể việc thực hiện các dự án đầu tư mới của DNNN trong thời gian qua không được thúc đẩy. Việc tái cơ cấu toàn diện DNNN mới chủ yếu tập trung sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn để có cơ cấu hợp lý hơn, mà chưa chú trọng thực hiện các định hướng, giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và một chiến lược kinh doanh dài hạn có tính khả thi cao.

Trong văn bản mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Hiệp hội các Nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) cũng cho rằng, các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay đang bộc lộ nhiều điểm yếu so với các DNNN cổ phần hóa.

Một điểm rõ nét là suất đầu tư cao hơn nhiều so với khu vực tư nhân; bộ máy quản lý cồng kềnh dẫn đến giá thành sản xuất dịch vụ rất cao và sức cạnh tranh kém.

Đáng chú ý cũng theo VAFI, nhìn chung tại các DNNN, cổ tức tiền mặt hay lợi nhuận sau thuế trả cho cổ đông nhà nước thấp hơn nhiều so với khu vực các DNNN đã cổ phần hóa. Cơ chế quản lý DNNN cũng rất phức tạp và đang cản trở sự đổi mới của khối DNNN.

Một thực tế khác là nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước trước kia là những doanh nghiệp lớn nhất trong nền kinh tế nhưng nay trở thành mờ nhạt và rất nhỏ bé, nhường chỗ cho khu vực kinh tế tư nhân như các tập đoàn ximăng, sắt thép, du lịch…

Từ các phân tích trên, VAFI đề xuất cần có chủ trương, chính sách cổ phần hóa tất cả các Tập đoàn kinh tế, các DNNN như Tập đoàn Dầu khí quốc gia, EVN, TKV, VNPT, MobiFone, Viettel, Ngân hàng Agribank, Công ty Quản lý tài sản (VAMC), Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC), Tổng Công ty Ximăng VN, Sở Giao dịch chứng khoán, Tổng Công ty Lưu ký chứng khoán, các công ty xổ số.

Riêng với cổ phần hóa Tập Đoàn Điện lực VN (EVN), VAFI cho rằng, có thể có đặc thù nên Chính phủ và Bộ Công Thương cần chỉ đạo EVN làm rõ về mô hình kinh doanh điện tối ưu theo thông lệ quốc tế (về mô hình công ty truyền tải điện, công ty phân phối điện) và sau đó tiến hành cổ phần hóa.

VAFI nhìn nhận việc cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế lớn là không có gì khó khăn phức tạp vì những tập đoàn kinh tế lớn nhất, nhạy cảm nhất, khó cổ phần hóa nhất như BIDV, Vietinbank, Vietcombank đã cổ phần hóa thành công. Và nhờ thay đổi phương thức quản trị, vốn tự có, lợi nhuận làm ra sau cổ phần phần hóa tăng nhiều lần, nợ xấu giảm mạnh.