Đề xuất chính sách thuế cho các cơ sở giáo dục
Nhiều ưu đãi thuế
Tại Công văn số 1761/BTC-CST ngày 23/02/2022 trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Bộ Tài chính cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề xuất tiếp tục áp dụng các ưu đãi về thuế và tiền thuê đất cho các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp giáo dục.
Đồng thời, đề nghị nghiên cứu mở rộng giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất theo hướng miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNDN, tiền thuê đất cho toàn bộ các cơ sở, doanh nghiệp giáo dục, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và các dịch vụ giáo dục trong 2 năm 2022-2023 để giảm chi phí trong vận hành, khuyến khích, huy động các nguồn lực công – tư vào phát triển, phục hồi ngành giáo dục một cách nhanh nhất.
Trước các đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, qua rà soát quy định của hệ thống pháp luật về thuế hiện hành, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 đã được ban hành trong thời gian qua, đồng thời, qua tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ, cơ quan có liên quan, Bộ Tài chính nhận thấy hệ thống chính sách thuế hiện hành đã quy định nhiều chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục và các dịch vụ giáo dục.
Cụ thể, pháp luật thuế hiện hành áp dụng thống nhất đối với tất cả các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân, không phân biệt trong nước, nước ngoài hay hình thức sở hữu. Các ưu đãi thuế được quy định cụ thể tại các luật thuế; trong đó lĩnh vực giáo dục và đào tạo luôn được ưu tiên áp dụng các chính sách ưu đãi thuế cao nhất trong khuôn khổ pháp luật về thuế nhằm khuyến khích phát triển lĩnh vực này.
Điển hình như, Luật thuế TNDN có quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đồng thời, trường hợp doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa giáo dục và đào tạo tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn thì được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa trong 9 năm tiếp theo; doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa giáo dục và đào tạo tại địa bàn khác thì được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa trong 5 năm tiếp theo.
Ngoài ra, Luật thuế TNDN cũng quy định miễn thuế TNDN đối với: phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo để lại để đầu tư phát triển cơ sở đó theo quy định của luật chuyên ngành; khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục. Đối với doanh nghiệp, tổ chức thực hiện chi tài trợ cho giáo dục cũng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Còn theo quy định của Luật thuế GTGT, hầu hết hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT bao gồm: dạy học, dạy nghề; hoạt động xuất bản, nhập khẩu, phát hành báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành, sách chính trị, sách giáo khoa, giáo trình, sách văn bản pháp luật, sách khoa học – kỹ thuật, qua đó góp phần giảm chi phí, giá thành của các sản phẩm, dịch vụ giáo dục.
Ngoài ra, giáo dục là ngành nghề ưu đãi đầu tư và được áp dụng các chính sách ưu đãi như miễn thuế nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư. Bên cạnh đó, còn được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được phục vụ cho giáo dục; miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất của cơ sở thực hiện xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục…
Đặc biệt, Bộ Tài chính cho biết, trước tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và người dân, từ năm 2020 đến nay đã có nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí được ban hành và triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Chính vì vậy, theo Bộ Tài chính, đối với các cơ sở, doanh nghiệp giáo dục, khó khăn chủ yếu xuất phát từ công tác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, dẫn đến phải tạm ngừng hoạt động như trong thời gian qua (nhất là cấp học giáo dục mầm non). Tuy nhiên, cũng sẽ không phát sinh doanh thu, thu nhập phải nộp thuế GTGT, thuế TNDN. Khi các cơ sở, doanh nghiệp giáo dục hoạt động trở lại thì với các chính sách ưu đãi thuế cho lĩnh vực này đã đảm bảo tính thống nhất và có trọng tâm.
“Trong thời gian qua, đã có nhiều giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuế đất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 nói chung, trong đó có các cơ sở giáo dục và đào tạo. Bên cạnh các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ khác được triển khai thực hiện như giải pháp về tín dụng, về chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cắt giảm chi phí tiền điện, nước, viễn thông…”, Bộ Tài chính khẳng định.
Đề xuất tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế và tiền thuê đất
Về tiền thuê đất, Bộ Tài chính cũng cho biết, theo quy định tại Nghị định số 59/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ thì các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được ưu đãi với mức tối đa là miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian của dự án, mức tối thiểu bằng mức ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư.
Đối với đề nghị miễn tiền thuê đất cho các cơ sở, doanh nghiệp giáo dục trong các năm 2022 – 2023, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Về đề xuất sửa đổi Luật thuế GTGT theo hướng đưa sách giáo khoa thuộc đối tượng chịu thuế suất GTGT mức 0%, sửa đổi quy định cho phép các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên không phải nộp thuế TNDN đối với học phí chính quy (theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP thì mức thu học phí còn thấp, chưa đủ bù đắp chi phí), Bộ Tài chính cho rằng, quy định của Luật thuế GTGT hiện hành, mặt hàng sách giáo khoa đang thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Về nguyên tắc và thông lệ quốc tế, mức thuế suất thuế GTGT 0% chỉ áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo quy định hiện hành.
Liên quan đến đề xuất cho phép các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên không phải nộp thuế TNDN đối với học phí chính quy, Bộ Tài chính sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho phù hợp trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNDN để có cơ sở pháp lý cho việc thực hiện ổn định, lâu dài.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức xây dựng báo cáo rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi Luật thuế TNDN, báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm 2023 – 2025.
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế và tiền thuê đất đối với các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp giáo dục và dịch vụ giáo dục theo quy định của pháp luật về thuế, về tiền thuê đất hiện hành.
Đồng thời, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét đề xuất miễn tiền thuê đất các cơ sở, doanh nghiệp giáo dục khi xây dựng văn bản quy định về việc giảm tiền thuê đất để triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15. Nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ vướng mắc về thuế TNDN đối với khoản thu học phí theo quy định của Nhà nước (còn chưa đủ bù đắp chi phí) của các cơ sở giáo dục công lập khi thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNDN.