Đề văn thuyết minh và cách làm bài văn thuyết minh

I. Đề văn thuyết minh và cách làm bài văn thuyết minh

1. Đề văn thuyết minh

* Ví dụ:

Đọc các đề văn thuyết minh sau và thực hiện yêu cầu nêu ở dưới.

Đề 1: Giới thiệu một gương mặt trẻ của thể thao Việt Nam (ví dụ: Nguyễn Thúy Hiền, Trần Hiếu Ngân, Nguyễn Ngọc Trường Sơn,…).

Đề 2: Giới thiệu một tập truyện.

Đề 3: Giới thiệu về chiếc nón lá Việt Nam.

Đề 4: Giới thiệu về chiếc áo dài Việt Nam.

Đề 5: Thuyết minh về chiếc xe đạp.

Đề 6: Giới thiệu đôi dép lốp trong kháng chiến.

Đề 7: Giới thiệu di tích, thắng cảnh của quê hương (đền, chùa, hồ, kiến trúc,…).

Đề 8: Thuyết minh về một giống vật nuôi có ích.

Đề 9: Giới thiệu về hoa ngày Tết ở Việt Nam.

Đề 10: Thuyết minh về một món ăn dân tộc (bánh chưng, bánh giầy, phở, cốm,…).

Yêu cầu:

– Nhận xét về phạm vi các đề nêu trên.

– Dựa vào tính chất của bài thuyết minh để tìm hiểu đề văn và yêu cầu về nội dung của bài văn thuyết minh.

Trả lời:

– Phạm vi đối tượng của đề văn thuyết minh là sự vật, con người, lễ hội, di tích…

– Các đề văn được nêu có đầy đủ 2 phần:

   + Phần nêu lên đối tượng phải thuyết minh: gương mặt trẻ thể thao Việt Nam, một tập truyện, chiếc nón lá Việt Nam, chiếc áo dài, đôi dép lốp kháng chiến…

   + Phần yêu cầu thuyết minh: giới thiệu, thuyết minh.

@309031@

2. Cách làm bài văn thuyết minh

* Ví dụ:

Đọc bài văn sau và trả lời câu hỏi.

XE ĐẠP

   Có một thời xe đạp là phương tiện giao thông cá nhân chủ yếu của người Việt Nam. Xe đạp là phương tiện giao thông giản tiện chuyển động nhờ sức người.

   Xe đạp do nhiều bộ phận tạo thành, chủ yếu là hệ thống truyền động, hệ thống điều khiển và hệ thống chuyên chở. Hệ thống truyền động gồm khung xe, bàn đạp, trục giữa, ổ bi giữa, dây xích, đĩa, ổ líp, hai trục, ổ bi và hai bánh trước sau. Người đi xe đạp ngồi lên xe, chân đạp bàn đạp làm trục xe chuyển động, đĩa chuyển động kéo dây xích làm chuyển động ổ líp và bánh sau, tạo lực đẩy cho xe tiến về phía trước. Đĩa răng cưa có đường kính lớn hơn đường kính ổ líp, số răng cưa của nó nhiều gấp hơn hai lần số răng của của ổ líp. Khi đã chuyển động một vòng thì ổ líp chuyển động hơn hai vòng. Ổ líp chuyển động làm bánh xe chuyển động theo. Đường kính bánh xe thường là 650 mm hay 700 mm, gấp 10 lần đường kính ổ líp, như vậy ổ líp quay một vòng thì bánh xe đã đi được một quãng dài. Ổ líp quay nhanh sẽ làm xe chạy nhanh. Lúc đầu bánh xe làm bằng gỗ, khi chạy xe xóc rất dữ. Ngày nay người ta làm bánh bằng cao su, lớp ở ngoài, săm ở trong, khi bơm đủ hơi, có lực đàn hồi, xe chạy ít xóc hẳn.

   Hệ thống điều khiển gồm ghi đông có hai tay cầm có thể xoay được qua cổ xe có ổ bi nhằm lái cho bánh xe trước đi theo phương hướng mong muốn. Hai cái phanh lắp hai đầu tay cầm, điều khiển cho tốc độ xe khi đang chạy nhanh có thể chậm lại. Hay tay cầm ở ghi đông vừa là tay lái, vừa là chỗ nắm để giữ cho người đi xe ngồi vững trên xe. Bộ phanh gồm tay phanh, dây phanh truyền sức ép xuống càng phanh làm má phanh ép vào hai bên vành xe tạo thành lực ma sát, làm giảm tốc độ chuyển động của bánh xe và xe chạy chậm lại hoặ đứng hẳn lại khi cần thiết. Nhờ bộ phanh mà người di xe có thể dừng xe theo ý muốn.

   Hệ thống chuyên chở gồm yên xe à dàn đèo ngang hoặc giỏ đựng. Yên xe lắp ở trên khung xe là chỗ ngồi của người đi xe. Dàn đèo hàng lắp ở phía sau yên, dựa trên trục bánh xe sau, có thể chở được khá nhiều hàng. Có khi người ta lại lắp bộ phận chở hàng ở phía trước, dựa trên trục bánh xe trước.

   Ngoài các bộ phận chính như trên, xe đạp còn có cái chắn xích và hai chắn bùn lắp trên bánh sau và bánh trước, có đèn xe lấy nguồn điện từ đi-na-mô lắp ở trước càng xe, và đèn tín hiệu lắp ở phía sau, có thể có chuông lắp ở gần chỗ tay cầm.

   Xe đạp là phương tiện giao thông rất tiện lợi trong cự li ngắn như trong làng, trong thành phố nhỏ. Xe đạp chuyển động không gây ô nhiễm. Đi xe đạp là một cách vận động cơ thể như một hoạt động thể thao.

   Hiện nay xe máy quá nhiều, có cớ lấn lướt xe đạp, vừa gây ách tắc giao thông vừa gây ô nhiễm môi trường. Trong tương lai khi phương tiện giao thông công cộng phát triển, xe đạp vẫn là phương tiện giao thông cá nhân không thể thiếu vừa sạch sẽ vừa tiện lợi.

(Bài làm của học sinh)

Câu hỏi:

a) Đối tượng thuyết minh của bài văn là gì?

b) Chỉ ra phần Mở bài, Thân bài, Kết bài và cho biết nội dung mỗi phần.

c) Để giới thiệu chiếc xe đạp, bài viết đã trình bày cấu tạo chiếc xe đạp thế nào?

d) Phương pháp thuyết minh trong bài là gì?

Trả lời:

a) Đối tượng thuyết minh của đề bài trên là chiếc xe đạp.

b) Dàn ý:

 + Phần mở bài: ( Từ đầu… nhờ sức người): Giới thiệu vai trò của chiếc xe đạp trong cuộc sống.

 + Phần thân bài: (Tiếp… một hoạt động thể thao): Trình bày cấu tạo từng phần của xe.

 + Kết bài: (Còn lại): Khẳng định sự tầm quan trọng của xe đạp.

c) – Để giới thiệu về chiếc xe đạp, bài viết đã trình bày cấu tạo chiếc xe gồm 3 hệ thống chính:

 + Gồm hệ thống chuyển động.

 + Hệ thống chuyên chở.

 + Hệ thống điều khiển.

– Trình bày hợp lý theo cấu tạo chiếc xe, mỗi hệ thống cũng được phân tích rõ ràng, cụ thể.

d) Phương pháp thuyết minh trong bài: nêu định nghĩa, phương pháp liệt kê, dùng số liệu, nêu ví dụ, phân tích.

II. Ghi nhớ

1. Đề văn thuyết minh nêu các đối tượng để người làm bài trình bày tri thức về chúng.

2. Để làm bài văn thuyết minh, cần tìm hiểu kĩ đối tượng thuyết minh, xác định rõ phạm vi tri thức về đối tượng đó; sử dụng phương pháp thuyết minh thích hợp; ngôn từ chính xác, dề hiểu.

3. Bố cục bài văn thuyết minh thường có ba phần:

– Mở bài: giới thiệu đối tượng thuyết minh.

– Thân bài: trình bày cấu tạo, các đặc điểm, lợi ích,… của đối tượng.

– Kết bài: bày tỏ thái độ đối với đối tượng.

@250668@@250922@