Đề thi học sinh giỏi Văn của Việt Nam đã dự đoán được sự ra đời của ChatGPT?
Trong đề thi Học sinh giỏi Quốc gia (HSGQG) môn ngữ văn năm 2019 có câu hỏi: “Rồi đây, có thể xuất hiện những cỗ máy biết viết văn, làm thơ. Lúc đó sáng tạo văn học có còn là độc quyền của con người? Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy trình bày quan điểm của mình”.
GS. TS. Lê Huy Bắc – giảng viên khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội – cho biết: “Cách đây khoảng 20 năm, khi dạy học trò về tác giả Franz Kafka, tôi cũng đã nói đến vấn đề trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người viết cái này cái kia. Máy móc làm được điều đó, thậm chí là làm tốt. Nhưng nó sẽ chỉ viết những thứ ngôn ngữ như ngôn ngữ quảng cáo, ngôn ngữ không có sáng tạo và không có tính nghệ thuật”.
Thầy Lê Huy Bắc cho hay: “Đúng là ngớ ngẩn và điên rồ khi nghĩ ChatGPT có thể thay thế các nhà văn, nhà thơ. Nguyên tắc của sáng tạo là nguyên tắc của cảm hứng, cảm xúc, thăng hoa, của những quan sát, của những sự sống từ ký ức…
Còn ChatGPT chỉ là kho từ điển khổng lồ về các dữ liệu mà con người từng sử dụng. Khi người ta cần tra cứu, ChatGPT sẽ đáp ứng được ở mức độ sơ cấp và những nội dung sơ yếu về một vấn đề thôi.
Cái cốt yếu nhất là ChatGPT không bao giờ có được cảm xúc, và khi không có cảm xúc thì không thể nào nó viết văn và viết truyện một cách tự nhiên được. Nó sẽ chỉ kể lại một câu chuyện dựa trên những câu chuyện mà nó đã từng biết và sắp đặt lại những tình tiết, chứ làm gì có sự sáng tạo trong ChatGPT?”
Một thí sinh đã tham dự cuộc thi HSGQG môn Ngữ văn là Lưu Nguyễn Tuệ Anh cho hay, đề bài này đã khiến cô suy nghĩ và hoang mang rất nhiều. Khi đọc được những bài thơ do trí tuệ nhân tạo viết và do người viết, Tuệ Anh thực sự ấn tượng với khả năng viết lách của những cỗ máy.
Dù vậy, Tuệ Anh vẫn không thay đổi quan điểm về độc quyền sáng tạo văn học của con người.
“Tôi tin rằng, con người sẽ không bao giờ có thể bị máy móc xâm chiếm quyền sáng tạo văn học. Vì máy móc khó thể có được những xúc cảm như con người, không thể mang được những cảm xúc chân thật, hỉ nộ ái ố như tác phẩm văn học do con người sáng tác mang lại. Cũng có những lúc máy móc “ngớ ngẩn lạ thường” còn con người chúng ta dù có sai vẫn có thể sửa, dù thất bại sẽ có đứng lên”- Tuệ Anh chia sẻ.
ChatGPT với những khả năng ưu việt có thể viết, có thể sáng tác, song chúng chỉ chiến thắng về mặt số lượng tác phẩm, đạt mức trôi chảy ở câu từ và đầy đủ về nội dung.
Tuy nhiên, ở hiện tại và một thời gian dài nữa trong tương lai, ChatGPT chưa thể thay thế được các nhà văn, nhà thơ, chưa thể xâm chiếm độc quyền sáng tạo văn thơ của con người.
TS. Ngô Bích Thu – nhà nghiên cứu về khoa học giả tưởng đầu tiên tại Việt Nam – cho rằng theo trào lưu chung của thế giới, văn học nghệ thuật tại Việt Nam cũng phải hướng tới những điều sẽ có trong tương lai và dự báo được về tương lai khoa học.
Tuy rằng, đó chỉ là những “cỗ máy mơ ước” nhưng đó sẽ là những gợi ý có giá trị cho các nhà phát minh, sáng chế, để biến nó thành hiện thực trong tương lai.