Đề tài thi khoa học kỹ thuật của học sinh ngang tầm thạc sĩ, tiến sĩ?

QUANG ĐẠI

  –  

Thứ tư, 11/05/2022 07:43 (GMT+7)

Dự án đạt giải nhất kỳ thi khoa học kỹ thuật quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2021-2022 tiếp tục được cho là quá khó, vượt tầm học sinh và có những nội dung tương tự luận văn thạc sĩ, tiến sĩ đã công bố trước đó.

Đề tài thi khoa học kỹ thuật của học sinh ngang tầm thạc sĩ, tiến sĩ?
Một gian trưng bày tại cuộc thi khoa học kỹ thuật. Ảnh: LĐO

Trong số đề tài đạt giải nhất Nhất kì thi KHKT quốc gia dành cho học sinh năm học 2021 – 2022, dự án “Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây lá khôi (Ardisia gigantifolia)” của 2 học sinh Đào Xuân Minh và Nguyễn Lê Cường, Trường THPT chuyên Thái Nguyên, được đưa đi dự thi quốc tế.

Luận văn thạc sĩ  “Nghiên cứu tác động của dịch chiết lá khôi (Ardisia gigantifolia Stapf.) lên sự biểu hiện của các gene kiểm soát chu kỳ tế bào của tế bào gốc ung thư dạ dày” của Nguyễn Thị Hải Hồng. Ảnh: QĐLuận văn thạc sĩ “Nghiên cứu tác động của dịch chiết lá khôi (Ardisia gigantifolia Stapf.) lên sự biểu hiện của các gene kiểm soát chu kỳ tế bào của tế bào gốc ung thư dạ dày” của Nguyễn Thị Hải Hồng. Ảnh: QĐ

Đề tài này được cho là rất giống luận văn thạc sĩ sinh học ứng dụng “Nghiên cứu tác động của dịch chiết lá khôi (Ardisia gigantifolia Stapf.) lên sự biểu hiện của các gene kiểm soát chu kỳ tế bào của tế bào gốc ung thư dạ dày” của Nguyễn Thị Hải Hồng do TS Lê Thị Thanh Hương ở Đại học Thái Nguyên hướng dẫn năm 2019.

Trước đó, vào năm 2015, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh Hương (ĐH Thái Nguyên) đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ “Nghiên cứu tính đa dạng nguồn cây thuốc được sử dụng trong cộng đồng các dân tộc ở tỉnh Thái Nguyên nhằm bảo tồn và phát triển bền vững”. Chuyên ngành: Thực vật học Mã số: 62420111.

Trong luận án nói trên, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh Hương đã đề cập đến nội dung “Kiểm chứng cơ sở khoa học về khả năng kháng tế bào ung thư dạ dày của cây Lá khôi (Ardisia gigantifolia Stapf.) Đánh giá khả năng ức chế của dịch chiết Lá khôi (Ardisia gigantifolia) đến: (1) Sự phân chia tế bào; (2) Quá trình apoptosis; (3) Sự điều hòa chu kỳ của tế bào và (4) Các đặc tính của tế bào gốc ung thư dạ dày”.

Nội dung nghiên cứu về tác dụng ức chế tế bào ung thư dạ dày từ lá không trong luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh Hương công bố vào năm 2015. Ảnh: Quang ĐạiNội dung nghiên cứu về tác dụng ức chế tế bào ung thư dạ dày từ lá khôi trong luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh Hương công bố vào năm 2015. Ảnh: Quang Đại

Được biết, học sinh Trường THPT Chuyên Thái Nguyên trước đây đã có nhiều đề tài về chuyên môn y, dược dự thi KHKT quốc gia đạt giải cao; nhiều đề tài chỉ đọc lên, không ít bác sĩ chuyên khoa choáng váng về độ khó.

Trước hiện tượng nói trên, nhà nghiên cứu Bùi Hào (Nghệ An) cho biết: Theo thông lệ, quy trình đào tạo và các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học bao giờ cũng gắn với chuyên môn, chuyên ngành. Ví dụ ngành đào tạo thạc sĩ phải có chuyên môn phát triển từ đại học, đào tạo tiến sĩ phải phù hợp với chuyên ngành thạc sĩ hoặc đại học.

“Theo hiểu biết của tôi, lịch sử khoa học thế giới và Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào có sáng chế, phát minh, nghiên cứu, công bố khoa học nhưng không gắn với chuyên môn, chuyên ngành, công việc và sự quan tâm thường xuyên. Do đó, việc học sinh phổ thông mà có các dự án nghiên cứu chuyên sâu về y, dược ngang tầm thạc sĩ, tiến sĩ là rất khó hiểu” – ông Bùi Hào nói.

Bác sĩ CKI Võ Tá Sơn (Hà Nội) cũng chia sẻ: “Trong khoa học, vẫn có hiện tượng trùng lặp về đề tài. Trường hợp này, trong phần lịch sử vấn đề, nghiên cứu sau phải phân tích các nghiên cứu trước, chỉ ra những bất cập, tồn tại, hạn chế và nêu rõ đã khắc phục, mở ra hướng đi mới và có kết quả khác biệt như thế nào”.

Đối với trường hợp học sinh phổ thông là chủ nhân các đề tài chuyên sâu về điều trị ung thư với yêu cầu thực hiện những thí nghiệm công phu và phức tạp, bác sĩ Võ Tá Sơn cho rằng đây là hiện tượng ông chưa thấy, bởi vì theo thông lệ ngành y, để nghiên cứu về ung thư cần đáp ứng 2 điều kiện cơ bản là nghiên cứu viên phải là bác sĩ chuyên ngành ung thư và có khả năng nghiên cứu.