Đề tài

Gần 1 năm hoàn thành đề tài nghiên cứu

Nói về đề tài của mình, Thịnh cho biết: “Mình học sau anh Huy 1 khóa. Nhờ thầy hướng dẫn kết nối nên hai anh em gặp nhau và cùng nhau thực hiện đề tài. Anh Huy đảm nhiệm phần mô phỏng, lựa chọn các mô hình, thuật toán để sử dụng trong nghiên cứu. Mình thì thực hiện phần mạch điện. Tụi mình mất gần 1 năm để hoàn thành đề tài nghiên cứu này”.

Huy và Thịnh bắt đầu thực hiện đề tài từ đầu tháng 6-2019. Quá trình thực hiện bộ làm mát được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 và giai đoạn 2.

Ở giai đoạn 1, Huy và Thịnh nghiên cứu, chế tạo bộ làm mát mặt dưới của tấm pin năng lượng mặt trời. Trong giai đoạn 1 gồm 2 công đoạn: thi công mô hình làm mát và thi công phần mạch.

“Trong giai đoạn 1, khó khăn nhất là lúc chọn keo để dán các thành phần của bộ làm mát. Thời gian để dán tất cả các thành phần của bộ làm mát là khoảng 1 tiếng rưỡi. Nhưng nếu keo không phù hợp, nước bị rỉ thì mình phải gỡ hết ra, thay keo mới. Thời gian để gỡ hết keo ra còn gấp đôi thời gian dán vào, tức phải gần 3 tiếng đồng hồ mới tháo ra xong. Lúc đó, tụi mình dán vào gỡ ra trên dưới 10 lần mới tìm được loại keo phù hợp”, Thịnh nhớ lại.

“Phần lắp mạch dữ liệu cũng khó không kém, chỉ cần sai một chi tiết nhỏ là cháy mạch ngay. Hồi đó, tụi mình làm cháy mạch máy lần”, Huy vừa cười vừa kể.

Đầu tháng 1-2020, bộ làm mát mặt dưới của tấm pin được hoàn thành. Kết quả nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí quốc tế GMSARN thuộc danh mục SCOPUS vào tháng 4-2020.


Đề tài “Thiết kế, chế tạo bộ làm mát cho tấm pin năng lượng mặt trời nhằm nâng cao hiệu suất chuyển đổi điện quang của tấm pin” đạt giải Nhất tại Giải thưởng năm nay

Đến tháng 5-2020, hai bạn bắt tay vào thực hiện giai đoạn 2: nghiên cứu bộ làm mát mặt trên của tấm pin năng lượng mặt trời. Trong giai đoạn này, các bạn vừa nghiên cứu chế tạo bộ làm mát mặt trên tấm pin, vừa tiến hành cải tiến bộ mạch, nghiên cứu lại bộ nguồn đầu vào, hệ suất của mạch.

“Nhờ những kinh nghiệm rút ra từ giai đoạn 1 nên tụi mình chỉ mất khoảng hơn 1 tháng là hoàn thành giai đoạn 2, chế tạo thành công bộ làm mát mặt trên cho tấm pin năng lượng mặt trời”, Huy nói.

Huy cho biết, bộ làm mát cho hoạt động theo quy trình: Khi nhiệt độ của tấm pin lên trên 50 độ C thì mình bắt đầu kích hoạt hệ thống, bơm nước từ bể đầu vào có nhiệt độ thấp qua đường ống đến tấm pin. Tại đây, nước thực hiện quá trình trao đổi nhiệt với tấm pin để làm giảm nhiệt độ. Sau quá trình này nước được thu lại ở phía cuối tấm pin. Từ đó, nước đưa vào một bể trở lại khác để giải nhiệt rồi đưa trở lại chu trình bơm. Đối với hệ thống làm mát ở mặt trên, trước khi nước được đưa vào bể trở lại sẽ qua một hệ thống lọc các cặn bẩn để chúng không ảnh hưởng đến bơm và các đường ống.

“Bộ làm mát này có tác dụng cải thiện hiệu suất và tăng tuổi thọ của tấm pin. Đồng thời, với hệ thống làm mát mặt trên tấm pin khi hoạt động nước sẽ rửa những bụi bẩn, dị vật nhỏ bám trên mặt tấm pin. Chỉ cần 1 dị vật nhỏ bám trên bề mặt tấm pin cũng có thể gây ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của tấm pin, tại đó chúng tạo thành các điểm nóng cục bộ, nếu duy trì trong khoảng thời gian dài sẽ làm giảm tuổi thọ tấm pin thậm chí có thể làm cháy các tấm pin”, Thịnh tiếp lời.

Sau khi hoàn thành giai đoạn 2 của đề tài, các bạn cùng nhau ngồi lại để so sánh, đánh giá hiệu suất của bộ làm mát mặt dưới và bộ làm mát mặt trên của tấm pin năng lượng mặt trời. Từ kết quả nghiên cứu, hai bạn nhận thấy bộ làm mát mặt trên của tấm pin hoạt động tối ưu hơn, cho hiệu suất cao hơn, chi phí đầu tư rẻ hơn và thời gian hoàn vốn nhanh hơn.

Quả ngọt sau những cố gắng

Sau những cố gắng không biết mệt mỏi, đề tài “Thiết kế, chế tạo bộ làm mát cho tấm pin năng lượng mặt trời nhằm nâng cao hiệu suất chuyển đổi điện quang của tấm pin” của Huy và Thịnh đã đạt giải Nhất tại Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học Đại học Đà Nẵng”.

Nhớ lại lúc biết kết quả, Thịnh hạnh phúc chia sẻ: “Lúc được mọi người báo đề tài đạt giải Nhất, mình thật sự rất bất ngờ và không tin, nghĩ là mọi người đùa nhau thôi. Vì lúc đi báo cáo đề tài ở Đại học Đà Nẵng, mình thấy có nhiều đề tài hay và tính ứng dụng cũng rất cao”.

“Lúc đó mình cũng rất bất ngờ. Mình gọi báo cho Thịnh và các thầy ngay. Tất cả mọi người đều rất mừng vì sau gần 1 năm miệt mài nghiên cứu, tụi mình đã nhận được thành quả xứng đáng”, Huy chia sẻ thêm.


Võ Quốc Huy (áo trắng) và Ngô Hồng Thịnh đều mong muốn sẽ được tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học

TS. Lê Hồng Lâm – Giảng viên hướng dẫn đề tài chia sẻ: “Huy và Thịnh bắt đầu thực hiện đề tài từ tháng 6-2019 dưới sự định hướng về nâng cao hiệu quả sử chuyển đổi quang điện của tấm pin năng lượng mặt trời. Hai bạn thực hiện đề tài dựa trên các nghiên cứu đã được công bố trên các bài báo quốc tế và đưa ra các giải pháp để đạt được mục tiêu đặt ra. Trải qua nhiều lần thất bại, nhưng cả Huy và Thịnh đều không nản chí mà vẫn tiếp tục tìm hiểu để giải quyết các vấn đề gặp phải. Tôi rất vui khi đề tài của 2 em đạt giải Nhất tại Giải thưởng năm nay”.

Trong tương lai gần, hướng nghiên cứu nâng cao hiệu suất làm việc của tấm pin mặt trời được tiếp tục bởi nhóm nghiên cứu với sự kết hợp giữa bộ bắt điểm công suất cực đại (Maximum Power Point Tracking), bộ làm mát và bộ điều hướng.

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, cả Huy và Thịnh đều mong muốn sẽ được tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học.

“Mình đã ấp ủ một số dự định, mình sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để thực hiện nó trước khi ra trường”, Thịnh tâm sự.

Về phần Huy, vì là sinh viên năm cuối nên cũng bận rộn hơn, vừa thực tập vừa thực hiện đồ án tốt nghiệp. Tuy nhiên, khi được hỏi về đam mê nghiên cứu khoa học, Huy không ngần ngại mà trả lời ngay: “Mình sẽ tiếp tục nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học. Nếu các bạn khóa sau cần hỗ trợ gì trong khả năng của mình thì mình sẽ giúp đỡ hết mình”.

TS. Trịnh Trung Hiếu – Trưởng Bộ Môn Hệ Thống Điện (Khoa Điện, trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng) cho biết, phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên trong Khoa rất mạnh với nhiều nhóm sinh viên tham gia ở nhiều bộ môn, chuyên ngành. Mỗi năm, có khoảng 30 đề tài của sinh viên tham gia vào các cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp Khoa. Những đề tài có tính khoa học, tính ứng dụng cao sẽ được tiếp tục dự thi ở các cấp cao hơn.

“Khi biết đề tài của Huy và Thịnh đạt giải Nhất, chúng tôi rất vui. Điều đó đã tạo động lực để hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên tiếp tục phát triển”, TS. Trịnh Trung Hiếu chia sẻ.

Được triển khai từ ngày 17-3-2020, Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học Đại học Đà Nẵng” năm học 2019 – 2020 đã nhận được 19 đề tài từ các Hội đồng xét Giải thưởng cấp cơ sở.

Ngày 17-9 vừa qua, Hội đồng xét giải thưởng cấp Đại học Đà Nẵng đã họp và xét chọn, kết quả có 06 đề tài đạt giải, bao gồm: 01 giải nhất, 02 giải nhì và 03 giải ba. Các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên năm nay được các thành viên Hội đồng đánh giá cao. Nội dung nghiên cứu của đề tài có tính thời sự, kết quả nghiên cứu có tính mới, sáng tạo, có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn.

Lễ tổng kết và trao giải sẽ được tổ chức trong chương trình Festival “Sáng tạo trẻ” 2020 dự kiến tổ chức vào tháng 10-2020.

THANH THẢO