Để mùa ca cao cho trái ngọt
Ngay từ ngày đầu thành lập, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức đã xây dựng được mô hình chuỗi khép kín trong sản xuất từ cây giống đến bao tiêu, chế biến sản phẩm ca cao…
Niềm đam mê cháy bỏng với cây ca cao đã luôn thôi thúc anh Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) tìm tòi, nghiên cứu, đưa ra thị trường những sản phẩm độc đáo được chế biến từ trái ca cao như: socola, rượu, sữa, bánh kẹo… nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm ca cao, phục vụ mục đích cao nhất mà doanh nghiệp hướng tới là chia sẻ lợi ích với người nông dân.
Mô hình ca cao kiểu mẫu
Không phải ngẫu nhiên mà Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức được Hiệp hội Ca cao quốc tế (ICCO) đánh giá là mô hình kiểu mẫu của ca cao Việt Nam. Bởi ngay từ những ngày đầu thành lập, Công ty TNHH ca cao Trọng Đức đã luôn xác định, muốn phát triển đi lên, không gì khác là phải chủ động được vùng nguyên liệu và chia sẻ lợi nhuận với nông dân.
Trao đổi với chúng tôi, anh Đặng Tường Khanh cho biết, ngay từ những năm đầu khi đưa giống ca cao về trồng tại địa phương, chúng tôi đã có ý tưởng xây dựng một “làng công nghiệp”. Đó là việc thành lập làng trồng cây công nghiệp ca cao tập trung có chỉ đạo về nghiệp vụ, kỹ thuật và hỗ trợ về giống cho nông dân sản xuất.
Ý tưởng xây dựng “làng công nghiệp” ban đầu còn quá mới mẻ khiến không ít người tỏ ra thiếu tin tưởng về sự thành công của dự án. Nhưng vị bác sĩ già – thầy thuốc ưu tú Đặng Tường Khâm (bố anh Khanh) lúc bấy giờ vẫn quyết tâm thực hiện. Năm 2006, ông cầm cố tài sản, vay mượn được khoảng 30 tỷ đồng đầu tư cho nông dân các tỉnh: Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng vay 50% giá trị cây giống để phát triển vùng nguyên liệu trồng ca cao. Với cách làm mới mẻ, táo bạo của mình, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức được nông dân tin tưởng, vùng nguyên liệu phát triển nhanh chóng, lên tới trên 1.200ha chỉ trong vòng 3 năm. Có được vùng nguyên liệu, công ty tổ chức thu mua sản phẩm cho người nông dân thông qua việc thành lập các Câu lạc bộ ca cao nhằm bỏ qua khâu trung gian. Nhưng những vụ mùa vụ ca cao sau đó giá liên tục giảm.
“Thời điểm đó, chúng tôi xác định, muốn công ty tồn tại và phát triển, trước mắt bằng mọi giá phải giữ lại được diện tích vùng nguyên liệu hiện có. Cuối năm 2013, nhận thấy những tín hiệu tích cực từ thị trường và lúc này, nhiều sản phẩm chế biến từ ca cao của Trọng Đức cũng được thị trường đón nhận, công ty đã mạnh dạn quyết định ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân đảm bảo thu mua giá thấp nhất là 4.000 đồng/kg trái ca cao tươi trong vòng 7 năm từ 2013-2020 và cam kết tăng giá nếu giá thị trường tăng” anh Khanh chia sẻ. Theo anh Khanh, việc cam kết bao tiêu giá ca cao trong khoảng thời gian dài 7 năm được coi như một bước ngoặt, một “cuộc cách mạng” phá tan “tảng băng” trong lòng người dân vùng trồng nguyên liệu về nỗi lo giá cả bấp bênh. Tiếp theo đó, từ tháng 9-2015, TNHH Ca cao Trọng Đức ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá 6.000 đồng/kg trái tươi ca cao trong vòng một năm khiến nông dân vùng trồng nguyên liệu phấn khởi, mở rộng diện tích trồng ca cao mới trong năm 2015 thêm 200 ha, trong đó, riêng tại Đồng Nai là 120ha.
“Như vậy là ngay từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi tự hào là TNHH Ca cao Trọng Đức đã xây dựng được mô hình chuỗi khép kín trong sản xuất từ cây giống đến bao tiêu, chế biến sản phẩm. Mô hình này hiện được gọi là xây dựng chuỗi liên kết hay xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất nông nghiệp mà Nhà nước đang đẩy mạnh thực hiện”, anh Khanh chia sẻ.
Doanh nghiệp và nông dân cùng hưởng lợi
Theo Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức Đặng Tường Khanh, nếu chỉ lấy hạt và xuất thô thì ca cao chỉ cho giá trị thấp, nhưng nếu làm thành sản phẩm chế biến thì có thể mang lại mang lại giá trị tăng thêm hàng ngàn % so với xuất thô. Cụ thể, đối với socola hay dược phẩm, giá trị gia tăng của hạt ca cao mang lại lên tới 600%, còn nếu sản xuất được mỹ phẩm thì lợi nhuận lớn hơn nữa. Đến nay, hàng loạt các sản phẩm như bột ca cao, sữa ca cao, rượu vang, rượu mạnh, bánh kẹo, socola… của Trọng Đức đang trở thành những mặt hàng ngày càng được ưa chuộng trên thị trường. Hiện Trọng Đức cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất thử các sản phẩm dược phẩm và mỹ phẩm làm từ ca cao để có thể tung ra thị trường trong thời gian tới… Trong đó, dự án nổi bật nhất hiện nay là Công ty ca cao Trọng Đức đang hợp tác với một doanh nghiệp của Nhật Bản đầu tư chế biến sản phẩm socola xuất khẩu sang thị trường Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc với hợp đồng ban đầu khoảng 6-8 tấn socola/năm. Để tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến và xuất khẩu, Trọng Đức đang liên kết với nông dân tại bốn huyện Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất và Xuân Lộc phát triển vùng chuyên canh ca cao theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích hàng ngàn ha đến năm 2020. Tham gia dự án, nông dân trồng cao cao được hỗ trợ giống, tiếp cận vốn, kỹ thuật sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
“Theo dự án, các hợp tác xã sẽ đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc chuyển giao kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá cao hơn giá thị trường”, ông Khanh khẳng định. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm cho chế biến, công ty TNHH ca cao Trọng Đức đã phát triển 145 ha ca cao vùng nguyên liệu đạt chứng nhận UTZ. Đây là chương trình chứng nhận toàn cầu đưa ra các tiêu chuẩn sản xuất và kinh doanh nông sản có trách nhiệm về kinh tế, xã hội và môi trường… Cũng theo ông Khanh, vấn đề lớn nhất để xuất khẩu socola sang Nhật chính là tiêu chuẩn ATVSTP rất khắt khe. Do đó, mới đây, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng một dây chuyền sản xuất khép kín theo tiêu chuẩn của thị trường này có công suất lên tới 40 tấn/năm. Vào tháng 2-2016, lô hàng socola đầu tiên của Công ty sẽ được xuất khẩu sang Nhật với 500 kg socola/tháng. Việc hợp tác ban đầu giữa 2 công ty được ký kết trong vòng 3 năm với tổng giá trị sản phẩm lên tới 4 triệu USD.
“Có thể nói, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức đã và đang biến ước mơ thành hiện thực khi hiện nay, những người dân trồng ca cao không chỉ sống được, sống khỏe nhờ ca cao mà còn được thụ hưởng những sản phẩm từ thành quả do chính mình làm ra, trong đó có việc được thưởng thức socola, một món ăn trước đây luôn được coi là mặt hàng xa xỉ”, ông Khanh bày tỏ. Cũng theo ông Khanh, đó chính là giá trị nhân văn mà Ca cao Trọng Đức muốn hưởng tới: Doanh nghiệp và nông dân cùng được hưởng lợi, cùng chia sẻ lợi nhuận.
“Với quy trình sản xuất khép kín, từ vùng nguyên liệu đến chế biến, cùng với việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt chứng nhận UTZn và dây chuyền sản xuất theo quy trình của Nhật, các sản phẩm của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức sẽ đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong tiến trình hội nhập quốc tế”, anh Khanh chia sẻ.