Để khối u gây đau mới đi viện, người phụ nữ bị ung thư vú hành hạ nặng nề

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết, vừa qua nơi đây đã tiến hành phẫu thuật cứu một phụ nữ bị ung thư vú rất nặng.

Bệnh nhân là bà N.T.L.E. (53 tuổi). Khai thác bệnh sử, khoảng hơn 1 năm trước khi phát hiện phát hiện khối u vú ngày càng lớn dần kèm sưng đỏ, loét ra da, gây đau, chảy máu thì bệnh nhân mới đến cầu cứu bác sĩ.

Tại khoa Ung bướu của Bệnh viện TP Thủ Đức, các bác sĩ đã tiến hành các xét nghiệm cần thiết và đánh giá bà E. đã bị ung thư vú lan rộng. Bệnh nhân được sử dụng thuốc đặc trị, tuy nhiên khối u đáp ứng kém với thuốc nên khối u tiếp tục tiến triển. Khoảng 1 tháng gần đây, khối u lớn nhanh kèm lở loét chảy máu nhiều, gây cho bệnh nhân đau đớn kéo dài, suy kiệt kèm tình trạng nhiễm trùng.

Để khối u gây đau mới đi viện, người phụ nữ bị ung thư vú hành hạ nặng nề - 1

Khối u ác tính ở vú của người phụ nữ lở loét nặng nề (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Trước tình trạng khối u khó kiểm soát, các bác sĩ đã quyết định phải mổ cắt trọn khối mô vú và u. Khó khăn lúc này là khối u quá lớn chiếm toàn bộ mô vú và thành ngực phải, xâm lấn các cơ thành ngực, thần kinh và mạch máu vùng nách. Một vấn đề quan trọng nữa là bệnh nhân cần phải tạo hình che lấp khuyết hổng để lại sau cắt khối u.

Ca phẫu thuật diễn ra trong 7 giờ. Các bác sĩ đã cắt trọn được khối ung thư, bảo vệ các cấu trúc quan trọng và tạo hình bằng vạt da cơ từ bụng. Hậu phẫu, bệnh nhân hồi phục tốt, cảm giác nhẹ nhõm và giảm đau hẳn, tình trạng nhiễm trùng cải thiện nhanh chóng. Khối ung thư lấy ra khỏi ngực nặng 2,7 kg, tạo khuyết hổng 23x17cm. Vì bệnh nhân khó khăn, khoa Ung bướu đã chủ động hỗ trợ một phần chi phí.

Theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế IACR (thuộc Tổ chức Y tế thế giới WHO), số bệnh nhân ung thư trên thế giới hiện đã gia tăng thêm 19,3 triệu ca mới trong năm 2020 (so với 18.1 triệu ca trong năm 2018). Số ca tử vong do ung thư cũng tăng tương ứng từ 9,6 triệu ca tăng lên 10 triệu ca.

Để khối u gây đau mới đi viện, người phụ nữ bị ung thư vú hành hạ nặng nề - 2

Bệnh nhân được phẫu thuật cắt khối u và tạo hình che lấp khuyết hổng (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Tại Việt Nam tình hình cũng tương tự khi số ca mắc ung thư mới lên đến 182.000 ca, tử vong 123.000 ca vào năm 2020.

Bác sĩ Vũ cho biết, ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam và thế giới đối với phụ nữ.

Thống kê trong năm 2020, thế giới ước tính có khoảng 2,3 triệu bệnh nhân mắc mới, 685.000 người tử vong vì ung thư vú. Có 7,8 triệu phụ nữ hiện đang sống chung với ung thư vú.

Tại Việt Nam, số ca mới mắc ung thư vú đứng hàng đầu với hơn 21.500 người, chiếm 1/4 tổng số ung thư ở giới nữ. Mặc dù là loại ung thư thường gặp nhất nhưng phần lớn bệnh nhân đến khám khi bệnh không còn ở giai đoạn sớm.

Theo bác sĩ Vũ, việc điều trị ung thư vú hiện nay có nhiều tiến bộ, với các thuốc mới hiệu quả cao, ít tác dụng phụ. Tuy nhiên chi phí luôn là rào cản với các bệnh nhân nghèo. Do đó, người bệnh cần chủ động tầm soát để phát hiện bệnh sớm nhằm tăng cao cơ hội sống.

“Chị em phụ nữ nên chú ý đến sự thay đổi của cơ thể. Nếu có khối u hoặc cộm, dày lên tại một chỗ trong vú, chảy dịch từ một bên đầu vú, hạch nách hoặc cổ, thì nên đến bác sĩ khám. Không nên tự ý chích lể hoặc đắp thuốc, đắp lá lên bướu” – bác sĩ khuyến cáo.