Để doanh nghiệp bắt kịp Cách mạng công nghiệp 4.0
Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đề ra mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, xây dựng được doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Một trong những giải pháp quan trọng được ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra đó là tận dụng và tiếp cận những thành tựu sản xuất mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây được xem là “hạ tầng” quan trọng cho sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp.
Thiếu nền tảng hội nhập Cách mạng công nghiệp 4.0
Theo Chỉ số trưởng thành kỹ thuật số SMB của Cisco APAC (2019), 64% doanh nghiệp được khảo sát có nhận thức và hưởng lợi từ hỗ trợ của Chính phủ trong vấn đề chuyển đổi số; 18% doanh nghiệp đầu tư vào điện toán đám mây: 10,7% doanh nghiệp được khảo sát đã thực hiện nâng cấp phần mềm công nghệ thông tin.
“Những tỷ lệ này cao hơn mức trung bình của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho thấy chuyển đổi số không còn là viễn cảnh mà đã trở thành nhu cầu thực tế và yêu cầu cấp thiết của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích.
Báo cáo xếp hạng Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) năm 2021 của WIPO cho thấy Việt Nam (xếp thứ 44 trong 132 quốc gia) là một trong bốn quốc gia thu nhập trung bình có tiềm năng thay đổi bối cảnh đổi mới sáng tạo toàn cầu. Việt Nam tiếp tục dẫn đầu nhóm nước thu nhập trung bình thấp năm thứ 11 liên tiếp trong đổi mới sáng tạo so với mức độ phát triển kinh tế quốc giaêp
Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng thúc đẩy các làn sóng khởi nghiệp Việt Nam, từ 400 doanh nghiệp vào năm 2012 lên 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), trở thành quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp cao nhất ở Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam đã có một số doanh nghiệp kỳ lân như: VNG, Sky Mavis, VNLife, M-Service…
Tuy nhiên, việc tận dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 để đột phá vẫn còn nhiều thách thức. Ông Nguyễn Hoa Cương chỉ ra rằng phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp, năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, mới chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài.
Một trong 4 kỳ lân của Việt Nam.
Tổng chi đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam trong những năm gần đây đã tăng lên 0,5% nhưng so với các quốc gia trong khu vực vẫn thấp (Singapore 1,8%, Malaysia 1,0% và Thái Lan 1,0%). Bên cạnh đó, đầu tư cho R&D tại Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực công (56%).
Khảo sát của World Bank cho thấy việc áp dụng các công nghệ 4.0 chủ chốt vẫn còn rất sơ khai ở Việt Nam. Chỉ 6,9% doanh nghiệp được khảo sát sử dụng điện toán đám mây cho các hoạt động kinh doanh, 1,5% doanh nghiệp sử dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo cho mục đích tiếp thị. Tỷ lệ áp dụng công nghệ 4.0 khá thấp ở các ngành cụ thể. Ngay trong ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế là chế biến, chế tạo, chỉ có 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot, máy in 3D…
Các chuyên gia cũng chỉ ra chính sách và pháp luật không theo kịp với sự phát triển của công nghệ, ảnh hưởng đến sự sáng tạo và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Nghiên cứu của TS. Hà Huy Ngọc và cộng sự thuộc Viện Kinh tế Việt Nam cho thấy, Việt Nam mạnh ở các chính sách miễn giảm thuế, nhưng các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp trong nền kinh tế số hiệu quả còn thấp, kéo theo số lượng nhà đầu tư mạo hiểm và số người nhận vốn mạo hiểm thấp; các nhà đầu tư nhỏ lẻ chưa được bảo vệ bởi pháp luật.
Những vấn đề này đang làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ trên thị trường quốc tế mà ngay với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Cần chính sách và tư duy đột phá
Để Cách mạng công nghiệp 4.0 thực sự trở thành động lực phát triển doanh nghiệp doanh nhân cũng như thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, ông Cương đề nghị Chính phủ tích cực hoàn thiện hệ thống thể chế, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, những mô hình kinh doanh mới, loại hình tài sản mới xuất hiện giờ đây không thể được quản lý theo phương thức truyền thống mà cần có những chính sách và hành lang pháp lý mới.
Đồng thời, tối ưu hóa nguồn nhân lực với việc xây dựng và phát triển các mối quan hệ hữu cơ giữa khu vực doanh nghiệp, tổ chức đào tạo, tổ chức giáo dục nghề nghiệp và tổ chức nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội.
“Chiến lược phát triển nguồn nhân lực phải là một bộ phận trong chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Trong đó, cần có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp thông qua các hoạt động huấn luyện, cập nhật kiến thức, trang bị kỹ năng (kỹ năng số, ngoại ngữ) để nâng cao năng suất lao động; có chiến lược thu hút nhân tài, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp”, ông Cương nhấn mạnh.
Để bắt kịp cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp cần xác định được mô hình kinh doanh muốn hướng tới, từ đó thông qua các tổ chức hỗ trợ để kết nối với các bên cung cấp giải pháp số phù hợp. Đồng thời chủ động thay đổi phương thức hoạt động bằng cách áp dụng các phần mềm quản trị doanh nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng bằng chất lượng, hiệu suất, quy trình. Quản trị doanh nghiệp cần đổi mới, sáng tạo; rà soát, cập nhật để kịp thời điều chỉnh, đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp phù hợp với quy mô phát triển của doanh nghiệp trong từng thời kỳ; xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu quả và bố trí lực lượng lao động đúng việc, đúng người để đảm bảo năng suất lao động cao nhất.
Theo TS. Tạ Quang Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam để thúc đẩy Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam chúng ta phải tiếp cận tổng thể từ góc độ của các chủ thể tham gia. Với mỗi chủ thể cần xem xét các điều kiện theo từng đặc trưng riêng. Như khi nói đến chủ thể khu vực công cần nói đến các đặc điểm liên quan đến kiến tạo môi trường từ đầu vào – đầu ra, tạo ra mạng lưới liên kết cho các doanh nghiệp có thể phát huy được vai trò của chính các đối tượng này. Khi nói đến các điều kiện của doanh nghiệp cần phải nhấn mạnh đặc điểm của khu vực này là lấy lợi nhuận làm trọng tâm, do vậy các điều kiện phải xoay quanh các vấn đề về chất lượng, sự đổi mới sáng tạo trong các mô hình kinh tế mà công cụ hữu hiệu nhất mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, đó là các công nghệ mới như Internet vạn vật, truy cập dữ liệu thời gian thực và giới thiệu các hệ thống vật lý không gian mạng.
Ông cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần phải hoàn thiện các điều kiện tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên ba khía cạnh: Thúc đẩy theo chiều rộng của hiệu quả hoạt động; Điều chỉnh các mô hình kinh doanh để nắm bắt các nhóm giá trị đang thay đổi; Xây dựng nền tảng cho chuyển đổi kỹ thuật số.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):
Cần cuộc cách mạng về văn hóa doanh nghiệp
Muốn bắt kịp cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, văn hóa doanh nghiệp cần thay đổi để phù hợp, thích ứng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nhân trong kỷ nguyên số phải sở hữu tầm nhìn về công nghệ. Việc chuyển đổi môi trường doanh nghiệp theo mô hình gắn liền với công nghệ và số hóa sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Những thuật ngữ về công nghệ không chỉ dành riêng do giới công nghệ thông tin mà bất cứ doanh nhân nào cũng cần nghiên cứu, ứng dụng cho doanh nghiệp.
Doanh nhân cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp không ngừng đổi mới sáng tạo. Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo động lực cho sự thay đổi trong tư duy do đó doanh nghiệp phải luôn sáng tạo đổi mới dây chuyền công nghệ, mô hình quản lý và kinh doanh phù hợp, điều hành doanh nghiệp theo hướng tư duy cạnh tranh sáng tạo về trí tuệ, ứng dụng công nghệ mới tạo năng suất cao, hiệu quả.
Đổi mới sáng tạo trong công việc phải là mục tiêu hàng đầu của doanh nhân và doanh nghiệp, bởi vì điều này không chỉ làm tăng hiệu quả công việc mà còn tạo môi trường làm việc đoàn kết, tích cực trong doanh nghiệp.
TS. Tạ Quang Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam:
Khu vực công đóng vai trò thúc đẩy
Một trong số các chủ thể đóng vai trò quan trọng đối với sự tham gia của doanh nghiệp vào Cách mạng công nghiệp 4.0 đó là khu vực công. Trong đó bên cạnh việc xây dựng hoàn thiện cơ sở pháp lý khuyến khích sự tham gia vào Cách mạng công nghiệp.4.0, cần tăng cường đầu tư cải thiện hạ tầng công nghệ, kỹ thuật cho phát triển chính phủ số. Mức đầu tư hiện tại cho kinh tế số của Việt Nam chỉ đạt 0,3% GDP, thấp hơn mức trung bình thế giới khá nhiều (từ 1-2%); Đồng thời cải thiện khả năng giải ngân, liên tục tháo gỡ vướng mắc cởi mở giữa các đối tượng khác nhau.
Bên cạnh đó cần tăng cường các chính sách khuyến khích, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quá trình phát triển một cách bài bản, tổng thế, có lộ trình rõ ràng, gắn với các loại hình công nghệ được dự báo sẽ là trụ cột phát triển trong tương lai. Điều này sẽ giúp Việt Nam chủ động được trong việc đổi mới sáng tạo, tạo ra các tri thức mới mà vốn từ trước tới nay vẫn dựa nhiều vào thế giới thông qua nhập khẩu công nghệ, các doanh nghiệp FDI.
Đồng thời, cần nâng cấp hệ thống quản lý dữ liệu, hệ thống dữ liệu mở, tăng cường áp dụng các công nghệ mới, công nghệ phát triển, trí tuệ nhân tạo được thiết kế dựa theo đặc thù, nhu cầu của từng ngành nghề, bộ phận của chính phủ số theo thời gian thực, lấy người dân làm trung tâm phục vụ.
PGS-TS. Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam:
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Để nâng cao hoạt động chi đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) cho doanh nghiệp và mức độ sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp 4.0, về phía Chính phủ, thứ nhất cần hoàn thiện thể chế cho đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, thông qua các Chương trình khoa học và công nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ để thúc đẩy năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao. Từng bước nâng cao trình độ và năng lực công nghệ theo hướng tăng nhanh tỷ lệ công nghệ cao, giảm dần công nghệ thấp và trung bình; Ưu tiên đặc biệt cho xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; Thí điểm chương trình đối tác công tư về R&D và đổi mới sáng tạo nhằm tập trung, tận dụng nguồn lực và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu nhà nước và doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài.
Thứ hai, đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, từ đó, nâng cao năng lực R&D trong các doanh nghiệp mà trọng tâm là năng lực đổi mới công nghệ và năng lực quản trị doanh nghiệp; có chính sách thúc đẩy khu vực tư nhân và các doanh nghiệp lớn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng cơ chế hợp tác công – tư trong đầu tư đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, xây dựng các tổ chức trung gian như sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp… nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ. Hình thành các kênh nhập khẩu công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là đối với các ngành có trình độ công nghệ cao.