Để đền Voi Phục xứng tầm “Thăng Long tứ trấn”
Có thể nói rằng, những gì đã và đang diễn ra ở đền Voi Phục còn chưa tương xứng với tầm vóc một di tích lịch sử quan trọng của đất nước. Nằm ở vị trí rất đẹp, ngay ngã tư Kim Mã – La Thành, nhưng vẫn không nhiều người biết đến di tích lịch sử quan trọng này. Rất nhiều người có biết đền Voi Phục, nhưng lại không biết đó là một trong “tứ trấn Thăng Long”.
Báo CAND có in bài “Di tích lịch sử phải sống động, hút hồn du khách Thăng Long” đề cập tới vấn đề bảo quản và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa Thủ đô. Báo CAND kỳ này xin trở lại vấn đề thời sự trên từ di tích đền Voi Phục -một trong “Thăng Long tứ trấn”.
Đền Voi Phục nằm ở phía Tây Hà Nội, thuộc làng Thủ Lệ, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội và là một trong 12 di tích lớn của đất nước được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia ngay đợt đầu tiên, năm 1962. Từ xa xưa, lễ hội ở đền Voi Phục đã được tổ chức theo Quốc lễ.
Theo sử sách, đền được dựng từ năm 1054 – 1072, đời vua Lý Thánh Tông, thờ Linh Lang Đại vương. Hoàng tử Hoằng Chân là con thứ tư của vua Lý Thánh Tông với bà Hạo Nương, cung phi thứ 9, sinh ra ở làng Thị Trại.
Khi giặc Tống sang xâm chiếm nước ta, trong lúc vua cha lo lắng vì thế giặc mạnh, hoàng tử đã xin đi đánh giặc. Lúc hoàng tử lên đường, con voi trận liền quì xuống để ngài bước lên. Ngôi đền có tên Voi Phục bởi ý nghĩa đó. Thắng trận, hoàng tử trở về đất cũ, được ít lâu thì hóa ở đấy.
Trong cổng đền đang là bãi trông xe.
Nhà vua đã sắc phong hoàng tử là Linh Lang Đại vương, cho sửa lại nơi ở cũ để làm đền thờ và đổi tên Thị Trại thành Thủ Lệ, người dân ở đây được miễn phu phen tạp dịch để chuyên phục dịch việc cúng tế ở đền.
Trong đền thờ tượng của thần, phía trước là hòn đá lớn, có vết lõm được đặt trong hộp kính, tương truyền là vật thần đã từng gối đầu trước khi hóa. Đến đời Trần, Linh Lang Đại vương lại hiển thánh, phù quốc đánh tan giặc Nguyên – Mông và được vua Trần Thái Tông sắc phong Bình Mông Vương thượng đẳng.
Thời Lê Trung Hưng, ngài lại hiển thánh, giúp triều Lê tiễu trừ Mạc Thị nên được phong mỹ tự: “Phối Đồng Thiên địa, Vạn cổ lưu truyền”. Với công lao to lớn của Linh Lang Đại vương với đất nước, các triều đại đều sắc phong “Thượng đẳng thần”.
Thế nhưng, có thể nói rằng, những gì đã và đang diễn ra ở đây còn chưa tương xứng với tầm vóc một di tích lịch sử quan trọng của đất nước. Nằm ở vị trí rất đẹp, ngay ngã tư Kim Mã – La Thành, nhưng vẫn không nhiều người biết đến di tích lịch sử quan trọng này. Rất nhiều người có biết đền Voi Phục, nhưng lại không biết đó là một trong “tứ trấn Thăng Long”.
Chị Nguyễn Thị Dự, nhà ở Hồng Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lắc đầu khi đươc hỏi về những gì liên quan đến ngôi đền Voi Phục, ngoài việc duy nhất biết đó là một … ngôi đền. Vì thế, không có gì để ngạc nhiên khi Jon Anderholm, một du khách đến từ Mỹ, đươc chúng tôi đưa đến thăm đền Voi Phục, đã rất ngơ ngác vì anh không thể hiểu gì về ngôi đền, khi chẳng có một biển chỉ dẫn bằng tiếng nước ngoài.
Ông Trần Văn Phao, một trong 3 vị thủ từ của đền Voi Phục cho biết: Theo tục lệ, hàng năm, làng cắt cử người ra trong coi đền, còn mọi việc như giới thiệu, quảng bá về giá trị của ngôi đền, dân làng cũng chưa nghĩ đến. Nhưng cũng chưa thấy các cơ quan quản lý có hoạt động gì để giới thiệu rộng rãi ngôi đền. Vì thế, các ấn phẩm sơ đẳng nhất mà các di tích, danh thắng khác thường có như tờ rơi, catalog, sách vv… chưa bao giờ xuất hiện ở ngôi đền này.
Mỗi tháng, theo ông Trần Văn Phao cho biết, ngôi đền này chỉ đón 1.000 đến 1.500 lượt khách, chủ yếu đến thắp hương, cầu khấn vào ngày rằm, mồng một âm lịch. Còn ngày thường, hầu như không có khách. Nếu biết rằng, đây là ngôi đền gắn với chiều dài lịch sử hơn 900 năm, mới thấy sự im hơi lặng tiếng của di tích là không tương xứng với những giá trị thực có.
Chính cụ thủ từ Nguyễn Văn Kìm cũng công nhận: Vào đây, thường chỉ khách quen đến. Chứ nếu khách lạ, không có người quen dẫn đường thì cũng chẳng thể biết được giá trị to lớn của ngôi đền trong lịch sử. Thậm chí, nhiều người đã vào khu vực đền nhưng vẫn chỉ đi lướt qua, vì không hiểu lịch sử ngôi đền.
Có lẽ, đó là lý do khiến ngôi đền này dù nằm ở một điểm giao thông thuận tiện, lại ngay khuôn viên Công viên Thủ Lệ, là nơi mỗi dịp lễ, tết đều đón hàng vạn khách tham quan công viên, nhưng rất ít người ghé thăm đền.
Đây quả là một thiếu sót của thế hệ con cháu chúng ta trước một di tích lịch sử có giá trị văn hóa lớn cha ông để lại. Theo Viện nghiên cứu Hán Nôm, có tới hơn 70 vạn bản thần tích ghi chép sự tích thần Linh Lang, cho thấy sức ảnh hưởng của vị thần trong đời sống tinh thần dân tộc. Thế nhưng, là di tích gốc, mà đến nay, đền Voi Phục chưa phát huy đươc những giá trị to lớn của mình, để giáo dục truyền thống cũng như phát triển kinh tế -xã hội trên địa bàn, quả là điều rất đáng tiếc.
Ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đang đến gần. Để tôn vinh ngôi đền đúng với giá trị lịch sử là một trong “tứ trấn Thăng Long” ngoài việc tôn tại, không thể không quan tâm đến việc giới thiệu rộng rãi với du khách trong và ngoài nước những giá trị to lớn của mảnh đất địa linh nhân kiệt này.
Cổng ngôi đền thường là điểm đầu tiên gây sự chú ý của du khách, nhưng ở đây, chỉ sừng sững một cổng tam quan với toàn chữ Hán, chứ không có một chữ tiếng Việt, nên không mấy du khách người Việt biết được đây là một trong tứ trấn của Thăng Long, chứ nói gì đến khách nước ngoài.
Chỉ nổi bật từ cổng đền là mấy tấm biển ghi “Điểm trông ôtô – xe máy ngày và đêm” cùng hàng loạt ôtô đậu dọc từ phía trong cổng tam quan vào tới đền.
Ở sân đền, duy nhất một tấm biển bằng tiếng Việt giới thiệu sơ qua thân thế, sự nghiệp của Linh Lang Đại vương, nhưng đến tên tuổi của vị hoàng tử cũng không có, thậm chí không có một dòng nào về giá trị kiến trúc hay lịch sử văn hóa của ngôi đền.
Mang trong mình một huyền thoại lịch sử và song hành với chiều dài định đô của nhà Lý gần 1.000 năm qua, đền Voi Phục đã chứng tỏ những giá trị văn hóa, giá trị tâm linh trong lòng dân tộc. Mới đây, nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, thành phố Hà Nội đã quyết định đâu tư gần 20 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo ngôi đền, càng cho thấy ý nghĩa to lớn của ngôi đền trong đời sống tinh thần của nhân dân Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung.