Dễ dàng mua bán dữ liệu doanh nghiệp như VIRACE, VIETDATA…

Với sự phát triển càng nhanh của môi trường internet như hiện nay, dữ liệu cá nhân hay thông tin của doanh nghiệp rất dễ dàng trở thành “món hàng” để trao đổi, mua bán. Một số website còn cung cấp dữ liệu, báo cáo tài chính của doanh nghiệp và rao bán tràn lan dưới vỏ bọc “nghiên cứu thị trường”.

Thông tin doanh nghiệp trở thành “món hàng” tràn lan

Thông qua công cụ tìm kiếm Google và gõ vào từ khóa “data doanh nghiệp”, người dùng nhận được khoảng 22.400.000 kết quả sau 0,55 giây. Từ đây, hàng loạt địa chỉ rao bán thông tin về doanh nghiệp hiện ngay trước mắt người dùng như: datakhachhang.net, data5s.com, fulldata.org, danhsachmoi,…

Với từ khóa “data doanh nghiệp”, công cụ tìm kiếm Google cho ra rất nhiều kết quảVới từ khóa “data doanh nghiệp”, công cụ tìm kiếm Google cho ra rất nhiều kết quả

Hầu hết các website này đều cung cấp 2 loại dữ liệu: miễn phí và có phí. Dữ liệu miễn phí hầu như các trang đều tương tự nhau và không có tính phân loại cụ thể. Dữ liệu thu phí có nhiều thông tin chi tiết hơn, có tính phân loại thông tin của doanh nghiệp theo từng ngành nghề, lĩnh vực,…

Dữ liệu thu phí thường được bán dưới dạng một danh sách cụ thể. Giá bán tùy website sẽ khác nhau tùy theo chất lượng và độ chi tiết của gói dữ liệu hay còn gọi là “data”. Việc mua bán công khai, bên mua và bên bán không cần gặp nhau mà chỉ qua thao tác giao dịch đơn giản là người mua chuyển tiền qua ngân hàng cho bên bán và nhận lại (hoặc tải xuống) tập tin (file) chứa đựng thông tin của doanh nghiệp.

Giao dịch này hiện đang tồn tại rất nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp và có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật.

Vỏ bọc “nghiên cứu thị trường”?

Để tìm hiểu sâu hơn, Phóng viên Thương hiệu & Công luận đã tiếp cận với một số đơn vị đã và đang giới thiệu về dịch vụ tiếp cận với dữ liệu của các doanh nghiệp.

Phóng viên cũng tìm hiểu website viracresearch.com (được giới thiệu thuộc Công ty CP Nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam). Đơn vị này cung cấp các dịch vụ: khảo sát thị trường, nghiên cứu và tư vấn thị trường theo yêu cầu, báo cáo thu thập thị trường và báo cáo doanh nghiệp…

Khi phóng viên bấm vào “VIRACE” tại mục dịch vụ, website dẫn tới địa chỉ: landing-page.virace.vn. Tại đây, đơn vị này quảng cáo các gói tài khoản khác nhau, có giá giao động từ 400-1.400 USD/tháng (khoảng hơn 8 – 33 triệu đồng) để nhận được các gói dịch vụ của Công ty.

Virace cung cấp các gói tài khoản để khách hàng lựa chọn các thông tin về doanh nghiệpVirace cung cấp các gói tài khoản để khách hàng lựa chọn các thông tin về doanh nghiệp

Bên cạnh Virace, phóng viên cũng tìm hiểu website Vietdata.vn (được giới thiệu thuộc CTCP Dữ liệu Kinh tế Việt Nam), đơn vị này cho biết sẽ cung cấp cho các gói số liệu báo cáo tài chính doanh nghiệp bao gồm: Các doanh nghiệp đang niêm yết trên các sàn chứng khoán tại Việt Nam như HOSE, HNX, sàn giao dịch UpCom và các doanh nghiệp chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.

Thậm chí, đơn vị này còn cho biết họ có thể cung cấp số liệu tài chính của doanh nghiệp theo yêu cầu của khách hàng.

Website VietdataWebsite Vietdata

Trong vai khách hàng, phóng viên đã liên hệ với Vietdata thông qua số hotline trên website. Phóng viên cũng đề nghị muốn liên hệ mua dữ liệu, báo cáo tài chính của một doanh nghiệp do phóng viên yêu cầu. Đại diện của Vietdata nhanh chóng cho biết họ có thể cung cấp thông tin nhưng chỉ cung cấp cho khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp và yêu cầu được xác minh khách hàng đang làm việc.

Được biết, bên cạnh việc đăng tải thông tin và báo cáo tài chính của doanh nghiệp, website này còn cho phép khách hàng nâng cấp lên tài khoản “Premium” để được nhận những ưu đãi “hậu hĩnh” hơn như nhận được hỗ trợ có các báo cáo tài chính “đặc biệt, không public” (tức là không công khai). Giá bán của gói tài khoản này hiện đang giảm từ 1.500.000 đồng xuống còn 750.000 đồng/tháng.

Gói tài khoản được Vietdata cung cấp tới khách hàngGói tài khoản được Vietdata cung cấp tới khách hàng

Chỉ sơ bộ như vậy cũng nhận thấy rằng, dữ liệu, báo cáo tài chính của doanh nghiệp đang có dấu hiệu bị “lộ” và được rao bán bởi các doanh nghiệp tư nhân với vỏ bọc “nghiên cứu thị trường”.

Thế nhưng, những đơn vị như trên dựa vào đâu để có thể cung cấp dữ liệu như báo cáo tài chính của doanh nghiệp đến với khách hàng nếu như những doanh nghiệp này chưa được niêm yết hoặc không phải là công ty đại chúng.

Điều này khiến dư luận không khỏi hoài nghi về trách nhiệm của cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế hay cơ quan thống kê sẽ như thế nào?

Giả thiết nếu những thông tin của doanh nghiệp được các đơn vị trên cung cấp nhưng bên mua sau đó sẽ dùng vào mục đích riêng của mình và gây ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp thì sẽ như thế nào? Đơn cử với chiêu trò mạo danh tin nhắn thương hiệu Brandname các ngân hàng gửi đến nhiều người dùng thời gian qua, kẻ xấu hoàn toàn có thể nhắm đến trúng đích người dùng nhờ thông tin (số điện thoại di động, ngân hàng đang sử dụng) đã bị lộ trên mạng.

Việc dễ dàng trao đổi thông tin như trên hiện đang tồn tại nhiều nguy cơ khác nhau và rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để làm rõ. Dựa trên cơ sở này, rất cần một hành lang pháp lý chặt chẽ để điều chỉnh sâu hơn về vấn đề này.

Hùng Mai