Đề cương ôn tập học kỳ II môn Sử lớp 6>
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Chương III
Chương III. Thời kì Bắc thuộc và đấu tranh giành độc lập
1. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Hai Bà Trưng dựng nền độc lập, kháng chiến chống quân xâm lược Hán (42 – 43).
a) Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40)
* Nguyên nhân:
– Do ách đô hộ tàn bạo của nhà Hán làm nhân dân ta khắp nơi căm phẫn, muốn nổi dậy chống lại.
– Thi Sách (chồng của bà Trưng Trắc) bị quân Hán giết.
* Diễn biến:
– Trưng Trắc, Trưng Nhị là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách, con trai Lạc tướng huyện Chu Diên, 2 gia đình liên kết với nhau để chuẩn bị khởi nghĩa.
– Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa ở Hát Môn (Hà Nội), nhân dân khắp nơi hưởng ứng, nghĩa quân nhanh chóng làm chủ Mê Linh, rồi tiến đánh Cổ Loa, Luy Lâu.
* Kết quả: Tô Định trốn về Trung Quốc. Quân Hán các quận, huyện khác bị đánh tan. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi.
* Ý nghĩa: Thể hiện tinh thần yêu nước đấu tranh bất khuất của dân tộc. Báo hiệu thế lực phong kiến phương Bắc không thể cai trị vĩnh viễn nhân dân ta.
b) Hai Bà Trưng dựng nền độc lập.
– Sau khởi nghĩa, Hai Bà Trưng xây dựng nền tự chủ.
– Trưng Trắc xưng vương – Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh. Phong tước cho những người có công, thành lập chính quyền tự chủ. Các Lạc tướng giữ quyền cai quản các huyện. Xá thuế cho dân, bãi bỏ những thuế thuế vô lí, luật pháp hà khắc trước đây.
c) Kháng chiến chống quân xâm lược Hán (42-43)
– Đầu năm 42, quân Hán chuẩn bị mọi mặt, cử Mã Viện sang đàn áp Hai Bà Trưng, tiếp tục áp đặt ách đô hộ trên đất nước ta.
– Diễn biến:
+ Tháng 4 – 42, nhà Hán tấn công Hợp Phố, chia làm hai đạo quân: đạo quân thứ nhất, men theo bờ biển, lẻn theo Quỷ Môn Quan (Quảng Ninh) xuống Lục Đầu; đạo quân thứ hai, từ Hợp Phố vượt biển vào sông Bạch Đằng, ngược lên vùng Lục Đầu. Sau đó, quân của Mã Viện đánh chiếm vùng Lãng Bạc.
+ Hai Bà Trưng rút về Cổ Loa rồi rút về Mê Linh, sau đó là Cấm Khê.
+ Tháng 3 – 43, Hai Bà Trưng hy sinh tại Cấm Khê => kháng chiến kết thúc.
– Kết quả: cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Hán thất bại, tiếp tục là thuộc địa của phương Bắc.
– Ý nghĩa: Thể hiện lòng yêu nước; để lại bài học kinh nghiệm cho các cuộc khởi nghĩa ở giai đoạn sau; khẳng định vai trò của người phụ nữ trong lịch sử dân tộc.
2. Tình hình kinh tế nước ta từ thế kỷ I đến thế kỷ VI
– Mặc dù còn hạn chế về kĩ thuật, nhưng nghề sắt vẫn phát triển: các công cụ như rìu, cuốc dao,… ; vũ khí như kiếm, giáo, mác… làm bằng sắt được dùng phổ biến.
– Biết đắp đê phòng lụt, biết trồng lúa 2 vụ một năm.
– Nghề gốm, nghề dệt vải (tơ tre, tơ chuối),… cũng được phát triển.
– Các sản phẩm nông nghiệp và thủ công không bị cống nạp mà được trao đổi ở các chợ làng. Chính quyền đô hộ giữ độc quyền ngoại thương. Đã có sự trao đổi với thương nhân Giava, Trung Quốc, Ấn Độ.
3. Lý Bí và nước Vạn Xuân
– Lý Bí (Lý Bôn) quê ở Thái Bình (mạn bắc Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội), được giữ chức chỉ huy quân đội ở Đức Châu. Do căm ghét bọn đô hộ ông đã từ quan về quê, chuẩn bị khởi nghĩa.
a) Diễn biến khởi nghĩa Lý Bí
– Năm 542, khởi nghĩa Lý Bí bùng nổ. Hào kiệt khắp nơi kéo về hưởng ứng: Ở Chu Diên có Triệu Túc và Triệu Quang Phục, ở Thanh Trì có Phạm Tu, ở Thái Bình có Tinh Thiều… Chưa đầy 3 tháng, nghĩa quân đã chiếm hầu hết các quận huyện, Tiêu Tư bỏ chạy về Trung Quốc.
– Tháng 4 – 542 và đầu năm 543, nhà Lương 2 lần đưa quân sang đàn áp, quân ta chủ động tiến đánh quân địch và giành thắng lợi.
=> Kết quả: Khởi nghĩa thắng lợi, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, lập nước riêng, thể hiện tinh thần, ý chí độc lập.
b) Nước Vạn Xuân thành lập
– Mùa xuân 544, Lý Bí lên ngôi hoàng đế (Lý Nam Đế), đặt tên nước là Vạn Xuân, niên hiệu là Thiên Đức, dựng kinh đô ở vùng cửa sông Tô Lịch (Hà Nội).
– Triều đình gồm hai ban văn, võ. Triệu Túc giúp vua cai quản mọi việc. Tinh Thiều đứng đầu ban văn, Phạm Tu đứng đầu ban võ.
c) Chống quân Lương xâm lược
– Tháng 5 – 545, quân Lương do Dương Phiêu và Trần Bá Tiên chỉ huy đạo quân lớn theo 2 đường thủy và bộ xâm lược nước ta.
– Lý Nam Đế kéo quân đánh giặc ở Lục Đầu. Thế yếu, ta lui về Tô Lịch và thành Gia Ninh, rồi đến vùng núi Phú Thọ.
– Năm 546, Lý Nam Đế đem quân đóng ở hồ Điển Triệt, bị giặc đánh úp nên lui về động Khuất Lão, trao binh quyền cho Triệu Quang Phục và mất năm 548.
d) Triệu Quang Phục đánh bại quân Lương, Nước Vạn Xuân độc lập kết thúc
– Triệu Quang Phục chọn Dạ Trạch làm căn cứ kháng chiến.
– Ban ngày, nghĩa quân tắt hết khói lửa, im hơi lặng tiếng. Đêm đến, nghĩa quân chèo thuyền đánh úp trại giặc, cướp vũ khí, lương thực.
– Năm 550, Trung Quốc có loạn, Trần Bá Tiên về nước. Chớp thời cơ đó, nghĩa quân phản công, cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi.
– Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương) làm vua được 20 năm (550 – 570). Đến 571, Lý Phật Tử cướp ngôi gọi là Hậu Lý Nam Đế.
– Năm 603, nhà Tùy mang 10 vạn quân sang tấn công. Lý Phật Tử bị bao vây ở Cổ Loa, bị bắt giải về Trung Quốc, nước ta rơi vào ách đô hộ của nhà Tùy. Nước Vạn Xuân độc lập kết thúc.
4. Nước Cham-pa (thế kỷ II- X).
a) Nhà nước Cham-pa độc lập được thành lập
– Thời Hán, sau khi chiếm được Giao Chỉ, Cửu Chân, quân Hán đánh xuống phía Nam, chiếm đất của người Cham-pa cổ, sáp nhập vào quận Nhật Nam, đặt ra huyện Tượng Lâm.
– Cuối thế kỷ II, nhân dân Tượng Lâm, dưới sự lãnh đạo của Khu Liên, đã nổi dậy giành độc lập. Khu Liên tự xưng làm vua, đặt tên nước là Lâm Ấp.
– Các vua Lâm Ấp thường tấn công quân sự các nước láng giềng, mở rộng lãnh thổ, phía Bắc đến Hoành Sơn, phía Nam đến Phan Rang, rồi đổi tên nước là Cham-pa.
b) Tình hình kinh tế, văn hoá Cham-pa từ thế kỷ II đến thế kỷ X
– Kinh tế:
+ Người Chăm biết sử dụng công cụ bằng sắt, dùng trâu bò kéo cày nguồn sống chủ yếu là trồng lúa nước mỗi năm 2 vụ. Ngoài ra còn làm ruộng bậc thang ở sườn núi.
+ Họ biết trồng các loại cây ăn quả (cau, dừa, mít,…) và các cây khác (bông gai…). Biết khai thác lâm, thổ sản (trầm hương, ngà voi, sừng tê,…), làm đồ gốm, đánh cá…
+ Người Chăm buôn bán với nhân dân các quận ở Giao Châu, Trung Quốc và Ấn Độ.
– Văn hoá:
+ Từ thế kỷ IV, người Chăm đã có chữ viết riêng, nhân dân theo đạo Bà La Môn và đạo Phật.
+ Người Chăm có tục hoả táng người chết, họ ở nhà sàn và có thói quen ăn trầu cau.
+ Người Chăm đã sáng tạo một nền nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu là các tháp Chăm, đền, tượng,…
+ Người Chăm có mối quan hệ chặt chẽ với cư dân Việt từ lâu đời.