Để bạo lực học đường không còn là nỗi lo
Bạo lực học đường không chỉ là trăn trở của ngành Giáo dục – Đào tạo mà còn là nỗi lo của toàn xã hội. Năm học mới bắt đầu, nhưng trên địa bàn Thành phố đã xảy ra một số vụ bạo lực học đường. Ngành Giáo dục – Đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng bạo lực học đường.
Nguyên nhân bạo lực học đường
Vào năm học mới, thay niềm vui gặp bạn bè cùng trang lứa sau những ngày hè và nghỉ học do Covid-19, thì một số học sinh ở các trường học trên địa bàn Thành phố ẩu đả, đánh nhau, gây xôn xao dư luận, khiến các bậc phụ huynh và xã hội lo lắng…
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sỹ tâm lý học Nguyễn Quốc Thái, Phó trưởng Khoa cơ sở, Trường đại học Tây Bắc, chia sẻ: Việc xảy ra một số vụ bạo lực học đường trên địa bàn Thành phố vừa qua là hiện tượng cá biệt, chưa đến mức báo động về mức độ bạo lực học đường. Trong nghiên cứu gần đây của chúng tôi về tâm lý của học sinh THCS tại thành phố Sơn La, hội chứng hành vi hung tính và hành vi phá bỏ quy tắc – hội chứng dễ gây ra bạo lực học đường của các em ở mức thấp và thấp nhất trong các hội chứng tâm lý mà các em gặp phải. Tuy nhiên, những vụ bạo lực học đường cũng là điều cảnh báo và cần được xử lý kịp thời.
Diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp – nói không với bạo lực học đường” do Tỉnh Đoàn tổ chức tại Trường PTDT Nội trú THCS-THPT Bắc Yên (Ảnh chụp trước ngày 27/4).
Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Thái, hiện nay, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, trong đó nguyên nhân chính và cơ bản là học sinh THCS và THPT đang ở tuổi dậy thì, có sự chuyển biến mạnh nhưng không cân đối về tâm, sinh lý, nên dễ có những hành vi lệch chuẩn, hành động bột phát và phản ứng với cường độ mạnh, các em có thể đánh nhau, cãi nhau chỉ vì va chạm nhỏ. Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng nữa là từ phía gia đình, bạo lực học đường dễ xảy ra ở những học sinh thiếu sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ và người thân, do quá mải mê với công việc, không có sự thống nhất trong cách dạy dỗ, giáo dục con cái; quan tâm đánh giá con cái bằng kết quả học tập và bỏ qua tâm tư, suy nghĩ của các con; gia đình không hạnh phúc, cha mẹ li hôn… Đặc biệt là bạo hành gia đình lên chính học sinh dễ dẫn đến khuynh hướng bạo lực học đường của các em.
Cùng với đó, bạo lực học đường cũng xuất phát từ việc giáo dục chưa hiệu quả trong trường phổ thông. Môn Giáo dục công dân hay đạo đức còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn, chưa cuốn hút học sinh, chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm… nên chưa hình thành đầy đủ ở học sinh những phẩm chất về lòng nhân ái, bao dung, sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân với những người xung quanh. Hoạt động giáo dục kĩ năng sống chưa được chú trọng tổ chức đầy đủ, hiệu quả và phù hợp với học sinh… Mặt khác, trong thời đại công nghệ 4.0, học sinh tiếp xúc dễ dàng và bắt chước làm theo những hành vi bạo lực trên internet, phim ảnh và trò chơi điện tử mang tính bạo lực.
Những mô hình, cách làm hay
Năm học 2021-2022, Trường PTDT Nội trú tỉnh có 590 học sinh, với đặc thù học sinh đều ở nội trú, việc phòng chống bạo lực học đường, tệ nạn xã hội luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm. Mới đây, nhà trường vừa ra mắt mô hình “Thanh niên tự quản đảm bảo ANTT”; thành lập “Câu lạc bộ thanh niên xung kích đảm bảo an toàn giao thông”; phát động phong trào “3 không, 3 giữ” (không có tội phạm, không có tệ nạn xã hội, không vi phạm nếp sống văn hóa; giữ người, giữ tài sản, giữ tình thương”. Thầy giáo Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng, chia sẻ: Từ những mô hình, câu lạc bộ chúng tôi kịp thời nắm bắt những mâu thuẫn, xích mích của học sinh để giải quyết triệt để, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong nhà trường, giảm thiểu bạo lực học đường, xây dựng “Trường học an toàn, trường học hạnh phúc”.
Tại Trường THPT Chuyên, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy học, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh luôn được nhà trường quan tâm. Hàng năm, nhà trường phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức Diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp – nói không với bạo lực học đường”, thành lập Đội “Thanh niên xung kích”; duy trì tổ tư vấn tâm lý do các thầy cô đảm nhiệm, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, tư vấn cho học sinh những vấn đề các em quan tâm. Triển khai các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép vào các buổi chào cờ đầu tuần, tuyên truyền, lên án bạo lực học đường, giải pháp, kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường… Thành lập và duy trì nhiều câu lạc bộ như: Âm nhạc, Truyền thông, Tình nguyện, Tiếng Anh, Sách, Môi trường, Khoa học – kỹ thuật, Bóng đá, Bóng rổ… tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh.
Thầy giáo Trần Doãn Quyết, Phó Hiệu trưởng, cho biết: Từ những giải pháp phù hợp đã góp phần giáo dục ý thức đạo đức, lối sống văn hóa, trau dồi kỹ năng sống, góp phần ngăn chặn nạn bạo lực học đường, định hướng xây dựng tình bạn đẹp cho học sinh, xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện, lành mạnh. Từ đó, không xảy ra các vụ bạo lực học đường, 100% học sinh trong trường xếp loại hạnh kiểm khá, tốt, trong đó hạnh kiểm tốt chiếm hơn 95%.
Trách nhiệm chung của toàn xã hội
Khắc phục tình trạng bạo lực học đường, không chỉ là trách nhiệm của các đ[n vị nhà trường, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Ông Cầm Văn An, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo, cho biết: Ngay sau khi xảy ra một số vụ bạo lực học đường, ngành đã có văn bản chỉ đạo các nhà trường căn cứ mức độ vi phạm của từng học sinh, xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định, các hình thức kỷ luật vừa mang tính tích cực, vừa mang tính giáo dục, răn đe học sinh vi phạm. Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm quản lý học sinh; thực hiện phòng, chống bạo lực học đường đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên có liên quan. Qua vụ việc này, nhà trường, gia đình, các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt hơn trong việc quản lý, giáo dục học sinh.
Đối với gia đình, cha mẹ cần quan tâm, chăm sóc con cái mình, trong đó cần thay đổi quan điểm giáo dục con cái, không chỉ chú trọng đến kết quả học tập, mà phải quan tâm cả việc con em mình nghĩ gì, cần gì, xử sự như thế nào với bạn bè, làm gì ở lớp học… Cha mẹ hãy là những người bạn đồng hành cùng con cái, tránh để con cái phải âm thầm một mình chịu đựng bạo lực học đường. Đặc biệt, xây dựng văn hóa ứng xử gia đình không bạo lực.
Về phía nhà trường, cải tiến và nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục học sinh, nhất là các môn học giáo dục hình thành đạo đức, tư tưởng học sinh, giúp các em hiểu, tin tưởng và làm theo những chuẩn mực đạo đức đúng đắn, biết cách thể hiện bản thân một cách đúng đắn và phù hợp với thực tiễn. Xây dựng kế hoạch ngoại khoá hình thành nhiều kỹ năng sống thiết thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh, hiệu quả cao gắn với trải nghiệm thực tế, nhất là các kỹ năng nhận diện, phòng, chống bạo lực học đường… Các cấp chính quyền quản lý chặt chẽ, xử lý kịp thời và có chế tài đủ mạnh để loại bỏ những hành vi bạo lực trên internet, phim ảnh và trò chơi điện tử mang tính bạo lực.
Vì tương lai của con em chúng ta, vì một môi trường giáo dục lành mạnh không còn bạo lực học đường, cần sự chung tay của toàn xã hội, để mỗi ngày đến trường của các em học sinh là những ngày vui, bổ ý và ý nghĩa.
Việt Anh