Đề 1: Thuyết minh cây lúa Việt Nam

[toc:ul]

Dàn ý chung

1. Mở bài:

  • Giới thiệu tổng quát về cây lúa Việt Nam.
  • Cây lúa gắn bó với đời sống Việt Nam từ xưa đến nay, phổ biến tại Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới.

2. Thân bài:

  • Giới thiệu nguồn gốc cây lúa: có nguồn gốc từ lúa dại, trồng đầu tiên ở Đông Nam Cháu Á, trồng rất nhiều ở Việt Nam
  • Phân loại lúa: lúa tẻ, nếp, quy năm, tạp giao…
  • Đặc điểm từng bộ phận của cây lúa:
    • Lúa thuộc cây thân thảo, thân cây lúa thường mọc thẳng, được nối với nhau bằng nhiều đốt rộng 2-3cm, cao khoảng 60-80 cm.
    • Lá lúa mỏng, sắc, mọc bao quanh thân, sờ vào có cảm giác ram ráp. Khi chỉ là những cây mạ non, lá xanh mơn mởn. Lúa sang thì con gái, chuyển màu xanh thẫm. Lúa chín, lá màu vàng.
    • Rễ của cây lúa thường mọc thành chùm, bám chặt vào bùn để hút dưỡng chất nuôi cây.
    • Hạt lúa có hai phần là vỏ và ruột. Vỏ trấu thô ráp bao bọc lấy hạt sữa ngọt ngào, trắng tinh.
  • Ở Việt Nam có hai vụ lúa chính là vụ chiêm và vụ mùa
  • Cách trồng, chăm sóc lúa: chọn giống tốt, ngâm,gieo mạ, làm đất, cấy lúa, làm cỏ, bón phân, gặt lúa, phơi thóc, xay xát thành hạt gạo trải qua bao khó khăn, vất vả mới có thể làm ra.
  • Vai trò, giá trị của cây lúa:
    • Là cây lương thực chính không thể thiếu trong đời sống của con người
    • Gói bánh, làm cốm, đồ xôi
    • Làm ra món ăn, món đồ lễ quan trọng
    • Đi vào thi ca mang hình ảnh Việt Nam

3. Kết bài:

  • Cây lúa đã trở thành biểu tượng gắn liền với Việt Nam
  • Là niềm tự hào về quê hương

Bài mẫu 1: Thuyết minh cây lúa Việt Nam

Bài làm

“Việt Nam đất nước quê hương tôi

Mía ngọt chè xanh qua những nương đồi

Đồng xanh lúa rập rờn biển cả”

Từ bao đời nay, cây lúa đã gắn bó tha thiết với đất nước và con người Việt Nam. Hình ảnh của cây lúa cùng với hình ảnh người nông dân đã trở thành những mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh về làng quê Việt Nam thanh bình xưa và nay.

Lúa là một loài thực vật quý giá, có nguồn gốc từ giống lúa dại và bắt đầu xuất hiện ở Đông Nam Châu Á. Cây lúa trồng ngày nay có thể được thuần hóa từ nhiều nơi khác nhau thuộc Châu Á, trong đó phải kể đến Myanma, Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ. Có nhiều loại lúa: lúa tẻ, lúa nếp, lúa tám thơm, tạp giao, quy năm… Mỗi loại có hình dáng, hương vị khác nhau. Lúa là cây trồng quan trọng nhất trong nhóm các loài cây ngũ cốc. Đây là cây lương thực chính của người Việt Nam nói riêng và người dân Châu Á nói chung.

Hình dáng cây lúa rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Lúa thuộc loài cây thân thảo. Thân cây lúa thường mọc thẳng, được nối với nhau bằng nhiều đốt rộng 2-3cm, cao khoảng 60-80 cm. Bên trong thân cây rỗng và mền, dùng tay cũng có thể bóp nát một cách dễ dàng. Lá lúa có phiến dài và mỏng, sắc, mọc bao quanh thân, mặt lá nhám sờ vào có cảm giác ram ráp, gân lá chạy song song hai bên. Ở các giai đoạn khác nhau, lá lúa lại mang một màu sắc riêng biệt. Khi chỉ là những cây mạ non, lá màu xanh non mơn mởn. Lúa sang thì con gái, lá chuyển màu xanh thẫm. Lúa chín, lá lại nhanh chóng chuyển màu vàng. Rễ của cây lúa thường mọc thành chùm, bám chặt vào bùn để giữ cho thân lúa thẳng đồng thời hút dưỡng chất nuôi cây. Hạt lúa có hai phần là vỏ và ruột. Vỏ trấu thô ráp bao bọc lấy hạt sữa ngọt ngào, trắng tinh. Hấp thụ đủ tinh hoa của đất trời, dưới đôi bàn tay của bác nông dân, những giọt sữa ấy đông đặc lại thành hạt gạo trắng ngần.

Ở Việt Nam có hai vụ lúa chính là vụ chiêm và vụ mùa. Vụ chiêm thu hoạch vào độ tháng 5 – 6, vụ mùa vào độ tháng 8 -9 (âm lịch). Tuy nhiên nhờ khoa học phát triển, ngày nay ở nhiều nơi cũng có những vụ mùa nối tiếp nhau. Để có một mùa lúa bội thu phải trải qua nhiều giai đoạn. Đầu tiên người nông dân cần chọn giống tốt, phù hợp với đất canh tác và khí hậu trong năm. Giống lúa chọn xong được ngâm nước đến khi nảy mầm, người ta lại cất công làm bùn để gieo những hạt giống đó, chăm sóc, che nắng chắn mưa chờ đến ngày mầm xanh nhú lên, những cây mạ non xanh mơn mởn. Sau đó, cày bừa, làm đất, bón phân rồi đem cây mạ cấy xuống ruộng. Ngày ngày làm cỏ, bón phân, diệt sâu bọ từ khi lúa còn non đến khi trổ đòng, chín. Người nông dân cắt lúa chín về tuốt hạt, phơi khô, xay xát thành hạt gạo… Từ những hạt thóc vàng ươm đến những hạt gạo trắng, những bát cơm dẻo thơm, người nông dân phải trải qua bao khó khăn, vất vả mới có thể làm ra. Vậy nên hãy nhớ:

“Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần…”

Cây lúa có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người. Bát cơm ngày ngày ta ăn, bát cơm không bao giờ vắng mặt trong mâm cơm mỗi gia đình chính là sản phẩm từ cây lúa. Hạt gạo cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu vô cùng cần thiết cho sự sống của con người. Gạo nếp dùng gói bánh chưng, làm cốm. Những tấm bánh chưng được gói trong lá dong xanh trở thành nét đẹp văn hóa ẩm thực truyền thống của dân tộc Việt Nam. Gạo nếp non được gói gọn trong lá sen thơm ngát đã trở thành một món quà thanh lịch của người Hà Nội. Bánh chưng, bánh giầy, bánh trôi, bánh giò…rất nhiều loại bánh đã thu hút bạn bè năm châu tìm đến đất Việt. Gạo nếp còn dùng để đồ các loại xôi – món đồ lễ không thể thiếu trên bàn thờ của người Việt Nam trong ngày Tết và những ngày lễ quan trọng. Ngày nay còn có cả kem xôi – loại kem được các bạn trẻ yêu thích. Đặc biệt, cây lúa còn là biểu tượng cho dân tộc Việt – quốc gia có nền văn minh lúa nước lâu đời. Cây lúa đi vào trong thi ca, hội họa vẽ lên hình ảnh về đất và người Việt vô cùng đẹp đẽ.

Thời gian trôi qua, cây lúa dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người Việt Nam. Không chỉ có giá trị vật chất quan trọng, cây lúa còn lưu giữ giá trị tinh thần quý giá của dân tộc. Để rồi dù có xa quê hương Việt Nam, người ta vẫn luôn tự hào:

“Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”

Bài mẫu 2: Thuyết minh cây lúa Việt Nam

Bài làm

Mỗi một đất nước, một dân tộc, một mảnh đất có những loại cây riêng với quê hương mình. Và ở nước ta cây lúa mộc mạc, bình dị đã trở thành cây nông nghiệp gần gũi, gắn bó nhất trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Cây lúa ấy đã trở thành nguồn cảm hứng của biết bao nhà văn, nhà thơ khi viết về vẻ đẹp quê hương.

“Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

Cánh cò bay lả rập rờn

Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều.”

Cây lúa thuộc loại cây rễ chùm, ưa nước. Cây lúa phát triển qua từng thời kì khác nhau, trải qua quá trình chăm sóc, tưới tiêu vất vả, cần mẫn của người nông dân mới cho những bông lúa uốn câu vàng óng. Cây lúa khi còn ở thời kì con gái trông duyên dáng như một thiếu nữ yêu kiều thướt tha trong bộ cánh xanh non mỡ màng. Lá lúa dài như những lưỡi kiếm, thi thoảng có làn gió thổi qua như những chiến binh đang múa kiếm nghe thật vui tai. Thân lúa mảnh, nhỏ, gồm nhiều lớp vỏ ngoài dầy bọc lấy nhau, như những cánh tay đang ôm ấp để bảo vệ bên trong. Cây lúa khi chín mang trên mình bộ cánh mới, không còn là màu xanh mỡ màng, trẻ trung đầy sức sống nữa mà là màu vàng óng, ngây ngất thơm mùi sữa non. Cây lúa luôn mang trên mình mùi hương rất đặc biệt, đó là mùi của đất quê, của hồn quê mộc mạc, thân thương, của những tấm lòng cần mẫn, chịu thương chịu khó, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Hạt lúa khi chín được bọc bên ngoài là lớp vỏ trấu màu vàng, bên trong là hạt gạo tròn, chắc mẩy bụ bẫm trông đến là thích mắt. Hạt gạo trắng ngần ấy là tinh hoa của mồ hôi, công sức nước mắt người dân lao động tụ lại để dâng lên hương trời. Vậy nên hương lúa lúc nào cũng thế, có mùi thơm ngát, rất ngậy, rất thơ.

Có nhiều loại lúa khác nhau, phù hợp với từng vùng miền, khí hậu riêng. Các loại thóc thường phổ biến là thóc nếp, thóc BC, thóc Việt Hương, thóc Tạp Giao, thóc Tám…Mỗi loài có những cách chăm sóc khác nhau, tưới tiêu và công dụng khác nhau, nhưng tựu chung lại đều rất hữu ích và là một nguồn lương thực không thể thiếu với người nông dân.

Cây lúa có rất nhiều công dụng. Trước hết nó là cây lương thực chính của nước ta, đồng thời cũng là thương hiệu, đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới. Hơn nữa, những cách chế biến khác nhau đem đến cho cây lúa rất nhiều lợi ích khác nhau. Hạt gạo trắng ngần là nguyên liệu để làm các sợi phở, bún, các loại bánh đa. Những loại cơm gạo, cơm cháy ruốc, bánh gạo, nước gạo rất tốt cho sức khỏe. Cây lúa cũng chính là nguyên liệu chính làm nên món bánh trưng bánh giầy-món ăn truyền thống tỏng mỗi dịp lễ, tết ở Việt Nam ta. Hay một thứ quà của lúa non đó là cốm đã được nhà văn Thạch Lam đưa vào trang văn của mình đầy trân trọng, tự hào.

Nhưng để có được hạt gạo trắng ngần, cây lúa phải phát triển khỏe mạnh, vì thế đòi hỏi sự chăm sóc tỉ mẩn, cẩn trọng của người nông dân. Đặc biệt là việc tưới tiêu, vì là một loại cây ưa nước nên việc cung cấp đủ nước cho cây là rất quan trọng, ngoài ra người nông dân cũng liên tục phải quan sát trên cây lúa xem có những dấu hiệu bất thường nào khác để kịp thời tưới phân, chăm bón đúng lúc. Để làm ra hạt gạo nuôi sống con người không phải là điều gì dễ dàng, vì thế hạt gạo càng cần được trân trọng hơn bao giờ hết.

Cây lúa thật đẹp, một nét đẹp mộc mạc tinh túy của người dân đất Việt. Cây lúa đã trưởng thành, phát triển cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trải qua biết bao cuộc đấu tranh gian khổ, cây lúa đã gắn liền với sự hi sinh chiến đấu, là lương thực giúp các anh đỡ đói lòng để vững tay súng. Có lẽ, dù trong chặng đường tiến hành công nghiệp hóa hiện đại hóc của dân tộc bây giờ và mai sau có phát triển chăng nữa, cây lúa cũng sẽ không bao giờ mất đi vai trò quan trọng của mình.

Bài mẫu 3: Thuyết minh cây lúa Việt Nam

Bài làm

Lúa là một trong năm loại cây lương thực chính của thế giới. Đối với người Việt chúng ta cây lúa không chỉ là một loại cây lương thực quý mà còn là một biếu tượng trong văn chương ẩn dưới “bát cơm”,”hạt gạo”.

Việt Nam, một nước có nền kinh tế nông nghiệp từ hàng ngàn năm nay. Từ một nước thiếu lương thực trầm trọng trong những năm chiến tranh nhưng hiện nay, nền nông nghiệp của nước ta không chỉ sản xuất ra đủ một lượng lớn lương thực đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới. Trong đó ngành trồng lúa ở nước ta là một trong những ngành ngành sản xuất lương thực vô cùng quan trọng và đạt được những thành tựu đáng kể, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới.

Đối với người Việt chúng ta, hay phần lớn dân Á châu nói chung, cây lúa (tên khoa học là Oryza sativa) và hạt gạo là một loại thực phẩm hết sức gần gũi và đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong dinh dưỡng. Ngay từ khi còn trong lòng mẹ, chúng ta đã làm quen với cơm gạo, và lớn lên theo cây lúa cùng hạt gạo. Với bản sắc văn hóa nông nghiệp, cây lúa và hạt gạo còn là một biểu tượng của cuộc sống. Ca dao, khẩu ngữ chúng ta có câu “Người sống về gạo, cá bạo về nước”, hay “Em xinh là xinh như cây lúa”, v.v..

Qua hàng nghìn năm lịch sử, lúa đã là cây lương thực chủ yếu nuôi sống các thế hệ người Việt cho đến nay. Trong đời sống tinh thần của con người, cây lúa cũng gắn bó thân thiết vô cùng. Điều đó được thể hiện rất rõ trong ngôn ngữ hàng ngày, trong cách nói, cách đặt tên, gọi tên từ cửa miệng của những người hai sương một nắng.

Bắt đầu từ lúc ném hột mộng xuống đồng. Thông thường ném buổi sáng thì buổi chiều mộng “ngồi” được, tức là rễ đã bám được vào đất và mầm nhọn đã xuôi hướng lên trời. Bác nông dân hoàn toàn có thể yên tâm vì nó đã sống được trong môi trường mới, đích thực của nó.

Qua hôm sau, mầm nhú lên cao hơn, bắt đầu có chút xanh xanh, người ta bảo là mạ đã “xanh đầu”. Mạ cũng có “gan”. “Gan mạ nằm ở thân non, dễ bị gãy nát. Nhổ không khéo, nhỡ để giập “gan” thì dảnh mạ sẽ “chết”.

Cấy xuống được vài ba hôm thì lúa đâm rễ mới, gọi là bén chân hay “đứng chân”. Cũng như chữ “ngồi” ở trên, chữ “đứng chân” rất chính xác, rất hình tượng, vì chỉ vài ba hôm trước do mới cấy, mọi cây lúa đều ngả nghiêng, xiêu vẹo, thậm chí có cây còn bị nổi trên mặt nước nữa. Giờ đây đã “đứng chân” được, tức là cũng giống như người ta, có một tư thế đứng chân vững vàng, đã chắc chắn bám trên mặt đất.

Khác với lúc nảy mầm, cây lúa sinh sôi bằng cách “đẻ nhánh”. Nhánh “con” nhánh “cái” thi nhau mọc ra, tần vần thành khóm. Vào khoảng tháng hai âm lịch, khắp cánh đồng mơn mởn màu xanh. Dáng cây thon thả, mềm mại, sắc lá non tơ đầy sức sống gợi cái gì đấy tươi trẻ, xinh xắn, dịu dàng. Đó chính là lúc cây lúa “đang thì con gái”, thời đẹp nhất của đời lúa, đời người. Gặp hôm trời quang mây tạnh, đứng ở đầu làng mà trông, cánh đồng trải ra bát ngát, đẹp tựa bức tranh.

Hết thời kỳ xuân xanh, lúa chuyển sang giai đoạn “tròn mình”, “đứng cái” rồi “ôm đòng”. Đòng lúa to nhanh, nắng mưa rồi mỗi ngày mỗi khác. “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”. Nếu mưa thuận gió hoà chỉ mươi hôm là lúa trổ xong. Nhưng chẳng may gặp kỳ khô hạn thì đòng không trổ lên được, người ta bảo bị “nghẹn”. “Nghẹn” là cực lắm rồi, là có cái gì nó vương vướng, như uẩn ức trong lòng…

Ngoài ra cũng có thể bị “ngã”, bị “nằm” lúc gặp gió lớn mưa to. Ông bà ta sợ nhất cảnh này vì mấy tháng trông cây đã sắp đến ngày hái quả. Nếu chẳng may bị “ngã” non thì hột thóc sẽ lép lửng, coi như hỏng ăn. Còn lúa “nằm” dưới nước, ngâm độ vài ngày thì hột thóc trương lên, nứt nanh và nảy mầm ngay trên bông. Mầm nhú trắng trông xót ruột. Xót ruột về khoe vui với nhau, thóc nhà tôi “nhe răng cười” ông ạ!

Người nông dân xưa nay vốn mộc mạc, chất phác. Chẳng phải họ văn vẻ gì đâu. Chỉ vì gần gũi quá, thân quen quá. Ban ngày vác cuốc ra đồng thăm lúa. Ban đêm giấc mơ toàn thấy những cây lúa. Lúa là đói no, là người bạn có thể sẻ chia nỗi niềm, buồn vui tâm sự. Trải qua chiều dài các thế hệ, đời lúa lặn vào đời người. Và rồi, đời người lại chan hoà, gửi gắm vào đời lúa thông qua những từ ngữ nôm na, những tên gọi sinh động kể trên.

Cây lúa gần gũi với người nông dân cũng như bờ tre, khóm chuối. Bởi vậy thấm đẫm tình người và hồn quê, càng nắng mưa, sương gió, càng nồng nàn hoà quyện thân thương.

Nông nghiệp Việt Nam vốn mang dáng dấp một nước – nền công nghiệp lúa nước bao đời nay cho nên cây lúa gắn bó, gần gũi với người Việt, hồn Việt là lẽ dĩ nhiên.