Đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Chậm Tiến độ
Quá trình cơ cấu lại DNNN, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn ở nhiều DN trong giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên, việc cơ cấu lại DNNN ở một số DN chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Do đó, với Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty (TCT) nhà nước giai đoạn 2021 – 2025” ban hành ngày 17/3/2022, Chính phủ đặt mục tiêu cơ cấu lại DNNN tập trung vào các DN yếu kém, thua lỗ; xử lý cơ bản dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước, DNNN; CPH DNNN và thoái vốn nhà nước tại DN bảo đảm thực chất, hiệu quả, khả thi, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, không làm mất thương hiệu, bản sắc DN; đánh giá, xác định đầy đủ các nguồn lực vốn, đất đai, thương hiệu; đồng thời, củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước có quy mô lớn, có thương hiệu tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Một số mục tiêu nổi bật tại Đề án cho thấy, đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN; đảm bảo nguồn thu từ cơ cấu lại DN trong giai đoạn 2021 – 2025 đạt ít nhất 248.000 tỷ đồng; xử lý cơ bản xong những dự án yếu kém, thất thoát, những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; phê duyệt Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021 – 2025 của toàn bộ tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước, DNNN… Để đạt được các mục tiêu này, Đề án cũng quy định rõ các nhiệm vụ cần triển khai của các cơ quan đại diện chủ sở hữu và các tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước, DNNN.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc triển khai Đề án được đánh giá là chậm. Mới đây, tại hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lĩnh vực tài chính DN năm 2022, thông tin về tình hình triển khai Đề án, ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến ngày 22/7/2022, đơn vị mới nhận được báo cáo của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu gồm UBND tỉnh Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Hòa Bình, Trà Vinh, Đài Tiếng nói Việt Nam về tình hình xây dựng, phê duyệt Đề án cơ cấu lại, trong đó có một số báo cáo chưa đảm bảo đúng thời gian quy định.
Trong đó, ghi nhận 3 cơ quan đại diện chủ sở hữu gồm UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Hòa Bình đã xây dựng, phê duyệt Đề án cơ cấu lại, kế hoạch sắp xếp DN thuộc tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt đề án tái cơ cấu chung cho 10 DN thuộc tỉnh; UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt Đề án của 1 DN; UBND tỉnh Hòa Bình xây dựng kế hoạch sắp xếp lại 5 DNNN. Còn lại các tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước khác hiện đang xây dựng, hoàn thiện lại theo chỉ đạo của cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu đang gửi lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị. Theo Cục Tài chính DN, tiến độ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoặc phê duyệt theo thẩm quyền Đề án cơ cấu lại chưa đảm bảo theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, TCT trong phát triển kinh tế – xã hội.
Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đồng bộ cơ chế chính sách
Theo Bộ Tài chính, để đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước giai đoạn 2021 – 2025”, về cơ chế chính sách, căn cứ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tế, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi một cách đồng bộ các cơ chế chính sách pháp luật, đảm bảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ CPH DN.
Hiện Bộ Tài chính đang rà soát, nghiên cứu quy định về xác định giá trị DN, xác định giá trị quyền sử dụng đất, việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN khi CPH, thoái vốn nhà nước tại DN, việc gắn công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trong quy trình CPH. Đồng thời Bộ Tài chính đang rà soát, nghiên cứu về việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền xây dựng của Bộ Tài chính liên quan đến công tác CPH, thoái vốn để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trước mắt, đối với các nội dung thuộc thẩm quyền sửa đổi, bổ sung của Chính phủ tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính sẽ rà soát, nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đồng thời với việc nghiên cứu sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13).
Về tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính sẽ xây dựng kế hoạch, danh mục DNNN thực hiện CPH, thoái vốn giai đoạn 2021 – 2025 đảm bảo khả thi, phù hợp và đảm bảo nguồn thu từ CPH, thoái vốn đạt ít nhất 248.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển theo Nghị quyết của Quốc hội. Công tác chuẩn bị CPH, thoái vốn gắn trách nhiệm của người đứng đầu DNNN, chủ sở hữu. Quyết liệt xử lý các tồn tại, vướng mắc về tài chính; khẩn trương thực hiện công tác sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu DNNN, xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về CPH, thoái vốn nhà nước tại DN.
Cùng với đó, đề xuất với các bộ, ngành, địa phương, DNNN theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN, Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước giai đoạn 2021 – 2025”, Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 2/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 – 2025” và Công điện số 478/CĐ-TTg ngày 27/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác sắp xếp, CPH, thoái vốn và cơ cấu lại DNNN.