Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử

Thời gian qua, các địa phương, doanh nghiệp (DN) đã chủ động và tích cực phối hợp với các sàn thương mại điện tử (TMĐT) để bán hàng nông sản, đưa sản phẩm chất lượng tới tay người tiêu dùng. Tiếp cận với phương thức phân phối hiện đại, ứng dụng các giải pháp công nghệ số để tăng cường hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mục tiêu hỗ trợ 200.000 doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (TMĐT&KTS), Bộ Công Thương cho biết, đầu năm 2022, ngành chức năng tại các tỉnh, thành như Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Bắc Kạn, Bình Định, Cần Thơ… đã ban hành các kế hoạch về xúc tiến tiêu thụ nông sản trên TMĐT, đồng thời phối hợp với Cục để kết nối với các sàn TMĐT lớn tại Việt Nam.

Ngoài ra, các bên tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng TMĐT cho đội ngũ DN, hợp tác xã và người dân bằng nhiều hình thức. Cụ thể như chương trình tập huấn đào tạo về kỹ năng kinh doanh trên TMĐT, các hội nghị kết nối nông sản trên TMĐT nhằm hỗ trợ và phát triển nguồn nhân lực địa phương ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

kt.jpg -0
Kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn để hỗ trợ đưa các sản phẩm đặc sản nông sản vùng miền lên sàn.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, tỉnh có hơn 150 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù có thế mạnh. Hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản năm nay có điểm mới khi được gắn với du lịch trải nghiệm vùng sinh thái bí xanh thơm và trúc sào. Việc này giúp đặt nền móng cho phát triển du lịch trải nghiệm, tăng giá trị cho sản phẩm nông sản của tỉnh. Đặc biệt, đưa bí xanh thơm bán trên các sàn TMĐT.

Bộ Công Thương đã giao Cục TMĐT&KTS chủ trì, đầu mối, phối hợp với các sàn TMĐT lớn, các DN cung ứng hạ tầng cho thương mại điện tử triển khai “Chương trình hỗ trợ DN ứng dụng thương TMĐT quốc gia – GoOnline.gov.vn” diễn ra trong giai đoạn 2021 – 2025. Chương trình với mục tiêu hỗ trợ được 200.000 DN ứng dụng TMĐT, chia các giải pháp thành 8 nhóm trên cơ sở là nhu cầu, khó khăn của các DN, thương nhân đang gặp phải khi muốn GoOnline, gồm có: Hỗ trợ dịch vụ chuyển phát, giao hàng, logistic; Hỗ trợ vay vốn, tài chính; Hỗ trợ DN lên sàn TMĐT uy tín; Hỗ trợ DN chuyển đổi số ứng dụng phần mềm; Hỗ trợ DN ứng dụng thanh toán điện tử; Hỗ trợ nhà sản xuất xây dựng chuỗi bán hàng đa kênh; Hỗ trợ DN xuất khẩu qua TMĐT B2B2C; Triển khai Gian hàng Việt trực tuyến do Bộ Công Thương bảo trợ trên các sàn TMĐT. Chương trình cũng triển khai đầu số Hotline hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT 1900 86 86 86 luôn sẵn sàng tiếp nhận yêu cầu, thắc mắc của doanh nghiệp.

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện các địa phương đang vào mùa vụ nông sản, nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo trong kết nối xúc tiến thương mại, từ tham gia TMĐT, chuyển đổi số trong kết nối tiêu thụ, kinh doanh, có hình thức xúc tiến thương mại gắn với trưng bày sản phẩm ở các thị trường lớn trong nước. Bộ Công Thương cam kết đồng hành và phối hợp chặt chẽ với các địa phương kết nối và tiêu thụ giúp nông sản của các tỉnh đi xa hơn nữa trên thị trường thông qua đa dạng hình thức xúc tiến thương mại.

“Chia lửa” với hệ thống phân phối truyền thống

Với vai trò vừa là cơ quan quản lý lĩnh vực TMĐT, đồng thời là có vai trò định hướng, tổ chức phát triển thị trường TMĐT tại Việt Nam, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động thúc đẩy tiêu thụ nông sản, sản phẩm địa phương qua “Gian hàng Việt trực tuyến” và trên các Sàn TMĐT.

Các hội nghị, chương trình đào tạo tập huấn, kết nối TMĐT được tổ chức trên 30 tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam đã giúp hàng nghìn DN Việt, hợp tác xã địa phương tiếp cận và được hỗ trợ từ chương trình, hàng trăm sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu được lựa chọn hỗ trợ đưa lên phân phối trên các sàn TMĐT qua “Gian hàng Việt trực tuyến” và các phương thức khác nhau. Các sự kiện tiêu biểu như “Ngày đặc sản Sơn La”, “Ngày hội xứ Dừa – Đặc sản Bến Tre”, Lễ hội vải thiều Hải Dương . . .

Chương trình kết nối tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên các sàn TMĐT lớn ngay trong bối cảnh dịch bệnh. Trên 9.000 tấn vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ trên các sàn TMĐT với gần 1 triệu đơn hàng, đem lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng cho người trồng vải, giá vải tiêu thụ duy trì mức cao hơn so với các năm.

Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở các tỉnh, thành phố từ giữa năm 2021, hàng nghìn tấn nông sản, thực phẩm, nhu yếu phẩm… đã được tổ chức phân phối qua các sàn TMĐT lớn như Sendo, Voso, Postmart, Tiki, Shopee, Lazada… Hoạt động này góp phần không nhỏ trong việc duy trì chuỗi lưu thông, tránh không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đồng thời “chia lửa” với hệ thống phân phối truyền thống, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân khắp các tỉnh, thành phố. Đối với vải thiều Bắc Giang, tiếp nối những thành công từ vụ năm 2021, đầu tháng 4/2022, sàn TMĐT Sendo đã lên kế hoạch đưa vải thiều Hải Dương, Bắc Giang lên phân phối trên sàn.

Để tổ chức, kết nối quảng bá nông sản trên các sàn TMĐT, Cục TMĐT&KTS, sàn TMĐT Postmart.vn, Voso.vn và Sendo đã sớm đưa ra phương án cũng như kế hoạch chuẩn bị trước để đào tạo, hướng dẫn các hộ dân tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên qua kênh hướng dẫn trực tuyến hay các bộ tài liệu hướng dẫn đăng ký gian hàng, cách thức bán hàng, đăng bán sản phẩm, quản lý đơn hàng cho các sản phẩm vải thiều Bắc Giang, mận Sơn La, nhãn Hưng Yên, bí xanh Bắc Kạn. Hiện nay, các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, hợp tác xã địa phương không còn xa lạ với hình thức kinh doanh trực tuyến, tuy nhiên còn nhỏ lẻ và phát sinh nhiều hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ vào vận hành, logistics.

Có thể nói, sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương và địa phương, sự chung tay của các DN TMĐT, DN chuyển phát… và cộng đồng xã hội đã góp phần thay đổi lớn trong tư duy của DN Việt, DN sản xuất địa phương trong việc ứng dụng công nghệ số, ứng dụng phương thức phân phối hiện đại trong đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh.