Dạy con ứng xử khi bị tẩy chay – Nuôi con đúng cách
dạy con ứng xử khi bị tẩy chay trong lớp
Hầu hết các trường học hiện nay, vấn nạn tẩy chay, cô lập diễn ra khá phổ biến, xảy ra ở mọi quốc gia, kể cả ở những nền giáo dục văn minh. Nó tác động đến tinh thần của con trẻ một cách tiêu cực và đáng sợ, nhất là khi tâm lý các con còn chưa đủ vững vàng để đối diện với những đả kích từ các bạn học của mình. Vậy, cha mẹ nên làm gì khi con bị tẩy chay, cô lập?
Xem thêm:
1. Nguyên nhân khiến con bị bạn bè tẩy chay, cô lập
Có vô vàn những lý do, nguyên nhân mà con trẻ có thể bị tẩy chay. Nhưng chung quy lại, những đứa trẻ có ngoại hình hoặc cách cư xử khác biệt so với số đông các bạn trong lớp thường là đối tượng dễ bị hướng tới.
– Đó có thể là những lý do vô cùng trẻ con và lãng nhách như:
- Người mập quá
- Không hay chơi cùng các bạn
- Không mua đồ ăn cho các bạn
- Vô tình có những món đồ “đụng hàng” với các bạn,…
– Có cả những lý do đầy ghen tỵ như:
- “Bạn nữ có ngoại hình xinh xắn, học giỏi”
- “Bạn này nhà nghèo mà lại học giỏi hơn những bạn khác”.
- Cũng có thể là vì hai bạn cùng thích một bạn khác giới,
- “Bạn kiêu căng, chảnh chọe, ngạo mạn”,…
– Do nhóm học sinh cầm đầu trong lớp
Đôi khi, tẩy chay cũng có thể là một hình phạt cho những học sinh yếu hơn làm sai ý của một số học sinh cầm đầu trong lớp. Những học sinh này là những đối tượng có khả năng chèo kéo, ép buộc mọi người trong lớp tham gia vào hoạt động của mình.
Xem thêm: Những bài viết về dạy con bảo vệ bản thân
2. Phụ huynh cần làm gì khi con bị tẩy chay?
Cha mẹ đừng coi thường đó là chuyện của trẻ con mà bỏ qua chuyện này, hãy thảo luận cùng con của mình để tìm ra hướng giải quyết phù hợp nhất cho mọi vấn đề mà con gặp phải.
– Đừng đổ lỗi cho con
Cha mẹ đừng đổ lỗi cho con theo kiểu: “Bố mẹ đã nói với con rồi”, “Đấy thấy chưa”, “Mẹ đã nói rồi mà!”. Hoặc lên giọng: “Ngày xưa bố mẹ cũng vậy, có gì đâu mà nghiêm trọng, bố mẹ vẫn sống tốt đấy thôi.”
Thay vì giúp an ủi con, điều đó chỉ làm cho con cảm thấy tệ hại và tổn thương nhiều hơn.
– Không dạy con trả đũa
Việc này sẽ khiến vấn nạn tẩy chay học đường càng ngày càng leo thang không hồi kết. Hãy nhắn nhủ con rằng sự tin cậy là một món quà, con hãy trao tặng món quà đó cho những người bạn đáng tin cậy, những người bạn cũng luôn đặt niềm tin vào chúng.
– Luôn bên cạnh con và thông cảm, hỗ trợ với những gì con đang đối mặt
Hãy hỏi con: “Con cảm thấy thế nào?” Trẻ có thể không tìm thấy nguyên nhân từ chính mình, cha mẹ cần bày tỏ thái độ khách quan nhưng cũng cần có sự đồng cảm: “Ngày xưa bố/mẹ cũng rơi vào tình huống như thế, nhưng con với các bạn nên ngồi xuống nói rõ cho nhau để hiểu và thông cảm cho nhau hơn.”
– Tạo ra một danh sách để con phản ứng lại với những đám trẻ bắt nạt
Hãy dạy con những cụm từ mà con của bạn có thể dùng để ngăn hành vi bắt nạt: “Tránh xa tớ ra”, “Điều đó không hay đâu”. Trong trường hợp các bạn trêu đùa quá đáng, con có thể nói “Ừ, sao cũng được, tùy các cậu” và bỏ đi chơi chỗ khác. Vấn đề quan trọng là ở chỗ, con phải có thái độ cương quyết, cứng rắn hơn so với đám bắt nạt mình
– Đóng giả là người bắt nạt với con
Nhập vai là một cách tuyệt vời để xây dựng sự tự tin và trao quyền cho con bạn đối phó với các tình huống bắt nạt có thể xảy ra. Bạn có thể nhập vai kẻ bắt nạt trong khi con bạn thực hành các phản ứng khác nhau, trau dồi cho con thêm kỹ năng, sự tự tin khi xử lí những tình huống rắc rối. Khi bạn đóng vai, hãy dạy trẻ nói với giọng mạnh mẽ và chắc chắn – than vãn hoặc khóc lóc sẽ chỉ khuyến khích kể bắt nạt.
– Khen ngợi tiến độ
Khi con khoe với bạn rằng mình đã đối diện và đánh bật một kẻ bắt nạt, cha mẹ hãy khen ngợi, bày tỏ sự tự hào của mình dành cho con. Nếu bạn chứng kiến một đứa trẻ khác đứng lên chống lại kẻ bắt nạt trong công viên, hãy chỉ ra điều đó cho con của bạn để con có thể học theo.
Trên hết, hãy nhấn mạnh một điều rằng: “Nếu con tỏ ra không thể bị bắt nạt, kẻ bắt nạt sẽ không nhắm con làm mục tiêu nữa.”
– Hành động để ngăn chặn nạn tẩy chay học đường
Cha mẹ phải giúp trẻ đối phó với kẻ bắt nạt, giúp trẻ học cách đưa ra những lựa chọn thông minh và hành động khi cảm thấy bị tổn thương hoặc thấy một đứa trẻ khác bị bắt nạt, đồng thời sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết. Nếu con không muốn nói với giáo viên việc mình bị bắt nạt, hãy cùng con nói chuyện với giáo viên hay cố vấn học tập.
– Khuyến khích con trở nên lạc quan hơn
Giúp con trở thành người luôn ở thế chủ động, có hành động tích cực khi mình bị tẩy chay. Khi những đứa trẻ lên tiếng, nó có sức mạnh gấp 10 lần so với bất cứ điều gì mà chúng ta có thể làm khi trưởng thành.
– Nói chuyện với bố mẹ của những đứa trẻ tẩy chay con bạn
Đây chỉ là cách tiếp cận phù hợp nếu con bạn đã bị bắt nạt một cách quá đáng, dai dẳng. Bạn có thể gọi điện hoặc nhắn tin cho họ với một thái độ thoải mái, nói rõ ràng mục tiêu của bạn là giải quyết vấn đề cùng nhau.
Cuối cùng, nếu con bị cô lập, hãy nhắc con rằng đó không phải là lỗi của con, con không đơn độc và bố mẹ luôn ở đây để giúp đỡ. Điều cha mẹ không nên làm, bất kể con đang ở độ tuổi nào, là cho rằng đây là điều bình thường và bọn trẻ sẽ tự giải quyết với nhau.
Rate this post