Đầu tư – Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh

Tình hình thu hút FDI, cơ hội và thách thức đối với các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) trong tám tháng đầu năm 2019…

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) trong tám tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 13,1 tỉ đô la Mỹ, giảm tới 31% so với con số của cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nguồn vốn FDI đăng ký mới đạt 9,1 tỉ đô la Mỹ và đăng ký bổ sung thêm từ các dự án đang hoạt động là 3,9 tỉ đô la Mỹ, lần lượt giảm 32% và 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số các ngành thu hút nhiều FDI vào Việt Nam trong những năm gần đây, sự sụt giảm mạnh ở ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn và bán lẻ, sản xuất và phân phối điện. Chỉ lĩnh vực chế biến và chế tạo, xây dựng là tiếp tục tăng trưởng so với năm 2018.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn Time, đây được xem là diễn biến khá bất ngờ, bởi rất nhiều quan điểm cho rằng cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ làm dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Số liệu cho thấy đang có những diễn biến đáng quan ngại trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trong khi nguồn vốn FDI từ Trung Quốc tăng tới 188%, thì con số này từ thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản lại đang giảm lần lượt 41 và 70% so với cùng kỳ của năm 2018. Nguồn vốn FDI từ Singapore và Thái Lan cũng lần lượt sụt giảm tới 42% và 44% so với cùng kỳ năm trước.

Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến hiện nay, tổng vốn đầu tư thu hút đạt 467,70 triệu USD, giảm 25,49% so với cùng kỳ năm 2018 (627,71 triệu USD). Về vốn đầu tư nước ngoài: tổng vốn đầu tư thu hút đạt 277,57 triệu USD, tăng 17,38% so với cùng kỳ năm 2018 (236,47 triệu USD), 27 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm 168,45 triệu USD, tăng 50,40% so với cùng kỳ năm 2018 (112,01 triệu USD). Tình hình thu hút FDI có tăng so với cùng kỳ năm ngoái và các dự án chủ yếu tập trung vao các lĩnh vực chính là Hóa nhựa và dịch vụ (chiếm 77,96% tổng vốn đầu tư), các dự án còn lại thuộc các lĩnh vực: cơ khí, điện tử, thực phẩm, may mặc, hóa chất.

Cơ sở hạ tầng tại khu chế xuất Tận Thuận

Số liệu cơ cấu vốn đầu tư theo ngành nghề đầu tư tính từ đầu năm 2019 đến tháng 9/2019 tại các KCX,KCN TPHCM

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Time, nhận định rằng cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể còn kéo dài, thậm chí có quan điểm cho rằng có thể là tới 10 năm, do đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đã chủ động chuyển sang đầu tư tại các nước khác để tránh bị tác động tiêu cực. Không chỉ Việt Nam, dòng vốn từ Trung Quốc cũng ghi nhận sự tăng mạnh tại Thái Lan và Indonesia.

Về tình hình đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Nhật Bản trong năm 2019: Trong khi kinh tế tại Hàn Quốc đang có những tín hiệu không tích cực trong thời gian gần đây. Tăng trưởng GDP trong quí 1-2019 của quốc gia này giảm 0,4% và quí 2 chỉ tăng 1%. Đây được xem là những con số thấp nhất trong số 34 quốc gia có nền kinh tế phát triển trong nhóm OECD. Diễn biến này đã khiến cho đồng won của Hàn Quốc mất giá tới 6,3% so với đô la Mỹ tính từ đầu năm 2019 đến nay. Đây là nguyên nhân chính khiến cho các doanh nghiệp hạn chế đầu tư ra nước ngoài. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến và chế tạo của Hàn Quốc cũng đang bị tác động tiêu cực bởi lệnh hạn chế xuất khẩu linh kiện điện tử công nghệ cao từ Nhật Bản. Trong khi đó, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản vẫn đang trong xu hướng tăng trưởng. Thậm chí nguồn vốn FDI của Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài còn tăng tới trên 100% trong quí 1-2019 khi các doanh nghiệp ô tô và điện tử của nước này mở rộng sản xuất tại Mỹ và châu Âu. Riêng tại các KCX, KCN TPHCM, hai quốc gia này vẫn chiếm tỷ trọng lớn (Hàn Quốc với 6 dự án và Nhật Bản với 5 dự án), chiếm 55% tổng số dự án mới tại KCX, KCN TPHCM, với tổng số vốn đăng ký 21,75 triệu USD. Tuy chỉ là những dự án vừa và nhỏ, vốn trung bình 2 triệu USD/dự án nhưng đây là những dự án chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, và những dự án này chủ yếu sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, chiếm 81% trong tổng số dự án của Nhật Bản, Hàn Quốc và chiếm 45% tổng số dự án đăng ký mới tại KCX, KCN TPHCM trong 9 tháng vừa qua.

Số liệu cơ cấu vốn đầu tư theo quốc gia/vùng lãnh thổ tính đến tháng 9/2019 tại các KCX,KCN TPHCM

Mô hình nhà xưởng tiêu chuẩn tại khu chế xuất Tân Thuận, một trong những giải phải thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Tại các KCX, KCN TPHCM, nhìn chung, việc đầu tư của doanh nghiệp FDI vào các ngành sản xuất công nghiệp tại các KCX-KCN có xu hướng giảm trong thời gian qua, nguyên nhân do hiện nay quỹ đất thu hút đầu tư trong các KCX, KCN ngày càng thu hẹp, dẫn đến giá cho thuê đất có tính cạnh tranh thấp so với các khu vực lân cận, thiếu những lô đất có diện tích lớn (từ 20 ha trở lên) để thu hút các nhà đầu tư mang tính chiến lược. Việc thu hút đầu tư FDI của Ban quản lý dược thực hiện trên cơ sở định hướng thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chủ lực của thành phố, Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2.000 và Đánh giá tác động môi trường của từng khu. Ban quản lý không định hướng thu hút đầu tư dựa trên việc đánh giá nguồn gốc của vốn đầu tư (không phân biệt dự án FDI hay trong nước, không phân biệt nguồn gốc quốc gia hay vùng lãnh thổ của chủ đầu tư). Để định hướng các dự án đầu tư không theo hướng thâm dụng lao động phổ thông, sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, hoặc lợi dụng chính sách đầu tư để thực hiện việc chuyển khẩu, gian lận thương mại, Ban quản lý luôn thông tin đầy đủ cho các nhà đầu tư về tình hình tuyển dụng lao động phổ thông tại thành phố, chính sách và các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, nhập khẩu máy móc thiết bị cũ, kiểm soát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa phù hợp với các hiệp định hoặc cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia,… từ đó các nhà đầu tư có đầy đủ các thông tin để quyết định đầu tư hay không. Việc sàng lọc này phần nào cũng làm giảm các dự án FDI đầu tư vào các KCX-KCN thành phố trong thời gian qua.

Diễn biến trên cho thấy việc giảm vốn đầu tư vào Việt Nam chưa trở thành một xu hướng; Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng vẫn còn nhiều tiềm năng và cơ hội đầu tư từ các quốc gia trong khu vực và thế giới. Hơn nữa, việc hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới hạ lãi suất sẽ khiến cho các doanh nghiệp đẩy mạnh việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại các thị trường mới nổi. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang xây dựng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới nhằm thu hút thêm các nguồn vốn đến từ các lĩnh vực có ứng dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Chính vì vậy mà việc đẩy mạnh đầu tư phát triển vào cơ sở hạ tầng là một trong nhiều giải pháp mang tính đột phá.

CÁC TIN BÀI KHÁC: