Đâu rồi cây nêu ngày tết?
Ảnh minh họa
“…Cành đa lá dứa treo kiêu (cao)
Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà.
Quỷ vào thì Quỷ lại ra.
Cành đa lá dứa thì ta cứa mồm…”
Đến nay chưa ai có thể xác định chính xác tục làm cây nêu ngày Tết có tự bao giờ và ai là người đầu tiên khởi xướng phong tục này. Tuy vậy về ý nghĩa chung nhất được giữ gìn qua bao thế hệ là cây nêu có tác dựng đuổi tà khí, trừ ma quỷ, mang lại sức khỏe và điều may mắn cho gia chủ quanh năm.
Hồi nhỏ, lúc còn ở dưới quê, tôi thường nghe nội tôi kể rằng: ở miền ngoài người ta làm cây nêu bằng bương, Lồ ô… còn trong Nam thì làm bằng cây tre hay trúc đã tước hết lá có độ cao khoảng 5 đến 7 mét. Trên ngọn nêu nội tôi treo khá nhiều thứ như: những lá cờ phướn đầy màu sắc, những chiếc chuông gió để những khánh đó va đập nhau kêu leng keng mỗi khi có gió mạnh, một chiếc đèn lồng nhỏ, một phong pháo tiểu. Nội tôi nói chiếc đèn để soi đường cho tổ tiên thấy lối về sum họp với cháu con, còn phong pháo đốt để xua đuổi tà ma.
Cây nêu nhà tôi xưa được dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, là ngày Táo quân về trời còn gọi là lễ thượng nêu. Nội nói: thời gian này ma quỷ thường lộng hành vì vắng mặt “ông Táo”. Đến mùng 7 tết thì hạ nêu.
Nhớ lắm những ngày giáp tết, lũ nhỏ chúng tôi ngồi quây quần trên khoảng sân rộng nghe nội tôi kể chuyện đời xưa rất hấp dẫn như: “Cây tre trăm đốt”; “Phạm Công – Cúc Hoa”; “ Công Dã Tràng”; “Thạch Sanh – Lý Thông”… thỉnh thoảng lại len lén nhìn lên ngọn cây nêu đang đong đưa trong gió tết phát ra những tiếng kêu leng keng. Có đứa liếc mắt còn hù dọa: ma quỷ đang hiện về phá phách là cả bọn im re, nắm chặt lấy tay nhau, mồ hôi rơi lã chã.
Một tuần trước tết âm lịch, đi đâu trên các làng quê cũng bắt gặp những cây nêu cao nghều nghệu đặt trước các sân nhà, thường là bên cạnh bàn ông Thiên vừa để báo hiệu tết đã về vừa tạo nét đẹp văn hóa cổ truyền rất độc đáo của người dân Việt.
Bây giờ thật hiếm hoi khi tìm thấy những cây nêu tết năm xưa, có chăng chỉ còn sót lại trong các gia đình cổ kính chốn thôn quê. Có lẽ người ta đã quên dần những cây nêu thủy chung muôn thuở.
Có người tuy vẫn còn nhớ nhưng ngại ngần khi phải tìm mua thân cây hoặc ngại tốn thời gian để làm công việc dựng, hạ nêu lẫn trang trí những vật dụng cần thiết trên ngọn nêu theo phong tục cổ truyền. Trẻ con bây giờ hầu như không còn biết đến những cây nêu ngày tết. Có chăng chỉ xuất hiện đâu đó trong những thước phim, trong tư liệu, sách báo ngày xưa rồi lại lãng quên theo dòng thời gian.
Đâu rồi cây nêu ngày tết?