Dấu ấn kiên cường của doanh nghiệp xã hội KOTO
2 năm trước, cô gái Quàng Thị Thu Hằng lần đầu tiên rời quê nhà, đặt chân lên Thủ đô Hà Nội, bắt đầu một chặng đường mới trong cuộc đời. Sự phồn hoa, náo nhiệt của thành phố khiến cô bé dân tộc Thái không tránh khỏi rụt rè, bối rối.
Cũng là cô gái ấy, trong buổi tối ngày 21/6, đã tự tin đứng trước hàng trăm khách mời, để phát biểu cảm nhận tại Lễ Tốt nghiệp và trao bằng năm 2022 của doanh nghiệp xã hội KOTO.
2 năm tham gia khóa học KOTO, sự thay đổi lớn nhất, theo Hằng, không chỉ được đong đếm bằng kiến thức hay vẻ bề ngoài, mà là những thay đổi đến từ bên trong. Từ những cô bé, cậu bé còn đầy những sợ hãi, tiêu cực, những bạn trẻ đã tìm lại được niềm tin vào cuộc sống, học cách sẻ chia, yêu thương và có tư duy tích cực.
Điều quan trọng hơn cả là Hằng đã được trao cơ hội làm chủ cuộc đời, được khai phá tiềm năng và trở thành người có ích cho xã hội. Cô bé Hằng không còn phải “bị ấn định một độ tuổi phải lấy chồng, sinh con, làm việc trên nương rẫy” như những người phụ nữ ở quê nhà, nơi định kiến về địa vị, vai trò của người phụ nữ vẫn chưa thể bị xóa bỏ.
“Luôn lạc quan dù chỉ còn 1% hy vọng”
Đây là lễ tốt nghiệp và trao bằng với số lượng lớn nhất của KOTO, sau 3 năm phải tạm hoãn vì đại dịch Covid-19. Lễ tốt nghiệp lấy chủ đề Lòng kiên cường, ghi nhận những nỗ lực bền bỉ của toàn thể đội ngũ KOTO, vượt qua những khó khăn trong khoảng thời gian chống chịu với dịch bệnh, cũng như những thách thức suốt 23 năm hình thành và phát triển.
Xuất phát điểm từ cửa hàng bánh mì kẹp ở Hà Nội với nhân viên là nhóm trẻ em lang thang đường phố, đến nay, KOTO ghi đậm dấu ấn là doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận, đào tạo miễn phí nghề dịch vụ, pha chế và nấu ăn thương mại cho những thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn.
Kinh doanh dịch vụ nhà hàng để trang trải chi phí hoạt động, đến khi đại dịch Covid-19 ập đến, con thuyền KOTO, như hàng vạn doanh nghiệp dịch vụ khác, cũng chao đảo trước cơn sóng dữ.
Trong tình cảnh đó, lựa chọn bỏ cuộc có thể khả dĩ với nhiều doanh nghiệp, như một giải pháp tiết kiệm nguồn lực cho nhà đầu tư để tìm kiếm một cơ hội mới, khi nền kinh tế tươi sáng hơn. Tuy nhiên, đối với KOTO, bỏ cuộc là điều không thể, bởi nếu ngừng hoạt động, khó có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy đến với những thanh thiếu niên đang theo học và làm việc tại KOTO.
Giữ vững lời hứa với các học viên, theo ông Jimmy Phạm, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành KOTO, toàn thể đội ngũ KOTO đã phải cố gắng duy trì niềm lạc quan “dù chỉ còn 1% hy vọng”.
May mắn, trong suốt hành trình kiên cường ấy, KOTO không đi một mình! Đồng hành với KOTO là Học viện Box Hill đến từ Australia; trường Đại học RMIT; Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP)…
Những cựu học viên, một phần mảnh ghép của đại gia đình KOTO cũng tiếp tục sát cánh với ông Jimmy và toàn thể đội ngũ. Nhà sáng lập KOTO không kìm nổi những giọt nước mắt xúc động khi kể về cô bé cựu học viên, sau khi vừa mới mất việc vì đại dịch, quay trở về với KOTO chỉ để “gửi tặng các em 2 chục trứng”.
Tất cả sự kiên cường, bền bỉ, tất cả những tình cảm ấm áp ấy đã được đền đáp bằng thành quả là hơn 1.300 học viên đã được hỗ trợ bởi KOTO, tương ứng với 1.300 cuộc đời được thay đổi, 1.300 bạn trẻ được trang bị kỹ năng, được tiếp thêm sức mạnh để vững bước vào đời và tự tin thực hiện ước mơ.
Trong số đó, nhiều người đã trở thành bếp trưởng, bếp phó, giám đốc điều hành hay chủ doanh nghiệp, hoặc tiếp tục theo học đại học. Từ những thanh thiếu niên kém may mắn, có nguy cơ trở thành gánh nặng cho xã hội, tất cả đều đang đóng góp và lan tỏa những giá trị tích cực.
Lễ tốt nghiệp và trao bằng 2022 đánh dấu sự trưởng thành và vững bước vào đời của 95 bạn học viên các khóa khóa 34, 35, 36 và khóa Her Turn 5. Với những ánh mắt sáng ngời của các bạn trẻ trong giây phút nhận tấm bằng tốt nghiệp, tin rằng các bạn trẻ ấy sẽ tiếp nối truyền thống của đại gia đình KOTO, trở thành những công dân tốt, tiếp tục phụng sự cộng đồng và cống hiến cho xã hội.
Khóa Her Turn 5 thuộc Dự án Trao quyền kinh tế cho phụ nữ giai đoạn 1, một sáng kiến của chính phủ Úc. Dự án Her Turn được triển khai trong 3 năm, từ 2018 – 2021, với mục tiêu nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận với các chương trình đào tạo tại KOTO cho trẻ em gái dân tộc thiểu số và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong độ tuổi từ 16 đến 25, thuộc 13 nhóm dân tộc thiểu số và các cộng đồng nông thôn.
Her Turn đem đến không chỉ những kiến thức, kỹ năng mà còn là cả sự tự tin, điều không thể thiếu đối với phụ nữ trẻ, đặc biệt là những phụ nữ dân tộc thiểu số. Đây là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa làm chủ cuộc đời, xây dựng tương lai cho người phụ nữ, thay vì phải gò mình vào những khuôn thước của định kiến, của những tư duy cổ hủ và lạc hậu.