Đặt Câu Hỏi Cho Nhà Tuyển Dụng: Đừng Xem Nhẹ Bước Này!
“Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?”
Chắc hẳn bạn thường xuyên nhận được câu hỏi này cuối mỗi buổi phỏng vấn xin việc. Có lẽ, câu trả lời của bạn thường xuyên là “Không có”, hay đơn giản chỉ là “Khi nào thì em nhận được kết quả?”.
Tuy nhiên, việc đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng cũng là một phần quan trọng, giúp người quản lý tuyển dụng đánh giá tích cực về năng lực và thái của bạn với công việc đang ứng tuyển.
Nếu bạn đang muốn tìm hiểu cách đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng sao thật khéo léo, thì top 10 những câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng sau đây sẽ giúp bạn trở nên cực kỳ thông minh và nhạy bén trước sự đánh giá từ người phỏng vấn.
Tại sao nên đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng?
Đừng nghĩ rằng nhà tuyển dụng chỉ hỏi như vậy cho vui và như một thủ tục trong mỗi buổi phỏng vấn. Trên thực tế, việc đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng lại bao hàm khá nhiều ý nghĩa.
Những câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng cho thấy rằng bạn thực sự quan tâm đến vị trí trống từ công ty họ. Việc đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng cũng cho thấy rằng bạn đã thực hiện những nghiên cứu kỹ lưỡng về công ty và vị trí đang ứng tuyển.
© Freepik.com
Đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng cũng sẽ phần nào nói lên được sự nghiên cứu của bạn có kỹ càng hay không. Và tất nhiên, nhà tuyển dụng luôn hoan nghênh và đánh giá cao hơn những ứng viên có sự đầu tư chuẩn bị để làm việc với họ.
Thêm vào đó, những câu hỏi sẽ tiết lộ quy trình suy nghĩ của một người, cách họ tư duy về một vấn đề nào đó, và thậm chí cách họ có thể suy nghĩ độc lập.
Vì vậy, việc đặt ra những câu hỏi hay và đáng để nhà tuyển dụng dành thời gian thảo luận sẽ giúp bạn thể hiện mình là một người thông minh và có tư duy sâu.
Đọc thêm: Nhà Tuyển Dụng Cần Gì Ở Ứng Viên
Top những loại câu hỏi cần tránh hỏi nhà tuyển dụng
- Những câu hỏi về bản thân: Đây là những câu hỏi tạo cảm giác bạn đang đặt bản thân bạn lên trước nhà tuyển dụng. Chúng bao gồm các câu hỏi về tiền lương, bảo hiểm y tế, thời gian nghỉ phép, giờ làm việc mỗi tuần và các ưu đãi khác. Trong một cuộc phỏng vấn, bạn đang cố gắng chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bạn có thể mang lại lợi ích như thế nào cho công ty chứ không phải ngược lại.
- Các câu hỏi “Có” hoặc “Không”: Hầu hết các câu hỏi này có thể được trả lời bằng cách tìm kiếm trên trang web của công ty. Thay vào đó, hãy gắn bó với những câu hỏi sẽ tạo ra cuộc đối thoại giữa bạn và nhà tuyển dụng.
- Những câu hỏi về chỉ một chủ đề: Đặt câu hỏi về nhiều chủ đề khác nhau để thể hiện sự tò mò và quan tâm của bạn đối với tất cả các khía cạnh của vị trí tuyển dụng.
- Hỏi bất cứ điều gì quá riêng tư: Mặc dù bạn nên cố gắng thiết lập mối quan hệ với người phỏng vấn của bạn, đừng hỏi những câu hỏi cá nhân không phải là thông tin công khai. Hãy tránh những câu hỏi quá cá nhân về gia đình, chủng tộc, giới tính, v.v. của người phỏng vấn.
Top những câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng
Anh/chị vui lòng cho em biết thêm tiêu chí đánh giá ứng viên cho vị trí này
Một trong những câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng nhất chính là thắc mắc về tiêu chí của họ. Thông qua câu hỏi này, bạn sẽ có thể tự đánh giá về sự thể hiện của bạn trong suốt quá trình phỏng vấn; và bạn có bao nhiêu phần trăm cơ hội trúng tuyển.
Nếu bạn cảm nhận rằng mình đáp ứng tương đối đủ các tiêu chí mà nhà tuyển dụng đề ra, bạn hoàn toàn có thể tự tin đặt thêm một vài câu hỏi liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ mà vị trí yêu cầu. Ngoài ra, trong cuộc hội thoại cuối cùng đó, hãy cố gắng thể hiện rằng bạn có thể đảm nhận tốt vị trí đó trong tương lai.
Anh/chị nghĩ những phẩm chất quan trọng nhất mà một ứng viên cần để thành công trong vai trò này là gì?
Đây là một câu hỏi để hiểu rõ hơn về vị trí và các kỹ năng bạn sẽ cần để thành công. Nó cũng cho bạn cơ hội để thảo luận về bất kỳ phẩm chất hoặc kỹ năng nào của bạn mà bạn có thể chưa đề cập đến trong cuộc phỏng vấn.
Sau khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng và lắng nghe họ chia sẻ, nếu bạn sở hữu những phẩm chất đó, bạn hãy mạnh dạn thừa nhận một cách khiêm nhường để tăng tính cạnh tranh cho bản thân.
Nếu họ đề cập đến những khía cạnh bạn chưa có, hãy nói rằng đây cũng là những điều mình mong muốn và luôn cố gắng mỗi ngày để rèn luyện chúng tốt hơn.
Anh/chị vui lòng cho em biết thêm về lộ trình thăng tiến cho vị trí này
Bạn đừng bỏ quên câu hỏi này trong danh sách những câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng của mình. Đây là một câu hỏi tuyệt vời để cho thấy bạn có tới buổi phỏng vấn này với một thái độ nghiêm túc, muốn xác định một triển vọng dài hạn với công ty.
Một lộ trình thăng tiến hợp lý cũng sẽ giúp bạn dễ dàng đánh giá và chọn lựa khi phải đối mặt với nhiều lời mời làm việc cùng một lúc.
© Freepik.com
Kỳ vọng của công ty cho vai trò này trong sáu tháng đến một năm tới là gì?
Bằng cách đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng về kỳ vọng cho vị trí mới, bạn đã thể hiện sự chủ động trong công việc của bạn.
Nó cũng có ích cho bạn vì việc đáp ứng kỳ vọng của người quản lý ngay từ sớm trong một công việc mới là yếu tố quyết định đến sự thành công của bạn. Bạn cũng có thể tiếp tục hỏi thêm về những chỉ số đánh giá được dùng cho vị trí này.
Hiểu rõ những gì bạn được mong đợi trước khi bạn bắt đầu là cách tuyệt vời nhất để bắt đầu.
Vai trò này đóng góp như thế nào vào các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của công ty?
Đâu cũng là một trong những câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng vì nó cho thấy rằng bạn sẽ trở thành một thành viên giàu trách nhiệm với vị trí của mình. Không những thế, bạn quan tâm tới những giá trị bạn có thể đóng góp vào sự thành công của công ty.
Nhiều ứng viên đi làm với suy nghĩ về lương thưởng nhiều hơn là để tâm tới việc công ty sẽ phát triển như thế nào. Và câu hỏi này sẽ giúp tách biệt phần nào bản thân bạn với những ứng viên đó.
Anh/chị có thể cho em biết đôi chút về đãi ngộ và văn hóa của công ty được không?
Không có cách nào khác để thể hiện sự quan tâm của bạn với công ty hơn là đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng về môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp của họ.
Nhiều ứng viên luôn nghĩ mình phải ở thế bị động khi tham gia một buổi phỏng vấn. Thế nhưng, nhà tuyển dụng bảo sao nghe vậy thì sẽ khó để họ nhìn thấy được chất riêng của bạn.
Hãy xem đây là một buổi trò chuyện bình đẳng. Nhà tuyển dụng đang tìm kiếm ứng viên phù hợp, và bạn cũng đang tìm kiếm một công ty thực sự tốt, phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của chính mình.
Những câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng để khai thác thông tin về quyền lợi của bạn cũng khiến bạn trở nên chủ động và có chính kiến hơn trong mắt của họ.
Anh/chị có thể cho em xin đánh giá tổng quan về sự thể hiện của em trong buổi phỏng vấn được không? Nếu có thể, hãy cho em biết nhược điểm mình cần cải thiện là gì được không?
Khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng về sự thể hiện của bạn, bạn đã thể hiện được rằng bạn là một người cầu tiến trong công việc.
Ngoài ra thông qua đánh giá của họ, bạn sẽ có thể đọc vị cảm xúc nhà tuyển dụng xem bạn có lọt vào tầm ngắm ứng viên tiềm năng của họ hay không.
Hãy nhớ, khi nhận những đánh giá dẫu tích cực hay tiêu cực, bạn phải luôn giữ một thái độ tươi tắn và ghi nhận những góp ý này. Cho dù đó không phải là những điều bạn mong muốn được nghe, bạn nhất quyết không được phân bua quá nhiều để phản bác lại ý kiến của họ.
Anh/chị có góp ý gì về CV và thư xin việc của em không?
Bạn hãy thể hiện những quan điểm như theo bạn thì CV rất quan trọng để gây ấn tượng đầu tiên và xin được học hỏi kinh nghiệm từ họ. Áp dụng tốt câu hỏi này và mở rộng được những chủ đề liên quan, buổi phỏng vấn của bạn sẽ trở nên rất sôi nổi và gần gũi.
Bạn cũng có thể khéo léo nhấn mạnh thêm vào những kỹ năng mà bạn nghĩ rằng nhà tuyển dụng đang tìm kiếm, cũng như cách bạn học được và áp dụng những kỹ năng này vào thực tiễn thông qua cuộc hội thoại này.
Anh/chị có thể cho em biết vị trí này sẽ thường xuyên hợp tác với những bộ phận nào trong công ty hay không?
Đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng theo cách này sẽ ghi dấu ấn tốt tại buổi phỏng vấn. Bạn có thể dẫn dắt tự nhiên hơn khi đề cập mong muốn được tìm hiểu trước công việc của các đồng nghiệp khác, để chuẩn bị chỉnh chu nhất tinh thần cũng như các kỹ năng liên quan.
Tuy câu hỏi nhỏ nhưng lại thể hiện tối đa sự tinh tế của ứng viên đấy.
Không biết công ty mình có những hoạt động team building nội bộ do nhân viên cùng nhau chuẩn bị hay không ạ?
Bạn có thể đặt vấn đề rằng mình là một người tích cực và năng động, sẵn sàng giúp đỡ công ty trong khâu chuẩn bị các hoạt động nội bộ gắn kết đặc biệt. Câu hỏi này vừa giúp bạn khoe khéo tài lẻ, vừa khiến họ cảm thấy bạn tạo ra được năng lượng nhiệt thành.
© Freepik.com
Một ngày làm việc điển hình của vị trí này sẽ như thế nào?
Đây là một câu hỏi cho nhà tuyển dụng giúp bạn thể hiện được sự quan tâm sâu sắc của bạn với vị trí đó.
Đặt câu hỏi này cũng giúp bạn một lần nữa kiểm chứng xem, liệu vị trí này thật sự là một điểm đến phù hợp với định hướng nghề nghiệp hay không.
Anh/Chị yêu thích nhất điều gì khi làm việc tại công ty?
Một câu hỏi hay để khiến cuộc trò chuyện trở nên thoải mái và tự nhiên hơn. Đây là lúc giúp bạn hiểu thêm về người đang phỏng vấn mình, cũng là người có thể sẽ làm việc mật thiết với bạn sau này.
Điều quan trọng hơn là phải hiểu về cách những nhân viên lâu năm nhìn nhận về công ty và môi trường làm việc ở đó
Nếu bạn cảm nhận về sự nhiệt tình của họ khi trả lời câu hỏi này, đó là một dấu hiệu tốt. Nếu người phỏng vấn ấp úng và trả lời thiếu tự nhiên, điều đó cũng đáng để lưu tâm.
Có điều gì trong hồ sơ của em khiến anh/chị cảm thấy nghi ngại về sự phù hợp với vai trò này không?
Câu hỏi cho nhà tuyển dụng này cho thấy rằng bạn đã đầu tư rất nhiều vào công việc và cam kết hiểu rõ vai trò đó với tư cách là một ứng viên tiềm năng.
Thêm vào đó, nó cũng sẽ cho phép bạn có cơ hội phản hồi lại bất kỳ mối quan tâm hay lo lắng tiềm ẩn nào từ phía nhà tuyển dụng về năng lực của bạn.
Đọc thêm: Ví Dụ Về Phỏng Vấn Và Trả Lời Phỏng Vấn
Lưu ý, tránh hỏi những câu về lương về triển vọng thăng chức nếu như chưa được nhà tuyển dụng yêu cầu. Ngoài ra những câu hỏi cho nhà tuyển dụng quá đơn giản, có thể tự tìm hiểu cũng không nên đề cập. Vì chúng sẽ khiến bạn bị ghi điểm xấu do không chịu tìm hiểu trước về công ty.
Bài viết có hữu ích đối với bạn?
Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn
Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!
Tác Giả
Tran Le The Bao
Hi, I’m Bao, a Content Writer. Welcome to my tiny world at Glints where you can figure out many useful articles ❤️
See author’s posts