Đạo diễn Mai Thanh Tùng: Người nhớ Tết ngay khi giao thừa chưa qua

Mi Lan

  –  

Thứ tư, 25/01/2023 06:31 (GMT+7)

Đạo diễn Mai Thanh Tùng cho biết, anh có tình yêu đặc biệt với Tết, bởi Tết gắn liền với nhiều ký ức thơ ấu. Anh nhớ Tết ngay cả khi giao thừa vừa mới chớm đến, và dồn hết tình yêu Tết vào Chương trình “Tết quê hương” được tổ chức hàng năm.

Đạo diễn Mai Thanh Tùng: Người nhớ Tết ngay khi giao thừa chưa qua
Một hình ảnh trong Chương trình “Tết quê hương” từng được sản xuất. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhớ Tết ngay từ phút giao thừa

Đạo diễn Mai Thanh Tùng sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở vùng biển Hải Hậu, Nam Định. Thơ ấu của anh gắn với nhiều kỷ niệm về Tết, cho đến bây giờ trong nỗi nhớ có cả niềm day dứt.

Đó là những ngày giáp Tết thiếu thốn, cha mẹ anh phải tất tả ngược xuôi lo cho các con có bữa cơm đủ đầy, có tấm áo ấm. Nhà nghèo, quanh năm đã phải mướt mải mưu sinh, giáp Tết càng thêm vất vả. Mai Thanh Tùng nhớ mãi kỷ niệm, cha anh đạp xe đi chạy vạy khắp nơi lo cho vợ con bữa cơm có thịt ngày Tết. Ký ức về Tết trong thơ ấu nghèo khó khiến Mai Thanh Tùng vừa thương nhớ vừa chất chứa những nỗi niềm.

 “Cho đến bây giờ tôi vẫn hay ngủ mơ thấy cha mẹ mình dù ông bà mất đã lâu. Tôi thương cha mẹ đã sống cả đời vất vả. Đến khi con cái phương trưởng, kinh tế đỡ khó khăn hơn, ông bà lại không còn. Khi trưởng thành, rời quê lên Hà Nội, khi có cuộc sống đủ đầy, tôi thương nhớ mẹ cha hơn bao giờ hết. Bởi vậy, tôi nhớ Tết không chỉ là nỗi nhớ bình thường, còn là niềm thương Tết, thương cái nghèo thơ ấu, thương mẹ cha chưa đỡ vất vả ngày nào. Tôi nhớ Tết thuở xưa, dù những ngày ấy nghèo khó, nhưng tôi được ở bên cha mẹ mình. Tôi nhận ra rằng, việc được ở cạnh cha mẹ mình, dù thiếu thốn, nghèo khó, vẫn là những ngày tháng hạnh phúc nhất. Tết được ở bên cạnh người thân mới chính là Tết ” – Mai Thanh Tùng chia sẻ.

Vì những nỗi niềm đặc biệt dành cho Tết, từ nhiều năm nay, đạo diễn Mai Thanh Tùng dành tâm sức cho chương trình “Tết quê hương”. Đây là chương trình do anh lên ý tưởng, đạo diễn trực tiếp và đăng kí bản quyền từ năm 2016.

Cho đến nay, chương trình “Tết quê hương” đã trải qua nhiều mùa, mang đến không khí xuân náo nức nhưng lắng đọng. Chương trình giống như chuỗi thanh âm đầy cảm xúc cho mỗi người trong giây phút thiêng liêng đoàn tụ, sum vầy.

“Tết quê hương” được thực hiện hằng năm vào những đêm giao thừa ở nhiều tỉnh thành. Để chuẩn bị cho chương trình, từ trước Tết vài tháng, Mai Thanh Tùng vừa phải lo lên kế hoạch tổ chức sản xuất, vừa phải lo Tết cho gia đình.

Trước khi lên đường làm “Tết quê hương”, Mai Thanh Tùng sẽ thu xếp khoảng thời gian giáp Tết để về quê nhà ở Nam Định, dọn dẹp ngôi nhà vườn, thắp hương cho cha mẹ, ông bà tổ tiên.

“Tôi rất thích về quê. Càng nhiều tuổi, càng thích về nhà, dù cha mẹ tôi không còn nữa. Về quê, cứ thấy ấm áp lạ thường. Cảm giác hơi ấm của cha mẹ vẫn còn ở đó. Bởi vậy, tôi rất hiểu cảm xúc của những người con tha hương kiếm sống, khi Tết về, họ sẽ muốn trở về nhà với gia đình, cha mẹ như thế nào.

Tết không đến từ quà bánh, mà Tết đến từ bên trong cảm xúc mong ngóng, được đoàn viên của mỗi người. Hiểu cảm xúc đó, tôi dồn hết tâm sức cho chương trình “Tết quê hương”. Khi ai ai cũng được sum vầy cùng gia đình, người thân, thì tôi và đồng nghiệp lên đường đi làm “Tết quê hương” ở một tỉnh thành nào đó, mỗi năm chúng tôi chọn một nơi. Xong chương trình cũng đã 1-2 giờ sáng mùng 1 Tết. Tuy vất vả, nhưng tôi hạnh phúc, khi mang đến giây phút giao thừa tràn ngập âm nhạc và không khí xuân cho khán giả” – Mai Thanh Tùng nói.

Chọn thời khắc giao thừa để tổ chức “Tết quê hương” bởi Mai Thanh Tùng rất thích giây phút chuyển giao năm cũ và năm mới. Đó là khoảnh khắc thiêng liêng giao hòa trời đất, là thời điểm mỗi người nhìn lại một năm đã qua và bước vào năm mới với bao tin yêu, hứa hẹn. 

Đạo diễn chia sẻ, anh yêu Tết và nhớ Tết ngay cả khi giao thừa còn chưa kịp đi qua. Và giao thừa là thời khắc cảm nhận về Tết rõ nét nhất.

Tết 2023 đánh dấu kỷ nguyên sau đại dịch

Thời khắc chuyển giao, ai nấy đều mong muốn được sum họp, đó là khoảnh khắc tất cả chúng ta đều hướng về gia đình, quê hương. Ai may mắn được trở về nhà sẽ hòa mình vào không khí Tết cổ truyền. Ai bận rộn, không thu xếp kịp trở về, sẽ canh cánh nỗi nhớ nhung.

“Tết quê hương” được khởi nguồn chính từ những cảm xúc ấy. “Với tôi, niềm vui đón xuân không chỉ của riêng mình. Xuân, đó là khi đất trời mở ra một năm mới đầy hy vọng. Xuân, đó là lúc mọi người đều hân hoan, lâng lâng chào đón vận khí mới, ước vọng mới. Xuân cũng là lúc nhà nhà quây quần bên nhau, người người hướng về gia đình, về quê hương với niềm cảm xúc đầy yêu thương, trân quý.

Niềm vui ấy cần được lan tỏa, cần được nhân lên, được chắp cánh bởi âm nhạc, bởi những lời chúc tốt đẹp, những việc làm ý nghĩa để mùa đoàn tụ thêm trọn vẹn, ấm áp nghĩa tình” – Mai Thanh Tùng nói.

Đạo diễn Mai Thanh Tùng. Ảnh: Nhân vật cung cấpĐạo diễn Mai Thanh Tùng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đạo diễn Mai Thanh Tùng xây dựng kịch bản “Tết quê hương” với nhiều dụng công. Ở đó, khán giả được xem các phóng sự về thành tựu kinh tế, xã hội nổi bật trong một năm. “Tết quê hương” còn là chương trình nghệ thuật với nhiều ca khúc mang âm hưởng mùa xuân và đậm đà hơi thở quê hương.

Năm nay, “Tết quê hương” trở lại sau 2 năm vắng bóng vì đại dịch COVID-19. Như một cành đào nén nhựa lúc đông tàn để bật lên chồi lộc xanh đầy sức sống, Mai Thanh Tùng mang đến cho chương trình của mình nhiều mới mẻ.

Phóng sự của “Tết quê hương” mang nhiều thông điệp ý nghĩa về gia đình và sự sum họp. Chương trình gây xúc động với những tâm sự, chia sẻ, niềm vui và sự xúc động của những người gặp nhau khi dịch đã qua. 

“Tết quê hương” năm nay còn trào dâng cảm xúc với những ai còn được ngồi bên nhau, nắm tay nhau sau đại dịch COVID-19.

“Trong phút giao thừa thiêng liêng và lắng đọng, chúng ta cùng nhìn về phía trước để mở lòng ra đón xuân của đất trời. Những mạch ngầm sinh sôi đang dâng lên từ đất. Những hạnh phúc ngọt ngào đang tỏa ra từ cây. Tôi tin rằng, Tết 2023 sẽ đáng nhớ khi trở thành dấu mốc mới sau “kỷ nguyên đại dịch COVID-19” – Mai Thanh Tùng gửi gắm.

Tết là để trở về

Sau chương trình, Mai Thanh Tùng sẽ nhanh chóng về nhà. Anh kể, mỗi Tết anh đều một mình xoay trần chuẩn bị gần chục mâm cỗ để mời họ hàng, làng xóm sang cùng tưng bừng đón năm mới.

Là người đàn ông thuộc thế hệ đầu 8X, Mai Thanh Tùng tự thấy mình như một chiếc gạch nối của hiện đại và truyền thống. “Dù thời đại có tiên tiến bao nhiêu, công nghệ phát triển, người ta có thể ngồi ở nhà để chúc Tết cả thế giới nhưng tôi vẫn thích ngoài việc gửi tin nhắn hỏi thăm, còn tự đến tận ngõ, tận nhà những người thân quen, họ hàng để gửi lời chúc năm mới”.

Tết quê bao giờ cũng có nếp riêng. Tết quê đến trong sự nồng nhiệt, thân thiết, tay bắt mặt mừng, rộn ràng ngõ xóm. Tết quê mang phong vị cổ truyền của ông bà xưa. Tết quê về trên những món ăn truyền thống. Tết quê reo vui trong đêm 30 bên nồi bánh trưng thơm mùi lá. Tết quê đến trong mùi hương trầm nồng nàn…

Và Tết quê đến trên từng nếp nhà.