Đạo Phật trong đời sống người Việt
Đạo đức Phật giáo ảnh hưởng đến nhiều thế hệ người dân Việt Nam thông qua những triết lý dân gian mộc mạc, giản dị nhưng sâu sắc: “Gieo gió gặt bão”, “Ai ơi ăn ở cho lành, kiếp này chẳng gặp để dành kiếp sau”, “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ, tan tành như chơi”…
Sống làm sao để tâm an tĩnh trong đời sống náo loạn hiện nay?
Đạo Phật luôn đề cao lòng từ bi và xem đó là phương pháp để tu tập, kiến tạo một đời sống tốt đẹp. Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và đạo đức Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. HCM đã có buổi chia sẻ thú vị xoay quanh chủ để “Đạo Phật trong đời sống người Việt hiện nay”.
Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và đạo đức Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. HCM.
Áp dụng đạo Phật vào đời sống mới
PV: Đạo Phật được xem là đạo từ bi, hướng con người đến lối sống và hành vi tốt đẹp, thầy nghĩ như thế nào về điều này?
– Đạo Phật luôn đề cao lòng từ bi và xem đó là phương pháp để tu tập, nhất là thanh lọc tâm của mỗi con người, để chuyển hóa nghiệp dữ, đồng thời tạo nghiệp lành kiến tạo một đời sống tốt đẹp, an lạc. Cho nên, Tứ vô lượng tâm – “từ, bi, hỉ, xả” là điểm cốt yếu, tinh túy của giáo lý nhà Phật mà tín đồ Phật giáo chú trọng thực hiện trong đời sống hằng này. Đồng thời, tôi cũng được biết, đây là thước đo về sự tiến triển tu tập của người học Phật.
Nếu trong cuộc sống chúng ta hiện nay, nhiều người thấm nhuần tinh thần từ bi hỉ xả, rồi thực hành điều này sẽ giúp cho xã hội tốt đẹp, góp phần đẩy lùi lối sống vị kỷ, lối sống thực dụng đề cao cá nhân, đồng thời biết quan tâm và chia sẻ với người khác. Hơn thế nữa, nó góp phần hóa giải những xung đột, hận thù và bạo lực trong thời đại này nếu tinh thần từ bi hỉ xả được thấm nhuần đến nhiều người. Thiết nghĩ, chúng ta xây dựng một xã hội, một thế giới tốt đẹp và nhân bản, trước tiên cần nhất nơi tâm của con người cần tích lũy lòng từ bi và làm sao để nó tăng trưởng mỗi ngày. Phát tâm từ bi với tha nhân, từ bi với cây cỏ, thiên nhiên, từ bi với các loài vật,….sẽ làm cuộc sống xung quanh ngày một an lành, tốt đẹp. Chúng ta sẽ bình yên trong môi trường đó.
PV: Mặc dù, có nhiều người Việt không là Phật tử, nhưng họ vẫn đặt niềm tin vào Đức Phật, hay đi chùa, lễ Phật. Điều này xuất phát từ đâu thưa thầy?
– Theo tôi nghĩ, đây là vấn đề thuộc về văn hóa. Phật giáo du nhập vào Việt Nam khá lâu, cách đây hơn 2.000 năm và đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều phương diện đời sống văn hóa – xã hội của người dân Việt Nam. Nhiều người dân Việt Nam sống ở làng quê đã quen thuộc, thậm chí thân thiết, với hình ảnh với mái chùa, với các ngày rằm lớn thì lên chùa lễ Phật với tấm lòng thành kính. Họ tin vào Đức Phật sẽ giúp họ vượt qua những khó khăn trong đời sống, che chở mỗi khi gặp khổ đau, đặc biệt là thực hành đạo lý nhân quả sẽ đem lại những điều tốt đẹp. Và cứ như vậy, từ đời này sang đời khác, Phật giáo bén rễ sâu trong lòng dân tộc, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ người dân Việt Nam qua những thăng trầm của lịch sử.
Ngày nay, có nhiều người không phải là Phật tử (quy y và thọ ngũ giới), nhưng các ngày rằm lớn, ngày Tết họ vẫn đi chùa cầu nguyện cho bản thân và gia đình. Nếu người thân qua đời, họ thỉnh chư Tăng đến nhà tụng kinh cầu nguyện cho vong linh được siêu thoát. Đó là nét đặc biệt, đồng thời nói lên tính chất ảnh hưởng mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng của Phật giáo trong xã hội Việt Nam trước nay.
Ngày càng có nhiều tấm gương giúp đỡ, hi sinh cộng đồng của đồng bào tín đồ các tôn giáo ở nước ta đáng được tôn vinh như chăm sóc người bệnh HIV/AIDS…- Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc
PV: Theo thầy giáo lý nhà Phật giúp ích gì cho xã hội chúng ta hiện nay?
– Theo tôi, giáo lý của Phật giáo chứa đựng nhiều nội dung tốt đẹp và có ý nghĩa sâu sắc, giúp chuyển hóa nhận thức và hành vi của con người đến với Chân, Thiện, Mỹ. Tứ vô lượng tâm – “từ, bi, hỉ, xả” phân tích ở trên là một minh chứng cho điều này. Ở đây, tôi muốn nói đến đạo đức Phật giáo, cụ thể là giải thích rõ về thiện và ác, luôn hướng con người nghĩ thiện, nói thiện, làm thiện. Nhờ đó mà cái ác ngày càng giảm đi.
Đạo đức Phật giáo ảnh hưởng đến nhiều thế hệ người dân Việt Nam thông qua những triết lý dân gian mộc mạc, giản dị nhưng sâu sắc: “Gieo gió gặt bão”, “Ai ơi ăn ở cho lành, kiếp này chẳng gặp để dành kiếp sau”, “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ, tan tành như chơi”… Ngày nay, nhiều người quan tâm đến việc xây dựng nền tảng đạo đức xã hội trước sự xuống cấp, làm biến tướng con người với nhiều hiện tượng lệch chuẩn. Vì vậy, những nội dung của đạo đức Phật giáo rất có ý nghĩa trong việc xây dựng đạo đức con người trong xã hội chúng ta hiện nay. Điều này cần trao đổi, thảo luận sâu hơn để tìm ra những giải pháp hữu hiệu.
Tâm từ bi để đời an lạc
PV: Theo thầy câu nói “sống tốt đời, đẹp đạo” có ý nghĩa gì?
– Câu nói này cho thấy mối quan hệ tương tác giữa thực hành niềm tin tôn giáo với xã hội thông qua lối sống, hành vi ứng xử của tín đồ các tôn giáo. Mỗi tín đồ tôn giáo, hiểu và thực hành đúng các giá trị đạo đức tôn giáo, sẽ là một nhân cách tốt đẹp với hành vi chuẩn mực, lối sống cao thượng giúp cho xã hội có thêm những đóa hoa tươi đẹp, tỏa hương thơm ngát và là hình mẫu để mọi người học tập.
Theo tôi, đó là một bài học đạo đức sống động, mang ý nghĩa thiết thực, cụ thể và có hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Ngày càng có nhiều tấm gương giúp đỡ, hi sinh cộng đồng của đồng bào tín đồ các tôn giáo ở nước ta đáng được tôn vinh như chăm sóc người bệnh HIV/AIDS, khám điều trị bệnh nhân nghèo, chăm sóc người già neo đơn, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, làm thiện nguyện giúp đỡ người dân vùng sâu vùng xa… Đồng thời, nhờ đó mà tôn giáo ảnh hưởng, gắn bó với người dân, tạo niềm tin cho xã hội.