Đánh thức tiềm năng du lịch Lộc Ninh
Bức tranh đa sắc
Nhắc tới huyện Lộc Ninh, nhiều người nghĩ ngay đến vùng căn cứ cách mạng, nơi đây còn lưu dấu nhiều công trình, di tích lịch sử để đời, nơi có trụ sở làm việc của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, có Sân bay quân sự Lộc Ninh, Kho xăng dầu VK 98, một thời phục vụ nhiên liệu cho toàn chiến trường miền Nam… Có Hopital de Loc Ninh (Bệnh viện Lộc Ninh) được xây dựng cách đây hơn thế kỷ mang lối kiến trúc mái vòm hết sức độc đáo từ thời Pháp thuộc.
Lộc Ninh cũng là địa phương tư bản Pháp tiến hành hoạt động khai hoang, lập đồn điền cao su với quy mô lớn. Nơi đây có Nhà máy chế biến mủ tờ của Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh còn giữ nguyên vẹn quy trình chế biến từ thời Pháp thuộc.
Tại xã Lộc Tấn có quần thể các di tích, chứng tích ghi dấu thời kỳ khai hoang lập đồn điền của tư bản Pháp như: Nhà hát, bệnh viện, làng công tra, nhà điểm danh, nhà thờ… Nhiều người cho rằng, mặc dù ở Nam Bộ có nhiều đồn điền cao su, có nhiều công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Pháp thuộc nhưng chỉ ở huyện Lộc Ninh là còn lại các công trình tương đối đầy đủ và nguyên vẹn.
Lộc Ninh xác định phát triển mạnh thương mại, dịch vụ và du lịch, trong đó lấy khu di tích Tà Thiết là trung tâm phát triển, kết hợp du lịch sinh thái, về nguồn – Ảnh: Đặng Hùng
Đặc biệt, huyện Lộc Ninh có 14 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó nhiều nhất là đồng bào S’tiêng, Khmer. Cộng đồng các dân tộc ở huyện Lộc Ninh còn lưu giữ nhiều loại hình di sản văn hóa truyền thống đặc sắc. Đáng kể là đồng bào S’tiêng ở xã Lộc Hòa còn lưu giữ nhiều ngôi nhà truyền thống, nhiều bộ chiêng lớn (với khoảng 40 bộ). Đồng bào Khmer ở xã Lộc Khánh sinh sống lâu đời ở vùng đất này, còn lưu giữ nhiều loại hình di sản văn hóa truyền thống đặc sắc, đặc biệt là chùa Sóc Lớn. Chùa là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người Khmer ở huyện Lộc Ninh nói chung, xã Lộc Khánh nói riêng và cũng là một trong những di tích văn hóa cấp tỉnh, cũng là điểm đến tuyệt vời cho du lịch tâm linh. Ở huyện Lộc Ninh còn có di tích Bãi Tiên ở xã Lộc An, là nơi lưu dấu câu chuyện thần thoại gắn với lễ hội Phá bàu – lễ hội có quy mô lớn của người S’tiêng.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Lộc Ninh hiện có 12 di tích được công nhận và xếp hạng, chiếm hơn 50% tổng số di tích trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 7 di tích quốc gia và 5 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, huyện còn có 9 di tích thuộc danh mục kiểm kê nhưng chưa được xếp hạng, nhiều công trình hồ đập, có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, cụm công trình lưu niệm hành trình cứu nước của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen. Đặc biệt, Lộc Ninh có tuyến quốc lộ 13 có thể thông thương từ TP. Hồ Chí Minh qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư đi các nước Campuchia, Lào, Thái Lan… Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, rộng lớn và là những lợi thế mà Lộc Ninh có thể khai thác, phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.
…Và tầm nhìn chiến lược
Nhận định lợi thế và những hạn chế, bất cập để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển, thời gian qua, huyện Lộc Ninh đã phối hợp và tiến hành trùng tu, tôn tạo, nâng cấp nhiều hạng mục công trình tại các điểm di tích. Đồng thời, phối hợp tổ chức hội thảo bàn giải pháp phát triển, quảng bá, xúc tiến đầu tư, du lịch… Nhờ vậy, hoạt động du lịch, thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực. Toàn huyện hiện có 7.276 cơ sở thương mại, dịch vụ. Mỗi năm thu hút khoảng 200 ngàn lượt khách đến tham quan. Khu di tích lịch sử Tà Thiết đã được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 300 tỷ đồng và giao về huyện quản lý. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện chủ động trong quản lý, khai thác, vận hành hiệu quả.
Đặc biệt, để triển khai thực hiện đồng bộ, với quyết tâm cao, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế; là cơ sở, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Huyện xác định, trong nhiệm kỳ phát triển Lộc Ninh cơ bản trở thành điểm đến hấp dẫn, mang thương hiệu “Lộc Ninh – điểm đến an toàn, chất lượng và thân thiện”. Trong đó lấy khu di tích lịch sử Tà Thiết là trung tâm phát triển, kết hợp du lịch về nguồn, sinh thái, du lịch tâm linh, trải nghiệm, khám phá… Huyện phấn đấu mỗi năm thu hút khoảng 300 ngàn lượt khách đến với huyện, duy trì tỷ trọng khách quốc tế chiếm khoảng 3-4% và doanh thu đạt khoảng 200 tỷ đồng/năm.
Ông Trần Thanh Hùng, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lộc Ninh cho biết: Với những lợi thế trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, huyện đã ban hành kế hoạch phát triển với phân kỳ đầu tư hợp lý. Đối với khu di tích Tà Thiết, huyện dự kiến bổ sung thêm một số hạng mục: xây dựng 1 đập nước (khoảng 25 ha) và đắp đất làm 5 đập cản nước dâng ở suối để vừa tạo điểm tham quan du lịch vừa phục vụ phòng, chống cháy rừng, cải tạo, cân bằng hệ sinh thái và phục vụ tưới tiêu, điều hòa khí hậu. Huyện dự kiến xây dựng khu vườn thú dọc các tuyến đường trong rừng, khu vườn chim, khu vui chơi trẻ em, điểm dừng nghỉ và khoảng 9 khu vườn cây các loại (9 ha/vườn). Các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn sẽ tiến hành tu bổ, phục hồi, bảo đảm giữ gìn tối đa yếu tố gốc của di tích. Cùng với đó là các hoạt động quảng bá, nâng chất dịch vụ.
Giải pháp trọng tâm được huyện đưa ra là, tập trung tôn tạo, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, phát triển và đa dạng hóa hệ thống sản phẩm du lịch dựa trên các nguồn tài nguyên đặc trưng của địa phương để thu hút du khách, tạo ra lợi thế cạnh tranh. Đẩy mạnh liên kết với các điểm du lịch trong tỉnh, hình thành các tuyến du lịch hợp lý, hấp dẫn. Chú trọng thu hút, khuyến khích đầu tư xây dựng nhà nghỉ, khách sạn đạt tiêu chuẩn với đầy đủ các dịch vụ lưu trú để phục vụ khách du lịch theo tuyến và khách vãng lai trên địa bàn.
Ông Hồ Quang Khánh,
Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh
50 năm sau ngày giải phóng, huyện Lộc Ninh ngày nay đã có nhiều đổi thay phát triển. Huyện đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ và chắc chắn sẽ còn rất nhiều doanh nghiệp đến Lộc Ninh để đầu tư. Tuy nhiên, điều quan trọng hàng đầu hiện nay là giữ được nguyên vẹn giá trị vốn có của mỗi di tích, công trình. Chú trọng bảo vệ rừng, đa dạng sinh học, kết hợp đầu tư hạ tầng giao thông, phát triển mạnh dịch vụ, thương mại… Trọng tâm là nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo tồn và phát huy các di tích, công trình. Mỗi người dân phải là một tuyên truyền viên tích cực để đưa hình ảnh vùng đất và con người Lộc Ninh vươn xa. Khi du lịch gắn liền với lợi ích người dân, đó sẽ là sinh kế giúp họ vươn lên thoát nghèo.
Với những giải pháp đồng bộ, mang tính chiến lược nhằm đánh thức tiềm năng ngành “công nghiệp không khói”, cùng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho người dân và các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch, dịch vụ sẽ tạo đà giúp Lộc Ninh phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch.