Danh lam thắng cảnh – Lâm Đồng
Lâm Đồng, vùng đất Nam Tây Nguyên nhiều hứa hẹn, nằm ở độ cao trung bình từ 800 – 1000m so với mặt nước biển. Với diện tích tự nhiên 9.765 km2, Lâm Đồng nằm trên ba cao nguyên và là khu vực đầu nguồn của 7 hệ thống sông suối lớn.
Gắn với khu vực kinh tế động lực phía Nam, Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính: 02 thành phố (Đà Lạt, Bảo Lộc) và 10 huyện. Thành phố Đà Lạt, trung tâm hành chính-kinh tế-xã hội của tỉnh, về hướng Bắc cách thủ đô Hà Nội 1.500 km, về hướng Nam cách thành phố Hồ Chí Minh 320 km và về hướng Đông cách cảng biển Nha Trang 210 km. Với tổng chiều dài 1.744 km, hiện nay hệ thống giao thông đường bộ đã đến được tất cả các xã và cụm dân cư. Các tuyến quốc lộ 20, 27, 28 nối liền Lâm Đồng với vùng Đông nam bộ, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thuộc vùng Tây nguyên, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, tạo cho Lâm Đồng có mối quan hệ kinh tế-xã hội bền chặt với các vùng, các tỉnh trong khu vực. Cảng hàng không Liên Khương nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 30 km đang được nâng cấp thành sân bay quốc tế với đường băng dài 3.250 m có thể tiếp nhận các loại máy bay tầm trung như A.320, A.321 hoặc tương đương.
Nguồn điện cung cấp ổn định, gồm nhà máy thuỷ điện Đa Nhim (công suất 160 MW), thủy điện Suối Vàng (công suất 3,1 MW), thuỷ điện Hàm thuận-Đạ Mi (công suất 475 MW) và thuỷ điện Đại Ninh (công suất 300 MW), các nhà máy điện diesel Bảo Lộc, Di Linh, Càn Rang với tổng công suất 4,16 MW. Hiện nay 100% số xã có điện đến trung tâm. Hệ thống thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông hiện đại đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và các nhà đầu tư.
Dân số toàn tỉnh đến cuối năm 2007 là 1.198.261 người (Niên giám Thống kê năm 2007). Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 02 trường đại học tổng hợp, 02 trường cao đẳng sư phạm, 01 trường trung học y tế, 01 trường trung học kinh tế-kỹ thuật, 02 trường dạy nghề, hàng năm cung cấp hàng ngàn lao động có tay nghề cho địa phương; Nhiều trung tâm nghiên cứu của Trung ương đóng trên địa bàn như: Viện nghiên cứu hạt nhân, Trung tâm nghiên cứu nông lâm nghiệp, Trung tâm nghiên cứu cây rau, Phân viện sinh học… góp phần đáng kể trong việc ứng dụng nghiên cứu khoa học kỹ thuật vào sản xuất của tỉnh.
Nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa biến thiên theo độ cao, có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình 18-250C, thời tiết ôn hoà mát mẻ quanh năm. Lượng mưa trung bình 1750-3150 mm, độ ẩm tương đối trung bình cả năm 85-87%, số giờ nắng trung bình cả năm 1890-2500 giờ.
Toàn tỉnh có khoảng 255.407 ha đất có khả năng sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 200.000 ha đất bazan tập trung ở cao nguyên Bảo Lộc-Di Linh thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp dài ngày. Diện tích trồng chè và cà phê khoảng 145.000 ha, diện tích sản xuất rau, hoa khoảng 23.783 ha tập trung tại Dalat, Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà; Chè, cà phê, rau, hoa Lâm Đồng đa dạng về chủng loại, có những loại có giá trị phẩm cấp cao.