Đánh giá đúng thực chất vai trò của môn Lịch sử và những đổi mới cần thiết
(GDVN) – Lịch sử và cuộc sống là một quá trình phát triển biện chứng mà hôm nay phải là sự kế thừa và phát triển của hôm qua và chuẩn bị cho hôm sau.
LTS: Cung cấp một góc nhìn khái quát về môn Lịch sử, thầy Trần Trí Dũng chỉ ra tầm quan trọng của môn Lịch sử và đưa ra một số phương pháp để việc dạy và học Lịch sử trong trường học hiệu quả hơn.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trong thời còn đi học phổ thông, có lẽ môn học được rất nhiều người ấn tượng là môn Lịch sử.
Ấn tượng nhiều bởi môn Lịch sử cho biết những cuộc chiến tranh giữ nước hào hùng, thể hiện ý chí quật cường của dân tộc.
Tuy nhiên, sự ấn tượng ấy được xác định cũng là do đây là môn khó học, vì phải nhớ nhiều, nhất là những sự kiện gắn liền với con số theo chiều dài năm tháng.
Thời gian qua, đặc biệt là từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có dự thảo chủ trương tích hợp, lồng ghép môn Lịch sử với những môn học khác và coi đây là môn học tự chọn thì đã có nhiều những ý kiến, quan điểm khác nhau của các nhà khoa học, các thầy cô giáo và những người nặng lòng với lịch sử, nhằm cứu môn Sử.
Vì thế, bài viết này không bàn thêm về chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà chỉ muốn phân tích, bình luận làm rõ hơn vai trò của môn Lịch sử và giải pháp đối với môn học này.
Để từ đó, việc dạy và học môn học này được hiệu quả hơn, để học sinh không còn sợ môn Sử mà say mê với Lịch sử và cũng là để nhằm góp một tiếng nói trong nhịp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
1. Ý nghĩa, vai trò của lịch sử và môn học Lịch sử
Trước hết, cần thiết phải nói về ý nghĩa, vai trò của lịch sử và môn học Lịch sử. Theo đó, chúng ta đã đều biết giá trị của tri thức lịch sử.
Lịch sử là quá khứ, là nơi chứa đựng giá trị văn hóa, là nguồn dữ liệu để tham chiếu kinh nghiệm cha ông vào sự phát triển hôm nay.
Đó là hồn cốt, truyền tải những giá trị truyền thống, mà nếu không có lịch sử không thể hiểu được vị trí của hiện tại, với ý nghĩa đó thì nếu lịch sử còn thì văn hóa còn, và văn hóa còn thì dân tộc còn.
Mặc dù chứa đựng nhiều sự kiện bi tráng nhưng bản thân Lịch sử không có lỗi, bởi đó là sự vận hành khách quan, có những sự kiện oai hùng, nhưng cũng có những bi thương, vì đó là không thể khác.
Lịch sử là sự trung thực của những sự thật khách quan và không ai có thể chọn lịch sử, mà nhờ lịch sử nên con người và thời đại được định hình.
Bác Hồ của chúng ta đã chỉ rõ “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Theo đó, “Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta.
Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước, tiếng để muôn đời”.
Lịch sử và cuộc sống là một quá trình phát triển biện chứng mà hôm nay phải là sự kế thừa và phát triển của hôm qua và chuẩn bị cho hôm sau.
Về phương diện này, lịch sử là cả một kho tàng kinh nghiệm vô cùng phong phú mà con người cần nhận thức để rút ra những bài học.
“Ôn cố tri tân” là một nhu cầu của con người đã trưởng thành và có ý thức được cuộc sống và vận mệnh của mình, luôn muốn vươn lên để nhận thức và cải tạo thế giới.
Vì thế, có thể khẳng định rằng, có lịch sử mới có tương lai. Học lịch sử để dạy các em biết, tổ tiên ông cha ta đã lập quốc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc như thế nào, đặc biệt là trong thời đại ngày nay.
Do đấy, đối với chúng ta, nếu không quan tâm đến lịch sử là có tội với tổ tiên.
Theo đó, từ nhận thức dựng lại quá khứ tiến lên nhận thức bản chất của lịch sử, để từ đó khám phá ra những đặc điểm và quy luật phát triển của lịch sử, cung cấp những cơ sở khoa học để hoạch định con đường phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc cũng như của mỗi cộng đồng cư dân trên mọi lĩnh vực.
Lịch sử không diễn ra theo một con đường giản đơn và thẳng tắp mà thường gập ghềnh, quanh co, phức tạp.
Vấn đề là liệu chúng ta có đủ bản lĩnh và trí tuệ để học một cách thực sự và nghiêm túc tất cả các bài học lịch sử hay không thôi chứ bài học lịch sử nào cũng đều hết sức quý giá.
Nếu như cả thế giới nghiêng mình trước sự lớn mạnh của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thì khi đánh giá sức mạnh tổng hợp tạo nên, điều đầu tiên họ khẳng định đó là sức mạnh của lịch sử đem lại, đó là giá trị gốc, tạo nên một cái móng vững chắc, bền và dẻo như chiếc lò xo, tạo ra sự phát triển, tính bền vững của quốc gia, dân tộc, đó là bài học đắt giá cho các dân tộc khác trong đó có Việt Nam.
Lịch sử là quá trình phát triển khách quan của xã hội loài người nói chung cũng như của mỗi quốc gia, dân tộc.
Lịch sử như một dòng chảy không ngừng từ khi con người xuất hiện, phát triển liên tục đến ngày nay và cả mai sau.
Sử học (nói rộng ra là Khoa học Lịch Sử) là một trong những ngành trí thức sớm nhất của con người và luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, trong kho tàng tri thức nhân loại cũng như trong mọi hoạt động của con người, trong nhận thức thế giới và cải tạo thế giới.
Sử học đáp ứng một nhu cầu tự nhiên và ngày càng nâng cao của con người vì ai cũng cần biết mình sinh ra từ đâu và quá khứ như thế nào.
Chúng ta không thể hình dung được sự tồn tại và phát triển của loài người nếu như chúng ta bị tách rời khỏi quá khứ hoặc với cả một quá khứ mù mịt.
Nếu Lịch sử dân tộc ngừng chảy, hoặc chảy không mạnh, nó sẽ sinh ra một thế hệ con người Việt Nam mới “vô thức”.
Có thể nói đó như là những người máy, không có quê hương, đất nước, gia đình, dòng họ, không có sự yêu thương đùm bọc, chia sẻ, thêm vào đó là sẵn không có sự tôn trọng, thích thì làm, không có trên có dưới, xem thường các đạo lý mà trước hết là đạo làm người.
Những tri thức lịch sử trang bị cho chúng ta những kiến thức tinh hoa của văn hóa nhân loại, của dân tộc để học hỏi, giao lưu, hội nhập.
Xu hướng toàn cầu hóa hiện nay đã làm cho các quốc gia dân tộc không phân biệt thể chế chính trị xích lại gần nhau. Vì thế, muốn hội nhập phải nói rõ lịch sử dân tộc mình cho thế giới hiểu đúng.
Đồng thời, nước ta là nước đang phát triển, cần phải học hỏi kinh nghiệm của các nước khác.
Vì vậy, việc tìm hiểu lịch sử nước ngoài, nhất là lịch sử các nước láng giềng trong khu vực, các nước lớn có quan hệ mật thiết với chúng ta để hiểu họ và học hỏi tinh hoa văn hóa của họ là điều không thể thiếu.
Kiến thức lịch sử có tác dụng to lớn trong giáo dục các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ truyền thống, bản sắc dân tộc để không bị hòa tan khi hội nhập với thế giới, khu vực.
Lịch sử là bản thân những hoạt động xã hội loài người, dân tộc trên tất cả các lĩnh vực với những biểu hiện muôn màu, muôn vẻ, mà nhờ đó con người có thể đúc kết được các kinh nghiệm làm gương cho đời sau.
Những bài học kinh nghiệm của lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc còn có ý nghĩa sâu sắc trong công cuộc phát triển đất nước hiện nay.
Vì vậy, muốn phát triển đất nước trong điều kiện hiện nay, phải hiểu sâu sắc các bài học kinh nghiệm của quá khứ và phải biết sử dụng những hiểu biết về lịch sử vào thực tiễn sinh động phong phú, đa dạng.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc đã cho thấy, Việt Nam là một nước nhỏ, nghèo, lại luôn bị nước lớn chèn ép tìm cách vừa dụ dỗ vừa đe dọa để thôn tính đất nước.
Thực tế, lịch sử dựng nước và giữ nước cũng dạy cho chúng ta bài học là ở bất kỳ hoàn cảnh nào, giải quyết nhiệm vụ gì thì yếu tố nhân dân và xây dựng khối đoàn kết toàn dân cũng phải được coi trọng hàng đầu.
Đó là bài học đắt giá được rút ra từ lịch sử.
Có thể nhìn nhận một cách chân thực rằng, không biết Toán có thể gặp khó khăn khi cộng trừ tiền lương, quy chiếu ngoại tệ ra tiền Việt.
Nhưng nếu không biết lịch sử thì điều gì sẽ xảy ra khi con cái không biết cha mẹ, ông bà tổ tiên, dòng họ mình là ai?
Còn xét về giá trị hiện thực, thì lịch sử là những gì có thật đã xảy ra trong quá khứ theo quy luật của tự nhiên. Cho nên lịch sử là những bài học vô giá đã được rút ra từ hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Mà để có được những bài học lịch sử vô giá đó, biết bao xương máu và nước mắt của dân tộc đã phải đánh đổi.
Vì thế, học và tìm hiểu về Lịch sử Việt Nam còn là để ghi nhớ biết ơn công lao vĩ đại của bao thế hệ tiền nhân đã hi sinh xương máu để gìn giữ đất nước Việt Nam cho thế hệ về sau.
Và quan trọng hơn bao giờ hết, lịch sử xác định nguồn gốc của một dân tộc, qua đó chủ quyền quốc gia, biên giới lãnh thổ của một đất nước được xác lập, từ đó khẳng định ví trí và vị thế của một quốc gia trên trường quốc tế.
Đối với giáo dục, dạy lịch sử còn là dạy làm Người, dạy cho thế hệ trẻ giữ gìn phẩm giá, nhân cách con người, đồng thời góp phần quan trọng vào việc nâng cao cái “phông” văn hóa cho học sinh.
Học lịch sử còn để biết giá trị của ngày hôm nay và từ đó biết ý nghĩa của thành ngữ “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”.
Con người xuất hiện từ khi nào thì khoa học lịch sử cũng ra đời từ đó, lịch sử xã hội loài người từ khi hình thành cho đến nay đã có biết bao đổi thay, có những thứ đã vĩnh viễn biến mất hoàn toàn khỏi trái đất, song khoa học lịch sử thì vẫn vậy, nó như cây cổ thụ ngày càng vươn cao, tán lá càng rộng.
Với tư cách là một môn khoa học, Lịch sử là một bộ môn nền tảng của khoa học xã hội và nhân văn, là cơ sở quan trọng bậc nhất để trang bị một hệ thống kiến thức về cội nguồn dân tộc, về các thành quả xây dựng và bảo vệ đất nước, về các giá trị tiêu biểu của truyền thống, văn hóa dân tộc và nhân loại;
Để từ đó, bồi dưỡng các giá trị của truyền thống của dân tộc, nhất là chủ nghĩa yêu nước, ý chí độc lập tự cường, tinh thần nhân ái..; từ đó xây dựng phẩm chất và bản lĩnh con người Việt Nam.
Môn học này có một vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục, hình thành nhân cách, lòng yêu nước và sự hiểu biết, nhận thức về truyền thống dân tộc của con người nói chung.
Lịch sử tạo niềm tin cho học sinh qua các bằng chứng chứng xác thực (không phải bằng mệnh lệnh).
Ví như, tin vào vai trò của Đảng, của Bác, của nhân dân trong đấu tranh và xây dựng; tin vào các quy luật sản xuất vật chất, đấu tranh.
Lịch sử cung cấp cho học sinh những kinh nghiệm quý báu về cách xử lý tình huống thông minh của người xưa trong cuộc sống, nhất là trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Lịch sử giáo dục lòng yêu nước qua các tấm gương khắc phục khó khăn, không ngại gian khổ, hy sinh, xả thân vì nước, thể hiện tinh thần “mình vì mọi người”.
Qua đó học sinh ý thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội, Tổ quốc.
Lịch sử là bộ môn khoa học, về mặt văn hóa nó gắn liền với hình hài đất nước, đó là dòng sông, bến nước, sân đình, cây đa, giếng nước, lũy tre làng, là gia đình, tổ tiên.
Lịch sử nuôi dưỡng thế hệ con người Việt Nam, giáo dục góp phần hình thành cái tâm, tính, cần cù, chăm chỉ, sáng tạo, yêu thương đùm lẫn nhau, gắn tình yêu gia đình, làng xóm với quê hương đất nước.
2. Các quốc gia trên thế giới đều coi trọng môn Lịch sử
Những sai lầm thường thấy trong đổi mới giáo dục lịch sử
Sẽ là một sai lầm lớn nếu như chỉ chú ý tới đổi mới phương pháp dạy học lịch sử mà quên đi mối quan tâm tới mục tiêu và nội dung giáo dục.
Chính vì những ý nghĩa và vai trò của môn học lịch sử là như vậy nên các quốc gia trên thế giới đã rất coi trọng môn học này.
Các kết quả nghiên cứu cho biết, kinh nghiệm của nước ngoài có nhiều, và rất nhiều nước ưu tiên cho môn Sử (như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Israel …).
Thậm chí, ở trường phổ thông Israel hiện nay, Lịch sử được xếp ngang hàng với các môn Văn học, môn Kinh thánh và học sinh phải thi.
Nhiều nước trên thế giới đã giành cho chương trình Lịch Sử một vị trí xứng đáng, là một trong 5 môn học bắt buộc ở phổ thông vì họ quan niệm rằng “Sử học là thầy dạy của cuộc sống”.
Trong hệ thống giáo dục ở Mỹ và Canada, Lịch sử là một trong những môn bắt buộc ở các cấp phổ thông và đại học cùng với các môn học khác như Toán, tiếng Anh, Vật lý.
Theo kết qủa nghiên cứu của GS. TS Trần Thị Vinh (Khoa Sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) thì ở Mỹ, sau cải cách giáo dục vào đầu thập niên 1960, các nhà giáo dục mới có cách nhìn mới toàn diện, đầy đủ hơn về bộ môn Lịch sử trong nhà trường.
Sự thiếu hụt kiến thức lịch sử của học sinh, đặc biệt là kiến thức về lịch sử xã hội và lịch sử văn hóa đã khiến cho các nhà hoạch định chính sách phải xem xét lại công tác dạy và học lịch sử trong các trường phổ thông.
Theo đó, Bộ Giáo dục đã hỗ trợ việc thực hiện các dự án nhằm tăng cường việc giảng dạy và giáo dục lịch sử cho học sinh phổ thông.
Dự án “Ngày lịch sử dân tộc” (National History Day- NHD) do GS. Cathy Gorn, Đại học Maryland tiến hành là một trong số những dự án nêu trên. Khoảng 700.000 học sinh và 40.000 giáo viên trung học phổ thông đã tham gia dự án NHD.
Và với sự tài trợ của Chính phủ, hàng loạt các hội thảo, các chương trình đào tạo giáo viên được thực hiện, học sinh được khuyến khích lựa chọn và thực hiện các đề tài về lịch sử dân tộc;
Các trường phổ thông được tăng cường thiết bị dạy học, nguồn tài liệu dạy và học lịch sử, thiết kế các trang web về lịch sử …
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục đã đưa ra các giải thưởng thường niên cho giáo viên môn Lịch sử nhằm khuyến khích phát triển năng lực của giáo viên.
Năm học 2007- 2008, Chương trình giải thưởng dành cho giáo viên dạy giỏi lịch sử Mỹ được công bố với tổng giá trị lên đến 1 triệu USD.
Theo Luật nhập cư của Canada, những người muốn có quốc tịch Canada phải trải qua bài thi viết và phần hỏi vấn đáp về lịch sử chính trị – xã hội và lịch sử văn hóa Canada từ 1867 đến nay.
Thực tế cho thấy, các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và Canada đã có nhiều nỗ lực trong việc nhìn nhận đúng vị trí, vai trò của môn lịch sử cũng như tầm quan trọng của công tác giáo dục lịch sử trong nhà trường nói riêng và trong xã hội nói chung.
Những phân tích nêu trên cho thấy lý do vì sao môn Lịch sử được coi trọng, được nhìn nhận đúng với vị trí của nó trong các nền giáo dục phát triển hàng đầu thế giới.
3. Vì sao giáo dục Lịch sử xuống cấp?
Trong thời gian gần đây, giáo dục môn Lịch sử trong trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông sa sút nhiều, gây nỗi lo âu trong xã hội. Học sinh chán môn Lịch sử, không thích học lịch sử biểu hiện trên nhiều phương diện.
Thực tế cho biết có nhiều dấu hiệu cho thấy học sinh không nhiều môn Sử, thậm chí còn sợ Sử.
Cụ thể, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra chủ trương môn Lịch sử là môn thi tự chọn trong kỳ thi THPT Quốc gia thì có những Hội đồng thi chỉ có một thí sinh dự thi.
Vì thế, nếu đưa vào môn học bắt buộc thi thì điểm số của học sinh rất thấp. Nhưng nếu đưa vào môn tự chọn thì hầu hết không chọn môn Lịch sử.
Do đó, học hết cấp phổ thông mà hiểu biết lịch sử của phần lớn học sinh là rất lờ mờ, thậm chí những sự kiện cơ bản hay nhân vật anh hùng tiêu biểu cũng không nhớ hay nhớ sai.
Tình trạng xuống cấp của môn Lịch sử có nhiều nguyên nhân, trước hết là do sách giáo khoa quá nặng nề, lối học và thi cử nặng về truyền thụ và đo kiến thức.
Truy nguyên lên cao hơn là do chương trình và nhận thức không đúng về vị thế và yêu cầu giáo dục môn Lịch sử, không tôn trọng và nêu cao tính khoa học của môn học.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, một nguyên nhân rất quan trọng nhất đó là là do mục đích mang tính thực dụng của học sinh.
Bởi lẽ, trong nhiều năm trở lại đây cho thấy, từ khi bước vào trung học phổ thông, học sinh đã đồng thời chuẩn bị cho cuộc đua, cạnh tranh vào đại học.
Và thực tế cũng cho thấy, muốn vào những ngành có nhiều chỉ tiêu tuyển sinh, ra trường dễ xin việc làm, lương cao hơn thì các em phải thi các khối A, B, D. Như vậy, so với các khối thi trên, khối C thiếu hấp dẫn nhất.
Tuy nhiên, trong khối này, môn Văn được nhiều em chú trọng để dự thi cả các ngành thuộc khối D, còn các môn Sử, Địa ít được quan tâm nhất.
Do đa số học sinh hướng vào các khối A, B, D nên việc học Sử, Địa của những em này chỉ để dùng riêng cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, mà không dùng cho thi tuyển sinh đại học (trong khi các môn Văn, Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ dùng cho cả hai kỳ thi).
Như thế, học và thi môn Sử đã bị coi là “lãng phí sức lực và thời gian” và trở thành yếu tố “cản trở” trên đường đua vào đại học.
Và cũng có một thực tế là, khoảng chục năm gần đây trở về trước không có tình trạng nhiều học sinh chán học môn Sử.
Bởi lẽ dưới thời bao cấp, và nhiều năm sau đổi mới, đất nước ta còn nhiều khó khăn, chưa có nhiều thành tựu kinh tế lớn, nên thực tế này chưa tác động nhiều đến lựa chọn khối thi đại học của thí sinh.
Nhưng sau khi quan hệ đối ngoại rộng mở, dẫn đến thay đổi lớn là dòng vốn đầu tư vào Việt Nam tăng lên, hàng loạt nhà máy, ngân hàng, công ty, trường học, bệnh viện, khu chế xuất, khu công nghiệp ra đời, thu hút nhiều việc làm trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng nhanh, khiến xã hội cần nguồn nhân lực được đào tạo từ các ngành tuyển sinh các khối thi A,B,D hơn nhiều lần so với khối C.
Vì thế, học sinh không muốn học Sử chủ yếu để tập trung học những môn có lợi cho các em về tương lai kinh tế. Điều này sẽ dẫn đến những tai hại cho tương lai đất nước.
Ngoài ra còn những nhân tố gia đình và xã hội như coi môn Lịch sử nặng về trí nhớ, ít sáng tạo, không muốn cho con học lịch sử, học sử không có tiền đồ, khó tìm việc làm.
Và một trong những nguyên nhân quan trọng khác nữa là thực chất Lịch sử là một môn học khó và đòi hỏi cao.
Về dung lượng kiến thức, môn Lịch sử là một môn tích hợp rất rộng, bao gồm cả khảo cổ học, dân tộc học, lịch sử chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, tư tưởng, tôn giáo;
Rộng hơn nữa là Lịch sử của các khoa học tự nhiên và khoa học xã hội như Toán học, Lý học, Hoá học, Sinh vật học, Tiếng Việt, Chữ Việt.
Chính vì thế mà C. Mác đã từng nói: “Chỉ có một khoa học chân chính nhất là khoa học lịch sử”.
Sử học với tư cách là một khoa học trong các môn Khoa học xã hội, một bộ phận quan trọng nhất của văn hóa.
Trên thực tế, lịch sử thường gắn liền với chính trị, theo đó tri thức lịch sử có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển đất nước trong thời kì hội nhập quốc tế.
Kiến thức lịch sử là cơ sở để hoạch định đường lối chính sách phát triển đất nước phù hợp với quy luật khách quan của lịch sử.
Khoa học lịch sử tuy không trực tiếp liên quan đến quá trình sản xuất và phục vụ sản xuất như khoa học tự nhiên và kĩ thuật, nhưng khoa học lịch sử có tác dụng quan trọng đến sự phát triển xã hội.
Đó là căn cứ đáng tin cậy để phát hiện những quy luật chung, quy luật đặc thù, cá biệt, vận động trong xã hội.
Bởi lẽ, những kinh nghiệm lịch sử thế giới và dân tộc chỉ rõ, ở mỗi giai đoạn lịch sử nếu hoạch định đường lối, chính sách phát triển đất nước phù hợp với quy luật thì xã hội sẽ phát triển.
Chính vì vậy, có thể nói, kiến thức và kinh nghiệm của lịch sử là cơ sở để hoạch định đường lối, chính sách phát triển đất nước phù hợp với quy luật khách quan của lịch sử.
Trong một cách tiếp cận khác, tri thức lịch sử cung cấp cho chúng ta những bài học kinh nghiệm vô giá trong xây dựng và bảo vệ đất nước thời kỳ hội nhập.
Các nhà sử học Hy Lạp cổ đại đã khẳng định rằng: “Lịch sử là cô giáo của cuộc sống”, “Lịch sử là bó đuốc soi đường đi tới tương lai”.
Và lịch sử Việt Nam từ cội nguồn đến nay đã làm sáng tỏ điều này.
Một trong những bài học kinh nghiệm bao trùm, trở thành một quy luật đặc thù trong lịch sử dân tộc là dựng nước và giữ nước luôn gắn liền với nhau.
Bài học quý giá này chỉ cho chúng ta thấy tuy hoàn cảnh xây dựng đất nước ngày nay khác với trước đây, nhưng không bao giờ được tách rời hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ.
Do đó, với những giá trị như vậy nên việc cần phát hiện tìm ra quy luật và những bài học cụ thể trong khoa học lịch sử từ việc học sử, và tiếp cận được những giá trị này của môn học là điều không dễ đối với học sinh.
Ta có thể tìm ra trong môn học lịch sử những tri thức về chính trị, về đường lối chính sách, chiến lược phát triển của một quốc gia trong từng giai đoạn đặc thù.
Sự phát triển của đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của một dân tộc và sự tìm ra những ý nghĩa của sự phát triển đó.
Đây là những đòi hỏi khó cho học sinh khi học lịch sử, bởi lẽ độ rộng và sâu của vấn đề cần được đánh giá trong một tổng thể chung, để từ đó tìm ra được những bài học cụ thể cho tương lai.
Có thể nói, những tri thức trong trong môn học Lịch sử liên quan đến hầu hết các lĩnh vực, các vấn đề lớn của một quốc gia theo từng giai đoạn.
Gắn với mỗi sự kiện lịch sử là một loạt các vấn đề cần được phân tích khách quan, làm rõ để từ đó thấy được những giá trị cụ thể của sự kiện đó.
Ví dụ, khi nói về sự kiện Giáo sư Ngô Bảo Châu là người Việt Nam đầu tiên giành giải thưởng cao nhất về Toán học của thế giới vào năm 2010, đã gây chấn động và làm cả thế giới sửng sốt thì cần thiết phải phân tích và làm rõ vì sao sự kiện này lại có thể gây chấn động và làm cả thế giới sửng sốt?
Khi đó, rất nhiều vấn đề cần được phân tích để chỉ ra như bối cảnh quốc tế, điều kiện hoàn cảnh đất nước, thực trạng giáo dục Việt Nam ở thời điểm đó.
Như thế, về một sự kiện lịch sử cần thiết phải có sự nhìn nhận, đánh giá từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, với nhiều nguồn thông tin khác nhau. Do đó đây là một đòi hỏi lớn đối với người nghiên cứu và học về lịch sử.
Tuy nhiên, trong nhiều năm, việc dạy môn Lịch sử ở trường học đã không đáp ứng được yêu cầu này. Chính vì thế mà học sinh phần lớn quay lưng lại cách dạy và học môn Lịch sử, chứ không phải quay lưng lại với môn Lịch sử.
Sau khi đọc bài viết: “Sử không còn, Tổ quốc có còn không?” của tác giả Hồng Lam ngày 14/10/2015 trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, một độc giả lấy tên là Chán Học Sử đã bình luận:
“… Lịch sử không bao giờ biến mất, Tổ quốc không bao giờ biến mất. Không thể đánh đồng môn Lịch sử trong nhà trường với Lịch sử dân tộc.
Học sinh chán học môn Lịch sử, chứ không có học sinh nào chán Lịch sử dân tộc. Vậy những người làm Sử, dạy Sử phải có trách nhiệm sao cho môn Lịch sử theo kịp với Lịch sử dân tộc, để cho học sinh say mê, lựa chọn.
Xin nhắc lại, không có học sinh Việt Nam nào chán Lịch sử dân tộc, chỉ có rất nhiều học sinh Việt Nam đang chán môn Lịch sử trong nhà trường.
Đó là trách nhiệm của người thày, không phải của người trò, và lại càng không phải là trách nhiệm của Lịch sử Việt Nam”.
Lời bình luận rất cụ thể này đã phần nào đã phản ánh đúng tâm tư của những người học Sử trước thực trạng dạy và học Sử ở nhà trường hiện nay.
Nhà văn Xô Viết Rasul Gamzatop đã nói: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác”.
Chính vì thế, vấn đề sẽ còn trở nên nghiêm trọng nếu như môn Lịch sử không được dạy một cách tử tế thì chưa biết chừng, chắc chắn sẽ đến một lúc nào đó, một thế hệ học sinh sẽ quay lưng lại với cha ông.
Bởi lẽ, nếu chúng ta không thấu hiểu và trân trọng quá khứ, thì tương lai sẽ đối xử với chính chúng ta còn tệ bạc hơn.
Trên thực tế, dường như đã thành một lối mòn và như một truyền thống, việc dạy Sử của các thầy cô giáo vẫn là theo kiểu “nhồi sọ”, đọc cho chép về các sự kiện lịch sử, làm cho môn học trở nên khô cứng, khó tiếp nhận, phải nhớ nhiều mà không hiểu được bản chất của vấn đề.
Vì thế, có thể nói là chúng ta thường là cố nhồi vào đầu học sinh và bắt học sinh nhớ tất cả mọi thứ sau khi nhào nặn thành một cái “bánh sử” giống nhau cho mọi người.
Chính vì thế mà học sinh không còn phân biệt được đâu là sự kiện khách quan, đâu là quan điểm chủ quan trong cách nhìn về lịch sử.
Và tất nhiên, các em cũng chưa được khuyến khích hình thành và diễn đạt các quan điểm riêng về sự kiện sử.
Nếu chúng ta vẫn dạy Sử theo kiểu đó thì học sinh sẽ sợ Sử và sẽ chẳng bao giờ học sinh thích học Sử.
Mà nếu có “nhồi” được vào đầu học sinh một ít kiến thức sử theo kiểu đó thì lượng kiến thức sử đó đâu có được là bao đối so với lịch sử bao la của đất nước và thế giới.
Cái mà học sinh cần khi học môn sử là các kiến thức, kỹ năng như của một nhà sử học để rồi tự mình tìm tòi, bổ sung, làm giàu kiến thức lịch sử trong suốt đời người.
4. Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Lịch sử và đổi mới phương pháp, kỹ năng dạy Sử
Chính vì vậy, muốn khôi phục chất lượng giáo dục môn Lịch sử, giải pháp trước hết là cần đổi mới căn bản và toàn diện cả hệ thống giáo dục môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông từ nhận thức vị thế, yêu cầu giáo dục đến việc xây dựng lại chương trình, biên soạn lại sách giáo khoa.
Theo đó, nội dung chương trình phải được thiết kế và xây dựng hợp lý, không quá nặng về hàn lâm, cần có sự phân tích là rõ ý nghĩ của các sự kiện, trên cơ sở tôn trọng sự thật khách quan trong cái nhìn đa chiều mà không áp đặt.
Là một môn khoa học đặc thù nên môn Lịch sử phải dạy học bằng những phương pháp đặc trưng của bộ môn, tạo nền tảng để phát triển phẩm chất và năng lực con người Việt Nam, công dân của một quốc gia, hướng tới hình thành những phẩm chất và năng lực của công dân toàn cầu.
Những tri thức lịch sử phải được trang bị một cách khách quan, toàn diện và có hệ thống. Tri thức nền tảng là vấn đề căn cốt nhất mà con người Việt Nam cần có trước khi bước vào cuộc sống.
Cùng với đó là nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, thay đổi cách dạy, cách học và cách thi.
Thực tế cho thấy khi có sự phân tích đúng đắn về ý nghĩa của môn Lịch sử thì sẽ có một sự đòi hỏi cao đối với giáo viên dạy sử, ở đây sự thông tuệ về kiến thức được đặt nên hàng đầu, cùng với đó là phương pháp giảng dạy thích hợp, tạo sự hấp dẫn đối với học sinh.
Có một câu nói: “Thật vô cùng may mắn cho ai học được cách học”.
Vì thế, trong cách dạy để đạt được cách học cho học sinh, người dạy sử phải dạy cho học sinh các kiến thức, kỹ năng như của một nhà sử học.
Đó là dạy cách tìm thông tin lịch sử, cách bóc tách sự kiện khách quan và các quan điểm; cách nhìn nhận, đánh giá chủ quan của người khác về sự kiện sử;
Dạy cách hình thành, diễn đạt quan điểm của học sinh về sự kiện sử; dạy cách tôn trọng quan điểm của người khác về cùng sự kiện sử.
Bởi lẽ, một cách hiểu đơn giản là, chỉ cần sau một giấc ngủ, chỉ ngày mai thôi, tất cả những gì xảy ra hôm nay đã trở thành “lịch sử” và chúng ta cần “xử lý” chúng như những “sự kiện sử”.
Trong cách thi về Lịch sử cần thiết theo hướng nhằm kiểm tra sự hiểu biết của học sinh về các sự kiện lịch sử chứ không phải nhằm kiểm tra trí nhớ, tránh đề cập việc kiểm tra cho sinh về các con số khô khan.
Về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, trong giảng dạy Lịch sử, người giáo viên phải đóng vai trò quan trọng trong việc làm sống lại các sự kiện lịch sử.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào những kiến thức trong sách giáo khoa thì khó có thể tạo dựng lại không khí lịch sử cần thiết, thu hút các em đi sâu tìm hiểu, khám phá quá khứ của dân tộc, của thế giới.
Vì thế, để tạo nên những cảm xúc thực sự trước những sự kiện thì việc các thầy cô giáo dạy Sử vận dụng kiến thức văn học vào giảng dạy lịch sử là điều cần thiết, khi đó cần làm cho bài giảng trở nên sinh động và hấp dẫn, nâng cao hứng thú học tập của học sinh.
Bởi lẽ, Văn học và Lịch sử có liên hệ với nhau, kiến thức môn này sẽ hỗ trợ cho môn kia, văn học sẽ cung cấp cho ta những tư liệu lịch sử mà nhờ đó học sinh có thể nhận thức một cách rõ ràng, như khi học tác phẩm.
Thí dụ, khi dạy về nguyên nhân thắng lơi của hai cuộc kháng chiến chống Mĩ giáo viên có thể vận dụng đoạn thơ sau để gây ấn tượng cho học sinh:
“…31 triệu dân
Tất cả hành quân, tất cả thành chiến sĩ
hiện đại, thô sơ của ngày xưa và của bây giờ
với cách mạng đều là vũ khí
tên lửa, tên tre, lưỡi lê, lưỡi mác
và thuyền và xe
chân đi vai vác
qua núi qua khe
mạnh hơn thác trùng trùng vô tận…”
Và khi nói về tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân ta, lên án tội ác và tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mĩ ở miền Nam Việt Nam đồng thời tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ thế giới, ta có thể sử dụng đoạn thơ sau của nhà thơ Tố Hữu:
“…Nhân danh ai bay mang đến đất này
Những Na-pan, hơi độc
Bay đến từ đảo Guam, từ tòa Bạch ốc
Để ám sát hòa bình, tự do dân tộc
Giết những người con chỉ biết yêu thương
Giết những trẻ em chỉ biết đi trường
Giết những đồng xanh của bốn mùa hoa lá
Và giết cả những dòng sông của thơ ca, nhạc họa”
Hay khi nói về ý nghĩa Chiến thắng của Điện Biên phủ, giáo viên có thể trích câu thơ:
“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”
Như thế, học sinh sẽ chú ý lắng nghe, và khi được gọi nhận xét, các em có khả năng nhận xét được không khí trong cuộc khởi nghĩa khi liên tưởng đến những sự kiện mình đang học bằng hình ảnh miêu tả của bài thơ.
Đồng thời còn giúp các em đánh giá đúng vai trò của quần chúng nhân dân là những người làm nên lịch sử – là động lực chính đưa cách mạng đến thành công.
Vì thế, việc dẫn giải bằng thơ không chỉ mô tả về diễn biến của các trận đánh của từng chiến dịch mà còn hướng cho học sinh đi tìm hiểu nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc ta, để thấy rằng các em rất xúc động về những hình ảnh mà mình thu nhận được.
Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục tinh thần cảm phục đối với công lao của các thế hệ đi trước. Đồng thời cũng góp phần nâng cao ý thức bảo vệ quê hương đất nước trong nhận thức của các em.
Nhìn chung, có rất nhiều kiến thức để vận dụng văn học trong giảng dạy bộ môn Lịch sử.
Giáo viên có thể đưa vào bài giảng một câu thơ, một đoạn văn hay một trích đoạn nhằm giúp học sinh có thể nêu ra một kết luận khái quát cụ thể hóa một vấn đề hay một sự kiện lịch sử đã được học.
Như vậy, khi sử dụng tích hợp kiến thức văn học trong giảng dạy Lịch sử không những giúp học sinh nắm vững nhanh chóng, nhớ lâu bài học mà còn góp phần củng cố thêm kiến thức văn học, tạo điều kiện cho học sinh hình thành phương pháp liên hệ trong quá trình học tập của mình.
Có thể nói đó là “một công đôi việc” tạo hiệu qủa trong giảng dạy.
Trên đây là những kết quả tổng kết các nghiên cứu khác nhau về khoa học Lịch sử.
Hy vọng rằng, với sự đánh giá đúng ý nghĩa, vai trò của lịch sử và môn học Lịch sử, cùng với những sự đổi mới cần thiết, chúng ta sẽ nâng tầm vị thế của Khoa học lịch sử nói chung và môn học Lịch sử nói riêng, để từ đó học sinh không còn sợ Sử mà say mê với Sử, tạo một cơ sở thành công trong sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam.
Trần Trí Dũng