Dân quân tự vệ là gì? Phân loại dân quân tự vệ? Đi dân quân tự vệ có phải đi nghĩa vụ quân sự nữa hay không?
“Hiện tại tôi đã 22 tuổi và đang tham gia thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ tại địa phương của tôi được 16 tháng. Tôi có thắc mắc sau khi đi dân quân tự vệ về thì tôi có bị gọi đi nghĩa vụ quân sự nữa hay không?” – Đây là câu hỏi của bạn Quỳnh Như.
Dân quân tự vệ bao gồm những ai?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Dân quân tự vệ 2019 quy định về giải thích từ ngữ như sau:
“Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân, được tổ chức ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ.”
Theo đó, dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân và được tổ chức ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ.
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Luật Dân quân tự vệ 2019 quy định về thành phần dân quân tự vệ bao gồm:
– Dân quân tự vệ tại chỗ.
– Dân quân tự vệ cơ động.
– Dân quân thường trực.
– Dân quân tự vệ biển.
– Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế.
Quy định về độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình?
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Luật Dân quân tự vệ 2019 quy định về độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình như sau:
“Điều 8. Độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình
1. Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nếu tình nguyện tham gia Dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ.
2. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ tại chỗ, Dân quân tự vệ cơ động, Dân quân tự vệ biển, Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế là 04 năm; dân quân thường trực là 02 năm.
Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương, cơ quan, tổ chức, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được kéo dài nhưng không quá 02 năm; đối với dân quân biển, tự vệ và chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ được kéo dài hơn nhưng không quá độ tuổi quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định kéo dài độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ theo quy định tại Điều này.”
Theo đó, công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.
Dân quân tự vệ là gì? Phân loại dân quân tự vệ? Đi dân quân tự vệ có phải đi nghĩa vụ quân sự nữa hay không? (Hình từ internet)
Đi dân quân tự vệ có phải đi nghĩa vụ quân sự hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 (điểm a khoản 4 Điều này được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 49 Luật Dân quân tự vệ 2019) quy định về các trường hợp được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình bao gồm:
– Dân quân thường trực có ít nhất 24 tháng phục vụ thì được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, do Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc trưởng thôn nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức;
– Hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên;
– Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị;
– Thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế – quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định;
– Công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên.
Như vậy, nếu công dân thuộc trường hợp đi dân quân tự về thường trực có ít nhất 24 tháng phục vụ thì được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình đồng nghĩa với việc bạn sẽ không phải đi nghĩa vụ quân sự nữa.
Đồng thời, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện định theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc trưởng thôn nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ quyết định việc công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình đối với dân quân thường trực có ít nhất 24 tháng phục vụ.