Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán
Mỗi dịp Tết đến, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) luôn là nỗi lo của người tiêu dùng, bởi các loại hàng hóa không bảo đảm chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ… được dịp trà trộn, tung ra thị trường tiêu thụ nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đặc biệt quan tâm, kiểm soát chặt chẽ vấn đề ATTP, giúp người dân đón Tết an toàn.
Huy động toàn xã hội tham gia kiểm soát chặt chẽ ATTP
Theo ThS-BS Nguyễn Hữu Tài – Phó giám Sở Y tế Đồng Nai, việc bảo đảm ATTP không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân, sự phát triển kinh tế – xã hội, an ninh lương thực mà về lâu dài còn ảnh hưởng đến sự phát triển giống nòi của dân tộc. Do đó, để kiểm soát được thực phẩm, hàng hóa đảm bảo chất lượng phục vụ người tiêu dùng trong dịt Tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội Xuân 2023, đòi hỏi phải có sự tham gia mạnh mẽ của các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể, các cơ quan quản lý chuyên ngành, các doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội.
Càng gần đến ngày Tết, nhu cầu mua sắm càng trở nên nhộn nhịp, sôi động, cùng với đó là các hàng hóa, thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ xâm nhập thị trường làm gia tăng nguy cơ mất ATTP, đe dọa đến sức khỏe của người dân. Thực tế trong năm 2022, qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm ATTP 15.261 cơ sở trên toàn tỉnh phát hiện 2.069 cơ sở vi phạm, trong đó 532 cơ sở bị xử lý với tổng số tiền phạt hơn 4 tỉ đồng. Tịch thu tiêu hủy hơn 6,4 ngàn kg sản phẩm động vật vi phạm, 490kg đồ chua, 69kg sản phẩm tương ớt và khoảng 13,2kg chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm về điều kiện ATTP 230 cơ sở, vi phạm về ghi nhãn mác 71 cơ sở, vi phạm về quảng cáo 5 cơ sở và vi phạm các nội dung khác là 263 cơ sở.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra ATTP tại một siêu thị trên địa bàn tỉnh.
Vừa qua, Ban Chỉ đạo bảo đảm VSATTP tỉnh đã chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đồng loạt ra quân ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã, bắt đầu từ ngày 15/12/2022 đến hết ngày 12/3/2023. Tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD), nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia rượu, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm,… các cơ sở dịch vụ ăn uống với mục đích kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm ATTP để người dân yên tâm vui xuân, đón Tết.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Ông Nguyễn Đình Minh – Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết, ngay từ cuối tháng 10-2022, Chi cục ATVSTP đã tổ chức tập huấn tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo Trung tâm y tế, Phòng y tế các huyện, thành phố; cán bộ phụ trách công tác ATTP cấp xã trong toàn tỉnh với mục tiêu huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc SXKD thực phẩm giả, kém chất lượng, hạn chế ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm trong dịp Tết cũng như Lễ hội Xuân 2023.
Trong đó, tập trung tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm tuân thủ nghiêm các quy định về ATTP, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng theo đúng quy định. Tuyên truyền cho người dân nhận biết trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn tươi sống, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là trong mua sắm hàng hóa, thực phẩm online. Không lạm dụng rượu trong dịp Tết, mùa lễ hội, chủ động phòng chống ngộ độc rượu; không ăn thức ăn sống, ăn tái, nấm lạ, hoang dại,… tăng cường các hoạt động giám sát ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, giám sát các mối nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, phát hiện sớm và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện xử trí cấp cứu, điều trị kịp thời, điều tra xác minh khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra…
Quyết liệt ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo ATTP
Theo ông Nguyễn Đình Minh, để kiểm soát được thực phẩm, hàng hóa đảm bảo chất lượng phục vụ người tiêu dùng vui xuân, an toàn đón Tết và Lễ hội Xuân 2023, phải thực hiện quyết liệt đồng bộ các biện pháp sau:
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Không sử dụng phụ gia, phẩm màu độc hại trong sản xuất, chế biến thực phẩm; Đảm bảo đầy đủ các điều kiện vệ sinh ATTP như: Các điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện về trang thiết bị dụng cụ và điều kiện về con người tham gia sản xuất, chế biến, tiếp xúc với thực phẩm; Đảm bảo có đầy đủ các hồ sơ pháp lý, tài liệu liên quan theo quy định ATTP; đảm bảo thực hiện tốt quy chế nhãn mác; các quy định về bảo quản, vận chuyển thực phẩm.
Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương kiểm tra ATTP tại siêu thị BigC Đồng Nai.
Các cơ sở kinh doanh, buôn bán thực phẩm:
– Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải bảo đảm các điều kiện sau: Tuân thủ quy định về ghi nhãn thực phẩm; Tuân thủ các điều kiện về bảo đảm an toàn đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, điều kiện về bảo đảm ATTP trong bảo quản thực phẩm;
Bảo đảm và duy trì vệ sinh nơi kinh doanh; Bảo quản thực phẩm theo đúng hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất.
– Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến không bao gói sẵn phải bảo đảm các điều kiện sau: Có biện pháp bảo đảm cho thực phẩm không bị hỏng, mốc, tiếp xúc với côn trùng, động vật, bụi bẩn và các yếu tố gây ô nhiễm khác; Rửa sạch hoặc khử trùng các dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm trước khi sử dụng đối với thực phẩm ăn ngay; Có thông tin về xuất xứ và ngày sản xuất của thực phẩm.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố ở các chợ, khu vực lễ hội cần đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh ATTP sau: Thực hiện kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh và không gây ô nhiễm cho thực phẩm; Người trực tiếp chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức ATTP và được chủ cơ sở xác nhận và không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp…khi đang SXKD thực phẩm; không được dùng phụ gia và phẩm màu không được phép sử dụng cho thực phẩm; thức ăn được bày bán phải đảm bảo tiêu chuẩn ATVSTP theo quy định.
Ở mỗi bếp ăn, hộ gia đình: Thực hiện mười nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm: chọn thực phẩm an toàn; nấu kỹ thức ăn; ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín; bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín; đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn; không để lẫn thực phẩm sống và chín; luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ; giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ; bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các loài động vật khác; sử dụng nguồn nước sạch để chế biến và nấu ăn.
Bích Ngọc