Đặc sản xứ U Minh: nhộng ong, nhìn phát sợ nhưng ăn là ghiền
Nhìn vẻ ngoài, nhiều người sẽ hơi e ngại khi thưởng thức các món ăn được chế biến từ nhộng ong. Tuy nhiên, khi đã được một lần trải nghiệm vị béo ngậy và thơm phức như sữa của nhộng ong chắc có lẽ khó mà quên được.
Từ nhiều năm qua, ong mật ở xứ U Minh Hạ (Cà Mau) đem về nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn gia đình theo nghề gác kèo. Ngoài nguồn lợi mật ong nổi tiếng khắp nơi, nhiều hộ còn có thêm nguồn thu từ việc chế biến các món đặc sản từ nhộng ong.
Nhộng ong có vẻ ngoài như côn trùng, nhưng có vị béo và thơm như sữa và giàu chất đạm.
Trong đó, các món đặc sản nổi tiếng từ nhộng ong có thể kể đến như mắm nhộng ong, cháo nhộng ong, gỏi nhộng ong và lá bầu cuốn nhộng ong hấp.
Theo những người theo nghề gác kèo ong ở U Minh Hạ, ngày trước ong làm tổ trong rừng rất nhiều. Khi khai thác mật ong, họ thường cắt một phần tàng ong chứa nhộng ong để chế biến thành nhiều món ngon. Ong rừng U Minh hút mật hoa tràm, sống tự nhiên và không hề có sự tác động của con người nên mật không chỉ thơm ngon, mà nhộng ong cũng béo hơn bình thường.
Thông thường, nhộng ong sẽ được sơ chế bằng cách luộc qua nước sôi trước khi chế biến thành nhiều món ăn.
Thông thường, để chế biến nhộng ong thành các món ăn, người làm phải trải qua quá trình sơ chế khá kỹ.
Cụ thể, phần tàng ong chứa nhộng ong sẽ được luộc bằng nước sôi. Lúc này, người làm phải đảo đều vừa để ong chín mà không nát, vừa làm phần sáp tan chảy. Sau đó, tùy vào các món ăn khác nhau sẽ có thêm các bước chế biến nhộng ong.
Chính sự sáng tạo của người dân đã giúp các món ăn từ nhộng ong trở nên rất đặc biệt. Đặc sản nhộng ong làm nên nét đặc trưng trong ẩm thực của xứ U Minh Hạ. Từ đó làm nên sự độc đáo, hấp dẫn cho du khách khi đặt chân đến Cà Mau.
Món ăn hấp dẫn nhất khi nhắc đến nhộng ong là mắm nhộng ong. Sau khi sơ chế, nhộng ong được để ráo nước. Sau đó, bỏ nhộng ong vào keo cùng một ít muối, đậy nắp lại đem ra phơi nắng. Khi thấy nhộng ong và muối ngấm đều, đổ ong ra trộn đều cùng thính và cho lại vào keo, tiếp tục nắng phơi khoảng 3-4 ngày. Nhộng ong ngả màu vàng nhạt là ăn được.
Cách ăn mắm ong cũng dân dã như cách làm ra nó. Người dùng có thể ăn theo cách đơn giản nhất là gắp từng con một ăn kèm với cơm nguội, ổi, me… Nhưng muốn thưởng thức mắm ong đúng điệu thì phải chuẩn bị những “nguyên liệu” ăn kèm như chuối chát, khóm, rau ngò om, ớt, lá sung…
Ngoài mắm nhộng ong với cách làm khá cầu kỳ, còn có món nhộng ong gói lá bầu hấp.
Ông Trần Văn Nhì (ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh), một người thợ ăn ong với kinh nghiệm, cho hay nhộng ong có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon, nhưng món ăn giữ được hương vị đặc trưng nhất của nhộng ong là món nhộng ong gói lá bầu hấp.
Cách chế biến món nhộng ong gói lá bầu hấp khá đơn giản. Chỉ cần lưu ý, do nhộng ong là ong non còn ở trong tổ nên khi chế biến phải thật nhẹ. Sau khi sơ chế, nhộng ong được để ráo nước rồi nêm nếm gia vị vừa ăn. Kế đến, người làm dùng cho nhộng ong vào lá bầu (có thể thay bằng lá mướp, lá khổ qua) gói lại miếng vừa ăn, rồi đem hấp.
Chỉ cần hấp vài phút là chúng ta có thể thường thức món ăn thơm ngon, béo ngậy. Thông thường, món ăn này được chấm kèm với muối ớt chanh.
Kỹ nghệ chăn gà ‘tiến vua’
Từ ngày chuyển đổi mô hình nuôi gà “tiến vua” làm quà biếu Tết, cuộc sống ông Đặng Văn Thuyết ở xã Thượng Vực (Chương Mỹ, Hà Nội) bước sang trang mới.
Ngọc Chúc