Đặc sản rượu men lá của người Nùng ở Kiên Thành Lục Ngạn – Bắc Giang | KHUYẾN CÔNG BẮC GIANG

Ai đã từng đến vùng đất vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), được thưởng thức rượu Kiên Thành – loại rượu được ủ bằng men lá đặc trưng của dân tộc Nùng nơi đây chắc không thể nào quên. Đó là rượu có hương thơm tự nhiên của lá cây rừng, uống rất dịu êm và đặc biệt là không bị đau đầu… hơn hẳn nhiều loại rượu khác.

Cùng với các sản vật thơm ngon nổi tiếng của quê hương Lục Ngạn như vải thiều, cam đường Canh, nếp cái hoa vàng, mỳ Chũ, mật ong… thì từ lâu, sản phẩm truyền thống rượu men lá của người Nùng ở xã Kiên Thành (hay còn gọi là rượu Kiên Thành) đã được nhiều người biết đến như một đặc sản của vùng đất vải thiều. Chính bởi những đặc trưng riêng không thể pha trộn như: rượu luôn dịu êm dễ uống (dù nồng độ cao); luôn có hương thơm tự nhiên của lá cây rừng và đặc biệt là thực khách không bị đau đầu cho dù có vô tình uống đến say… nên sản phẩm rượu men lá Kiên Thành ngày càng được nhiều người ưa chuộng.

Ảnh 1: Công đoạn trưng cất rượu men lá Kiên Thành

Tuy nhiên, để trưng cất được những giọt rượu Kiên Thành thơm ngon nổi tiếng, bà con dân tộc Nùng ở nơi đây đã phải vất vả thực hiện nhiều công đoạn từ: việc lên rừng hái lá làm men, đến việc chọn gạo nấu cơm, rồi bắt men lá vào cơm, sau đó ủ men, rồi trưng cất rượu… . Trong đó, mỗi một công đoạn lại đòi hỏi kỹ thuật và cả sự tỉ mỉ khéo léo riêng.

Để tìm hiểu sự tinh túy của rượu men lá Kiên Thành, chúng tôi đã tìm đến gia đình ông Lăng Văn Nam, dân tộc Nùng ở thôn Gai Đông, xã Kiên Thành – người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm men lá rừng để cung cấp cho người dân địa phương nấu rượu. Ông Nam cho biết, nguyên liệu để tạo nên những chiếc men lá gồm có 5 loại cây theo tiếng Nùng gọi gồm: Cây trăm rễ; lá cây giời giời; cây hoa vàng; lá cây tai chó và cây vạt hương. Thiếu đi một loại lá cây rừng này, thì chất lượng rượu nấu sẽ ít thơm và không ngon. Sau khi vất vả đi hái đủ 5 loại lá cây này rồi, đầu tiên sẽ phơi khô nhằm bảo quản tốt. Bước tiếp theo đun dây và lá cây giời giời lên lấy nước để nguội, sau đó ngâm với gạo khoảng 2 tiếng. Sau khi ngâm xong đem gạo và 4 loại lá còn lại đi nghiền nhỏ về lặn lẫn với bột gạo, rồi ủ vào chấu và phủ kín lên.

Đó là những công đoạn cần thiết để tạo nên những quả men lá đặc trưng trong cách nấu rượu của người Nùng ở Kiên Thành. Tuy nhiên công đoạn nấu rượu Kiên Thành cũng công phu không kém. Với hơn 10 năm kinh nghiệm nấu rượu men lá Kiên Thành, hiện gia đình anh Lương Văn Vượng – chị Phùng Thị Thảo trung bình mỗi ngày nấu được gần 100 lít rượu để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh Bắc Giang. Theo chị Thảo, muốn nấu rượu men lá ngon, trước tiên phải chọn được men lá của gia đình bảo đảm chất lượng. Sau đó chọn gạo ngon nguyên chất về xay ra. Lúc nấu cơm phải nấu thật chín rồi “bắt men lá” vào cơm cho đều đến từng hạt (bắt men càng đều thì sau này rượu càng ngon); tiếp đến phải ủ kín cơm đã bắt men vào thùng nhựa kín từ 2 – 3 ngày, không được mở; tiếp đến cần ủ khô cơm đã bắt được men lá từ 10 đến 12 ngày nữa. Sau đó mới được đổ nước vào cất thành rượu. Ở công đoạn trưng cất rượu, bà con người Nùng sử dụng phương pháp cất ba ba – lưu ý ba ba phải được làm bằng gỗ mít và ống dẫn rượu được làm bằng tre thì rượu mới ngon; trong quá trình cất phải đun đều lửa, không cho cháy to quá cũng không nhỏ quá để rượu ra từ từ. Nếu đun to qua rượu ra nhanh sẽ mất mùi thơm. Thông thường mỗi kg gạo bà con nơi đây trưng cất được 1 lít rượu men lá. 

Cũng bởi những đặc trưng của rượu men lá Kiên Thành là uống dịu êm và có hương thơm tự nhiên nên không ít người lần đầu uống rượu Kiên Thành cứ ngỡ rằng rượu nhẹ, họ thoải mái nâng ly trong cuộc vui rồi say từ lúc nào không biết. Có một điều hay là tuy chếnh choáng hơi men của rượu Kiên Thành nhưng người uống không bị đau đầu và khi hết hơi rượu lại tỉnh táo như thường, không bị mệt mỏi. Vì thế mà đã từ lâu, rượu Kiên Thành đã trở thành thương hiệu nổi tiếng sáng ngang cùng với các sản vật khác của núi rừng Lục Ngạn như vải thiều, mỳ Chũ, mật ong… .

 

 

Bài: Đức Thọ