Đặc sản ngày Tết dọc 3 miền Bắc – Trung – Nam có vị khác nhau thế nào?
Ẩm thực ngày Tết luôn là một nét văn hóa hết sức đa dạng, phong phú và mang đậm dấu ấn Việt. Bên cạnh trái dưa hấu đỏ, mâm trái cây ngũ quả thì mỗi vùng miền lại có những đặc sản, những món truyền thống mang phong vị rất riêng vùng miền của mình.
Mâm cỗ Tết của người miền Bắc.
Dịp Tết cổ truyền, người Việt ở khắp mọi nơi ngoài các món ăn truyền thống ngày Tết như bánh chưng, thịt đông, dưa hành… lại có thú vui tìm chọn các loại sản vật thơm ngon, quý hiếm, trước là để dâng cúng tổ tiên, sau là cả gia đình thưởng thức. Hãy cùng đi dọc 3 miền đất nước từ Bắc vào Nam để khám phá các sản vật địa phương nhé.
Đặc sản ngày Tết ở miền Bắc có gì đặc biệt?
Để làm phong phú thêm thực đơn cho gia đình mình vào những ngày đầu Xuân, nhiều bà nội trợ sẵn sàng săn lùng nấm hương rừng Sa Pa, măng khô, gạo nương (Tuyên Quang)… cá kho làng Vũ Đại (Nam Định), chả mực Quảng Ninh, nem chua Thanh Hóa, giò chả Ước Lễ, (Hà Nội), gà Đông Tảo (Hưng Yên)… cho những mâm cỗ Tết tràn đầy sự sung túc.
Gà Đông Tảo tiến Vua cũng là một trong những đặc sản được người miền Bắc sử dụng để biếu làm quà vào ngày Tết.
Đặc biệt, gà Đông Tảo ở Khoái Châu (Hưng Yên) có chất lượng thịt thơm ngon, hình dáng kỳ lạ được coi là sản vật ngày Tết của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Thậm chí, nhiều gia chủ còn tiếp khách bằng thịt trâu, thịt ngựa, thịt lợn,… gác bếp của vùng cao nhấm nháp cùng ly bia hay ly rượu vang cũng rất thú. Những sợi thịt khô thơm mùi gia vị đặc biệt của bà con dân tộc, càng ăn càng thấy vị ngọt rất ngon.
Trái cây tráng miệng ăn Tết của người miền Bắc thì thường có đặc sản chuối Đại Hoàng (Hà Nam), cam Cao Phong (Hòa Bình); cam Vinh (Nghệ An); thơm lừng, ngọt lịm vị bưởi Diễn – một đặc sản của Hà Nội có vị ngọt như mật – cũng không thể thiếu trong nhiều gia đình
Trà Tân Cương hay trà sen Hồ Tây được lựa chọn làm thức uống khi khách tới chơi nhà.
Ngoài ra, về đồ uống thì người miền Bắc ngày Tết thường hay sử dụng chè Tân Cương (Thái Nguyên); trà sen Tây Hồ (Hà Nội) thơm ngát để làm thức uống khi khách đến chơi nhà.
Thong thả rót chén nước trà nóng bốc khói, hít mùi thơm bảng lảng trong tiết Xuân và ngắm cành đào rực rỡ, chậu quất trĩu quả quả là một thú vui khó diễn tả thành lời.
Đặc sản ngày Tết ở miền Trung gồm những món ăn ra sao?
Nói đến ăn Tết của người miền Trung không thể không nhắc tới vùng đất “địa linh nhân kiệt”: Huế, – nơi từng được coi là kinh đô của triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Hiện, nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán Tết xưa, đó là Tết dân gian và Tết cung đình.
Mâm cỗ ngày Tết của người miền Trung.
Theo thời gian, cùng với những đổi thay của lịch sử, hình thức ăn Tết cung đình đã hòa quyện vào hình thức ăn Tết dân gian.
Tết là dịp để các bà, các mẹ, các chị ở Huế, trổ tài nữ công gia chánh. Người miền Trung chuộng sự cầu kỳ tỉ mỉ nên những đặc sản ngày Tết được chăm chút kỹ lưỡng.
Tết Huế có hàng trăm món ăn, mặn thì có bánh tét, dưa món, thịt bò dầm nước mắm, giò heo bó, chả thủ, nem, tré, kiệu chua…; ngọt thì đủ loại mứt bánh như mứt gừng, mứt dừa, mứt khoai lang, mứt bí đao, mứt hạt sen, mứt me, mứt cóc, mứt xoài, bánh in, bánh thuẫn, chè xanh đánh, chè đông sương, chè khoai tía….
Tôm chua thịt phay là một trong những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người dân xứ Huế.
Đặc biệt, mâm cỗ Huế không thể thiếu món tôm chua thịt phay, nem bò lụi, chả tôm, gỏi vả.
Tết ở miền Trung còn có món bò nấu thưng, thịt nạc rim và đặc biệt là món giò heo hon, giò heo ướp nghệ tươi giã nát, nấu liu riu đến khi mềm, cho thêm đậu phộng đã bóc vỏ, vừa béo vừa thơm, ăn với xôi trắng rất hợp.
Ngoài ra, Huế còn nổi tiếng với các món cỗ chay và hầu hết các bà nội trợ đất Cố đô đều biết nấu một số món chay đặc sắc.
Đặc sản ngày Tết ở miền Nam có gì đặc biệt?
Đi qua miền Trung đến miền Nam, ngày Tết, trên mâm cúng, bàn ăn hay trong cuộc rượu lai rai của người dân miền Nam cũng có khá nhiều đặc sản món ăn được chế biến như bánh tét, thịt kho tàu, chả giò, khổ qua dồn thịt, thịt quay, càri, lạp xưởng…
Mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam.
Đặc biệt, món bánh tét của miền Nam đã vô cùng phong phú. Bánh tét không chỉ có nhân thịt heo đậu xanh mà còn biến tấu thành nhiều kiểu như bánh tét chay (chỉ có đậu đen, dừa nạo trộn với nếp); bánh tét ngọt (nhân đậu xanh hay nhân chuối); bánh tét nhân thập cẩm (tôm khô, trứng muối, lạp xưởng, nấm đông cô…), đặc biệt là bánh tét lá cẩm, lá gấc, bánh tét ngũ sắc.
Ngoài ra, ăn Tết ở miền Nam có một món không thể không có, đó là nồi thịt kho tàu. Thịt phải là miếng ba rọi mềm, óng ánh mỡ kho với trứng vịt và nước dừa xiêm. Miếng thịt mềm rục mà không nát, ăn kèm với dưa giá cải chua ngon tuyệt vời.
Bên cạnh đó, khổ qua hầm thịt cũng là món đặc trưng ngày Tết của người miền Nam. Người ta ăn khổ qua với mong ước năm mới Tết đến mọi sự khổ cực đều qua đi, mang lại niềm may mắn cho cuộc sống.
Củ kiệu, tôm khô là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người miền Nam.
Nem bì, lòng heo khìa, giò heo nhồi, lạp xưởng tươi, gỏi gà xé phay trộn củ hành, củ kiệu chua, tôm khô kiệu chua cũng là những món ăn Tết thường có.
Nếu ngán những món quá nhiều thịt mỡ, người ta làm cá lóc nướng hay hấp, cuốn với bánh tráng, vừa bổ sung thêm rau xanh, vừa dễ ăn.
Do sự giao thoa về văn hóa, ngày nay, mâm cỗ Tết mỗi vùng miền đều có thêm sự góp mặt của món ăn miền khác, tùy theo sở thích của gia đình. Vì vậy, món ăn ngày Tết ngày càng trở nên phong phú, đa dạng và ngon miệng hơn.
Những bữa cơm tất niên và tân niên là thời điểm hết sức đầm ấm, gắn kết mọi người lại ôn chuyện năm cũ, bàn chuyện Năm mới. Bởi thế, trong sâu thẳm tiềm thức của mỗi người dân đất Việt, dù ở vùng nào, xứ nào thì mâm cơm ngày Tết luôn gắn kết tình thân và luôn mang ý nghĩa thiêng liêng.