Đặc sản Sóc Trăng, những món ngon miệt vườn bình dị
Nội Dung Chính
Bún tiêu giò
Những đặc sản Sóc Trăng pha trộn tinh túy của thiên nhiên cùng cách chế biến và sử dụng nguyên liệu khác biệt sẽ khiến cho khách tới đây trải nghiệm hương vị có một không hai.
Bún tiêu là món ăn rất đơn giản nhưng lại có hương vị đặc biệt. Tên gọi mộc mạc của món ăn bắt nguồn từ nước dùng được nấu cay nồng vị tiêu. Cũng như những món bún khác của miền Tây, sự tinh túy trong món ăn được thể hiện qua thành phần nước dùng. Nước dùng được ninh từ xương heo và nước dừa tươi nên vừa trong vắt vừa có vị ngọt thanh tự nhiên.
Thịt bắp bò được sơ chế rồi hầm chín sau đó thái thành lát mỏng vừa ăn. Đôi khi, nhiều người nấu còn cho thêm thịt vịt để tránh đơn điệu cho món bún. Khi ăn, cho bún vào tô, thêm giá trụng, húng, kinh giới, hành tím, thịt bắp giò… vào rồi chan nước lèo lên là xong. Và như thói quen ăn uống của người miền Tây, người ăn có thể cho vào thêm chút ớt, chút chanh.
Hương vị cay cay, ấm nồng của bát bún tiêu chắc chắn sẽ khiến bạn ấm lòng và mê tít trong những ngày mưa. Gắp một chút bún tươi trắng muốt, ăn kèm chút kinh giới cay cay, bùi bùi, cắn thêm miếng thịt bắp giò giòn giòn, beo béo, húp thêm chút nước dùng cay nồng, tất cả hương vị sẽ ùa đến vị giác và khứu giác từ những miếng đầu tiên. Đánh thức mọi giác quan, mang lại cảm giác nhớ mãi không quên.
Cháo cá lóc rau đắng
Món ăn dân dã, đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. Nguyên liệu nấu món này gồm cá lóc đồng và rau đắng. Cá lóc đồng sau khi làm sạch, đem luộc chín, lột da và lấy hết xương, thịt cá trắng tinh được xếp gọn gàng trên đĩa.
Thành phần làm nên gia vị cho món ăn là rau đắng. Người dân miệt vườn khi ăn món này chỉ cần đi một vòng trong vườn nhà là có đủ một rổ rau đắng tươi thơm ngon. Múc cháo ra bát, cho vào ít thịt cá lóc và thưởng thức với đĩa rau đắng tươi ngon. Bạn có thể nêm thêm một tí nước mắm, một lát chanh để món ăn thêm đậm đà, ngon miệng.
Bánh ống Sóc Trăng
Về hình thức, nếu chỉ nhìn thoáng qua, nhiều người nghĩ rằng chiếc bánh ống lá dứa là bánh cốm. Với nguyên liệu và cách làm đặc biệt, loại bánh này là món ăn dân dã nổi tiếng ở miền Tây và món ăn vặt ngon trứ danh ở TP.HCM. Thời gian gần đây, món ăn này được “du nhập” tới Hà Nội và đang trở thành món ăn vặt được nhiều bạn trẻ ưa chuộng.
Nguyên liệu làm bánh rất đơn giản, bao gồm bột lá dứa, bột gạo, bột nếp, bột khoai, cốt dừa, đường cát trắng, đậu phộng, mè rang, dừa khô. Thời gian đợi một chiếc bánh ra lò chỉ khoảng 3-4 phút.
Mỗi chiếc bánh ống lá dứa sau khi ra lò thường được gói trong tàu lá chuối vừa vặn. Khi mở lá chuối xanh quanh bánh, mùi thơm ngọt ngào tỏa ra, bạn ngắm nhìn màu xanh đẹp mắt của lá dứa và sẽ muốn thưởng thức ngay.
Bún gỏi dà
Theo những người sành ăn, xuất phát điểm của món bún này là gỏi cuốn, với các thành phần như tôm, bún, rau, giá… Về sau người ta biến tấu bằng cách cho tất cả các nguyên liệu đó vào tô, trộn chung với nước chấm gỏi rồi ăn như và (lùa) cơm. Người Nam phát âm “và” thành “dà” nên món ăn có tên gọi như vậy. Lúc đầu, đây là món bún khô, sau được dùng chung với nước lèo hơi chua có pha tương hột. Nước dùng có vị ngọt thanh của xương heo, chua nhẹ của nước me và thoang thoảng hương thơm của tương hạt làm cho người ăn phải nhớ mãi.
Điều quan trọng là phải biết cách gia giảm, hài hòa các nguyên liệu với nhau để nước dùng vẫn trong, vẫn ngọt nhưng lại đậm đà. Bát bún gỏi dà hấp dẫn với tôm đỏ tươi, sườn non, thịt ba chỉ thái nhỏ, giá chần, nước lèo xâm xấp mặt cùng một ít rau xanh bên trên. Khi ăn cho ít tương xay, đậu phộng vào. Nước lèo đậm đà, thoang thoảng vị chua của me, cái béo bùi của tương xay đậu phộng làm bạn khó quên được hương vị.
Bánh cóng đậu nành
Món bánh này có nguồn gốc từ người Khmer ở Sóc Trăng, nổi tiếng nhất là ở làng Đại Tâm (Mỹ Xuyên). Sau này, bánh được phổ biến ra nhiều tỉnh thành ở miền Tây Nam bộ, đặc biệt là Cần Thơ. Trong tiếng Khmer, bánh cóng được gọi là bánh sầy hay sài cá nại. Tên gọi của bánh được bắt nguồn từ hình dáng chiếc cóng, một dụng cụ bằng kim loại không rỉ, hình nón cụt, miệng loe, có cán cầm để chiên. Thành phần bột của nó gồm bột gạo, bột đậu nành và trứng. Nhân bánh là thịt heo băm ướp gia vị và trộn với củ hành tím xắt nhỏ và một ít đậu xanh hấp. Trên mỗi cái bánh cóng đều có tép bạc chín vàng hấp dẫn.
Chiếc bánh vừa chín đến có màu vàng đậm thật hấp dẫn, cắn một cái đã thấy vị beo béo của mỡ, vị ngọt bùi bùi của đậu xanh, đậu nành quyện với củ sắn non, thịt heo băm nhuyễn thoảng thoang mùi tiêu xay… đã làm nên hương vị độc đáo của bánh cống Sóc Trăng. Ăn kèm là các loại rau húng lủi, quế, xà lách, cải xanh… Nước chấm chua ngọt với gừng thái nhỏ, cải đỏ, cải trắng…
Bún nước lèo
Điểm đặc biệt là nước lèo của loại bún này luôn trong veo, không có cặn. Để có được điều đó đòi hỏi không ít công sức của người đầu bếp. Đầu tiên, cho mắm bò hóc vào nồi, thêm một lượng nước vừa đủ, đun sôi, trong suốt quá trình nấu phải canh vớt hết bọt. Cá lóc đồng, làm sạch, luộc, lóc lấy thịt. Xương cá cho vào cối giã chung với ngải bún và sả bằm, sau đó vắt lấy nước cho vào nối nước lèo. Nêm gia vị vừa ăn là được.
Khi ăn, chần sơ bún tươi qua nước sôi và cho vào bát, bên trên là các nguyên liệu như tôm, thịt phi lê cá, thịt heo quay… chan ngập nước lèo. Bún nước lèo được ăn kèm với đĩa rau sống đủ các loại như: bắp chuối, húng thơm, húng quế, hẹ, giá sống… Vị mằn mặn thơm phức của mắm, thơm giòn của thịt quay, ngọt dai của tôm tươi, thêm vài miếng cá lóc phi lê mềm tan, mùi thơm đặc trưng của ngải bún hòa quyện trong bát nước lèo trong veo đã làm nên một món ăn đặc trưng của vùng đất Sóc Trăng.
Tổng hợp