Đa phần nạn nhân bị lừa đảo qua mạng là phụ nữ, cần làm gì để tránh sập bẫy?
Theo thống kê của cơ quan Công an, đối tượng bị lừa đảo online nhiều nhất là nữ, chủ yếu ở nhà làm công việc nội trợ, phụ nữ không có việc làm, chăm con nhỏ… Nhóm đối tượng này thường nhẹ dạ, cả tin hoặc thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật nên dễ dàng trở thành nạn nhân.
Bất ngờ nhận tin… con trai bị bắt
Cũng như nhiều người dân ở xã Ngĩa Phúc, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), để giải quyết việc làm và cải thiện cuộc sống, cách đây 2 năm, con trai của bà L.T.H. (SN 1957) đã đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Nhờ chí thú làm ăn nên anh đã gửi về cho bà H. được số tiền khá lớn.
Thế nhưng, vào sáng ngày 26/12/2022, bà H. tá hỏa khi nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ với nội dung thông báo con trai bà đang làm việc ở nước ngoài liên quan đến đường dây buôn bán ma túy và rửa tiền, đã bị bắt. Còn bản thân bà H. cũng đã có lệnh bắt của Cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội vì liên quan đến tội phạm rửa tiền. Đối tượng đó yêu cầu bà H. phải chuyển toàn bộ số tiền từ 3 sổ tiết kiệm trị giá 571 triệu đồng qua ngân hàng để phục vụ mục đích phong tỏa tài khoản ngân hàng.
Là người dân sống ở thôn quê, chất phác, hiền lành, bao năm nay quần quật với ruộng nương nên khi nghe nói đến “lừa đảo”, bà H. vô cùng lo sợ. Lo cho con trai và cả bản thân mình, bà H. vội vàng đến ngân hàng để chuẩn bị chuyển tiền cho các đối tượng.
Tuy nhiên, trên đường đi, bà H. chợt nhớ ra đã được lực lượng Công an xã Nghĩa Phúc tuyên truyền về thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao. Người phụ nữ thôn quê này bỗng lóe lên trong đầu câu hỏi: Biết đâu đó là đối tượng lừa đảo?
Thay vì ra ngân hàng chuyển tiền, bà H. đã đến trụ sở Công an xã Nghĩa Phúc để trình báo nội dung vụ việc. Tại trụ sở xã, cán bộ Công an đã trực tiếp dùng máy điện thoại của bà H. (khi các đối tượng đang liên lạc) để tiếp tục cuộc trò chuyện.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cán bộ Công an đã nhanh chóng làm rõ các đối tượng lừa đảo. Lúc này, bà H. mới “hoàn hồn” và vui mừng, cảm ơn lực lượng Công an xã Nghĩa Phúc.
Bà H. suýt bị lừa gần 600 triệu đồng
Trong thư cảm ơn gửi tới Công an xã Nghĩa Phúc, bà H. viết: “Tôi xin cảm ơn Công an xã Nghĩa Phúc đã tư vấn và giúp đỡ tôi không bị kẻ gian lừa mất 3 sổ tiết kiệm với tổng số tiền là 571 triệu đồng mà các con đi làm ăn xa gửi về…”.
Không may mắn được như bà H., mới đây chị N.H.K. (SN 1985;, ở quận Đống Đa, Hà Nội) đã bị lừa mất hơn 1 tỷ đồng cũng với thủ đoạn tương tự.
Cụ thể, ngày 20/12/2022, Công an phường Khương Thượng tiếp nhận đơn trình báo của chị K. cho biết, chị nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an. Đối tượng nói chị K. có liên quan đến đường dây mua bán ma túy và yêu cầu chị phải kê khai tài sản để chứng minh mình không liên quan.
Do lo sợ nên chị K. đã cung cấp cho đối tượng thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng. Sau đó, chị K phát hiện tài khoản bị mất hơn 1 tỷ đồng nên đã đến cơ quan công an trình báo.
Vì sao phụ nữ dễ bị lừa?
Mới đây, trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, Thiếu tướng Trần Phú Hà – Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa – cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 132 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại hơn 30 tỉ đồng, trong đó lừa đảo trên không gian mạng xảy ra 92 vụ, chiếm tỉ lệ 69,7%
Điển hình của các hành vi lừa đảo trên không gian mạng là các đối tượng hoạt động thông qua các website, sàn giao dịch tiền ảo, ứng dụng mạng xã hội zalo, facebook. Phạm vi hoạt động rất rộng, nơi cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, thậm chí ở nước ngoài nhưng lừa đảo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Thiếu tướng Trần Phú Hà cho biết thêm, thực trạng có tới 90% nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt là phụ nữ: “Do một bộ phận người dân, đặc biệt là phụ nữ, người cao tuổi, còn nhẹ dạ cả tin hoặc thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật, đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, khi bị lừa, họ đã không kịp thời trình báo cơ quan chức năng”.
Theo con số thống kê tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), hơn 90% nạn nhân các vụ lừa đảo trên không gian mạng cũng là phụ nữ. Trong đó, số lượng chiếm phần lớn là những phụ nữ không có việc làm, ở nhà nội trợ, chăm con nhỏ… Thường khi sập bẫy kẻ lừa đảo, những người này tìm cách giấu gia đình, người thân việc mình trở thành nạn nhân.
Đối tượng Ninh Ngọc Khánh đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 81 tỷ đồng qua mạng và mới bị cơ quan Công an bắt giữ
Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an cho biết, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, xảy ra tại nhiều địa phương, trên nhiều lĩnh vực và đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng.
Theo thống kê, hàng năm, toàn quốc xảy ra khoảng 2.000 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 4% trong cơ cấu tội phạm hình sự nhưng loại tội phạm lừa đảo này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Cơ quan công an cho hay, đa số nạn nhân bị lừa qua mạng xã hội là phụ nữ, đang gặp chuyện buồn tình cảm nên dễ tin vào những hứa hẹn tốt đẹp. Bọn tội phạm lừa đảo giả vờ làm quen, rồi tổ chức dàn dựng các vở kịch lừa đảo để chiếm đoạt tiền của chị em. Phổ biến nhất là chúng thường sử dụng các nick name nước ngoài, tự xưng là quân nhân, muốn tặng tiền, quà cho người nhận hoặc đầu tư làm ăn, hoặc gửi từ thiện nhờ nhận giúp. Sau đó có 1 nhóm gọi điện thoại thông báo nhận hàng, yêu cầu nội phí, thông báo hàng quá trọng lượng, nộp phạt…
Một thủ đoạn khác là thông báo cho trúng thưởng khuyến mãi với những phần quà và số tiền mặt có giá trị rất cao, sau đó yêu cầu bị hại chuyển tiền nộp phần chi phí rất nhỏ để nhận thưởng. Sau khi chiếm đoạt số tiền bị hại gởi, chúng tiếp tục yêu cầu bị hại chuyển tiền nhiều lần với những lý do khác nhau nhằm chiếm đoạt.
Công an Thanh Hóa bắt giữ Nguyễn Thị Thu Thương lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua Facebook
Theo đại diện C02, hoạt động lừa đảo trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng, các đối tượng thường sử dụng 8 thủ đoạn sau, người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ cần lưu ý để tránh rơi vào “bẫy”:
1. Giả mạo các trang thông tin điện tử cơ quan, doanh nghiệp (bảo hiểm xã hội, ngân hàng…) đánh cắp, chiếm đoạt thông tin dữ liệu cá nhân của người đăng nhập; hoặc thiết lập các trạm BTS viễn thông giả mạo để phát tán tin nhắn thương hiệu (SMS Branname) của các ngân hàng để đánh cắp thông tin, tài khoản người dùng sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
2. Thông qua hoạt động của các sàn đầu tư chứng khoán quốc tế, giao dịch vàng, ngoại hối, quyền chọn nhị phân (BO), giao dịch tiền ảo, dự án bất động sản… hoặc hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép qua mạng để quảng cáo, lôi kéo số lượng lớn người tham gia đầu tư, kinh doanh (với cam kết về các khoản lợi nhuận rất lớn, số tiền đầu tư ít) nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt số tiền của người tham gia.
3. Đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…), nhận việc làm tại nhà, không mất thời gian di chuyển, bỏ tiền tạm ứng hoặc thanh toán trước đơn hàng khoảng vài trăm nghìn để đặt hàng, sau đó nhận tiền công kèm theo lãi đơn hàng và tiền thưởng. Tuy nhiên, sau khi thanh toán đơn hàng và đặt hàng, nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền tạm ứng hoặc thanh toán đơn hàng.
4. Sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội (gửi các đường link giả mạo thông tin dịch bệnh Covid-19, quảng cáo tuyển dụng, làm việc tại nhà, các trò chơi giải trí trên mạng…). Sau đó, nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; hoặc chiếm đoạt quyền sử dụng SIM điện thoại bằng cách gọi điện tư vấn chuyển đổi hoặc nâng cấp SIM điện thoại sang mạng 4G miễn phí, từ đó chiếm đoạt mật khẩu tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mạng xã hội để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
5. Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện qua giao thức VoIP để hăm dọa bị hại có liên quan đến các vụ án đang điều tra, yêu cầu bị hại chuyển tiền đến các tài khoản do các đối tượng chỉ định hoặc yêu cầu cung cấp mã OTP để xác thực chuyển tiền để kiểm tra, xác minh sau đó chiếm đoạt.
6. Thông qua hoạt động thương mại điện tử để rao bán hàng giả, hàng nhái, đặc biệt lợi dụng tình hình dịch Covid-19 đăng tin, chào bán thiết bị y tế, dược phẩm phòng, chống dịch hoặc rao bán vé máy bay chiếm đoạt tiền của người tham gia giao dịch.
7. Sử dụng các thông tin trên thẻ căn cước công dân (CCCD) để lừa đảo, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu thập hình ảnh CCCD của người dân. Sau đó, sử dụng thông tin trên CCCD để đăng ký mã số thuế ảo hoặc để vay tiền các tổ chức tín dụng trên mạng xã hội với lãi suất “cắt cổ” hoặc sử dụng thông tin để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
8. Thủ đoạn cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng để lừa đảo: các đối tượng cố ý chuyển nhầm một khoản tiền vào tài khoản của bị hại, rồi giả danh là người thu hồi nợ, yêu cầu người nhận trả lại số tiền kia như một khoản vay với lãi suất “cắt cổ”.