Đà điểu, loài chim lớn nhất thế giới
TPO – Đà điểu là loài chim lớn nhất và nặng nhất hiện còn tồn tại trên Trái đất. Mặc dù kích thước to lớn như vậy, chúng có thể chạy với tốc độ 70 km /h và thậm chí nhảy được các bước nhảy dài năm mét. Đà điểu cũng rất hiếm khi bị động vật săn mồi bắt được. Chúng có tuổi thọ khá cao, có thể sống tới 75 năm.
Hiện tại, đà điểu có năm phân loài
Đà điểu.
– Đà điểu Bắc Phi, còn gọi là đà điểu cổ đỏ, đà điểu Barbary (S. c. Camelus) sống ở Bắc Phi, cổ có màu đỏ hồng; bộ lông của con đực có màu đen và trắng; bộ lông của con cái có màu xám
– Đà điểu Nam Phi, đà điểu cổ đen (S. c. Austalis) sống ở Nam Phi. Đây lầ phân loài đà điểu lớn nhất. Da trên cổ có màu xám và xanh và trở thành màu đỏ trong mùa giao phối.
– Đà điểu Masai, đà điểu cổ hồng hoặc đà điểu Đông Phi (S. c. massomsus) sống ở Đông Kenya và Tanzania. Cổ chỉ có màu đỏ trong mùa giao phối và thời gian còn lại thì có màu hồng sáng.
– Đà điểu Somali, đà điểu cổ xanh (Struthio molybdophanes)
– Đà điểu Ả Rập (S. C. Syriacus), đà điểu Syria, đà điểu Trung Đông đã tuyệt chủng vào năm 1966.
Đà điểu sống ở bán hoang mạc và thảo nguyên châu Phi, chúng có họ hàng với một số loài chim sinh sống ở Australia, New Zealand và New Guinea. Ngoài ra trong họ Struthioniformes còn một số loài như: kiwi (Aptergidae), cassowary (Casuariidae), emu (Dromaiidae), rhea (Rheidae)
Đặc điểm
Đà điểu.
Đà điểu sống thành từng đàn nhỏ trên các sa mạc và thảo nguyên châu Phi. Chế độ ăn của rất đa dạng, chủ yếu ăn thực vật nhưng còn có cả côn trùng nhỏ. Ở những nơi khác trên thế giới cũng có những con chim không biết bay tương tự như đà điểu châu Phi và chúng cũng có thân hình to lớn (ví dụ loài rhea Nam Mỹ hoặc loài emu ở Australia). Mặc dù có ngoại hình gần giống nhưng chúng không phải là đà điểu.
Đà điểu thích nghi rất tối với cuộc sống ở các khu vực có địa hình mở, nơi có nhiều động vật ăn thịt. Chúng có thị lực rất tốt cũng như cổ dài, tác dụng như một kính tiềm vọng. Những đặc điểm này giúp đà điểu có thể nhận ra thú săn mồi từ khoảng cách rất xa. Ngay cả khi đà điểu đang thong dong gặm cỏ, luôn có một con đứng canh gác. Ngay khi phát hiện ra điều đáng ngờ, nó cảnh báo các thành viên khác trong đàn bằng tiếng kêu vang dội.
Đà điểu không hề yếu thế nếu phải đối đầu với kẻ săn mồi. Chúng có đôi chân dài rất khỏe với những ngón chân có vuốt sắc nhọn. Ngoài ra, chúng chạy rất nhanh nên thường chỉ những con non hoặc bị bệnh mới bị động vật ăn thịt bắt được.
Thu hút bạn tình
Đà điểu non.
Điệu nhảy thu hút bạn tình của đà điểu trông rất thú vị. Con đực và con cái đang ăn cùng nhau sẽ ngẩng đầu lên rồi cúi đầu xuống với tốc độ như nhau. Sau đó, con đực ngồi xuống và ngả người từ bên này sang bên kia để khoe bộ lông của nó.
Những điều bất ngờ và thú vị của loài đà điểu
– Con đà điểu trưởng thành có thể đạt tốc độ 70 km / h và các bước chạy có thể lên đến 5m.
– Đường kính của mắt đà điểu là 5 cm, đây là đôi mắt lớn nhất của tất cả các động vật trên cạn.
– Con đực giúp ấp trứng cũng như chăm sóc con non cho đến khi chúng tự lập.
– Một nửa chiều cao của đà điểu là do cái cổ của nó.
– Trong mùa giao phối, con đực thường quay đầu quanh thân để thu hút bạn tình
– Mặc dù đà điểu không bay, nhưng trên đôi cánh của chúng có những chiếc lông dài giúp giữ thăng bằng.
– Lông mi rất dài giúp đà điểu chống lại bụi và bão cát.
– Đà điểu sống trong các nhóm du mục gồm 5 đến 50 con.
– Loài đà điểu thông thường được nuôi trong các trang trại trên khắp thế giới.