Đã có cách đẩy lùi căn bệnh tình dục “suốt đời không hết”
Các nhà khoa học từ Trường Đại học Y khoa Phoenix thuộc Đại học Arizona (Mỹ) đã phát hiện IL-36y, một protein đóng vai trò quan trọng trong các bệnh viêm mãn tính được xác định từ 2 năm trước, có thể được tận dụng tạo ra một phương pháp đột phá nhằm đẩy lùi một loại virus gây bệnh tình dục.
Virus họ nhắm đến là HSV-2, một trong 2 virus họ nhà herpes, gây mụn rộp ở khu vực sinh dục. Nó có một người anh em khác gây bệnh có phần nhẹ hơn nhưng phổ biến hơn là HSV-1, gây mụn rộp chủ yếu ở khu vực quanh miệng.
HSV-2 có thể “ở ẩn” trong cơ thể suốt đời và nhiều lần gây họa – ảnh minh họa từ Internet
Sau khi nhiễm trùng âm đạo ban đầu bởi HSV-2, virus này lây lan qua hệ thống thần kinh của người phụ nữ và tạm thời “ở ẩn”. Ở bất cứ giai đoạn nào sau đó trong đời bệnh nhân, nó sẽ định kỳ trỗi dậy và tiếp tục gây phiền toái.
Lý do đối tượng nữ bệnh nhân được quan tâm là vì nữ giới có phần dễ nhiễm virus herpes gây bệnh tình dục hơn nam giới. Một thống kê tại Anh trước đó cho thấy 1/6 người trưởng thành nước này có thể phơi nhiễm với HSV, trong đó tỉ lệ ở nam là 10% trong khi ở nữ lên tới 25%.
Trong nghiên cứu mới, tác giả chính Melissa Herbst-Kralovetz cho biết họ đã phát hiện IL-36y trong đường sinh sản của nữ giới. Quan trọng hơn, ở các phụ nữ ít IL-36y, HSV-2 dường như hoạt động mạnh mẽ hơn, lây lan một cách có hệ thống khắp hệ thần kinh và đến não dễ dàng hơn. Nói cách khác, protein này đã chống lại sự xâm nhập của dạng virus này.
“Sự hiểu biết mới của chúng tôi về chức năng của IL-36y có thể giúp phát triển các phương pháp trị liệu mới để bảo vệ, chống lại và giảm gánh nặng của bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục trên toàn thế giới” – các tác giả cho biết. Trước đó, nhiều nhà khoa học khác đã tìm cách tạo ra vắc-xin chống lại mụn rộp sinh dục, nhưng chưa có loại nào thành công.
Mặc dù bệnh có thể điều trị bằng thuốc kháng virus, nhưng ước tính trên toàn thế giới vẫn có 260 triệu phụ nữ mang theo HSV-2 suốt đời, kèm theo mối đe dọa lây lan cho bạn tình.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Journal of Immunology.