Đá cảnh nghệ thuật tự nhiên Suiseki
Giới thiệu về đá cảnh nghệ thuật tự nhiên Suiseki
Thưởng ngoạn “Đá cảnh” lấy đá làm đối tượng chính. Những viên đá để làm cảnh là những viên đá có hình dáng độc đáo của các loại đá mang dáng vóc gợi ý những phong cảnh trong thiên nhiên như ao hồ, núi non; gợi ý về con người như ông lão, bà mẹ…; gợi ý về đồ vật như mái nhà, cây cầu…., những viên đá này có nguồn gốc từ tự nhiên được sưu tầm từ sông, suối… Sau khi đem về chúng được lau chùi sạch sẽ, làm chân đế bằng gỗ để giữ cho viên đá đứng vững ở tư thế thích hợp, đặt tên và được trưng bày trang trọng trên kệ gỗ, phía sau treo bức tranh hoặc bức thư pháp để phụ họa giúp người trưng bày truyền tải ẩn ý của mình đến người xem.
Thưởng ngoạn “Đá cảnh” ở nước ta có những nét tương đồng với thế giới. Hiện nay, ngoài tên gọi “Đá cảnh” nó còn được gọi là “Đá cảnh nghệ thuật”, “Đá cảnh nguyên bản”…Ở Nhật được gọi là “Suiseki”, ở Trung Hoa được gọi là Gongshi (hay Qishi), đá hiếm, đá lạ, ở Triều tiên đuợc gọi là Suseok, là đá vĩnh cửu và ở phương Tây gọi là “Viewing stone”….
“Suiseki” là cụm từ nói về thưởng ngoạn đá cảnh ở Nhật Bản. Suiseki là danh từ phát âm theo Tiếng Việt là “Sư Sê-ki”. Với từ “Sui” có nghĩa là “Thủy” (nước), “Seki” là “Thạch” (đá). Đá cảnh Suiseki thường được trưng bày trên đế gỗ gọi là Dai hay Daiza hoặc được trưng bày trên khay làm bằng sứ hay đất nung, kín nước, có rải sỏi nhỏ gọi là “Suiban”, hoặc trên khay đồng gọi là “Doban”.
Nghệ thuật thưởng ngoạn các loại đá cảnh hay còn gọi là ngoạn thạch bắt đầu từ hơn 1000 năm trước tại Trung Hoa sau đó lan truyền qua Nhật Bản được hơn 400 năm với các hiệp hội nổi tiếng có tuổi đời gần 60 năm đó là “Nippon suiseki association”, tiếp tục lan đến các nước Triều Tiên, phương Tây gần 100 năm trở lại đây, riêng Châu Âu có Italian association of Suiseki lovers rồi đến các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia…Còn tại Việt Nam “Đá cảnh” chỉ phát triển mạnh khi kinh tế nước nhà khởi sắc và dân tình dần dần có của ăn của để. Hằng năm, mỗi độ xuân về, tại công viên Tao Đàn, công ty công viên cây xanh thành phố Hồ Chí Minh thường tổ chức những cuộc trưng bày và thi thố về đá cảnh.
Cái hay cái đẹp sẽ mãi lan rộng, sẽ vượt qua biên giới của các quốc gia để ngày nào đó sẽ có thể phủ sóng toàn cầu, đây chính là xu thế tất yếu. Cho dù bất đồng ngôn ngữ nhưng có những môn nghệ thuật mà người chủ viên đá cùng người thưởng ngoạn chẵng cần nói cũng hiểu, giống như thấy là ngộ, môn nghệ thuật này tưởng rườm ra phức tạp nhưng lại rất đơn giản, chính sự đơn giản mộc mạc tự nhiên là yếu lý sống dần dần giúp cho chất lượng cuộc sống của những ngoạn thạch nhân (Người thưởng ngoạn đá cảnh) ngày một tốt hơn, yên bình hơn trong chốn bon chen giữa đời thường.