Đà Nẵng tiếp sức doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh

Nhiều DN lập mới

Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng cho biết,trong 11 tháng năm 2022, có 4.169 DN, chi nhánh, VPĐD lập mới (tăng gần 30%) với tổng vốn đăng ký 21.049 tỉ đồng (tăng 37,5%) so với cùng kỳ 2021. Năm 2022, Sở KH-ĐT đã giải quyết 22.162 hồ sơ DN, trong đó có 15.956 hồ sơ trực tuyến (chiếm 72%).

Kinh tế dần dần được phục hồi, có 2.146 DN hoạt động trở lại hậu Covid-19 (tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2021).

Để tăng cường hỗ khôi phục sản xuất kinh doanh, Sở đã chỉ đạo Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp đồng hành với DN, với nhiều biện pháp, như chủ động kết nối, tăng cường tư vấn qua điện thoại, qua mạng xã hội đối với DN trong và ngoài tỉnh, để giảm tối đa thời gian DN đi lại giải quyết thủ tục.

Trung bình mỗi tháng, trung tâm tư vấn 2.000 lượt DN để xử lý vướng mắc trong đăng ký đầu tư, dự án.

Trung tâm này bố trí cán bộ ở Tổ 1 của Trung tâm Hành chính TP.Đà Nẵng, DN không cần lấy số thứ tự mà được cán bộ chủ động giải quyết thủ tục.

Đối với các chương trình hỗ trợ DN, thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp Bộ KH-ĐT tổ chức chương trình Quản lý DN thời kỳ chuyển đổi số; chương trình Khởi sự, Quản trị DN thu hút hơn 500 DN, giúp DN tái cấu trúc, xây dựng định hướng, chiến lược phát triển kinh doanh phù hợp nhằm tạo ra những bứt phá mới.

Sau thành công của các chương trình thiết thực trên, sắp đến Sở KH-ĐT, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Đà Nẵng tiếp tục tổ chức các chương trình hỗ trợ đào tạo cho DN Đà Nẵng.

Hỗ trợ người lao động cuối năm

Theo Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các KCN TP.Đà Nẵng (gọi tắt là BQL), qua nắm tình hình DN cuối năm, chủ yếu trong tháng 10 một số DN có khách hàng nước ngoài như dệt may, túi xách, thủy sản gặp khó khăn.

Nguyên do, một số quốc gia Covid-19 vẫn còn phức tạp, DN không nhập được nguyên vật liệu, không có đơn hàng nên không tăng ca, cắt giảm lao động, cho nghỉ phép năm, hoặc công nhân tự nghỉ việc…

Trước tình hình đó, BQL đã kịp thời giải quyết vướng mắc, kiến nghị của DN, hỗ trợ xử lý nhanh thủ tục để DN tập trung tái cơ cấu, khôi phục sản xuất.

Để tạo thuận lợi nhất cho DN, BQL triển khai các ứng dụng CNTT như báo cáo trực tuyến nhằm giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí, ứng dụng bản đồ số hỗ trợ DN tìm kiếm thông tin, vị trí nhằm đáp ứng các nhu cầu thuê đất.

Đối với lao động mất việc, BQL giám sát doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chế độ. BQL cũng đóng vai trò cầu nối giữa các DN có nhu cầu tuyển dụng, qua website, nhóm Zalo để hỗ trợ kết nối cung cầu lao động.

Theo đánh giá của BQL, đến nay, cơ bản các DN gặp khó khăn đã trở lại hoạt động bình thường, đã nhận được đơn hàng và người lao động làm đủ giờ, đủ công, không còn cắt giờ làm. Tuy nhiên, vẫn còn một vài DN sản xuất cầm chừng, người lao động làm luân phiên, DN đóng các chế độ bảo hiểm đầy đủ theo quy định để duy trì lao động chờ đơn hàng mới.

Ngoài ra, dịp cận tết, BQL phối hợp Công đoàn Khu Công nghệ cao và các KCN, các ngành thăm hỏi, động viên, chăm lo đời sống cho công nhân, nhất là lao động hoàn cảnh khó khăn, xa nhà, tổ chức phiên chợ công nhân, tặng phiếu mua hàng, tổ chức các chuyến xe đưa người lao động về quê đón tết…

Hậu Covid-19, BQL Khu Công nghệ cao và các KCN TP.Đà Nẵng trình UBND TP.Đà Nẵng giảm tiền sử dụng hạ tầng cho 311 DN với gần 24 tỉ đồng. Đã có 245 lượt doanh nghiệp với 9.062 lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. BQL cũng phối hợp Ngân hàng Chính sách cho người lao động ở 22 doanh nghiệp vay vốn ưu đãi gần 190 tỉ đồng để mua nhà, sửa nhà, xây mới…