Đà Nẵng: Vẫn tình trạng việc nhiều, người ít

Tường Minh – Hữu Long

  –  

Thứ năm, 25/02/2021 09:34 (GMT+7)

Sau Tết, cơ hội tìm việc làm ở TP.Đà Nẵng rộng mở hơn bao giờ hết đối với người lao động. Tuy nhiên, các phiên chợ việc làm do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.Đà Nẵng tổ chức dự báo vẫn đìu hiu dù tỉ lệ thất nghiệp do ảnh hưởng dịch COVID-19 ở địa phương này cao chưa từng thấy.

Đà Nẵng: Vẫn tình trạng việc nhiều, người ít
Các phiên chợ việc làm ở TP.Đà Nẵng dù mở cửa hàng tuần vẫn không đáp ứng đủ lao động cho các doanh nghiệp. Ảnh: Tường Minh

Đà Nẵng không thiếu việc làm! Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn An – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP.Đà Nẵng. Cơ hội việc làm ở Đà Nẵng không chỉ rộng mở trong dịp này mà còn quanh năm do sở đều đặn duy trì tổ chức điểm giao dịch việc làm vào các ngày trong tuần. Riêng vào thứ 6 hằng tuần, Trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng còn tổ chức phiên “chợ” việc làm phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể.

Ông Võ Văn Tiến – Trưởng phòng việc làm-An toàn Lao động thuộc Sở LĐTBXH Đà Nẵng – cho biết thêm, sau Tết, xuất phát từ thực tế nhu cầu tìm việc tăng cao nên ngoài “chợ” việc làm, sở còn mở thêm các trang giao dịch việc làm online để phục vụ nhu cầu của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, thời điểm này, tình hình việc làm ở Đà Nẵng vẫn còn đìu hiu như những ngày trước Tết, các chủ doanh nghiệp vẫn không tìm ra được lao động. Trước đó, như Lao Động đã thông tin: Ông Nguyễn Thanh Diệp – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng – nói rằng, nửa cuối năm 2020, trung tâm đã tổ chức được 2 phiên giao dịch việc làm với 110 đơn vị doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. Mặc dù mỗi phiên giao dịch việc làm có nhu cầu tuyển dụng đến 3.000 vị trí nhưng chỉ có khoảng 150 NLĐ đến tham gia tuyển dụng, tìm việc.

Nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người ít, theo ông Diệp, ở Đà Nẵng, khoảng 50% lao động là người nhập cư. Thời điểm sau đợt dịch thứ 2 ở Đà Nẵng, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán, một lượng lớn lao động trong số đó đã không trở lại thành phố sau khi về quê. Nguyên nhân nữa là tâm lý chung của lao động trẻ hiện nay, đặc biệt sau hai trận đại dịch, không muốn gò bó về thời gian, kỷ luật lao động.

“Nhiều người đòi hỏi cao trong khi năng lực hạn chế, vì vậy, không chịu ứng tuyển làm việc lâu dài tại công ty mà chuyển qua bán hàng online, chạy xe ôm công nghệ, shipper… cho thoải mái hơn” – ông Diệp nói.

Cuối cùng, theo số liệu thống kê của LĐLĐ TP.Đà Nẵng, chỉ riêng trong đợt dịch COVID-19 lần 2, toàn TP có khoảng 56.000 lao động bị mất việc làm, ảnh hưởng việc làm. Tuy nhiên, họ lại rất khó tìm việc mới bởi có đến 4.000 người là lao động đặc thù, nằm trong khối du lịch và dịch vụ.