Đà Nẵng: Nghịch lý việc đông, người tìm việc ít

Tường Minh

  –  

Chủ nhật, 12/02/2023 09:52 (GMT+7)

Đà Nẵng – Từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023, mặc dù nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp cũng như con số người lao động bị mất việc ở Đà Nẵng rất đông. Tuy nhiên, số người có mặt ở các phiên chợ việc làm để tìm việc lại rất ít.

Đà Nẵng: Nghịch lý việc đông, người tìm việc ít
Phỏng vấn trực tuyến tại Phiên chợ việc làm Đà Nẵng ngày 3.2. Ảnh: Tường Minh

Cần gần 5.000, tuyển được chưa đến 50

Mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐTB&XH thành phố Đà Nẵng tổ chức phiên giao dịch việc làm đầu năm 2023 với sự tham gia của 82 doanh nghiệp, tuyển dụng hơn 4.850 vị trí việc làm. Trong đó, lao động phổ thông gần 2.400 vị trí; còn lại là yêu cầu lao động có trình độ từ sơ cấp đến đại học.

Người lao động Đà Nẵng tìm việc tại phiên giao dịch việc làm đầu năm. Ảnh: Tường MinhNgười lao động Đà Nẵng tìm việc tại phiên giao dịch việc làm đầu năm. Ảnh: Tường Minh 

Theo ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng, mặc dù nhu cầu của các doanh nghiệp tuyển dụng gần 5.000 vị trí. Tuy nhiên kết thúc phiên giao dịch việc làm đầu năm, các doanh nghiệp chỉ tuyển dụng được chưa đến 50 vị trí.

Đây là một con số gây sốc bởi thực tế, từ trước Tết Nguyên đán, con số lao động bị mất việc do các doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng, giải thể… ở Đà Nẵng, theo ghi nhận chưa đầy đủ đã lên đến hơn 3.500 lao động.

Chính ông Nguyễn Thanh Diệp cũng không lý giải được nguyên nhân. Và ông phỏng đoán: “Có thể người lao động vẫn còn tâm lý “tháng giêng là tháng ăn chơi”, chưa muốn đi làm sớm”.

Trước đó, dịp cận Tết Nguyên đán, để phục vụ nhu cầu tìm việc khẩn cấp cho những lao động bị mất việc làm trong những tháng cuối năm, Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã kết hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức một phiên giao dịch việc làm trong khu chợ Tết Công đoàn với hơn 5.000 vị trí việc làm.

Tuy nhiên, số lao động đến tìm việc và tìm được việc lại rất ít. “Người lao động có mặt ở phiên chợ rất đông nhưng mua hàng là chủ yếu chứ không ai quan tâm đến việc làm vì thời điểm đó đã cận Tết”, ông Nguyễn Thanh Diệp lý giải. 

Tuyển dụng trên mạng xã hội – xu hướng mới

“Pi Vina Đà Nẵng đang cần tuyển gấp 2 thợ cắt. Lương thoả thuận theo năng lực, yêu cầu kinh nghiệm 6 tháng, phỏng vấn và đi làm ngay. Nộp hồ sơ thôi nào. Mãi bên nhau bạn nhé”. Đây là một trong hàng chục mẫu quảng cáo tìm việc của Cty TNHH Pi Vina Đà Nẵng – một doanh nghiệp chuyên về dệt may đóng ở khu công nghiệp Hoà Khánh, được đăng tải trên Facebook.

Thậm chí, những người làm công tác tuyển dụng của doanh nghiệp này còn hài hước đu trend mạng xã hội kiểu: “ Pi Vina Đà Nẵng đang tuyển dụng nhiều vị trí hấp dẫn. Đúng nhận sai cãi giúp nha”. Mặc dù vậy, theo thừa nhận của một lãnh đạo nhân sự thì đây là phương thức tuyển dụng rất có hiệu quả của doanh nghiệp này trong suốt thời gian qua.

Ở Đà Nẵng thời điểm này, có rất nhiều doanh nghiệp thông báo tuyển dụng trực tiếp trên mạng xã hội như Pi Vina Đà Nẵng thay vì tìm đến trung gian là sàn giao dịch việc làm. Thậm chí có doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Thuỷ sản và Thương mại Thuận Phước, mới đây đã tuyển dụng gần 1.000 lao động chỉ bằng hình thức đăng thông tin trên Facebook.

Và đây là một trong những lý do dẫn đến việc các phiên giao dịch việc làm của thành phố gần đây thường rất ít người tham gia cũng như các doanh nghiệp tuyển dụng được rất ít, dù nhu cầu việc làm rất lớn và con số thất nghiệp tăng ca.

Thực tế thì không chỉ doanh nghiệp chuyển đổi cách làm mà Trung tâm Giao dịch việc làm Đà Nẵng cũng đã và đang chuyển đổi. “Tại phiên giao dịch việc làm đầu năm, chúng tôi đã tổ chức tại 3 cơ sở và 1 điểm cầu tại phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ).

“Chúng tôi tổ chức như thế này để ứng viên có thể phỏng vấn trực tuyến nên không xảy ra tình trạng đông đúc, chen lấn như mọi năm. Hiện điểm tư vấn việc làm đặt tại UBND phường Khuê Trung đang dần ổn định. Thứ sáu hằng tuần, người lao động có nhu cầu tìm việc chỉ cần đến đây sẽ được kết nối online với 3 địa điểm của Trung tâm Dịch vụ việc làm”, ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng cho hay.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Diệp, ngoài mô hình thí điểm tại UBND phường Khuê Trung, trong năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng đã tăng cường kết nối, thông qua mạng xã hội Zalo để gửi thông tin tuyển dụng đến từng tổ dân phố.

Nhu cầu tuyển dụng, vị trí ứng tuyển, mức lương ban đầu… được Trung tâm thông tin đầy đủ qua các nhóm Zalo. Bên cạnh đó, các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận Thanh Khê, Liên Chiểu vẫn đang duy trì, nhằm đem việc đến tận nhà cho ứng viên.