ĐỪNG XEM THƯỜNG BỆNH LÍ VIÊM AMIDAN

1. Bệnh Viêm Amidan là gì?

-Viêm amidan cấp tính: là tổn thương viêm sung huyết, xuất tiết hoặc viêm mủ của amidan, thường do virus hoặc vi khuẩn gây nên. Nếu do virus gây bệnh thì thường ở mức độ nhẹ, ngược lại nếu do vi khuẩn thì bệnh sẽ ở mức nặng, đặc biệt là do liên cầu tan huyết β nhóm A thì viêm amidan càng nặng hơn. Bệnh rất hay gặp ở trẻ em và độ tuổi thiếu niên.

-Viêm amidan mạn tính: là tình trạng viêm tái đi tái lại ở amidan. Thông thường, do phản ứng của cơ thể sẽ làm amidan to ra, trong các hốc có thể có mủ trắng, ở người lớn tuổi viêm mạn tính lại làm amidan xơ teo đi.

2.Triệu chứng điển hình của viêm Amidan biểu hiện thế nào ?

• Sốt cao: thường sốt cao 39 – 40 độ C, cảm giác khô cổ, đau cổ, khó nuốt, hơi thở hôi.

• Nhức đầu vùng hai bên thái dương, nuốt đau lên tai.

• Khám họng: hai Amidan sưng đỏ, đôi khi có mủ hoặc giả mạc trắng bán vào Amidan.

• Sưng đau hạch góc hàm.

• Xét nghiệm máu: thường bạch cầu tăng cao.

 viem-amidan-mu

Amidan mưng mủ (*)

3.Nguyên nhân:

• Do vi khuẩn liên cầu tán huyết beta nhóm A gây ra viêm Amidan và hay gây ra biến chứng thấp khớp cấp, thấp tim, viêm cầu thận cấp…

• Do vi khuẩn bạch hầu gây ra giả mạc làm nghẽn đường thở và tạo ra độc tố.

• Viêm Amidan do nấm ở người suy giảm miễn dịch.

• Vệ sinh răng miệng kém: Người bệnh không vệ sinh răng miệng thường xuyên hoặc vệ sinh không sạch sẽ có thể tạo điều kiện để vi khuẩn tại khoang miệng sinh sôi và tấn công Amidan.

• Ảnh hưởng của môi trường sống ô nhiễm, khói bụi, hóa chất độc hại.

• Cơ thể không được giữ ấm đúng cách gây viêm đường hô hấp trên, bên cạnh đó thường xuyên uống nước lạnh đối với người có tiền sử viêm Amidan cấp sẽ làm cho bệnh có nguy cơ tái phát nhiều lần.

• Nhiễm siêu vi (Virus cúm, Adenoviruses, Enteroviruses, Virus Parainfluenza, Virus Herpes Simplex, Virus Epstein – Barr…).

4.Biến chứng của viêm amidan là gì?

Những biến chứng tại vị trí amidan thường gặp nhất là: Viêm tấy hoặc áp-xe amidan. Hiện tượng này thường xảy ra khi bệnh nhân bị viêm amidan cấp tính nhưng không được điều trị kịp thời, gây viêm nhiễm lan rộng. Người bệnh sẽ bị đau họng khó nuốt, đau tai, họng sưng to, khó nói, hơi thở có mùi hôi, chảy nước bọt, đau đầu, Nếu amidan sưng quá to có thể gây khó nuốt, khó thở, thậm chí gây ngưng thở khi ngủ ở trẻ nhỏ, sốt cao…

Viêm amidan có thể kèm theo viêm tai giữa, viêm mũi, viêm xoang, viêm thanh – phế quản, viêm tấy hạch dưới hàm, viêm tấy hoặc áp-xe thành bên họng…Ngoài ra, khi  điều trị bệnh viêm amidan không dứt điểm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng viêm cầu thận, viêm khớp cấp, viêm màng ngoài tim cấp, viêm nội mạc tim, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết…

5.Điều trị viêm amidan:

• Viêm amidan cấp: Sử dụng kháng sinh có hoạt phổ rộng, tốt nhất theo kháng sinh đồ.

• Điều trị triệu chứng: Thuốc kháng viêm, giảm đau, hạ sốt, thuốc làm lỏng chất nhầy, giảm ho.

• Điều trị tại chỗ: súc họng bằng nước muối sinh lí hoặc dùng các dung dịch sát khuẩn. Bệnh nhân nên nghỉ ngơi, ăn thức ăn dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, uống nước đầy đủ.

• Viêm amidan mạn tính: ngoài điều trị triệu chứng và tại chỗ, nếu không đáp ứng  có thể phải phẫu thuật cắt amidan.

6. Biện pháp phòng bệnh viêm amidan:

Có thể thấy viêm amidan là một bệnh thường gặp nhưng tiềm tàng khả năng gây các biến chứng nguy hiểm, vì vậy việc phòng bệnh rất quan trọng. Các biện pháp phòng bệnh hiệu quả bao gồm:

• Tránh bị lạnh (thường xuyên quàng khăn, mặc ấm…), không uống nước đá, ăn kem khi trời lạnh hoặc khi cơ thể đang yếu vì rất dễ mắc bệnh.

• Giữ vệ sinh răng miệng, mũi bằng cách đánh răng, súc miệng-họng với nước muối sinh lý để tránh các viêm nhiễm.

• Đeo khẩu trang khi ra đường hoặc khi đến những nơi đông người để tránh hít phải khói, bụi, mầm bệnh gây viêm hầu họng, viêm amidan.

• Khám và điều trị tích cực các bệnh lý tai – mũi – họng hoặc răng – hàm – mặt.

• Nâng cao sức đề kháng của cơ thể thông qua việc rèn luyện thân thể, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh bị nhiễm lạnh.

(*): nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Vi%C3%AAm_amidan