ĐỜI SỐNG và SINH HOẠT VĂN HOÁ của NGƯỜI DÂN NAM BỘ trong TÁC PHẨM PHI VÂN (Khảo sát qua việc vận dụng phương ngữ)
NGUYỄN VĂN NỞ 1
NGUYỄN THỊ HÀ GIANG 2
(1. PGS TS, Trường Đại học Cần Thơ.
2. ThS, Trường PTTH chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, Rạch Giá, Kiên Giang)
1.
So với các vùng miền khác, Nam Bộ là vùng đất mới của Tổ quốc được hình thành cách đây hơn ba trăm năm. Qua bao thăng trầm lịch sử, Nam Bộ đã ngày càng phát triển và tươi đẹp… Điều kiện tự nhiên trù phú và cuộc sống nhiều thuận lợi đã tạo nên tính cách riêng của con người Nam Bộ: vừa “hai lúa”, chân chất, vừa ngọt ngào, duyên dáng, lại phóng túng, “chịu chơi”. Điều đó đã được các nhà văn tái hiện trong tác phẩm văn chương. Nhắc đến văn học miền Nam, người ta thường nhắc đến Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam và gần đây là Nguyễn Ngọc Tư. Cái tên Phi Vân của những năm 1940 dường như bị lãng quên trong một thời gian dài. Người ta không nhớ nhiều đến ông, người “được coi là một trong số không nhiều nhà văn của đồng quê Nam Bộ” [5, 615], một tác giả, dù có số lượng sáng tác khá là ít ỏi, nhưng qua những tác phẩm của mình, đã gặt hái được những thành công mới mẻ khi khai thác được phần nào khía cạnh phong tục, đời thường của nông thôn Nam Bộ.
Xét về mặt nghệ thuật thì cách sử dụng phương ngữ trong sáng tác của Phi Vân có những nét riêng đáng chú ý. Có người không thừa nhận, chưa đề cao khi Phi Vân sử dụng lối văn chân chất, ngôn từ đơn giản, thiếu chăm sóc, nhiều phương ngữ. Cách nhìn trên thiết nghĩ còn quá khắt khe. Cách sử dụng ngôn ngữ nói chung và phương ngữ nói riêng trong tác phẩm của Phi Vân thật ra có những thành công đáng ghi nhận và nhất là đã góp phần thể hiện bản sắc văn hoá Nam Bộ.
2. Nội dung chính
2.1. Tái hiện cuộc sống lao động của người dân Nam Bộ
Nội dung chính của tác phẩm Phi Vân là phản ánh bức tranh sinh hoạt về đời sống lao động, với những tập tục xã hội, phản ánh mối quan hệ giữa chủ điền, hương chức và người nông dân cùng với những mối tình quê của con người ở nông thôn Nam Bộ. Qua đó, hình ảnh của người nông dân, tá điền chốn đồng quê đã được khắc hoạ với bản tính cần cù, chăm chỉ trong lao động.
Hình ảnh người nông dân xứ Cà Mau – Bạc Liêu trong tác phẩm Phi Vân cũng là hình ảnh chung của nông dân Nam Bộ. Sống ở nơi có thiên nhiên khá thuận lợi nhưng cuộc sống của họ cũng không phải dễ dàng. Nguyên nhân là bởi họ, đa phần không có ruộng riêng để canh tác. Họ phải mướn đất và phải trả một món tiền thuê “cắt cổ” cho những ông chủ điền. Vì vậy người nông dân luôn phải làm việc cật lực. Bức tranh lao động đó được tác giả miêu tả qua khá nhiều đoạn truyện, như:
“Các anh nông phu đã sẵn sàng cày trục. Không mấy ngày, cánh đồng được nhộn nhịp, hoạt động thêm lên.
Chỗ nào đất phân, người ta lom khom hươi những đường phản nhẹ nhàng, đúng điệu, để diệt bớt một loài và gây giống cho một loài.” [4, 1131].
Cuộc sống của họ luôn gắn liền với cái “trục” để xới đất, cái “phảng” để phát cỏ. Công việc không chỉ là làm cỏ, cuốc đất, cấy mạ,… mà đến khi gặt được thì phải đạp cho rời hạt lúa, “đạp xong còn phải giê lúa hột cho sạch rồi mới bắt đầu đong cho chủ điền” [11, 167]. Không những vậy, để công việc được thuận lợi, họ còn phải đi “vần công” (đổi công, làm cho người khác không lấy tiền mà để lấy công trả lại khi làm cho mình) như anh chàng Sáu đờn kìm trong Đồng quê: “Ngày sau, tôi khởi đầu gặt vần công với con Tám Én.” [11, 140].
Chăn trâu cũng là một công việc vất vả không kém. Khi đưa trâu về, phải “tủ” chuồng trâu (phủ chuồng), “un” khói (hun, đốt cho cháy không có ngọn lửa mà chỉ có khói…)… để giữ ấm cho trâu: “Anh ra vườn cuốc đất trồng khoai, anh dẫn trâu đi ăn cỏ, anh sửa chuồng trâu cho hết dột mưa, anh ôm rơm tủ chuồng cho khô ráo và chiều tối anh ra sức quạt xào xào… un muỗi cho trâu!” [4, 1135].
Vùng đất nhiều sông rạch cũng là môi trường tạo ra những công việc lao động rất riêng như “rổi” cá, đi câu cá đồng. “Rổi” cá nghĩa là đánh bắt cá bằng hình thức đặt xuống dưới nước hai tấm que cọng dừa cặp hai bên mạn xuồng, để cho cá nhảy vào xuồng. Đó là công việc để kiếm sống của anh nông dân bị bắt oan trong vụ xử án của thầy Hương quản Năm ở đầu câu chuyện Dân quê.
Bên cạnh công việc làm ruộng, đối với vùng đất Nam Bộ, khi lúa đã bắt đầu trổ cũng là lúc cá đồng sinh sản rất nhiều và “mùa câu kéo bắt đầu” [11, 101]. Vì vậy, trong những ngày nông nhàn, anh chàng Sáu đờn kìm trong Đồng quê đã chuẩn bị câu kéo, xuồng bộng để đi câu. Để câu được nhiều cá, người câu phải đi lúc đêm khuya, hơn nữa phải nhảy xuống nước để dọn “luồng” (một khoảng trống dưới nước để thả câu): “Có những đêm trời lạnh tái môi mà phải cởi trần truồng nhảy xuống ruộng, tay đập muỗi, tay vét rong, gặp môn, nghể không từ, đụng rắn, đỉa chẳng sợ… để dọn “luồng”, nghĩa là dẹp một khoảng trống trước khi cắm câu!” [11, 102]. Ngoài ra, người nông dân phải chuẩn bị “mồi cắt” (mồi câu cá trê được cắt ra từng miếng từ thân cá sặt), “mồi chạy” (mồi được lấy từ những sinh vật còn sống) để câu được nhiều cá trê, cá lóc vốn sẵn có ở ruộng đồng: “Phải năm cơm bảy cháo mới rõ cá lóc có tật ăn “mồi chạy” bằng nhái sống, cá trê ăn bãm bằng mồi cắt và hơi ngầm.” [11, 101-102]. Hình ảnh những người nông dân trong tác phẩm của Phi Vân đều hiện lên với sự siêng năng cần mẫn. Họ làm việc hết sức để hoàn thành các công việc của mình. Có thể thấy rõ điều đó qua những nhân vật Sáu đờn kìm, Tư Bồ, của cô Tám Én làm việc “dàng trời đổ lửa” trong Đồng quê hay Giác trong Tình quê. Những tá điền của ông hội đồng Thế trong Dân quê cũng làm việc “rần rần rộ rộ” một cách hăng say: “Ông đi dài ra phía sau lẫm, chắp tay coi đám đàn bà xúm xít lại lựa cá, lớp chặt đầu, lớp đánh vảy làm mắm, rần rần rộ rộ.” [11, 81].
Qua những bức tranh lao động trên, Phi Vân đã sử dụng hàng loạt các từ ngữ chỉ công cụ lao động (“trục”, “phảng”), những hoạt động lao động (“giê”, “vần công”, “tủ”, “un”), từ chỉ tính chất của hoạt động (“rần rần rộ rộ”) và những từ ngữ liên quan đến những công việc lao động riêng đặc trưng ở Nam Bộ (“luồng”, “rổi”, “mồi cắt”, “mồi chạy”). Những từ vựng với những hình ảnh của công cụ lao động, hoạt động lao động mà Phi Vân sử dụng phản ánh những công việc đòi hỏi nhiều sức lực, đòi hỏi sự chăm chỉ, kiên nhẫn, một nắng hai sương của người nông dân. Tính từ được ông sử dụng cũng tô đậm thêm sự cần cù của họ. Những từ ngữ này vừa tái hiện được những hoạt động lao động quen thuộc của nông dân Nam Bộ lại vừa khắc hoạ được sự chăm chỉ của người dân ở thôn quê.
2.2. Khắc hoạ thân phận của người nông dân nghèo thuở xưa
Tác phẩm của Phi Vân còn phản ánh hình ảnh những người nông dân đáng thương vì bị địa chủ, hương chức bóc lột, ức hiếp. Nếu đối với những người nông dân, Phi Vân đã dành những sự yêu thương, cảm thông khi tái hiện những công việc bận rộn và sự chăm chỉ của họ, thì đối với bọn địa chủ, hương chức, tác giả lại thể hiện cái nhìn phê phán, căm ghét khi khắc hoạ hình ảnh những kẻ ăn trên ngồi trốc, độc ác và luôn tìm cách bóc lột sức lao động của người nông dân một cách trắng trợn.
Trong Đồng quê, nhân vật Sáu phải đi mướn đất của ông Chủ Nghĩa. Ông Chủ lợi dụng tình thế của người nông dân tội nghiệp không đất canh tác lại mới bỏ điền cũ để tăng lúa ruộng. Sáu đờn kìm hiểu rằng: “Bình thường lúa của ổng cũng đã nặng hơn người ta lắm rồi. Nay ổng còn tăng lên nữa thì cũng bằng làm thí công cho ổng ăn.” [11, 113], nhưng biết làm sao khi những người nông dân như anh không có tấc đất cắm dùi?
Trong Dân quê, ông hội đồng Thế còn mưu mô hiểm ác hơn khi ông có hẳn một thủ đoạn để chiếm đất của nông dân: “Ông để cho một đám dân khai phá đất ấy gần xong xuôi, ông mới vào đơn xin khẩn. Ông bảo đám người kia làm mướn cho ông, chính ông xuất tiền nuôi họ. Ông vận động thế nào mà đến khi ông đứng địa bộ hẳn hòi, đám dân mới hay là tự thưở giờ, họ làm mọi không công cho ông hương cả…” [12, 32].
Mối quan hệ giữa Giác và Hương kiểm Sơn trong Tình quê cũng phản ánh mối quan hệ giữa bọn thống trị và người nông dân ở thôn quê Nam Bộ. Giác không đi mướn đất, không làm tá điền cho ông Hương kiểm nhưng cũng bị bóc lột sức lao động dưới một hình thức hợp lí: ở rể. Giác làm việc chăm chỉ nhưng đến khi ông Hương kiểm muốn gả cô Nhạn cho một người khác, ngay lập tức ông kiếm cớ đuổi Giác đi mà không cần lí lẽ:
“Ông Hương kiểm dằn từng tiếng:
– Tôi không tin nó đau thiệt, nhưng dầu nó đau thiệt đi nữa, tôi cũng đuổi. Tôi coi bộ khó xài nó được nữa rồi. Không xài được, nuôi nó uổng cơm…” [4, 1163].
Những nông dân trong tác phẩm không chỉ ở tình trạng phải “làm mướn” (làm việc cho người khác để được trả tiền công) mà còn bị lợi dụng (“xài” như một đồ vật), bị đẩy vào tình cảnh làm không công (“thí công”, “làm mọi”). Những từ địa phương như “làm mướn”, làm “thí công”, “làm mọi”, “xài” được Phi Vân sử dụng với mục đích nhấn mạnh hình ảnh đáng thương của những người nông dân khi cuộc đời họ luôn là một vòng lẩn quẩn. Họ không bao giờ được nhận lãnh sự trả công xứng đáng với sức lao động đã bỏ ra, không thể làm chủ cuộc đời mình, không có nổi một mảnh đất riêng mà thậm chí luôn ở vào tình thế bị bọn địa chủ, hương chức ức hiếp, bóc lột. Vì vậy, với sự ranh mãnh của giai cấp thống trị ở nông thôn, cuộc sống của những người nông dân luôn nghèo đói, luôn là tay trắng dù họ luôn chăm chỉ lao động và sống nơi thiên nhiên ưu đãi.
Không chỉ sống trong cảnh nghèo túng về vật chất, đời sống tinh thần của những người nông dân dưới ách cai trị ấy hiện lên lại càng đắng cay hơn nữa. Một trong những nạn nhân được Phi Vân chú ý khắc hoạ nhất trong bức tranh nông thôn ấy là người phụ nữ. Những người phụ nữ thôn quê, đặc biệt là những người có nhan sắc vừa mắt rất dễ dàng trở thành một phương tiện giải trí cho bọn địa chủ, hương chức. Bị xúc phạm thân thể lẫn nhân cách một cách thậm tệ, vậy mà cuối cùng những người thấp cổ bé họng ấy không thể làm gì, không thể kêu ai.
Như câu chuyện trong Dân quê: “- Ba em bày mưu thiết kế phục rượu tằng khạo Lành cho thầy hương quản vô nhà lấy vợ anh ta. Không dè khạo Lành về gặp, chém bể mặt thầy hương quản như em đã thấy… Ba em dùng tiền bạc ém nhẹm vụ đó, ép khạo Lành khai cho ba anh mướn chém để cho cả nhà anh phải bị tù đày, luôn tiện ém nhẹm vụ cưỡng bức cô anh.” [12, 134]. Trong những ngày ấp tổ chức cúng Bà, lợi dụng những người tá điền đang tập trung bên những gánh hát bội đã xây chầu hoặc “đang cờ bạc thả cửa” [12, 56], “mê ăn thua bỏ nhà bỏ cửa cho vợ con” [11, 56], ông hội đồng Thế sắp xếp cho thầy hương quản cưỡng bức vợ anh tằng khạo Lành còn ông ta lại dở trò dâm ô đối với chị thợ Tám. Nạn nhân, anh tằng khạo Lành, không những không trả được mối thù mà thậm chí còn bị mua chuộc để đổ tội oan cho người nông dân lương thiện khác. Vậy mà, tất cả sự việc đều dễ dàng được “ém nhẹm” (giấu kín, không để lộ) vì chúng là những kẻ có tiền, có quyền lực. Người dân đen chỉ còn có thể ngậm đắng nuốt cay mà “chịu nhục, chống cự không được mà kêu la cũng không xong, đành cắn răng ôm hận giữa ruộng đồng” [12, 57].
Có lúc kết quả còn thê thảm hơn như sự việc đối với người mẹ của Sáu đờn kìm trong Đồng quê. Thấy mẹ của Sáu goá bụa, cô thế, ông Chủ luôn lân la đến nhà Sáu mong giở trò đồi bại. Người đàn bà ấy ngay từ đầu đã hiểu thâm ý của ông và hết sức tránh né. Nhưng rồi, khi bà Chủ phát hiện ra thì người bị trừng trị lại là người phụ nữ nông dân vô tội ấy:
“Mẹ tôi bị trói ké vào gốc cột, áo bị xé nát, tóc phủ lùm lùm xuống mặt, gục đầu ngất đi tự hồi nào.
Mẹ tôi thở thoi thóp như sắp lìa trần.
Lúc này tôi mới nhận được mặt mày của mẹ tôi đầy những cục u nần xanh xám, mình mẩy đầy vết tím bầm.” [11, 186].
Những động từ, tính từ (“trói ké”, “u nần”) miêu tả việc người phụ nữ bị đánh đập thậm tệ khiến cho kết thúc câu chuyện của Phi Vân gợi bao nỗi xót xa! Người phụ nữ ấy đã ngủ “giấc ngủ vô cùng” [11, 191] sau trận đòn oan uổng, còn con bà cũng bị ở tù năm năm, biệt xứ mười năm vì dám trả thù cho mẹ mình.
Bằng lớp từ ngữ miêu tả, Phi Vân đã khắc hoạ tình cảnh đáng thương của những người nông dân Nam Bộ với nhiều tình huống khác nhau. Họ không những bị bóc lột sức lao động đến cùng kiệt mà còn bị chèn ép, xúc phạm thậm tệ về nhân cách. Bọn địa chủ, hương chức không những ăn trắng mặc trơn mà còn bất chấp đạo lí, ngang nhiên gây ra bao tội ác. Dù không lí giải về vấn đề mâu thuẫn giai cấp, dù tiếng nói đấu tranh qua tác phẩm chưa thật sâu sắc nhưng qua việc miêu tả những chân dung điển hình đó, Phi Vân đã phản ánh được mối quan hệ cần phải thay đổi giữa địa chủ, hương chức và tầng lớp nông dân ở Nam Bộ trong giai đoạn này. Tiếng nói đấu tranh để thay đổi một chế độ bất công vì thế đã được đặt ra, gợi mở khá rõ rệt.
2.3. Phản ánh đời sống văn hoá tinh thần của người dân vùng sông nước
Những lưu dân xưa khi đặt chân đến mảnh đất này vốn đã muốn cởi bỏ những khuôn phép gò bó để sống cuộc đời tự do. Tính cách ấy bắt gặp điều kiện thiên nhiên ưu đãi, đã hình thành phong cách sống rất phóng túng những con người của thế hệ sau. Điều đó có thể thấy một phần qua những tác phẩm của Phi Vân. Tác giả đã phản ánh cuộc sống nghèo khổ, chịu nhiều áp bức và căm hờn của những người nông dân Nam Bộ. Tuy nhiên, toát lên qua những câu chuyện của ông vẫn là sức sống mãnh liệt, cuộc sống lạc quan, tâm hồn tài tử phóng khoáng của người dân lao động. Cho nên, đằng sau những hình ảnh lam lũ, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” vẫn là những con người say mê điệu hò câu hát. Đặc biệt, người nông dân Nam Bộ rất thích những câu hò, những bài ca vọng cổ.
Thật vậy, nếu miền Bắc có quan họ Bắc Ninh, Huế có những câu hò mái nhì mái đẩy thì ở Nam Bộ, những điệu hò, câu hát cải lương đã đi vào đời sống như một nhu cầu sinh hoạt tinh thần đặc thù không thể thiếu được con người ưa chuộng. Bất cứ khi nào họ cũng có thể cất lên vài câu hát hoặc dăm ba điệu hò. Vì thế, các từ ngữ vốn dành cho loại hình nghệ thuật chỉ có ở miệt ruộng vườn sông nước này xuất hiện với tần suất khá cao qua các trang truyện của Phi Vân như: “ca”, “câu”, “vọng cổ”, “mùi”, “đờn (đàn) kìm”,… Với sự xuất hiện đó, Phi Vân đã khắc hoạ được sự phổ biến của món ăn tinh thần này trong đời sống những người nông dân Nam Bộ.
Những bản vọng cổ là tiết mục không thể thiếu trong những buổi hội hè, đình đám với sự kiện trọng đại như lễ hội cúng Bà:
“Ban nhạc mới mời được tay đàn kìm sành Vọng cổ.
Cây kèn đại vốn chát chúa đã biết đưa hơi bằng giọng rè rè run run của anh Thôi Tử trong câu nhập Vọng cổ: “Giã bạn lên đàng…”. Tiếng kèn đại mà nhồi chữ “đàng” thì phải biết, nó lâm li đặc biệt!” [11, 81].
Những câu hát có thể được tự nhiên ngân nga lên một cách tự nhiên giản dị khi lao động ở đồng hoặc trên sông. Anh chàng Sáu đờn kìm trong Đồng quê đi câu lén bên điền ông Chủ Nghĩa. Thế nhưng, giữa trời nước bao la, giữa tiếng côn trùng kêu rả rích, với chất giọng mùi mẫn vốn có, anh đã quên mất công việc nguy hiểm của mình để cất giọng một cách say mê giữa đêm khuya thanh vắng: “Thả câu xong, tôi nằm trên sạp, chờ tới giác đi thăm cá. Đêm ấy không trăng. Muôn ngàn con mắt long lanh trên nền trời đen thẫm. Cánh đồng lặng ngủ trong ánh sáng mờ mờ. Gió thoảng từng hồi, từng hồi, ngọn lúa cựa mình xào xạc. Tiếng giạt sành vang lên trong im lặng xa xa. Tôi bồi hồi tưởng nhớ đâu, rồi nhẹ nhàng, rồi khoan khoái, tôi rung đùi ca…” [11, 104].
Những âm thanh da diết trữ tình ấy có thể giúp vơi đi nỗi buồn, nỗi nhọc nhằn của cuộc sống của con người nên nó cũng được ngân nga như một thói quen khi buồn hay lúc nghỉ ngơi. Trong Tình quê, Giác dù không có chất giọng trời cho như Sáu đờn kìm trong Đồng quê, nhưng khi rỗi việc, anh cũng cất giọng như để gửi gắm nỗi lòng: “Quả nhiên Giác đang nằm câu cẳng trên chảng ba, an nhàn trong bóng mát. Mắt lim dim như quên cả sự đời, anh đang khe khẽ ca bài ca vọng cổ “Nhớ bạn chung tình…” [4, 1115].
Có lẽ sông nước bao la của Nam Bộ chính là cái nôi để sinh ra bộ môn nghệ thuật này nên người ta cũng thường cất tiếng ca khi chèo ghe di chuyển trên sông. Và dường như vọng cổ chỉ đậm sắc màu Nam Bộ khi nó diễn ra trên sông nước trữ tình. Có thể thấy được hình ảnh đó trong câu chuyện miêu tả chuyến đi mà ông Xã tổ chức đưa con gái về nhà chồng:
“Bên ngoài, các anh chèo vừa nhịp mái ăn rập vừa “hò khoan” vang dậy.
Bên trong, ngồi đối diện với mấy cô áo màu xanh đỏ, thằng Năm cảm hứng lên dây Tố lan đờn một bản Vọng cổ rặt “mùi”.” [11, 8].
Tâm hồn văn nghệ không chỉ có ở những người có tài đàn hát mà nó luôn tồn tại trong máu huyết đối với những ai là người Nam Bộ. Thằng Năm với khiếu văn nghệ đã lên đàn đàn một bản “Vọng cổ” thật “mùi”, thật điệu nghệ. Đồng thời, các chàng trai khác không có tài đàn hát cũng cất tiếng hò khoan và đệm “ăn rập” (ăn nhịp đồng nhất) bằng những mái chèo đang đưa nhịp trên sông. Không khí thật vui tươi bởi tiếng đàn giọng hát!
Tâm hồn yêu văn nghệ được thể hiện qua tiếng xuýt xoa của Tám Én trong Đồng quê: “- Chèn ơi! Anh ca mùi quá!” [11, 107]. “Chèn ơi” là ngữ khí từ thể hiện tâm trạng ngạc nhiên, “mùi” là từ chỉ tính chất mùi mẫn, thấm thía, đúng điệu dành cho những lời ca cổ. Câu nói thể hiện tâm trạng đầy ngưỡng mộ và sự thích thú của Tám Én trước giọng ca rất điệu nghệ của Sáu đờn kìm. Nhờ có ngón đờn, giọng ca ấy mà anh chàng nghệ sĩ đồng quê được nhiều người yêu mến, được “các cô gái đều ngã lăn ra mà mê mệt” [10, 104] mỗi khi nghe chàng nỉ non các bài ruột như “Ác ngậm thôn Đoài” hay “Mỗi độ thu về”. Không chỉ có Tám Én yêu mến anh, cô Yến tương tư anh và cả đứa trẻ nhỏ như thằng Út, con ông thầy pháp, cũng thích nghe anh hát.
Những người nông dân Nam Bộ còn rất mê hát bội. Với điều kiện sống quá xa xôi cách trở, những lúc ghe hát đến hay những lúc làng tổ chức xây chầu là những ngày hội đối với họ. Tâm trạng háo hức, thèm được coi hát đó được Phi Vân thể hiện qua những từ ngữ miêu tả hành động: “Thế rồi chiều hôm sau, trời vừa đỏ đèn và gánh hát bộ vừa xây chầu là quanh miễu người ta bu đen nghẹt. Vài ông cựu hương chức già lọm khọm, khăn đóng áo dài chỉnh tề đến ngồi chủ toạ ở hàng ghế trước rạp. Quanh đó, đàn bà, con nít, trai gái chen lấn ồn ào.” [12, 39], hoặc là “Người nào người nấy vốn sẵn có con sâu mê hát bộ trong bụng, nghe trống đã ra tuồng, liền hối hả bước lia.” [12, 90]. Khi đêm hát được diễn, họ “bu” lại, nghĩa là tụ tập rất đông đúc và họ hối hả bước “lia”, nghĩa là bước một cách nhanh chóng để kịp giờ đi xem. Họ có thể đứng xem dưới trời mưa và chen lấn nhau đến nỗi sập giàn. Chỉ bằng vài hành động đơn giản thôi nhưng tác giả đã diễn tả thật sinh động sự háo hức say mê một cách hồn nhiên của những người nông dân đối với loại hình nghệ thuật này. Tình yêu hát bội của con người vùng sông nước được thể hiện không bằng những kiểu cách sang trọng như ở các thành phố lớn nhưng không vì thế mà kém phần nồng nhiệt. Nỗi khát khao và tình yêu của người nông dân Nam Bộ đối với món ăn tinh thần này là điều hết sức chân thực trong cuộc sống của người Nam Bộ trước kia.
Với sự xuất hiện của những từ biến âm, từ định danh kết hợp với những từ chỉ hành động, những ngữ khí từ trong việc miêu tả câu chuyện như trên, tác giả đã làm sống lại một nét đẹp trong đời sống, phác hoạ được tâm hồn tài tử đặc trưng của những người nông dân chân lấm tay bùn ở một nơi mà đời sống vật chất lẫn tinh thần vẫn còn đói kém. Không chỉ là món giải trí tinh thần, vọng cổ và hát bội còn phản ánh một nét văn hoá đặc sắc trong đời sống của người Nam Bộ xưa. Với nét đẹp độc đáo ấy, Phi Vân đã thổi được linh hồn của vùng quê đất phương Nam vào bức tranh văn hoá Việt Nam.
Bức tranh sinh hoạt của đồng quê Nam Bộ còn được tác giả tái hiện qua việc miêu tả những tập tục, tín ngưỡng. Vì thế, có nhiều người đã gọi Phi Vân là một Ngô Tất Tố phương Nam.
Đồng quê của Phi Vân là những câu chuyện nhỏ mà ông vẽ lại vài khía cạnh về phong tục tập quán, đời sống tín ngưỡng của nông thôn Nam Bộ. Có thể nói, nhắc đến Nam Bộ người ta thường nghĩ rằng đây là vùng đất ít lễ nghi, tập tục. Thật vậy, là vùng đất sinh sau đẻ muộn, những người khai phá lại là những lưu dân, nên ở đây, những tập tục truyền thống của người Việt đã được giản lược đi nhiều. Dù vậy, ở vùng đất mới ấy, người ta vẫn giữ gìn những nét đẹp trong văn hoá tổ tiên người Việt.
Một trong những tập quán trong đời sống của người Nam Bộ được tác giả ghi lại là lễ cưới. Vốn là những câu chuyện phóng sự nhỏ nên tác giả không miêu tả kĩ lưỡng những tập tục đó. Tuy nhiên, qua ngòi bút Phi Vân, một vài nét của những phong tục ở vùng đất này đã được giới thiệu đến bạn đọc.
Về trang phục, chú rể và một số nhân vật quan trọng trong đoàn nhà trai thường mặc áo dài, “khăn đóng” truyền thống và trang trọng. Về sính lễ, người Nam Bộ cũng giảm bớt đi nhiều song một trong những vật quan trọng bắt buộc vẫn phải có là nữ trang. Trong nữ trang thì không thể thiếu đôi hoa tai (“bông”) như quan niệm truyền thống của người Việt vì nó được xem như một vật đính ước quan trọng của hôn nhân. Về các thủ tục cưới hỏi, người Nam Bộ vẫn biết đến lễ “ăn trầu” (dạm hỏi) rồi mới tới lễ cưới. Tuy nhiên, trong câu chuyện của Đồng quê vì đường sá xa xôi nên họ đã gộp hai lễ làm một. Trong lễ cưới không thể không có thủ tục “lên đèn” (đốt đôi đèn sáp cao, to và đặt lên bàn thờ để chuẩn bị làm lễ) để báo cáo với tổ tiên, sau đó mới có thể rước dâu đi. Tất cả những phong tục này được Phi Vân nhắc đến trong câu chuyện của mình bằng chính cách nói của người địa phương.
“Chú rể ngày đầu còn khăn đóng áo dài…” [11, 20], “người ta hấp tấp sửa soạn. Hương Ba gò gẫm khăn đóng cho ông Cai Sót; chàng rể gài khuy cho ông Chánh Khá.” [11, 22].
“Ông Tộc trưởng nâng từ chiếc vòng, sợi dây chuyền lên nhìn, bỗng nhiên mắt ông sáng quắc lạ thường, chép miệng hỏi: – Ủa, sao lại có đôi bông nở mà không có bông búp?” [11, 27].
“- Thưa bông búp là hồi “ăn trầu uống rượu kia. Lời tục người ta nói: “Bông búp về nàng, bông nở về anh”, vì đường xa xuôi quá, chúng tôi đã yêu cầu trầu rượu cưới hỏi một lần thì chúng tôi tưởng “bông nở” không cũng đủ lễ rồi vậy…” [11, 27-28].
“- Đã trình đồ nữ trang, thì bây giờ xin lên đèn làm lễ cưới.” [11, 28].
Với số lượng không nhiều những từ ngữ miêu tả tập tục cưới hỏi của người Nam Bộ nhưng tác giả đã phản ánh được hình ảnh cuộc sống của những con người nơi tận cùng của đất nước. Qua câu chuyện của Phi Vân, điều làm ta cảm động là bên cạnh việc người Nam Bộ còn lưu giữ những hình thức phong tục rườm rà, những hủ tục cần phá bỏ thì con cháu nơi miệt xứ của những lưu dân xưa vẫn có ý thức giữ gìn đạo lí truyền thống của quê cha đất tổ đã mang vào từ thuở khai hoang mở cõi.
Trong bức tranh đời sống của người Nam Bộ bấy giờ, nạn mê tín dị đoan khá phổ biến. Điều này cũng được Phi Vân khắc hoạ qua khá nhiều câu chuyện của Đồng quê. Để chỉ đối tượng siêu nhiên, người Nam Bộ quan niệm có “bà bóng (bà đồng, bà cốt), “bà cậu” (hồn ma sống dưới nước), có hiện tượng “bà hú” (nghĩa là gặp nạn, gặp tai hoạ khi hồn ma nhập vào bà đồng bà cốt và hú (gọi) ai thì coi như người đó gặp nạn). Bên cạnh đó, họ cũng quan niệm trong đời sống có bùa phép, có đạo “cà tha” (từ mượn của tiếng Khơ-me để chỉ bùa). Bùa phép rất đáng sợ khi đã được “ếm” (bị hại bằng phép thuật của tà ma), “thư” (dùng bùa phép làm cho có vật lạ trong người, hoặc trong bụng của ai đó để tạo nên bệnh mà không rõ nguyên nhân gây bệnh):
“Mà hễ thành thì nó linh nghiệm vô cùng. Theo lời thầy tôi, nó dùng được đủ cách: Trừ tà, ếm quỷ, trị các nọc độc, giải phá bùa khác, làm mờ mắt kẻ thù, làm thương hoá ghét, làm ghét hoá thương, thù ai có thể làm chết được họ, thương ai có thể làm cho họ mê… tuỳ theo tay ấn mình bắt, tuỳ theo ý muốn mình quyết định.
Nhưng đừng ai dại đem mấy chữ bùa trên đây ra học mà xài. Thiếu ấn quyết, trấn ếm, các “bà” thù ghét, sẽ xẹt xuống bẻ cổ chết ngay!” [11, 124].
“Tôi càng nghĩ càng tức, giận mình không có con mắt tinh đời, giận mình sao không “thư” đại nó một lá bùa hôm gặt lúa.” [11, 164].
Niềm tin có tính chất mê tín ấy không những tồn tại lúc con người bệnh tật ốm đau mà nó còn ăn sâu như một điều hiển nhiên trong cuộc sống của những người dân vùng cực Nam của Tổ quốc. Trong những lúc đối thoại thường ngày, họ cũng nhắc tới đối tượng này:
“Mà cũng may, cái thằng vậy mà “bà cậu độ” được thiên hạ hoan nghinh.” [10, 48].
“- Qua khỏi ranh thì “bà hú”… ai còn sợ gì ai?” [11, 103].
Sáu của Đồng quê là nhân vật đại diện cho sự mù quáng ấy. Vì mục đích dòm ngó mẹ của Sáu nên ông Chủ điền keo kiệt cứ lân la đến nhà để thăm hỏi mẹ con anh. Ông còn cho tiền để Sáu chữa vết thương đau ở chân sau vụ bắt trộm của Hai Hoá… Thế mà Sáu cứ một mực tin rằng sự ưu ái ấy là do những câu vô nghĩa “ôm mà xơ rốp, mà ha xơ rốp…” mà anh đã luyện ngày đêm từ bấy lâu nay tạo nên. Các từ “lậm” bùa, “mám” bùa diễn tả việc người ta đã bị bùa ếm khi miêu tả dòng suy nghĩ của nhân vật Sáu về ông Chủ ranh ma đã thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối của nhân vật vào việc bùa phép có thể linh nghiệm và giúp anh ta sai khiến người khác theo ý của mình:
“Trong lúc đó, ông Chủ đã “mám” bùa của tôi nhiều thêm, cứ lân la đến nhà tôi chơi mãi.” [10, 164].
“Ông Chủ có mòi lo cho tôi lắm. Ông đã lậm bùa của tôi rồi. Hôm ấy ổng cứ nhắc nhở tôi về việc làm ăn, lại còn ăn cơm tại nhà tôi nữa.” [11, 138].
Sự cả tin không những làm cho người dân tốn kém mà có lúc còn phải trả giá bằng nhiều kết thúc đau lòng. Chỗ dựa tâm linh ấy vừa phản ánh tình trạng tối tăm dốt nát vừa thể hiện sự đáng thương của những con người vùng đất này. Con người Nam Bộ thời bấy giờ chịu thương chịu khó, song họ không được học hành, không có điều kiện để hiểu biết, cộng thêm thiên nhiên còn huyền bí, hoang sơ, nên đau lòng thay, những thế lực ấy đã trở thành niềm tin mê muội nhưng vô cùng vững chãi trong cuộc sống của con người.
Ngoài ra, có một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng tồn tại trong đời sống của người Nam Bộ. Đó là việc người dân Nam Bộ thường thờ “bà Chúa Xứ”. Xuất phát từ việc tôn sùng lực lượng siêu nhiên có thể giúp khống chế sự hoành hành của ma quỷ, phù hộ cho công việc nhà nông được mưa thuận gió hoà, ban phát phước lộc bình an nên người Nam Bộ thường thờ phụng vị thần này ở các miếu đền và hàng năm tổ chức lễ hội để bày tỏ lòng tôn kính. Tục thờ “bà Chúa Xứ” liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu (thờ Bà) của cư dân nông nghiệp người Việt. Trong thực tế, tên gọi “bà Chúa Xứ” vô cùng quen thuộc đối với những người Nam Bộ. Nếu đến vùng Tây Nam Bộ, đặc biệt ở những vùng nông thôn, rất dễ dàng bắt gặp những miễu, đền được xây dựng để thờ vị thần này.
Trong Dân quê, việc dựng miễu thờ Bà được ban hương chức hội tề ủng hộ. Không những vậy, những người dân nghèo khó nhưng sẵn sàng “kẻ ít người nhiều, kẻ công người của ra sức đốn cây mua gạch xây lên một cách miễu đồ sộ, hằng ngày hương khói” [12, 36-37], “mỗi năm thành kính thờ phượng” [12, 36] vì “Bà Chúa Xứ linh lắm” [12, 35]. “Bà Chúa Xứ trở nên một vị thần được cả ấp tôn sùng, kính cẩn” [12, 37] cho nên hàng năm ấp Bình Thạnh đều tổ chức hát cúng cho Bà. Những ngày “trống hát đã rần rần ngoài miễu bà Chúa Xứ” [12, 85] thực sự là những ngày hội của người dân ở vùng quê.
Hình ảnh đó cũng được bắt gặp trong Đồng quê:
“Muốn ăn uống? – Có quán cà-phê!
Muốn cúng kiếng? – Có Miễu Bà!” [11, 78].
Ngày nay, tập tục này vẫn còn tồn tại trong đời sống của người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Những ngày vía Bà được tổ chức ở Châu Đốc, An Giang là những ngày hội lớn mà người dân ở nhiều vùng tề tựu để thể hiện lòng kính trọng và cầu mong những điều tốt đẹp.
Trong tác phẩm của mình, với việc sử dụng phương ngữ trên trong quá trình miêu tả cuộc sống của người dân quê, Phi Vân cũng phần nào gửi gắm hình ảnh của một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng gắn liền với đời sống hàng ngày của những con người nơi tận cùng Tổ quốc.
3.
Phương ngữ Nam Bộ đã được Phi Vân vận dụng một cách đa dạng, linh hoạt trong tác phẩm của mình. Qua phương ngữ được vận dụng, người đọc nơi khác có thể hiểu hơn về vùng đất, con người Nam Bộ. Ngoài ra, thế hệ sau khi đọc tác phẩm cũng có thể hiểu được nét đẹp và đặc trưng trong cách tạo nên từ ngữ, cách phát âm mà cha ông một thời trên vùng đất vừa được khai hoang đã để lại cho lớp lớp cháu con. Mang những giá trị nhất định, nên khi thời gian lùi xa, tác phẩm Phi Vân trở thành một “đặc sản” quý giá, thú vị cho người đọc thế hệ sau. Với cách viết mang đậm phong cách “rặt ròng Nam Bộ” của ông, người đọc có điều kiện thưởng thức thứ ngôn ngữ trơn tuột như lời nói thường mà ngày nay tuy vẫn còn nhưng đã không nguyên vẹn như thuở trước. Những âm vang của ngôn ngữ, văn hoá, con người một thời quá khứ vì thế có thể lưu giữ cho đến hiện tại. Đó là nguồn nguyên liệu quý cho việc tìm hiểu đời sống và cả cách nói năng của con người thời kì đó.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Nguyễn Văn Ái (chủ biên), Từ điển phương ngữ Nam Bộ, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1994.
2. Hoàng Thị Châu, Phương ngữ học tiếng Việt, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009.
3. Trần Thị Ngọc Lang, Phương ngữ Nam Bộ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995.
4. Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên), Tinh tuyển văn học Việt Nam, giai đoạn 1900 -1945, tập 7, (quyển 2), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004.
5. Nguyễn Đăng Mạnh – Bùi Duy Tân – Nguyễn Như Ý, Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam (dùng trong nhà trường), NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2004.
6. Nguyễn Văn Nở – Nguyễn Thị Hồng Nam – Nguyễn Lâm Điền (tuyển chọn), Những vấn đề văn học, ngôn ngữ và giảng dạy ngữ văn, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2011.
7. Trịnh Sâm, Đi tìm bản sắc tiếng Việt, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2001.
8. Nguyễn Tài Thái, Nhìn lại việc dùng từ địa phương trong văn học Nam Bộ qua một số thế kỉ, Ngữ học trẻ 2001, tr. 469-474, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2001.
9. Đào Thản, Phương ngữ Nam Bộ – Tiếng nói của quê hương ở vùng cực Nam Tổ quốc, Ngôn ngữ và đời sống, (1 + 2), 2001, tr. 11-13.
TÁC PHẨM KHẢO SÁT
1. Phi Vân, Đồng quê, NXB Tiền Giang và Hậu Giang, 1987.
2. Phi Vân, Đồng quê, NXB Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 1996.
3. Phi Vân, Dân quê, NXB Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2002.