ĐÔI NÉT VỀ NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA TẾT TRUNG THU
Tết Trung thu là một trong bốn Tết lớn của người Việt Nam (Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu). Trung thu nghĩa là giữa mùa thu, Tết Trung thu như tên gọi của nó đến với chúng ta đúng vào ngày rằm (ngày 15) tháng Tám âm lịch hàng năm. Ngày tết này ở Việt Nam được xem là Tết Thiếu nhi bởi trẻ em sẽ được chăm sóc chu đáo, được tổ chức vui chơi, ca hát và được tặng nhiều đồ chơi, lồng đèn, bánh kẹo…
Tết Trung thu không biết có tự bao giờ, chưa có ai khẳng định và nói rõ về nguồn gốc của ngày lễ này. Nhiều người cho rằng đây là nét văn hóa du nhập từ Trung Quốc trong thời gian Việt Nam bị phương Bắc đô hộ, nhưng cũng có nhiều người khác cho rằng Tết Trung thu có nguồn gốc từ nền văn minh lúa nước của Việt Nam. Hiện tại, có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc ngày Tết này, trong đó có 03 truyền thuyết chính được người ta biết đến nhiều nhất, đó là truyền thuyết Hằng Nga-Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng và sự tích Chú Cuội cây đa của Việt Nam.
Hằng Nga-Hậu Nghệ:Tương truyền, vào thời xa xưa, trên bầu trời xuất hiện 10 ông mặt trời, mặt đất bị đốt nóng, cây cỏ khô héo, sông hồ khô cạn. Hậu Nghệ dùng thần lực giương nỏ thần bắn rụng chín ông mặt trời, lập nên thần công cái thế, được nhiều người tôn kính và xin theo học đạo, trong đó có Bồng Mông là một kẻ tâm tà bất chính. Ít lâu sau, Hậu Nghệ cưới được người vợ vô cùng xinh đẹp, tốt bụng tên là Hằng Nga. Hàng ngày, ngoài việc dạy học, Hậu Nghệ luôn bên cạnh vợ, mọi người đều ngưỡng mộ đôi trai tài gái sắc này. Một hôm, tình cờ gặp được Vương mẫu nương nương, Hậu Nghệ được bà ban cho thuốc Trường sinh bất tử, uống vào sẽ được bay lên trời thành tiên. Không nỡ rời xa vợ, Hậu Nghệ không uống mà đưa thuốc cho Hằng Nga cất giữ, không ngờ đã bị Bồng Mông nhìn thấy. Ba ngày sau, trong khi Hậu Nghệ dẫn học trò ra ngoài săn bắn, Bồng Mông giả vờ bệnh, xin ở lại, đã dột nhập hậu viện ép Hằng Nga đưa thuốc bất tử. Biết mình không phải là đối thủ của Bồng Mông nên Hằng Nga lấy thuốc ra và bỏ vào miệng uống, sau đó bay lên trời. Nhưng do quá thương nhớ chồng nên Hằng Nga chỉ bay đến mặt trăng là nơi gần nhân gian nhất và trở thành tiên. Mọi người hay tin Hằng Nga lên cung trăng thành tiên nữ, đã bày hương án, hoa quả dưới ánh trăng cầu xin Hằng Nga tốt bụng ban cho may mắn và bình an. Từ đó, phong tục “bái nguyệt” vào Tết Trung thu được truyền đi trong dân gian.
Vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng: Chuyện xưa kể rằng, vào đêm rằm tháng tám âm lịch, gió mát, trăng tròn thật đẹp, trong lúc dạo chơi vườn ngự uyển, vua Đường Minh Hoàng (713 – 741 Tây lịch) gặp đạo sĩ La Công Viễn (còn được gọi là Diệp Pháp Thiện). Đạo sĩ có phép tiên đưa nhà vua lên cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng. Cảnh trí nơi đây vô cùng xinh đẹp! Nhà vua mãi lo thưởng thức tiên cảnh quên cả trời gần sáng. Đạo sỉ phải nhắc, vua mới ra về nhưng lòng còn vấn vương, luyến tiếc. Về hoàng cung, vua đã cho chế ra khúc Nghê Thường Vũ Y và cứ đến đêm rằm tháng tám lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng trong khi nhà vua cùng Dương Quý Phi uống rượu dưới trăng, ngắm đoàn cung nữ múa hát để kỷ niệm lần du nguyệt điện kỳ diệu của mình. Từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc vào ngày rằm tháng tám đã trở thành phong tục dân gian.
Sự tích Chú Cuội: Ngày xưa, ở vùng nọ có một tiều phu tên Cuội. Một hôm, Cuội vào rừng và tình cờ phát hiện một cây đa quý, có thể “cải tử hoàn sinh”. Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội đã cứu sông rất nhiều người, tiếng đồn lan truyền khắp nơi, bọn xấu sinh lòng ghen ghét. Hôm nọ, lợi dụng lúc Cuội đi vắng, bọn chúng đến nhà giết vợ Cuội và mổ bụng lấy ruột vứt bỏ. Cuội về, lấy đất nắn ruột, dùng lá cây cứu sống vợ. Do bộ ruột được làm từ đất, nên vợ Cuội thay đổi tính tình, trí nhớ giảm sút. Ngày kia, khi ở nhà một mình, người vợ đã dùng nước bẩn tưới lên cây. Cây đa tự nhiên bật gốc, từ từ bay lên trời. Vừa lúc đó, Cuội về đến nhà. Thấy thế, Cuội hốt hoảng chụp lấy rễ cây để níu lại, nhưng cây vẫn cứ bay lên và kéo cả Cuội lên cung trăng. Từ đó, Cuội ở lại cung trăng với cây đa quý của mình. Nhìn lên mặt trăng vào những đêm rằm, ngưới ta thấy có một vệt đen giống hình cây cổ thụ, có người ngồi dưới gốc, người ta gọi đó là Chú Cuội ngồi gốc cây đa. Theo truyền thuyết, mổi năm cây đa chỉ rụng một lá vào đêm trăng sáng. Vì thế, vào đêm rằm tháng tám là đêm trang sáng nhất, người ta thường bày hương án, hoa quả, mắt hướng về phía mặt trăng để cầu nguyện mong nhận được phương thuốc tuyệt vời từ chiếc lá đa của chú Cuội. Từ đó, tục ngắm trăng và cúng trăng vào đêm rằm tháng tám đã trở thành phong tục của người Việt Nam.
Theo các nhà khảo cổ học, Tết Trung thu ở Việt Nam đã có từ thời xa xưa, những hình ảnh đó đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia Chùa Đọi năm 1121, từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Từ đó cho thấy, có thể Tết Trung thu được bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng của Việt Nam và vùng đồng bằng Nam Trung Hoa.
Rước đènTrung thu
Theo phong tục người Việt, cha mẹ bày cỗ cho các con mừng Trung thu, làm lồng đèn thắp bằng nến như đèn giấy xếp, đèn ông sao, đèn cá chép… để treo quanh nhà và cho các con đi rước đèn. Đầu hôm, trẻ con tụ tập rước đèn quanh thôn xóm và ca hát, nhảy múa, vui chơi, người lớn thì lo chuẩn bị mâm cỗ. Cỗ mừng Trung thu gồm bánh in hình mặt trăng, bánh trung thu, kẹo và các thứ hoa quả khác. Đến khi trăng lên đỉnh đầu là lúc phá cỗ. Mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, vừa uống trà, thưởng thức bánh, vừa ngắm trăng và chuyện trò, tâm sự. Đây là dịp để gia đình đoàn tụ, để con cái thấy và hiểu được sự chăm sóc, yêu thương của cha mẹ đối với mình và vì thế tình yêu thương gia đình ngày càng sâu đậm hơn. Cũng trong dịp này, người ta thường mua bánh trung thu, trà rượu để cúng tổ tiên và biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, họ hàng, bạn bè để tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn ông bà, cha mẹ, thầy cô và thể hiện sự yêu thương, quan tâm chăm sóc lẫn nhau.
Trung thu cũng là dịp nhàn rỗi của nghề nông. Lúc này lúa vụ mùa đã làm đòng, chỉ chờ đơm bông, mẩy hạt. Bằng kinh nghiệm theo dõi chu kỳ của thiên nhiên, người xưa trông trăng đêm Trung thu để dự đoán thời cuộc, mùa vụ: trăng màu vàng trúng mùa tơ tằm, trăng xanh lục báo hiệu thiên tai, trăng màu cam đất nước thái bình… hay “trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa”, “tỏ trăng mười bốn được tằm, đục trăng hôm rằm thì được lúa chiêm”. Nhưng dù là dấu hiệu “điềm lành” hay “điềm dữ”, thì con người vẫn luôn say đắm, đồng hành cùng trăng quanh năm suốt tháng, người cùng hòa hợp với trời đất, thiên nhiên để sinh tồn và phát triển.
Mâm cỗ cúng Trăng
Đêm Trung thu, trẻ em phá cỗ, trông trăng, mơ màng về hình bóng Chú Cuội dưới gốc cây đa nơi cung Hằng dịu dàng, kỳ ảo. Tiếng hát trong trẻo, ngân vang của trẻ con cùng ánh đèn mờ ảo của những chiếc lồng đèn hòa quyện với hương vị ngọt ngào của các loại bánh trung thu, thấm đẫm vào ánh trăng rằm vằng vặc, rong ruỗi trong làn gió nhẹ đêm thu… là thế giới kỳ ảo, muôn màu, hấp dẫn đối với trẻ thơ. Thế giới ấy không chỉ lay động, xao xuyến tâm hồn trẻ thơ mà còn quyến rũ, lôi cuốn người lớn cùng hòa vào cuộc chơi. Hình ảnh những người cha ngồi cặm cụi vót tre làm lồng đèn cho con, những người mẹ lễ mễ bưng mâm bánh, trái cây chuẩn bị bày cỗ, bên cạnh những đứa trẻ chơi trò nhảy dây, bịt mắt bắt dê chờ trăng lên… đã in sâu vào tâm hồn, là ký ức khó phai của mỗi con người Việt Nam. Và khi lớn lên, dù có làm gì, ở đâu, thì vào dịp Tết Trung thu, mỗi người cũng sẽ cố gắng sắp xếp công việc để trở về quê hương, sum họp với gia đình, được quây quần bên mâm cỗ đoàn viên, cùng uống trà, ăn bánh, ngắm trăng, trò chuyện và ôn lại những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu. Đó là những nét đẹp kinh điển, độc đáo trong nền văn hóa truyền thống của người Việt Nam./.
Quốc Quân